Chùa Mía và các pho tượng tuyệt mỹ

Đường Lâm là một xã văn hóa tỏa sáng của xứ Đoài, là đất hai vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền), là quê hương của thám hoa, nhà ngoại giao Giang Văn Minh. Làng cổ ở Đường Lâm cũng đã được công nhận là di tích làng cổ đầu tiên ở nước ta. Nhưng Đường Lâm còn tự hào về một ngôi chùa cổ với các pho tượng có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, từ năm 1964.

Từ xưa người Đường Lâm đã có câu ca: “Nổi danh chùa Mía làng ta/Có pho Tống tử Phật bà Quan âm”. Nằm trong nơi thâm nghiêm, thanh tịnh, một làng quê vẫn còn nguyên vẹn nét xưa, chùa Mía còn có tên là Sùng Nghiêm tự, ở làng Đông Sàng (làng Mía), xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ngôi chùa được xây dựng vào năm Đức Long thứ tư (1632), do một người làng là bà Nguyễn Thị Giao (còn gọi là bà chúa Mía), vợ Chúa Trịnh Tráng (1623-1657) đứng ra hưng cống. Nằm trên một ngọn đồi đá o­ng, có quy mô lớn, chùa chia ra ba khu riêng biệt. Ngoài cùng là gác chuông, tiếp đến là sân, ở bên góc phải có một cây đa cổ thụ vài trăm năm tuổi. Qua một cổng gạch, du khách vào khu thứ hai là nhà tổ và trai phòng. Tiếp đến là chùa chính, gồm nhà bái đường có một bia đá dựng vào năm xây chùa, đặt trên một con rùa khá đồ sộ. Văn bia này ghi lại sự tích bà chúa Mía tổ chức xây chùa. Đây là một trong số rất ít tấm bia to và đẹp còn lại tới nay.

Chùa Hạ và chùa Trong nối với nhau bằng hai dãy hành làng dài bao quanh nhà Thượng điện làm theo kiểu chuôi vồ. Giống như ở chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), trong chùa chỗ nào làm bằng gỗ đều được chạm trổ. Tòa gác chuông làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Trên gác treo một chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ tư (1743) và một khánh đồng đúc năm 1846.

Trong chùa có đến 287 pho tượng Phật lớn nhỏ. Khoảng một nửa làm bằng gỗ, một nửa làm bằng đất, luyện giấy, sơn son thếp vàng. Nhiều pho tượng có thể coi là tác phẩm tuyệt mỹ của nghệ thuật tạc tượng nước ta thời xưa. Nổi tiếng nhất là bộ tám pho tượng gọi là Bát bộ Kim Cương bằng đất luyện ở tòa thượng điện. Tám vị này có vai trò hộ trì Phật pháp. Các vị đều có dáng của tướng võ, trang nghiêm, oai phong lẫm liệt trong tư thế chuẩn bị chiến đấu hoặc đang chiến đấu. Nếu như các pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương đã diễn tả thành công nội tâm con người trong thời đại cũ thì cũng có thể coi Bát bộ Kim Cương ở chúa Mía là những điển hình của nghệ thuật miêu tả ngoại hình, dung mạo những chiến sỹ dũng mãnh thời phong kiến. Ở hai dãy hành lang cũng có các pho tượng có giá trị như pho Tuyết Sơn. Dựa theo các tích chuyện kể về cuộc đời và sự nghiệp của Thích Ca Mâu Ni, ở Việt Nam người ta thường tạc bốn pho tượng tượng trưng cho bốn tư thế của ngài: Tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh), tượng Tuyết Sơn (Thích Ca khi đang khổ hạnh ở núi tuyết), tượng thuyết pháp (Thích Ca lúc đang ngồi giảng giải về đạo pháp) và tượng Niết bàn (Thích Ca khi tu hành đã đắc đạo). Pho tượng Tuyết Sơn ở chùa Mía tuy không lớn nhưng nghệ thuật điêu khắc cũng khá hoàn mỹ. Đó là hình dáng một người gầy gò, gầy đến mức tất cả các phần xương cốt đều bày rõ ra. Đặc biệt tượng còn có diễn tả được cả cái “thần sắc” của một con người đang vận dụng sức mạnh để suy nghĩ.

Một tuyệt tác nữa ở chùa là pho tượng Quân Âm tống tử, thường gọi là tượng bà Thị Kính. Tượng này diễn tả một phụ nữ thùy mị, vẻ mặt hơi buồn, ẵm một đứa bé bụ bẫm, kháu khỉnh. Đường nét chạm khắc mềm mại, trau chuốt, thoải mái về dáng điệu, sinh động về tinh thần. Cạnh tượng có con vẹt ngồi trên núi đá. Người đời sau đưa ra giải thích rằng đứa con thơ ấy là con của Thị Mầu hoang thai vu oan cho tiểu Kính Tâm và con vẹt là kiếp sau của Thiện Sỹ.

 

Thu Hoa