Lên non xây tượng Phật

Điêu khắc gia Thụy Lam. Ảnh: T.Quyên

Những bức tượng do nghệ sĩ điêu khắc Thụy Lam thực hiện đã trở thành những tượng đài hoành tráng giữa không gian, có giá trị bền vững với thời gian và ngự trị trong lòng thành kính của mọi người

Khi tượng Đức Phật Di Lặc mang khuôn mặt hiền từ, cao 30 m, nặng đến 600 tấn ngự trên đỉnh núi Cấm, cao

716 m (thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được khánh thành, hàng ngàn người đã hành hương về chiêm bái nhưng ít ai biết tác giả của tác phẩm điêu khắc ấy là một “ông già hiền lành, ốm nhom, ít nói”- nhà điêu khắc Thụy Lam.


Sống ở nơi thâm sơn cùng cốc


Trước đó, nhà điêu khắc Thụy Lam (tên thật là Phạm Dân Chủ) đã thực hiện nhiều bức tượng lớn như Phật Thích Ca Mâu Ni cao 25 m ở Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt, tượng Phật A Di Đà cao 22 m ở chùa Vĩnh Tràng (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Nhưng có thể nói tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm là công trình tốn sức nhất trong đời làm nghệ thuật của ông. Đó cũng là bức tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam (đã được xác lập kỷ lục vào năm 2006). Công trình này cũng là điểm bắt đầu cho những bức tượng lớn tiếp tục lập kỷ lục sau này của ông.


Tượng phật Di Lặc trên núi Cấm, tác phẩm của Thụy Lam. Ảnh: Tư liệu


Bức tượng Phật Bà cao nhất Việt Nam (70 m) tại chùa Linh Ứng (núi Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng đang hoàn thành. Cùng thời điểm này, ông lại tiếp tục nhận công trình Phật Mẫu Chuẩn Đề (tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á do Công ty Cổ phần Thế kỷ Sinh học đầu tư hỷ cúng) trên đỉnh núi Bà Rá (tỉnh Bình Phước).


Nhiều người nói đùa rằng những người xây tượng trên núi giống như ẩn sĩ. Suốt 3 năm ròng rã, Thụy Lam và các cộng sự của ông đã dựng lều cắm trại ngay trên đỉnh núi Cấm. Tạc tượng cũng như xây nhà, phải làm móng, giàn giáo, cực nhất là việc đưa nguyên liệu bằng đường bộ từ dưới đất lên đỉnh núi. Hàng ngàn tấn thép các cỡ và bê-tông được đưa lên tầng cao của tượng Phật bằng hệ thống ròng rọc.


Để hoàn thành công trình đúng tiến độ, mọi người phải làm việc cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa dầm đều không có mái che, buổi tối qua đêm trên đỉnh núi cũng đầy nguy hiểm: gió độc, rắn rết... Những ngày gió bão xảy ra tại bán đảo Sơn Trà, “ông già Thụy Lam” lom khom trèo lên thân tượng đã bị các anh em “bắt xuống” vì “trên này nguy hiểm lắm”.

Đã có người bị rớt khỏi giàn giáo ở độ cao hơn 60 m, may mà rớt trúng bàn tay Phật vừa thi công hoàn chỉnh. “Tạc tượng ở trên cao nguy hiểm vô cùng. Nhiều anh em cứ say sưa làm, đôi lúc thấy chưa ưng ý một vài chi tiết là cứ lùi ra xa ngắm nghía để chỉnh sửa mà quên mất mình đang đứng trên giàn giáo” – ông Thụy Lam nói.


Xin vô danh ở cõi yên bình


Ở tuổi 65, ông Thụy Lam vẫn rong ruổi với lịch trình đầy kín các chuyến đi. Hôm nay có thể thấy ông ở An Giang xem xét công trình chùa Phật Lớn chuẩn bị khánh thành trên núi Cấm, hôm sau có thể nghe tin ông đang ở Đà Nẵng, ra Huế rồi lại vòng về Bạc Liêu chỉ đạo thực hiện các công trình tượng. “Nhiều lúc cũng muốn dừng lại nhưng không dừng được, những công trình cứ kéo mình đi và khi làm thì lại đầy say mê” – ông nói.


“Tôi đã từng mong mình làm được điều gì đó thật to tát ở thời tuổi trẻ nhưng càng dấn thân với nghề, tôi càng chiêm nghiệm được nhiều chân lý sống”. Nhà điêu khắc nói nhiều về minh triết phương Đông, về sự thanh tịnh trong cõi thiền. Người tạc nên những nụ cười của Phật không màng danh lợi, ông chỉ biết dành hết tâm sức chăm chút cho mỗi tác phẩm. Thậm chí bất chợt nhớ về vài chi tiết trên thân tượng, ông cũng đốt đèn đi săm soi một mình trong đêm.


Hàng trăm bức tượng từ Bắc chí Nam, thậm chí ở nước Mỹ xa xôi đã được tạc bằng đôi bàn tay của nghệ sĩ điêu khắc Thụy Lam. Nhưng người xây những bức tượng này vẫn chọn cho mình lối sống ẩn danh. “Mình làm mình biết thôi, đó là ý nghĩa cuộc sống của riêng mình. Chỉ mong mang đến được điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời, cho mọi người là tôi đã thấy vui rồi” – ông nói.

Cơ duyên

Tạc tượng là một cơ duyên và đã trở thành sự lựa chọn suốt đời của ông. Tác phẩm đầu tiên ông thực hiện chính là tham gia tu sửa tượng mỹ nhân ngư trong một khách sạn ở TPHCM vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với tư cách một... người phụ hồ.

Bắt đầu từ công việc đơn giản nhất của nghề điêu khắc, ông mày mò tự tìm tòi, học hỏi và gieo niềm đam mê kiên định suốt thời tuổi trẻ. Bạn bè cùng thời cứ thấy “cái gã Thụy Lam” lăn lóc nơi cửa chùa, vẽ Phật, vẽ cây bồ đề rồi lại dấn thân vào thực hiện tượng Phật.

Ông cứ âm thầm làm trong cảm thức bình an, mặc thời gian trôi mải miết. Những bức tượng đã lần lượt cùng ông đi qua thời gian dù cuộc sống có bao đổi thay, thăng trầm.

Tiểu Quyên