Âm siêu dương thạnh

Âm siêu dương thạnh là  đề tài mà cổ đức  thường quan tâm.  Chúng ta hãy lắng lòng suy xét những cảm nhận về âm siêu dương thạnh từ đâu mà có.

Trong những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, Ngài cũng kể cho chúng ta nghe về một kiếp quá khứ xa xưa, khi Ngài làm thái tử, vua cha của Ngài đã tin dùng một vị quan cận thần, ông này khởi lòng tham, sát hại nhà vua để chiếm ngôi. Bị giết, vua ôm mối hận trong lòng, không đi đầu thai được; vì thế, vua thường hiện hình lên than khóc và thái tử đã cảm nhận được tâm trạng khổ đau của vua cha.

 

Thực tế cho thấy mối quan hệ vô hình giữa người chết và người sống, nhất là những người cùng huyết thống trong gia đình thường dễ tiếp nhận tâm sự của vong hồn người thân gửi gắm đến họ.Thật vậy, gia đình nào có người chết oan ức, vong hồn họ thường ảnh hưởng đến con cháu. Có những người đã đến thưa với tôi rằng họ nằm mộng thấy cha của họ về không có cái đầu, vì khi sanh tiền ông đã bị giặc bắt chặt đầu, hoặc trong mộng thấy người thân máu me đầy mình, vì trước đó người này đã bị máy bay bắn nát thân, hay là người chết dưới sông hiện về với hình hài ướt sủng nước, than khóc bị lạnh lẽo đói khát. Những hình ảnh của các vong hồn đau khổ như vậy chắc chắn ám ảnh người thân trong gia đình, khiến họ cảm thấy bất an và khởi niệm bất thiện, từ đó cuộc sống của họ không bao giờ được yên ổn.
Từ câu chuyện tiền thân của Đức Phật và những chuyện đời thường của người thân chúng ta, hay của những người xung quanh gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về lực tác động hỗ tương giữa vong hồn và người sống. Ngoài ra, đọc kinh Dược Sư, chúng ta cũng nghe Đức Phật nói đến chín trường hợp bị chết oan ức, gọi là cửu hoạnh, thứ nhất người bệnh không đủ thuốc thang, không người chăm sóc, bệnh không đáng chết mà phải qua đời; thứ hai những kẻ chơi bời, đam mê tửu sắc; thứ ba bị bắt, bị xử tử hình; thứ tư chết chìm; thứ năm chết cháy, thứ sáu bị ác thú, thứ bảy rơi từ trên cao, thứ tám bị khổ đau vì lầm thuốc độc. Những hoạnh hồn này không siêu thoát, không đầu thai được, nên thường hiện hồn về ám ảnh người thân, con cháu và xa hơn là vong hồn tác động những người tuy không cùng huyết thống, nhưng có đồng cảnh ngộ, đồng tâm trạng với họ. Ví dụ ta mang tâm trạng thù hận giống như người chết thì tâm thù hận của họ sẽ tác động, làm cho tâm thù hận của ta tăng thêm, khiến cho ta dám làm những việc mà bình thường mình không làm được. Chúng ta thường nói rằng đất nước ông bà tổ tiên là huyết thống của chúng ta. Từ thời lập quốc cho đến ngày nay, ông bà tổ tiên chúng ta đã phải hy sinh tính mạng để giữ gìn đất nước, để bảo vệ sự sống còn của con cháu, của đồng bào. Nếu ta có tâm trạng yêu nước, sẽ nhận được sức mạnh siêu nhiên của tổ tiên tác động thường được gọi là hồn thiêng sông núi. Khi khởi ý niệm yêu đồng bào dân tộc mình, liền nhận được tín hiệu vô hình làm cho ta có sức mạnh tinh thần đến mức độ dám hy sinh thân mạng. Tiếp nhận được sức mạnh tinh thần ấy, ta lại nhận thêm tín hiệu thứ hai là những vong hồn chưa siêu thoát muốn ta làm những việc mà họ chưa làm được, nên họ bảo vệ ta bằng cách báo mộng rằng sẽ có những tai nạn sắp xảy đến với chúng ta vào ngày giờ nào đó. Một số người thoát nạn đã tâm sự với tôi rằng do linh cảm khiến họ cảm nhận chỗ đang ở không an ổn, nên vừa bỏ đi là máy bay giặc tới thả bom, nếu không đi thì đã mất mạng rồi. Tôi nói nhờ đất nước, ông bà phò hộ, bảo vệ để người sống thực hiện được mục tiêu mà cũng là ý muốn của người chết.
Trên bước đường tu, nếu lắng lòng sẽ nhận được tín hiệu trực tiếp của ông bà, người thân đã qua đời, gián tiếp là của anh hùng liệt sĩ từ bao đời. Họ vẫn còn trong đường sinh tử, tức họ vẫn tồn tại bằng tấm lòng yêu nước, nên ta nhận được sự trợ lực của họ.
Ngoài ra, còn có một cách khác nữa để cảm nhận sự tác động của vong hồn ở thế giới âm. Ví dụ, những các đảng cô hồn lúc còn sống thường quậy phá và lúc chết, họ cũng tiếp tục quậy phá. Nếu ta cũng đồng cảm với họ, tức cũng ưa quậy phá giống như họ, thì họ sẽ tác động ta, thúc giục ta làm bậy. Thậm chí có người nói rằng họ không muốn làm việc xấu, nhưng hình như có cái gì đó thúc giục họ làm, mà không thể nào cưỡng lại được; đó chính là sự tác động xấu ác của thế lực vô hình.
Vì vậy, nếu thế lực vô hình xấu nhiều quá sẽ tác động cho thế giới hữu hình trở thành xấu theo, nghĩa là cả hai thế lực hữu hình và vô hình đồng làm cho xã hội trở nên bất an. Gặp thế lực xấu ác như vậy, chúng ta đối phó cách nào. Đức Phật cho biết trong một kiếp quá khứ xa xưa, khi hành Bồ tát đạo, người thân của Ngài đã bị sát hại và vong hồn người này đã hiện ra, thúc giục Ngài trả thù, lúc bấy giờ Ngài thừa sức hạ thủ tên sát nhân đó, nhưng Ngài đã khởi tâm từ bi để hóa giải hận thù. Và Đức Phật đã dạy rằng không nên lấy gươm giáo chống lại gươm giáo. Hãy lấy từ bi hỷ xả xóa hận thù.
Pháp phương tiện của Phật nhiều vô số, nhưng có thể gom lại, gìn giữ bốn việc là từ, bi, hỷ, xả. Từ bi hỷ xả chính là tâm Phật. Chúng ta tu bốn tâm này, tức lấy tâm Phật đặt vào tâm ta sẽ hóa giải được tâm xấu của mình, thì sự hận thù và sự tham lam ích kỷ trong lòng ta mất lần, làm cho tâm chúng ta trở thành an ổn.
Riêng tôi, trên bước đường tu, thuở nhỏ, cũng chịu ảnh hưởng truyền thống yêu nước của ông bà tổ tiên và khi đến cửa Phật, lúc ban đầu, hình ảnh ông bà của tôi bị tù đày, bị chết vẫn luôn hiện ra trong giấc ngủ tôi, thậm chí có lúc ngủ mơ tôi thấy mình bị máy bay bắn. Nhưng nhờ sống trong pháp Phật, tôi đã biết lấy nước từ bi rửa sạch tâm hận thù.
Sự hận thù của gia đình có thể nói tương đối dễ xóa bỏ bằng nước từ bi, nhưng đối trước kẻ thù nghịch xâm chiếm đất nước ta, lịch sử đã ghi rõ rằng ông cha chúng ta cũng cung cấp thuyền bè và lương thực cho họ trở về nước một cách hiền hòa. Điều này thể hiện sâu sắc tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo đã thấm nhuần trong cách sống của cha ông chúng ta.
Và nhờ nước từ bi, hay tâm từ bi hỷ xả, xóa bỏ được sự hận thù thì lực lượng vô hình không còn tác động vào tâm, nên ta không còn khổ đau, mà tâm được an, nhìn đời sáng suốt. Trong bốn pháp từ bi hỷ xả, tôi chọn pháp xả để thực hành trước. Việc gì xong là tôi bỏ qua; với những gì chưa xong, không thể bỏ qua. Đừng hiểu lầm cái gì cũng bỏ, trong khi chúng ta vẫn còn sống trên cuộc đời này thì bỏ hết tất cả, cuộc sống chúng ta sẽ trở thành vô ích, vô nghĩa và thậm chí vứt bỏ tất cả thì làm sao mà sống.
Tại sao ta bỏ qua việc  hận thù? Vì ta giữ nó  thì chỉ càng thêm  phiền thêm khổ cho mình, chứ có làm được gì. Sự thù hận giữ trong lòng rất nguy hiểm cho chính mình. Không nên nghĩ đến những gì đã qua để xóa bỏ quá khứ không tốt đẹp trong tâm mình, đó là kinh nghiệm hành đạo của riêng tôi, việc gì qua rồi, không nhắc lại nữa. Đức Phật đã dạy trong kinh Bát Đại Nhân Giác rằng “Càng thương những kẻ ác nhân. Quên điều lỗi cũ thương phần khổ đau”. Trong quá khứ, họ hại mình, nhưng hiện tại không hại được thì chúng ta nhớ làm gì. Trong cuộc sống, mình đi lên tốt đẹp, còn họ rớt xuống khổ nạn, ta nên lấy từ bi xóa hận thù; chẳng những mình không trả thù, không hại lại họ, mà còn chuyển hóa mối hận thù cũ thành mối thiện duyên mới.
Đầu tiên, chúng ta tu xả tâm để xóa bỏ những việc quá khứ và tiến thêm một bước nữa, những việc hiện tại chúng ta cũng xả. Tuy nhiên, hiện tại xả được nhờ Phật hộ niệm, chúng ta có trí tuệ để thấy rõ việc gì đáng làm, việc gì đáng bỏ, không phải bỏ hết. Việc đáng bỏ thì không lưu giữ cho lòng chúng ta được nhẹ nhàng. Tôi gặp nhiều chuyện phiền toái, nghe nói đủ cách, nhưng không quan tâm vì nhờ trí tuệ Phật soi rọi, thấy rõ họ không hại được mình, bận tâm làm gì. Nhưng nếu nhắm mắt bỏ hết thì coi chừng mất mạng. Phải  có Phật huệ soi rọi, biết rõ họ làm trong tầm tay chúng ta, nên cho họ làm và chúng ta xả. Đức Như Lai bảo Tề Thiên nếu nhảy được ra khỏi bàn tay của Ngài thì sẽ bảo Ngọc Hoàng giao cho ngôi vị cai quản muôn loài. Chúng ta xả cũng vậy, ta tha thứ họ, cho họ làm, bao dung họ trong vòng tay từ bi của ta, để tăng trưởng tâm từ bi của ta và để xóa bỏ hận thù, thì chúng ta sanh hỷ tâm. Nghĩa là chấp nhận được việt tốt của người, tuy không bằng mình, nhưng họ cũng tiến lên được. Theo kinh nghiệm riêng tôi, nếu tôi làm sẽ được kết quả 100%, giao cho người khác làm dù chỉ được 50%, tôi vẫn chấp nhận cho họ làm; đó là sự tùy hỷ; vì nếu tôi làm hết thì chỉ làm được một việc, không thể làm được tất cả. Mỗi thầy làm được 50%, nhiều thầy làm, cộng lại, tôi được 200%, 300%, 400% v.v… Vì vậy, nên chấp nhận việc của người, thấy người làm được, ta vui mừng. Chúng ta mở đạo tràng ở đây có cả ngàn người tu, đạo tràng nơi khác nhỏ, chỉ vài chục người tu, ta cũng tùy hỷ, giúp đỡ họ, nếu có điều kiện, như thế là phát triển được đạo pháp một cách rộng rãi, khác với tâm chúng sinh ganh tỵ thù hiềm. Dùng tâm từ bi hỷ xả xóa bỏ tâm ganh tỵ là tâm chỉ muốn mình được, đối với sự thành công của người khác thì mình khó chịu.
Chúng ta mở rộng tâm từ bi, sanh được tâm tùy hỷ, nhìn từng người từng việc đều tốt, nên tâm ta trở thành trăm hoa đua nở. Đó là tinh thần kinh Hoa Nghiêm gọi là chúng hoa, khác với kinh Pháp Hoa chỉ thuần có hoa sen. Chúng hoa hay tất cả các loài hoa đều xinh  đẹp, vì mỗi loài hoa đều có nét đẹp riêng, có hương thơm riêng. Quan sát như vậy, tâm ta mở rộng, ta đưa tâm chúng sinh vào tâm từ bi của mình và ta tùy hỷ với mọi người, mọi loài, thấy tất cả muôn người muôn loài đều có đặc sắc riêng, đều nở hoa, tạo thành một vườn hoa dễ thương trong tâm ta. Kinh Hoa Nghiêm diễn tả ý này rằng tất cả chúng sinh đều là Phật, nghĩa là tất cả đều tốt. Trên bước đường tu, thực sự thể hiện được cốt tủy này theo kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nhận thấy người nào cũng có điểm tốt, điểm đáng mến và ta quan hệ với cái tốt của họ, chắc chắn họ sẽ có thiện cảm với ta.
Tạo vườn hoa trong tâm mình và tạo vườn hoa trong xã hội; đó chính là nét đẹp của Phật giáo trong việc xây dựng mô hình Tịnh độ trên cõi nhân gian này cũng như trong khắp mười phương. Ươm tạo vườn hoa trong tâm chúng ta thì người thương ta, họ chạm phải tâm từ bi hỷ xả của chúng ta, họ càng thương quý ta hơn. Còn người tìm đến chúng ta để kích động ý thức hận thù, họ cũng sẽ được năng lực từ bi hỷ xả của chúng ta chuyển hóa, làm dập tắt lửa hận thù trong họ. Giặc phiền não trong ta tới Bồ đề là tới tâm từ bi hỷ xả thì phiền não này tan và giặc bên ngoài cũng tan theo, vì mất sự tác động của giặc phiền não bên trong.
Có thể khẳng định rằng nếu chúng ta giữ được tâm từ bi hỷ xả theo Phật thì ông bà tổ tiên chúng ta nếu còn buồn phiền khổ đau, sẽ chạm phải tâm từ bi hỷ xả của ta, lòng hận thù của họ cũng lắng xuống, họ bắt đầu nghĩ đến Phật, chắc chắn họ siêu thoát nhanh hơn chúng ta. Thật vậy, vì chúng ta còn thân tứ đại, nên dù ngộ Phật pháp, vẫn bị thân tứ đại hành hạ, bị ăn uống, ngủ nghỉ, bệnh hoạn tác hại thân tâm; vì thế, hôm nay chúng ta tu thanh tịnh, nhưng ngày mai, đụng việc, bị tác động, chúng ta lại phiền não. Còn vong linh của ông bà tổ tiên chúng ta mà tỏ ngộ Phật pháp là siêu thoát liền, vì họ không có thân vật chất, nhưng nhờ tâm trong sáng của chúng ta tác động họ, tâm họ liền sáng và nương theo sự trong sáng đó mà họ về thế giới Phật, được siêu thoát. Thực tế đã chứng minh điều này, có những người chết oan ức, không đầu thai được, hồn của họ nhập vào người cháu, làm cho người cháu trở thành điên. Người nhà dắt người cháu này đến tôi, tôi dùng tâm từ bi khuyên người chết hận thù, họ cảm nhận được và nói rằng bây giờ con nghe lời thầy, sống với Phật pháp và họ đã được siêu thoát; từ đó người sống không còn bị ám ảnh tâm trí, trở thành bình thường. Nếu vong linh ở thế giới âm không siêu thoát, sẽ ám ảnh những người sống, khiến cho họ luôn buồn bực khổ đau, cuộc sống thành bất an.
Tóm lại, thực tập đúng pháp Phật, tâm chúng ta an lạc, người thân hiện tiền sống cạnh  mình tất nhiên được an lạc và người thân đã qua đời tiếp cận chúng ta qua tâm cũng sẽ an lạc theo. Nếu tâm chúng ta bất an sẽ tạo sự bất an cho những người thân cận hiện hữu lẫn người ở thế giới vô hình. Và ngược lại, những người ở thế giới âm bị khổ đau cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Có thể nói người sống và người chết bất an chịu sự tác động hỗ tương lẫn nhau làm cho gia đình bất an, xã hội bất an.
Bước theo dấu chân Phật, nỗ lực tu hành, thể hiện tâm Phật trong cuộc sống của chúng ta chính là xây dựng một gia đình hạnh phúc, góp phần tạo dựng xã hội phát triển tốt đẹp, đồng thời ảnh hưởng đến những người chết oan ức được tưới mát bằng tâm từ bi hỷ xả, khiến họ cũng được an lạc, siêu thoát. Âm siêu dương thạnh là như thế.

 

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 31 tại chùa Phổ Quang ngày 29-6-2008)

HT Thích Trí Quảng