Giải pháp tối ưu duy trì sự điềm tĩnh

Nghệ thuật giữ gìn bình tĩnh và thanh thản là điều gì đó hoàn toàn biến mất trong đời sống hiện đại của chúng ta. Nhịp sống cuồng nhịp, vội vã, đề cao sự chụp giựt vật chất, sản xuất và tiêu thụ bừa bãi, tất cả những ảnh hưởng lan tràn của phương tiện truyền thông quảng cáo cùng nhiều khía cạnh khác của cuộc sống tân tiến đã góp phần tạo nên sự xói mòn những giá trị tinh thần và nền tảng đạo đức, đồng thời khiến cho tâm chúng ta dễ dàng mất đi sự yên tịnh, luôn hiếu động, bồn chồn, lo sợ và giận dữ.

Thực sự đã đến lúc chúng ta cân bằng sự phát triển tinh thần, tính bình dị, điềm tĩnh và thanh thản. Để phát huy đức điềm tĩnh, không nhất thiết dùng giới luật thiền quán. Áp dụng thiền quán chánh niệm cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, đi sâu vào chi tiết thiền quán chánh niệm không nằm trong phạm vi bài này, bạn có thể tìm hiểu ở một số sách khác. Sự quán tưởng về tình thương, lòng từ bi là một pháp tối ưu nhất có hiệu quả đối trị tất cả hình thức sân hận, oán thù và ác tâm. Đây là một pháp lý tưởng cho những ai có tính khí hay ganh ghét hoặc dễ cáu giận. Do đó, chúng tôi sẽ giải thích pháp quán tưởng tình thương trong phần sau của cuốn sách này.

Trong lúc này, điều quan trọng là chúng ta cố gắng trau dồi thái độ điềm tĩnh, thanh thản vào mọi lúc. Nếu chúng ta nỗ lực kiên trì và có chủ đích khi tiến hành như thế, thì những cảm xúc hỗn loạn như giận dữ chẳng hạn khó lòng cuốn hút chúng ta được. Vì vậy, từ giờ trở đi, chúng ta phải cố gắng duy trì sự điềm tĩnh không gián đoạn trong tất cả những gì mình làm. Chúng ta nói năng ôn tồn, có tỉnh giác, không phải phát biểu do bị kích động, để ý giám sát sự hiếu động, bồn chồn bất cứ khi nào chúng sanh khởi trong tâm. Chúng ta giữ cử chỉ, hành vi điềm đạm, thư thái. Nếu chúng ta khởi sự những hoạt động hàng ngày của mình điềm đạm, chánh niệm và có chủ đích, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm an lạc thư thái đầy thú vị. Trong cảm giác tĩnh lặng, thanh thản đó, bạn sẽ tìm thấy nhiều quyền năng và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ cùng mục tiêu của mình.

Do đó, “pháp đối trị” thứ hai là trau dồi duy trì sự điềm tĩnh và ổn định. Thánh Abba Dorotheus đã diễn đạt điều này khá chính xác khi ông nói: “Qua những gì ngươi làm, dù khẩn cấp hay quan trọng đi nữa, ta không muốn ngươi gây gổ hoặc lo âu. Để đảm bảo tinh thần thanh thản, mọi việc ngươi làm, lớn hoặc nhỏ, chỉ chiếm một phần tám công việc, trái lại giữ cho tâm ổn định không rối loạn dù dẫn đến thất bại đi nữa, cũng đã đạt được bảy phần tám còn lại. Tuy nhiên, nếu chỉ để hoàn tất việc mình mà ngươi bị cuốn hút đi khiến tâm ngươi và tâm kẻ khác bất ổn qua việc gây gổ, thế thì ngươi không nên đánh đổi bảy phần tám chỉ vì để giữ lại được một phần tám”.

 

Gương lành của Đức Phật

Với tư cách là những Phật tử, chúng ta nên để ý đến lời khuyên và gương tiêu biểu của Đức Phật. Đã nhiều lần, Ngài biểu lộ đức tính kham nhẫn tột bực khi đối mặt với sự khiêu khích cực độ. Không khi nào Ngài bực tức, mà trái lại, Ngài đã ban rải lòng từ bi ngay cả với kẻ hãm hại mình. Không khởi tâm sân khi Devadatta cố giết Phật cho bằng được, rồi lúc nàng Cinca vu khống Ngài về thai nhi trong bụng nàng, kế tiếp Ngài bị vu oan về tội giết chết người đàn bà lang thang từ phương khác đến.

Không những chỉ trong kiếp cuối cùng mà còn trong nhiều kiếp trước, lúc còn là Bồ tát, đức Phật đã biểu lộ lòng kham nhẫn chịu đựng vô biên. Trong kinh Khantivàdijàtaka (câu chuyện luân hồi tuyên dương lòng kham nhẫn) cho thấy lòng kiên nhẫn biết bao của Bồ tát. Truyện kể rằng, có vị vua tàn ác tên là Kalabu của xứ Kasi đối chất với Bồ tát trong khi còn là một nhà sư tu khổ hạnh. Vua hỏi: “Này kẻ ẩn dật kia, nhà ngươi truyền dạy điều gì?”. Bồ tát đáp: “Thưa bệ hạ, thần dạy tính kham nhẫn”.

“Tính kham nhẫn là gì?”.

“Có nghĩa là không sân hận khi người khác nguyền rủa, đánh đập hoặc sỉ nhục mình”.

Vua phán: “Vậy để ta xem tính kham nhẫn của nhà ngươi như thế nào?”.  Vua cho gọi đao phủ hành hình đến, rồi ra lệnh đánh roi vào Bồ tát cho đến khi rách da, máu tuôn ra. Vua lại hỏi Bồ tát: “Này nhà sư kia, ngươi truyền dạy điều gì?”.

Bồ tát đáp: “Thưa bệ hạ, thần dạy tính kham nhẫn. Bệ hạ nghĩ kham nhẫn nằm nơi lớp da thịt này, nhưng không phải thế, bệ hạ không thể nhìn thấy được nó vì kham nhẫn đã bám rễ vững chắc trong tấm lòng của thần”.

Trước sự chứng kiến của cung phi mỹ nữ và vì lòng ganh tỵ, khiến vua tức giận bèn lệnh cho đao phủ chặt đứt tay chân Bồ tát và máu Bồ tát tuôn xối xả.

Một lần nữa, nhà vua buông lời chế nhạo Bồ tát: “Nhà ngươi giảng dạy điều gì?”.

“Tâu bệ hạ thần dạy tính kham nhẫn. Bệ hạ cho rằng tính kham nhẫn nằm ở chân tay của thần. Không phải thế, kham nhẫn đã  mọc rễ vững chắc nơi sâu thẳm trong lòng thần”.

Vua ra lệnh “cắt tai, mũi của hắn”.  Đao phủ tuân lệnh. Toàn thân Bồ tát phủ đầy máu. Khi nhà vua hỏi lần nữa, Bồ tát đáp: “Tâu bệ hạ, thần dạy tính kham nhẫn. Nhưng đừng nghĩ là kham nhẫn nằm ở nơi tai, mũi của thần. Kham nhẫn đã  mọc rễ chắc chắn ở nơi sâu thẳm trong lòng thần”.

Vua nói: “Nhà ngươi có thể ngồi xuống và tán dương tính kham nhẫn của mình”. Vua đá vào ngực Bồ tát rồi bỏ đi.

Vị quan chỉ huy binh lính, có mặt lúc đó đã lau máu trên thân Bồ tát, băng bó vết thương và ngỏ lời xin Bồ tát tha thứ: “Thưa sư, nếu Ngài có giận thì giận đức vua chứ đừng giận vương quốc này”.

Bồ tát trả lời rằng, Ngài không giận ai hết, kể cả đức vua. Hơn thế nữa, Ngài còn ngỏ lời chúc tụng vua: “Bệ hạ vạn tuế, mọi người đều mong thần không giận”. Hôm đó Bồ tát qua đời, còn vị vua bị mặt đất nuốt chửng khi rung chuyển vì hành động tàn ác của mình và chuyển vào cảnh giới địa ngục.

Sự mô tả tính kham nhẫn không hề sân hận của Bồ tát như thế là một nguyện vọng, một bài học cho tất cả chúng ta. Là Phật tử, nếu chúng ta muốn trở thành đệ tử chân chánh của Phật, chúng ta phải cố gắng chú tâm đến lời dạy bảo của Ngài. Trong phẩm Dụ cái cưa, thậm chí ở kiếp cuối cùng, đức Phật dạy rằng: “Ngay cả những kẻ cướp chặt đứt tứ chi của chúng ta, thì ta cũng không nên đem lòng sân hận mà hãy nhủ lòng thương xót, nguyện cho những kẻ cướp này cùng tất cả chúng sanh được an lạc và hạnh phúc”. Chắc chắn đó là lời răn dạy khó theo nhất, đồng thời nó cũng nhấn mạnh đến quan điểm: không hề có mảnh đất nào dành cho lòng sân hận trong lời dạy của đức Phật. Vậy chúng ta sẽ làm cho cõi lòng mình tràn ngập tình thương bi mẫn và buông bỏ tất cả sân hận. Do đó, lưu ý là chúng ta nên ở tư thế sẵn sàng để kiểm soát sân hận khi nó sanh khởi.

 

Người Xưa Học Đạo Làm Người, Hạn Chế sân hận – Trải rộng tình thương

Tỳ khưu VISUDDHÀCÀRA

Biện dịch: MINH TÂM

Nxb Tổng hợp TP. HỒ CHÍ MINH, 2005.