Miền đất Phật giữa lòng thành phố

Ít ai biết được rằng một trong những vùng đất cuối cùng của quận 9, được tách ra từ quận Thủ Đức năm 1997 có sự hiện diện của ngôi chùa Hội Sơn cổ kính gần 200 tuổi. Dọc theo mái hiên nhà là những chiếc lồng đèn đỏ được trang trí mà khi đêm đến dưới sự thanh tịnh ấy là những điểm nhấn rực sáng. Khuôn viên chùa rộng khoảng 10ha, chia làm nhiều khu vực nhỏ: gian thờ Phật chính, hành lang và lối đi rộng rãi, tượng Phật và thác nước ngoài trời hài hòa trong một tổng thể. Để ghi nhớ những bậc tiền hiền đã có công khai phá và xây dựng nên ngôi chùa trên núi này, Hội Sơn tự còn có hẳn khu vực làm nơi chôn cất họ.

Rời Hội Sơn tự, du khách sẽ qua đò để đến với chùa Long Phước ở ấp Cù Lao cạnh đó. Chỉ mất năm phút đi đò qua miền sông nước bởi con sông Đồng Nai uốn lượn, từ trên đò có thể thấy rõ mồn một cầu Đồng Nai. Khu vực này nhiều năm qua đã được quy hoạch làm du lịch sinh thái. Chùa Phước Long, ấp Cù Lao thuộc phường Long Bình có khoảng 63 hộ. Ông Trương Văn Một - Trưởng ấp Cù Lao - cho biết thêm, đến năm 2009 toàn bộ người dân trên Cù Lao sẽ chuyển đến khu ở mới, nhường đất cho Nhà nước làm du lịch. Dĩ nhiên, chùa Long Phước vẫn tồn tại vì đó là một ngôi chùa có kiến trúc rất đẹp và lạ, được xây dựng trên những cột xi măng chịu lực, vững chãi giữa sóng nước của một vùng chuyên xói mòn đất.

Tại chùa Long Phước hiện có bức tượng Phật nằm vào loại lớn nhất cả nước, có gian cúng kiếng khang trang, thu hút rất nhiều du khách mỗi ngày. Thượng toạ trụ trì Thích Nhật Phát đã hơn 60 tuổi, Phó ban Phật giáo quận 9, đại biểu HĐND phường Long Bình, cho biết: “Tôi sinh ra ở Bình Dương, tu tại Hội Sơn tự hơn mười năm, trước khi về Long Phước tự năm 1965”.

Bốn bề là sông Đồng Nai chảy xiết, Long Phước tự nổi lên giữa cù lao như sức sống bao đời nay của người dân nơi đây. Cách trung tâm TPHCM không xa, đây sẽ là vùng đất hứa hẹn nhiều khả năng tiến xa trong ngành công nghiệp không khói, ngoài tên gọi chỉ là miền đất Phật.

NGUYỄN THẾ ĐOÀN CHUNG