Sợ hãi

 

Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Tikandaki, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo rơi vào trong sợ hãi. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không có lòng tin, giữ ác giới, nghe ít, biếng nhác và ác tuệ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo rơi vào trong sợ hãi.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không có sợ hãi. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không có sợ hãi.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Diệu pháp, phần Sợ hãi,

VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.610)

sohai.jpg

Sợ hãi - Ảnh minh họa

LỜI BÀN:

Sợ hãi là tâm lý chung của những người có hành vi tà vạy, sai trái. Một khi chúng ta có lỗi lầm, lỡ đã làm những việc bất chính thì thường sống trong phập phồng, thấp thỏm, bất an. Người bình thường khi có khiếm khuyết, sai phạm còn lo sợ như vậy huống gì người tu càng lo lắng và bất an hơn nữa.

Tỷ kheo, ngoài ý nghĩa là khất sĩ (đi xin thực phẩm để nuôi thân) và phá ác (tu tập đoạn trừ các điều ác) còn có nghĩa bố ma (khiến cho các loài ma phải hoảng sợ). Một Tỷ kheo chân chính có tiềm năng làm thầy của chư thiên và loài người. Với hành trang giới định tuệ và một bát ba y, vị Tỷ kheo vân du giáo hóa khắp nơi, làm lợi mình lợi người, trong tâm thái an lạc, tự chủ và hoàn toàn không hề sợ hãi trước bất cứ thế lực nào, dù ma mãnh và quái ác đến đâu cũng không làm vị Tỷ kheo phải chùn bước.

Để luôn ngẩng cao đầu trong cuộc đời, chẳng hề sợ hãi trước bất cứ ai thì phải là bậc chân tu: Có lòng tin kiên cố vào Chánh pháp; Có giới đức và hạnh kiểm tốt; Có sự học tập và hiểu biết sâu sắc về giáo pháp; Có sự nỗ lực, gắng sức và bền bỉ thực tập; Và sau cùng là có tuệ giác để soi sáng những si ám che đậy bản tâm và vượt thắng não phiền, nhiễm ô mà thành tựu giác ngộ.

Gia sản của người tu thường đem bố thí cho chúng sanh là giáo pháp (pháp thí) và sự bình an, không sợ hãi (vô úy thí). Nhưng một khi tự thân chúng ta bị "rơi vào trong sợ hãi” thì liệu chúng ta đã làm gì được cho mình, chứ chưa vội nói đến chuyện giúp người. Người xưa nói “vàng thật thì chẳng sợ gì lửa”, cũng vậy, hãy tự rèn luyện mình trở thành bậc chân tu thạc đức thì không những không sợ hãi mà ngược lại còn nhiếp phục, làm khiếp sợ, chuyển hóa và hướng thiện các thế lực ma mị khác.

QUẢNG TÁNH