VAI TRÒ CỦA SỰ KHOAN DUNG

Anh không thể nào diễn tả hết cho em về sự khoan dung, trừ phi nó được biểu hiện trong một tâm hồn khoan dung và một hành động khoan dung. Khoan dung là một từ chỉ cho hành động hiểu biết, cảm thông và tha thứ. Khoan dung không phải là một phẩm tính chỉ được dùng cho người khác, mà nó cần được dùng cho cả chính bản thân mình. Người có tâm hồn khoan dung là người độ lượng. Và người độ lượng thì sẽ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn, ít nhất là trong cuộc sống nội tâm.Thường do bản tính ích kỷ và tự phụ, người ta cho rằng, khoan dung là một phẩm tính của một người cao hơn ban cho người thấp hơn, hay của một người tốt ban cho một kẻ xấu. Nhưng dòng đời vô tận trôi chảy giữa bao nhiêu trái ngược, có khi kẻ bần cùng sát đất lại là người khoan dung cho những kẻ ngồi trên cao. Vì thế, khoan dung bao gồm nhiều góc độ khác nhau

Trước hết anh đã nói với em, người khoan dung bao giờ cũng là người hiểu biết. Vì nếu không hiểu biết, người ta không thể khoan dung cho nhau.Và khi chúng ta khoan dung cho nhau có nghĩa là tự mình dẹp đi bao chướng ngại trong tâm hồn của mình và trước mắt mình. Ðấy là một trong những điểm quan trọng, cần thiết làm cho cuộc sống không căng thẳng. Ðồng thời, nó giúp chúng ta xóa bỏ những hận thù, những điều ganh tị không đáng kể trong lòng.

Thứ hai, đằng sau sự khoan dung bao giờ cũng là sự thông cảm sâu sắc, một sự thông cảm cho chính mình và cho cả những người chung quanh mình. Bất kỳ lúc nào, ở đâu, hễ có sự khoan dung là có "nụ cười". Do đó, khoan dung cho kẻ khác cũng có nghiã là khoan dung cho chính mình.

Thứ ba, khoan dung chính là đức tính biểu hiện cho một tâm hồn vị tha. Ðấy là một đức tính cao thượng, không cố chấp và sẵn sàng tha thứ. Thực tế cho chúng ta thấy rằng, sự bức bách khó chịu của một tâm lý thường không những do tâm lý chính nó, mà còn do một đối tượng từ bên ngoài tác động vào trong quá trình giao tiếp. Và chính những điều khó quên nhất hay gây ấn tượng mạnh nhất là những gì được tác động vào từ bên ngoài và được gìn giữ ở bên trong. Như một lời chê bai, thời gian hiện hành của nó có thể chỉ thoáng qua trong chốc lát, nhưng thời gian nó được lưu giữ trong tâm hồn thì có thể kéo dài từ năm này sang năm kia và có khi được lưu giữ suốt cả một đời người. Ðó là biểu hiện của một sự cố chấp, một sự bám víu vào các ảnh tượng không thực của ngôn từ. Mặc dù nói với em như thế, song chính anh lắm khi cũng chao đảo bởi các ảnh tượng héo hắt, nhưng rất kỳ lạ của ngôn từ. Vì biết rằng nó là không thực, nhưng mỗi khi nhớ lại và nhất là khi hình dung về một ký ức xa xôi, tác động của các ảnh tượng trong ngôn từ đã đem đến cho anh một sự dao động phá tan mọi hiệp ước bình an trong lòng. Và cũng chính sự không thể hỉ xả đó đã biến thành các tì vết in hằn trong tâm thức. Nó sẽ không mất đi, mà một ngày nào đó, vào đoạn kết của cuộc đời, nó sẽ xuất hiện trở lại và cùng ra đi với chúng ta.Ðó là lý do tại sao phải luyện tập một đức tính khoan dung.

Mặt khác, khoan dung, như anh đã nói với em, là một đức tính vị tha, do đó nó được xem như làmột điều kiện cần thiết cho cuộc sống, là một món quà cứu độ cho kẻ tội lỗi, là một động lực bình an và tự tin, thúc đẩy con người vượt qua mọi thử thách gian truân, mọi sự bất lực trước mọi cám dỗ của dục vọng. Vì thế, sống khoan dung cũng có nghiã là sống lương thiện, sống bố thí những của cải vô hình và kèm theo đó là nụ cười làm mát dịu cho cuộc đời.

Hành động khoan dung là một sự bố thí lớn nhất cho những kẻ tội lỗi. Nó sẽ cứu vãn cuộc sống còn lại của họ, như một liều thuốc hồi sinh, có thể lấy lại sức sống cho một sinh mạng đã chết. Nhưng khi khoan dung được xem là một việc thiện, thì người thực hành điều đó đã tự mình xây dựng lâu đài công đức cho chính mình, trong khi mình không phải mua thêm điều già cả, mà chỉ có bỏ bớt đi. F.Voltaire bảo rằng : "Sự khoan dung là một vị thuốc duy nhất để chữa những lỗi lầm đang làm bại hoại con người khắp trong vũ trụ".

 

Khải Thiện

(Nguyệt san Giác Ngộ 62/2001)