Vòng titan Phật Quan Âm chỉ là vòng sắt

Sau khi thông tin về sản phẩm vòng tay titan Phật Quan Âm, được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông gần đây thực chất chỉ là một chiếc vòng sắt, bà Nguyễn Thị Hồng ở Cầu Giấy, Hà Nội mới tá hỏa mình bị lừa. Giá trị thực của bộ vòng đó chỉ là 4.000 đồng.

Vong titan Phat Quan Am chi la vong sat

Chiếc vòng titan bà Hồng mua cho vợ chồng con trai với giá 1 triệu đồng.

Xem tivi quảng cáo về loại vòng đeo tay và dây chuyền làm bằng titan với vô vàn tác dụng với sức khỏe của người sử dụng, bà Hồng hí hửng liên lạc theo số điện thoại hiện trên màn hình đặt mua một bộ để tặng vợ chồng con trai. Với giá 1 triệu đồng mỗi bộ, bà Hồng cho rằng cũng đáng đồng tiền khi chiếc vòng ấy có tác dụng rất lớn với người sử dụng. Bà chỉ phải trả thêm tiền công cho người giao hàng 50.000 đồng.

Theo như quảng cáo, sản phẩm có chứa 99,99% là Titan và Germanium được hãng SGS của Thụy Sỹ kiểm định và chứng nhận có tác dụng tăng khả năng lưu thông máu, chống bức xạ, chống mệt mỏi, cải thiện sức khoẻ với giá bán là 999.000 đồng một bộ sản phẩm.

Cũng giống như bà Hồng, nhiều người đọc được thông tin về tác dụng của sản phẩm rất muốn mua làm quà tặng người thân. Một thành viên có nickname cutitbeo trên diễn đàn webtretho.com viết: "Mình thấy trên info-tivi có quảng cáo bán đôi vòng Phật Quan Âm. Giá cho một đôi là hơn 900.000 đồng và được tặng một dây chuyền nữa. Mình định mua tặng bố mẹ đẻ nhưng không biết công dụng thật thế nào. Nghe họ quảng cáo thì hay lắm, tránh được nhiều bệnh, chuyện không may".

Một thành viên khác lấy nickname mecunhip bày tỏ nỗi băn khoăn: "Ngay từ hôm đầu quảng cáo, tôi cũng gọi họ hỏi rồi nhưng suy đi tính lại không mua nữa. Tôi hỏi nếu không được đúng như quảng cáo có hoàn lại được không thì họ bảo khôngg, hỏi có hàng chưa vì muốn xem thử thì người bán hàng lại bảo đặt trước tiền đã mới cho xem".

Vong titan Phat Quan Am chi la vong sat

Vòng titan được quảng cáo trên các website là chữa được nhiều bệnh.

Hầu hết các thành viên đều tỏ ra hoài nghi về chất lượng của chiếc vòng. Muốn tận mắt xem hàng trước khi quyết định, nickname lamsung cũng đã gọi mua. Thành viên này cho hay, người bán bảo mang đến nếu không lấy phải trả 60.000 đồng (gồm chi phí vận chuyển hai lượt). "Xem trên tivi thấy sản phẩm đẹp lung linh nhưng nhìn thực tế thì lại như hàng giả. Nếu tay ai nhỏ thì phải cắt bớt đi mới đeo được. Anh bán hàng bảo cẩn thận không lại cắt mất một đốt titan. Thấy không tin tưởng mấy nên tôi không mua", lamsung chia sẻ.

Theo kết quả giám định sản phẩm vòng Titan Phật Quan Âm tại Viện Khoa học mỏ luyện kim cho thấy, sản phẩm chỉ chứa 2,8% Titan; 71,31% là sắt, còn lại là các tạp chất khác, không tìm thấy nguyên tố Germanium.

Giám đốc Công ty TNHH SPECIAL TV SHOPPING, nơi phân phối sản phẩm vòng titan Phật Quan Âm là Dư Thị Minh Hồng, 22 tuổi, quê ở Mỹ Hào (Hưng Yên) thường trú ở Thái Thịnh Hà Nội, sinh viên năm thứ 3, khoa tiếng Trung, Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội. Cô đã thừa nhận tự ý đưa các nội dung quảng cáo, thông tin về tác dụng của sản phẩm không đúng với thực tế và nguồn gốc sản phẩm.

Phan Anh