PHẬT GIÁO TRÚC LÂM ĐÂU CHỈ CÓ THIỀN HỌC?

Tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm là tư tưởng Thiền học thống lĩnh các lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội Đại Việt, trở thành một Thiền phái đặc thù của dân tộc. Nhưng nếu chỉ có Thiền học thì Phật giáo Trúc Lâm không thể thấm nhuần đến mọi tầng lớp xã hội và phổ cập đại chúng để tồn tại dài lâu cho đến ngày nay. Bài tham luận này nêu một số suy nghĩ về những pháp môn khác ngoài thiền học mà Phật giáo Trúc Lâm triển khai phối hợp với thiền, nhờ vậy đã đạt đến những thành tựu đỉnh cao, đóng góp xuất sắc cho Phật pháp và dân tộc.

A. PHẬT GIÁO TRÚC LÂM ĐÂU CHỈ CÓ THIỀN HỌC?

Nói đến Phật giáo Trúc Lâm, là nói đến sự rực rỡ của thiền học Trúc Lâm. Nhưng Phật giáo Trúc Lâm đâu chỉ có thiền Điểm độc đáo của dòng phái này là tông chỉ Tam Pháp Ấn: Thiền – Tịnh – Mật. Chính sự kết hợp mang tính toàn diện này đã làm Phật giáo Trúc Lâm tồn tại dài lâu với dân tộc do thâm nhập được vào đời sống của các tầng lớp xã hội, từ trí thức cho tới người ít học, từ hoàng tộc, quan lại cho tới dân thường.

1. Phật giáo Trúc lâm và pháp môn Tịnh Độ

Vấn đề niệm Phật đã được Trần Thái Tông và Tuệ Trung đề cập tới. Đối với cả hai người, niệm Phật cũng như ngồi thiền, có mụch đích gạn lọc tâm ý và thể hiện pháp thân. Thái Tông có nói đến việc “sinh về nước Phật”, trong đoạn văn sau:

“Đối với bậc hạ trí, miệng phải chuyên niệm lời Phật, tâm phải mong thấy tướng Phật, thân phải nguyện sinh nước Phật, ngày đêm siêng năng tu hành không thoái chuyển, sau khi mạng chung sẽ tuỳ thiện niệm của mình mà được sinh về nước Phật, sau đó được nghe chính pháp do chứ Phật giảng dạy mà chứng được quả Bồ đề, cũng đạt tới địa vị Phật…”[1]

Thái Tông hai lần nói tới việc “mượn đến phương pháp niệm Phật” cho ta thấy vua xem niệm Phật cũng là một phương tiện Thiền định, bởi niệm Phật là gạn lọc tâm ý, diệt trừ ác nghiệp, phá trừ những chướng ngại tâm lý để làm hiển lộ bản tính mà cũng là Phật tính.

Bài thơ của Tuệ Trung về Tinh độ cũng cho biết ông xem đức Phật A Di Đà là tự tâm của mọi người, là pháp thân có mặt khắp nơi như ánh trăng có trên mọi sóng nước của đại dương vào một đêm thu lạnh:

"Tâm nội Di Đà tử mạ khu

Đông tây nam bắc pháp thân chu

Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt

Sát hải trùng trùng dạ mạn thu".

Việt dịch:

Di Đà vốn thực pháp thân ta

Nam bắc đông tây khắp chói loà

Trăng thu ngự giữa trời cao rộng

Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa. [2]

Qua đến Nhân Tông sau khi giao ngôi vua cho Anh Tông, ngài xuất gia theo Phật lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà, vân du khắp nơi trong dân gian để tìm hiểu dân tình và cổ suý Phật pháp. Theo Thánh Đăng Ngữ Lục chép lại, năm Giáp Thìn 1294, Thượng Hoàng “đai khắp xóm làng để giáo hoá và trừ bỏ các việc thờ cúng bậy, dạy cho thực hành mười điều thiện” [3]. Ngoài hướng dẫn nhân dân hành Thập Thiện, chắc chắn Ngài khuyến trợ hành trì niệm Phật, cũng là tha lực chính đạo ắt được vãng sinh về nước Phật, như thế mới có hiệu quả thay thế cho tha lực tà đạo của các miếu thờ tà bậy được phá bỏ.

Trong giới xuất gia, ở những buổi nhóm chúng vào thời Trúc Lâm, tăng sĩ cũng đã áp dụng phương pháp niệm Phật tập thể. Sách Thiền Đạo Yếu Học có ghi lại cuộc vấn đáp của Trúc Lâm với vài vị tăng trong khi đại chúng đang thực hành phương pháp niệm Phật trên chính điện [4]. Đến nay, phương pháp niệm Phật tập thể này vẫn được các sơn môn miền Bắc duy trì trong thời khoá hằng ngày.

Chứng cứ pháp môn Tịnh Độ thịnh hành ở đời sau Trúc Lâm còn rõ nét hơn, qua việc vua Anh Tông nhân ngày lên làm Thái thượng hoàng đã cho đúc tượng đồng ba vị Phật Di Đà, Thích Ca và Di Lặc, mỗi tượng cao 17 thước ta [5]. “A Di Đà Phật” trở thành câu chào hỏi phổ biến của hầu hết Phật tử miền Bắc, hậu duệ đích tôn của Phật giáo Trúc Lâm xa xưa. Tại sao chúng ta không cảm nhận được cái quốc hồn quốc tuý này là một trong những thành tố truyền thống của Phật giáo Trúc Lâm, bởi tinh thần của Trúc Lâm bị mai một bởi giặc xâm lăng và thiếu vắng người kế thừa, pháp môn niệm Phật vẫn tồn tịa xuyên suốt, đảm nhận trọng trách lưu giữ di sản tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm xưa, làm mạng mạch duy trì, phục hưng Phật giáo Trúc Lâm cho đến ngày nay và mãi mãi.

2. Mật giáo đi vào Phật giáo Trúc Lâm

Sau thời kỳ phát triển rực rỡ, thiền học của các vua đầu nhà Trần dần dần lắng xuống. Kể từ đầu thế kỷ XIV, để củng cố và phổ biến Phật giáo Trúc Lâm, các vua và thiền sư đời sau có xu hướng đưa thêm Mật giáo vốn đã rất thịnh từ thời Lý vào hệ thống học thuyết Trúc Lâm. Mật giáo được phát triển trở lại từ thời Anh Tông và Pháp Loa, nổi bật trong xu hướng này là thiền sư Huyền Quang.

Năm 1318, vua Anh Tông xuống chiếu đi tìm vị tăng sĩ Ấn Độ tên là Ban Đế Đa Ô Sa Thất Lợi về dịch một cuốn kinh Mật giáo tên là Bạch Tán Thần Chú. Pháp Loa để tâm rất nhiều vào việc trì chú, như trong Tam Tổ Thực Lục nói “Sư thường ngày đêm trì chú lễ Phật”. Ông cũng có phân tích một kinh văn có khuynh hướng Mật giáo gọi là Kim Cương Trường Đà Là Ni Khoa Chú. Vua Anh Tông, Văn Huệ Vương, Uy Vệ Vương và người khác đã được thiền sư Pháp Loa làm lễ quán đỉnh, một nghi thức của Mật giáo.

Ảnh hưởng Mật giáo thời Trúc Lâm không hẳn trực tiếp từ Lạt Ma giáo Tây Tạng, dù rằng thời này đã có nhiều Tăng sĩ Ấn Độ như Bồ Đề Thất Lỵ và Tây tang như Du Chi Bà Lam đến sinh sống và truyền giáo tại Việt Nam. Mật giáo thời Trúc Lâm là sự đan xen của tam pháp ấn Thiền – Tịnh – Mật trong phương pháp hành trì, tương tự phương pháp của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ ở Trung Hoa, trì chú đồng thời với phương pháp niệm Phật và toạ thiền. Còn Mật giáo Tây Tạng thì trực tiếp trì chú làm công năng hành trì chính. Từ thế kỷ XIV trở đi, trong thiền môn đã sử dụng các thần chú Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Đại Bi Tâm Đà La Ni và mười bài thần chú ngắn được đưa vào trong thời khoá tụng niệm buổi sáng, áp dụng trong thiền môn cho tới ngày nay. Truyện Tổ Gia Thực Lục có nói tới buổi tụng kinh của Huyền Quang và đại chúng vào canh ba. Đây chắc chắn là một trong các thời khoá tụng niệm, trong đó yếu tố Tịnh độ và Mật giáo đã trở thành quan trọng [6].

Thiền sư Huyền Quang là người chế tạo ra đài Cửu Phẩm Liên Hoa ở chùa Tư Phúc – Côn Sơn, chùa Ninh Phúc – Bắc Ninh (tức chùa Bút Tháp). Toà Cửu Phẩm này là một cái tháp có thể xoay vòng trong khi niệm Phật và trì chú. Tháp xoay có chín tầng và tám mặt. Mỗi mặt của tầng dưới chạm nổi hình ảnh sự tích Phật, trong đó có hình Cực Lạc Thế Giới và Đức Phật A Di Đà. Ngày nay ta còn thấy các toà Cửu Phẩm này còn ở chùa Cửu Phẩm – Hải Dương, trú xứ của thiền sư Chân Nguyên (1647 – 1726), một hậu duệ của thiền phái Trúc Lâm [7]. Vậy thì không chỉ có thiền sư Huyền Quang làm toà Cửu Phẩm, mà các thế hệ tăng sĩ thiền sư đời sau đã vẫn tiếp nối truyền thống tu học này. Hình ảnh chiếc tháp xoay là minh chứng cho ảnh hưởng Mật giáo Tây Tạng đã truyền đến và được dung nạp vào hệ thống Phật giáo Trúc Lâm.

Một khía cạnh khác của sự thực hành Mật giáo cũng trở thành phổ biến và quan trọng trong Phật giáo đời Trần: đó là việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “Diệm Khẩu Phổ Thí Pháp Hội”, có nghĩa là những đại hội về Phật pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói. Phép tổ chức đàn chay này, theo Đại Việc Sử Ký Toàn Thư được du nhập vào Đại Việt từ năm 1320. Thiền sư Pháp Loa tổ chức trai đàn chẩn tế tại chùa Phổ Ninh trong cung để cầu cho Thượng hoàng Anh Tông sống lâu thêm, và cũng trong dịp đó cũng làm lễ quán đảnh cho thượng hoàng [8]. Ngày nay, trong thời khoá tụng buổi chiều của các chùa, đều có nghi thức Mông Sơn Thí Thực Văn, đó là những nghi thức mang ảnh hưởng Mật Giáo phổ biến.

B. NHỮNG GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU

Sự hợp nhất các thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, VÔ Ngôn Thông và Thảo Đường quy về một mối Phật giáo Trúc Lâm, là cách dụng công đồng hành của các thie62ns ư nhà Trần, trong công cuộc giữ nước bảo vệ độc lập dân tộc bằng hành động nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam. Ngoài tư tưởng thiền học sáng chói, Phật giáo Trúc Lâm còn có những giá trị khác để trở thành linh hồn của Phật giáo Việt Nam mà ai cũng tự hào mình là con cháu của Trúc Lâm tổ sư.

1. Giá trị dung hợp vô ngại Phật giáo thời Trần mạnh mẽ và lan toả rộng rãi nhờ sự hỗ trợ và cổ suý của triều đình, bắt nguồn từ các vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông đều rất giỏi về Phật học. Trong đó, thời đại Nhân Tông là thời đại mà Phật giáo hưng thịnh đến cực độ. Họ nhiệt tâm ủng hộ Phật giáo chính vì họ là Phật tử, mặt khác cũng là để liên kết nhân tâm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong thời Trần, tinh thần sung hợp và tự do là chủ yếu. Không bao giờ có chuyện chống đối và chỉ trích Nho giáo cùng Lão giáo. Mặc dù là hệ tư tưởng chủ đạo, nhưng Phật giáo đã để cho Nho giáo và Lão giáo tự do phát triển. Chính những Phật tử thuần tah2nh nhất như thái Tông và Thánh Tông đã mở rộng Nho giáo. Năm 1253, Thái Tông lập Quốc Học Viện ở kinh đo và tạc tượng Chu Văn An, Khổng Tử, Mạnh Tử cùng vẽ tranh 72 vị tiền hiền để thờ cúng. Thánh Tông còn cho hoàng đệ là Trần Ích Tắc mở trường dạy Nho học. Tổ chức các khoa thi năm 1232, 1247 để kén chọn nhân tài. Triều đình đãi ngộ nhân tài và sĩ phu rất kính cẩn cho nên người giỏi xuất hiện rất nhiều và sự học hỏi phát triển rất rộng. Lê Quý Đôn đã nhận xét trong Kiến Văn Tiểu Lục: “Bởi vì nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hoà vị mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm quang vinh cả sử sách, không thẹn với trời đất, há phải đời sau kịp được đâu” [9].

2. Giá trị tích cực của từ bi nhập thế

Tinh thần từ bi và khoan dung của đạo Phật không phải là đồng hành với nghĩa tiêu cực và quên lãng thế sự. Điều này có thể minh chứng qua Hội Nghị Diên Hồng do Trần Nhân Tông triệu tập đã nói lên được sự đồng tâm nhất trí của vua dân thời ấy. Quyết nghị đồng thanh “đánh” là tiếng nói của ý thức tự chủ và tinh thần tự cường tự lực của dân tộc Việt. Đó cũng là thể hiện tính thống nhất trên dưới một lòng của Phật giáo nhập thế đời Trần.

Năm 1362, vua Minh Tông ngự ở phủ Thiên Trường, ra cáo thị hễ trong nhân dân ai có đói và bệnh thì có thể đến đấy để xin hai viên thuốc Hồng Ngọc Sương do triều đình chế tạo với hai quan tiền và hai thăng gạo. Những năm mất mùa, nhiều người mắc bệnh, triều đình hay khuyến cáo những nhà giàu dâng thóc gạo để triều đình phát chẩn cho dân nghèo, và ban tước phẩm cho những nhà giàu dâng thóc gạo.

Việc làm của những vị vua nhà Trần tuy đều sử dụng tiềm lực Phật giáo làm chính trị để liên kết nhân tâm, nhưng không vì vậy mà giả danh là Phật tử. Họ là những Phật tử chân chính và đều có ý nguyện phụng sự đạo Phật song song với việc phụng sự quốc gia và triều đại của họ.

C. ĐÚC KẾT QUAN ĐIỂM

Phật giáo đời Trần đã là một yếu tố liên kết nhân tâm quan trọng. Tinh thần Phật giáo đã khiến cho các nhà lãnh áp dụng những chính sách bình dị, thân dân và dân chủ. Chính Nhân Tông đã sử dụng được tiềm năng của Phật giáo để phục vụ cho chính trị quốc gia khiến cho Phật giáo Trúc Lâm trở nên một lực lượng tôn giáo hùng mạnh yểm trơ cho triều đại.

Bởi thế, để củng cố triều đại và phù hợp lòng dân, tông chỉ tam pháp ấn Thiền – Tịnh – Mật được phổ cập hoá trong giới tăng lữ để dẫn dắt các tầng lớp nhân dân dễ dàng trong việc hành trì các phương pháp phổ biến, chứ không chỉ có tư tưởng thiền học cao siêu ở tầng lớp tăng sĩ và trí thức vương tôn mới hội đủ yếu tố tham học được.

Dựa trên tính chất đặc thù của Phật giáo Trúc Lâm như đã phân tích trên đây, chúng tôi thiết nghĩ các nhà hoạc định phát triển Phật giáo Trúc Lâm nên để tâm vào các giá trị khác ngoài thiền học vốn đã tồn taị vững bền trong lòng người dân và Phật tử miền Bắc rất lâu đời. Đây mới chính là nét văn hoá riêng, là phong tục lễ hội tín ngưỡng đặc thù của nước nhà, song hành cùng nền tín ngưỡng bản địa truyền thống mà không hề chống trái, gây trở ngại cho nhau. Chỉ khi nào, mọi ứng dụng cốt lõi của những giá trị khác ngoài thiền học của Phật giáo Trúc Lâm được đưa vào phát triển hài hoà trong thực tiễn ngay trên vùng đất lịch sử Quảng Ninh, với các di chỉ Phật giáo Trúc Lâm ở Yên Tử - Quỳnh Lâm – Mạo Khê – Côn Sơn… thì khi ấy cái nhìn đúng và toàn diện về Phật giáo Trúc Lâm phổ cập mới thật sự phát huy tính năng. Và cũng chỉ đến khi ấy, du khách khi tìm về du khảo, chiêm bái vùng đất địa linh này mới cảm nhận cái hồn của Phật giáo Trúc Lâm.

CHÚ THÍCH:

1. PGVN Sử Luận. Nguyễn Lang, tập I, tr. 489.

2. PGVN Sử Luận. Nguyễn Lang, tập I, tr. 489.

3. Toàn tập Trần Nhân Tông. Lê Mạnh Thát, tr. 200.

4. PGVN Sử Luận. Nguyễn Lang, tập I, tr. 491.

5. PGVN Sử Luận. Nguyễn Lang, tập I, tr. 407.

6. PGVN Sử Luận. Nguyễn Lang, tập I, tr. 494.

7. Thiền và Tịnh độ trong mạch sống dân tộc. Ta Bà Ha. 1995.

8. PGVN Sử Luận. Nguyễn Lang, tập I, tr. 495.

9. PGVN Sử Luận. Nguyễn Lang, tập I, tr. 501.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Toàn tập Trần Nhân Tông. Lê Mạnh Thát, NXB TP. HCM. 2000.

2. Phật Giáo Việt nam Sử Luận. Nguyễn Lang, NXB Văn Học, Hà Nội. 1994.

3. Lược Khảo Phật Giáo Sử Việt nam. Vân Thanh, tác giả xb, Sài Gòn. 1974.

4. Đạo Phật Việt Nam. Thích Đức Nghiệp, NXB TP. HCM. 1995.

5. Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam. Nguyễn Tài Thư, NXB KHXH, Hà Nội. 1991.

6. Thiền Sư Việt nam. Thích Thanh Từ, XNB TP. HCM. 1997.

 

(Trích tham luận Hội thảo khoa học Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp nhân 700 năm ngày nhập Niết Bàn 1308 - 2008)

TS. Nguyễn Thành Nam (Thích Đồng Bổn)

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam