Tin tổng hợp: trùng tu chùa Trấn Quốc

Cổng chùa Trấn Quốc làm thế tục hóa không gian tín ngưỡng?

LTS: Sau khi đăng loạt bài về trùng tu cổng chùa Trấn Quốc, đình Kim Liên, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, đáng chú ý nhất là bài viết của KTS Trần Huy Ánh. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan đa chiều của thông tin, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn bài viết: Suy nghĩ dưới gốc cây bồ đề trong sân chùa Trấn Quốc. Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đây không phải là quan điểm của báo VietNamNet.

Suy nghĩ dưới gốc cây bồ đề trong sân chùaTrấn Quốc:

Mô tả ảnh.
Bản vẽ ghi chùa Trấn Quốc đầu thế kỷ 20 của KTS Louis Bezaceer- Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO)

 

Mô tả ảnh.Mô tả ảnh.
Cổng chùa Trấn Quốc chụp năm 1958 (ảnh trái) và cổng chùa Trấn Quốc đang xây dở.

Trong truyền thuyết, dưới tán cây bồ đề Đức Phật thiền định và đắc đạo. Tại sân chùa Trấn Quốc, cây bồ đề vốn là quà của Tổng thống Ấn Độ Prasat tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây đã diễn ra một lễ nghi trang trọng trồng cây ngày 24/3/1959.

Ngày rằm tháng Bính Tý năm Kỷ Sửu vãn cảnh chùa Trấn Quốc, trong khói hương ngào ngạt mà ngẫm nghĩ lời châu ý ngọc “Bát chính đạo" khắc ghi quanh gốc cây bồ đề.

Chính tinh tiến: Tháng 6/2009 chùa Trấn Quốc tổ chức khởi công rầm rộ lấy ngày với cái biển vẽ thay ngôi chùa cũ nhỏ nhắn duyên dáng là một quần thể xây cất mới toanh có tam quan to vật vã nối với cái cầu đá cong cong như lối vào thủy đình sân khấu rối nước. Quá kinh hãi nên có nhiều lời trần tình từ nhiều giới, cái phương án "cách mạng” ấy tạm dừng lại ít lâu.

Chùa cũ lâu ngày hư hỏng phải thay, việc tu sửa thường xuyên để tồn giữ nơi thờ Phật quả là việc trọng. Gọt giũa không ngừng để tiến hóa không ngừng - ấy phải chăng là diễn đạt nôm na của lời răn “Chính tinh tiến“. Nhưng tinh tiến được hiểu là việc bồi đắp nơi tôn nghiêm phải đạt sự gia tăng giá trị kỹ thuật, mỹ thuật hơn lên chứ không phải lối bày vẽ ra qua quýt. Chưa làm gì mà đã lộ ra cái ý tưởng phô trương trống rỗng - sản phẩm của kế hoạch vội vã, chủ quan, cẩu thả - ấy là chẳng tiến bộ mà thực sự là thụt lùi - không đạt Chính tinh tiến.

Chính tư duy: Suy nghĩ sự vật cho thật thấu đáo. Những việc chưa tỏ tường thì dày công khảo cứu, dẹp qua sự xấu hổ do dốt nát mà học bạn hỏi bè, nhờ cậy người đi trước truyền dạy cho điều hay lẽ phải. Nhìn từ bản vẽ đến những hình hài đang làm hiện nay (tháng 1/2010) thì thấy rõ: những người làm ra nó không hiểu những ý tứ sâu xa, ý nghĩa tinh thần ẩn chứa các công trình kiến trúc nguyên trạng. Trước bao la trời nước Hồ Tây – công trình mới làm tầm thường hoá cảnh quan giá trị vốn có. Ở vị trí linh thiêng, công trình mới đang làm thế tục hoá không gian tín ngưỡng. Đấy có phải là kết quả của Chính tư duy?

Chính kiến: Đổ hàng ngàn tỷ đồng ngân sách để trùng tu tôn tạo di tích là thể hiện sự quan tâm thiết thực tới di tích văn hóa nước nhà, nhưng các phương tiện thông tin đại chúng luôn chỉ ra những công trình trùng tu tôn tạo theo kiểu biến di tích vài trăm năm tuổi thành công trình... vài tháng tuổi. Nguyên nhân đúng, sai thì địa phương nói là tại trên, trên thì dựa vào cơ quan chuyên môn. Chuyên môn là cơ quan văn hoá, những nơi khó nhất thì trông cậy cả vào Cục Di sản. Đã có vị lãnh đạo văn hóa từng trả lời trên báo chí, đại ý rằng “nếu giao cho KTS giỏi thì có thể làm mới di tích một cách dễ dàng…”. Với cách nghĩ, cách làm ấy thì di sản không bị phá hủy mới là chuyện lạ.

Chính định: Giữ cho lòng mình ngay thẳng, chẳng vì vài miếng lợi nhỏ làm lóa mắt mà tự đong đưa đổi thay. Đành rằng bảo vệ từng mảnh chạm khắc không bị vỡ vụn, nâng niu từng viên gạch nhuốm màu thời gian, thận trọng với từng phiến đá dãi dầu mưa nắng tốn nhiều trí tuệ, công sức với sự trân trọng lịch sử văn hoá, hiếu kính với tổ tiên, yêu quý quê hương đất nước. Những việc này tốn nhiều mồ hôi máu não nhưng không tính ra được thành nhiều tiền.

Đập phá, dỡ bỏ hết đi, xúc đổ hết đi để rồi nhập khẩu nhiều gỗ tốt nguyên cây từ nước ngoài về, chở nhiều khối đá mới xẻ từ núi ra, nung nhiều ngói mới, gạch hồng, nấu chảy nhiều tấn tạ đồng đúc chuông mới tượng mới… việc ấy tính ra nhiều tiền thật dễ mà chẳng nhọc công - mệt óc (thuê mấy anh học việc bôi ra cũng rẻ), nhân lên phần trăm thiết kế, giám sát, lợi nhuận định mức này kia thật dễ. Việc ấy bàn dân thiên hạ biết cả vì dễ thấy nhưng giữ được Chính định khó thay.

Chính niệm: Ước muốn làm việc tử tế thì ắt sẽ gặp bạn tốt hết lòng giúp đỡ “tả phù hữu bật". Ý niệm khát khao làm việc thiện nguyện thì tự nó tỏa sáng, người người thấu hiểu mà đồng lòng góp sức. Vì sao việc làm sang trọng như tôn tạo các công trình văn hoá lịch sử, duy tu sửa chữa di sản kiến trúc cảnh quan nhiều thế mà chưa thấy công trình nào thực sự đem lại niềm hoan hỷ cho cộng đồng? Quý vị thực hiện, có cái nào đủ kiêu hãnh mà tự đánh giá đi: ở nơi đâu có các công trình này ra đời mà râm ran ngợi ca, các nhà chuyên môn lớn tiếng ghi nhận, thập phương nườm nượp kéo về học tập kinh nghiệm để cái đẹp cái hay lan toả? Ví như những việc làm mới di sản như ở chùa Trấn Quốc có phải là hình mẫu của Chính niệm không?

Chính ngữ: Suy nghĩ, nhận định tường minh, dùng lời lẽ đàng hoàng mà giãi bày. Chẳng vì nghĩ một đằng, nói một nẻo, hay mượn lời người này để dọa dẫm người kia, viện dẫn quanh co để che đậy những việc làm không đúng đắn, chẳng đủ lý lẽ để biện minh - ấy là cách hiểu của cá nhân tôi về chính ngữ. Quý vị đang vận hành các thủ tục để tiến hành xây mới chùa Trấn Quốc có cách nào diễn đạt lý do chính đáng phải dỡ bỏ đến tận móng từ cổng chùa đến các công trình liên quan để xây lại mới toanh những hạng mục ấy không? Dùng ngôn từ nào để bách tính tâm phục khẩu phục - nếu được thì cũng là làm cho thiên hạ mở rộng hiểu biết về Chính ngữ.

Chính nghiệp: Sự nghiệp chính đáng thì ắt có kết quả vinh quang. Vinh dự được tái tạo không gian linh thiêng của Hà Nội ngàn năm Văn hiến, những người trực tiếp vẽ ra cái ý tưởng, tiến hành mọi sự để biến cái ý niệm chuyển tiếp không gian Chùa Trấn Quốc từ TK20 sang TK21 đã bỏ phí một cơ hội hiếm có, làm rạng rỡ cái Nghiệp của mình trước cái Duyên kiếp ấy. Một công trình tôn nghiêm nhường ấy, đặt ở vị trí quý giá nhường ấy, tích tụ nhiều trí tuệ để làm bài học cho nhiều thế hệ kế tiếp. Tiếc lắm thay “phẩm tiên vớ phải tay hèn” nên cái chùa mới đang hiện dần ra kia không đọng lại gì mà chỉ thêm phiền muộn với câu hỏi: thay vì chiêm bái để những biểu tượng không gian làm thức tỉnh ý chí hoàn thiện nhân cách, thì lại phân vân liệu có thể gìn giữ niềm tin vào Thiện ý hay không khi cái đẹp bị thay bằng cái xấu dễ đến thế? Có duyên đấy mà không khởi nghiệp vậy có là Chính nghiệp?

Chính mệnh: Nhiệm vụ đặt trên hai vai dù có lớn lao nặng nề tới đâu mà là sứ mệnh chính đáng thì cũng chẳng nề hà. Những gì đang diễn ra ở các công trình tôn tạo di sản kiến trúc Hà Nội nói chung, chùa Trấn Quốc nói riêng cho thấy: các vị liên quan đến công việc này thiếu hụt nhiều thứ quá để có thể hoàn thành cái sứ mệnh cao cả ấy.

Cái lợi cái thiện vốn chẳng cùng đường. Lời than cũng cạn, đau xót mấy cũng chẳng can gián được, chúng tôi đành bàn với những anh em đồng cảm: chi bằng ta vẽ lại một bức tranh mô tả chân thực vẻ hào hoa duyên dáng của “Chùa Trấn Quốc - Đệ nhất danh thắng Thăng Long xưa" để rồi treo đâu đó cho muôn người biết mà so sánh với những thứ đang xây mới nơi đây. Sau này con cháu chúng ta có tỉnh ngộ ra, họ sẽ dỡ bỏ những thứ không ổn ấy, dựa vào bản vẽ mô tả nguyên gốc, dựng lại nguyên trạng đẹp đẽ như xưa, thôi đành coi việc làm nhỏ nhoi đó là Chính mệnh của mình vậy.

Lời lẽ nhà Phật cao xa, sang trọng, biết mình còn thô vụng nên diễn đạt dông dài, nói ra khi lòng buồn bã trước cảnh chùa Trấn Quốc ầm ầm xây mới, nên ý tứ rối bời.

Bình sinh sẵn một tấm lòng, không sợ bị chê cười là ngu si mà ngậm miệng. Những mong nhận được những lời chỉ giáo, chân nguỵ thế nào cũng chắp tay bái tạ.  

KTS Trần Huy Ánh (có ý kiến chỉnh sửa của KTS Nguyễn Đình Thanh)

 


Không bắc cầu đá vào chùa Trấn Quốc

Trả lời câu hỏi, tại sao chưa có phê duyệt chính thức của Cục Di sản mà đã động thổ trùng tu tôn tạo chùa Trấn Quốc, Cục Di sản cho hay: hồ sơ thỏa thuận chính thức sẽ được chủ đầu tư gửi lên trong tuần tới.

alt
Quy hoạch trùng tu Chùa Trấn Quốc treo trước cổng vào.

Mấy tuần nay, con đường Thanh Niên đột nhiên mang màu sắc lễ hội: khắp nơi là băng rôn, pano giới thiệu lễ khởi công động thổ dự án tu bổ, tôn tạo chùa Trấn Quốc rất hoành tráng vào ngày mai, 26/6/2009. Ngay sau con ngõ đẹp nổi tiếng với hàng cau xanh thẳng thớm dẫn vào chùa là tấm pano lớn vẽ phác diện mạo của ngôi chùa Trấn Quốc trong tương lai: hiện đại và có thêm một chiếc cầu đá cong cong dẫn vào thay cho chính con đường nhỏ đẹp đẽ này. Không chỉ có thế, những hạng mục sẽ được sửa sang hoặc làm mới gồm có: tam quan, tả vu, hữu vu, tháp mộ, lan can... Nghĩa là, sẽ có một cuộc trùng tu quy mô lớn và ngày mai, 26/6 có lễ động thổ lấy ngày.

alt
Con đường cau tuyệt đẹp có bị thay bằng chiếc cầu đá mới?

Sát ngày lễ khởi công, chúng tôi có hỏi và được Cục di sản, Bộ VH-TT&DL cho biết: Chủ đầu tư của dự án (quận Tây Hồ - Hà Nội) đã làm rất đúng trình tự thủ tục với di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này. Ngày 16/3/2009, chủ đầu tư đã chính thức gửi lên Cục đề nghị thỏa thuận. Trong hồ sơ thiết kế có hạng mục cầu đá, theo thuyết trình của chủ đầu tư thì họ muốn tạo một "điểm nhấn", và họ đã hỏi ý kiến một số nhà khoa học (GS Trần Lâm Biền, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc...). Tuy nhiên, Cục Di sản đã có ý kiến về việc chưa thực hiện hạng mục này, nên văn bản thỏa thuận chưa được ký.

Gần đây nhất, 22/6/2009 đã có buổi làm việc chính thức giữa chủ đầu tư, chùa Trấn Quốc và Bộ VH-TT&DL, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng đã chính thức yêu cầu "rút" hạng mục cầu đá khỏi các hạng mục của lần trùng tu này.

Về mặt pháp lý, Cục Di sản chưa đồng ý đưa hạng mục cầu đá thay thế con đường dẫn vào chùa Trấn Quốc hiện nay và như thế cũng có nghĩa là văn bản thỏa thuận hồ sơ thiết kế trùng tu chùa Trấn Quốc, di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia này chưa được phê duyệt chính thức.

Có dịp hỏi qua một số giáo sư đầu ngành, không ai biết gì về dự án, và ai cũng băn khoăn nhất trước hai hạng mục: cầu đá và tam quan. Cầu đá thay thế con đường với hai hàng cau, tam quan quy mô thay thế cổng chùa hiện tại... Chùa Trấn Quốc không chỉ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đã vài chục năm nay, mà còn "tự hào" là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây trên bãi sông Hồng từ thời Lý Nam Đế (541 - 547) với tên Khai Quốc. Đến thế kỷ 17 (thời Lê Trung Hưng), chùa đã phải dời vào trong đê, dựng trên nền cũ cung Thiếu Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Tuy ngôi chùa hiện tại cũng không còn nhiều hạng mục "gốc", nhưng trùng tu với quy mô lớn đến thế thì vẫn cần hết sức cẩn trọng.

alt
Cổng vào chùa Trấn Quốc hiện nay...

Cổng vào chùa Trấn Quốc, theo khẳng định của Cục Di sản, là công trình mới xây sau này (không thuộc yếu tố gốc), quy mô nhỏ, hình dáng kiến trúc "không phù hợp", nên việc chủ đầu tư muốn xây một tam quan mới là phù hợp. Cục Di sản cũng đã đề nghị tháo dỡ những cánh sen được "xây" xung quanh hồ hiện tại, và nhà chùa đã đồng ý.

Trả lời câu hỏi, tại sao chưa có phê duyệt chính thức của Cục Di sản mà đã động thổ trùng tu tôn tạo chùa Trấn Quốc, Cục Di sản cho hay: hồ sơ thỏa thuận chính thức sẽ được chủ đầu tư gửi lên trong tuần tới.

Chỉ khi được Cục Di sản phê duyệt chính thức phương án trùng tu, tôn tạo chùa Trấn Quốc thì mới được phép bắt đầu tiến hành nên ngày khởi công 26/6/2009, chỉ có ý nghĩa tượng trưng để "lấy may" mà thôi.

Khánh Linh


Cổng chùa Trấn Quốc từ... trên trời rơi xuống?

Cổng chùa vừa bị phá không phải yếu tố gốc, nhưng được xây lại hoàn toàn theo mẫu của kiến trúc gốc, chứ không phải xây một cách "ngẫu nhiên", nên việc phá bỏ để đưa vào tam quan mới theo mẫu "trên trời rơi xuống" như hiện tại là sai Luật Di sản.

 

Mô tả ảnh.
Cổng chùa Trần Quốc. Ảnh chụp ngày 1/2/1958 hiện đang nằm ở Kho tư liệu của Viện thông tin Khoa học xã hội.

Chưa tìm được "mẫu gốc" thì muốn vẽ gì cũng được?

26/6/2009, lễ động thổ dự án tu bổ, tôn tạo chùa Trấn Quốc đã diễn ra chỉ với ý nghĩa "lấy ngày lành tháng tốt" bởi ở thời điểm đó, chủ đầu tư chưa nhận được văn bản thỏa thuận của Cục Di sản. Lý do của sự dừng lại ở thời điểm đó là do còn "vướng mắc" ở hạng mục tam quan: phía đầu tư muốn xây một tam quan mới bề thế hơn, đàng hoàng hơn thay thế cái cổng vào nhỏ xinh đang hiện diện tại thời điểm đó, nhưng đã vướng phải sự "không thuận lòng" của nhiều nhà văn hóa.

Hai vấn đề được đặt lên bàn dư luận là: cái cổng cũ nhỏ xinh ấy có thật sự là công trình mới xây (vào khoảng 1980, 1990) hay không? Nếu là công trình mới xây như thế thì chủ đầu tư cho rằng không phải là yếu tố gốc cấu thành di tích (Chùa Trấn Quốc được công nhận di tích quốc gia vào những năm 1960) nên hoàn toàn có thể phá đi xây lại.

Cứ cho rằng lập luận này là đúng thì vẫn còn một vấn đề cần giải quyết: công trình thay thế cái cổng này sẽ phải theo hình thái kiến trúc nào? Tỉ lệ giữa nó và các công trình kiến trúc chùa Trấn Quốc sẽ được xử lý ra sao? Liệu có thể theo bất kỳ thiết kế nào, miễn là "to và đẹp" hay không?

Bẵng đi một thời gian, mấy tuần gần đây, việc trùng tu đã được tiến hành tại chùa Trấn Quốc. Cổng chùa cũ xinh xinh bị phá bỏ, tam quan mới đang được xây dựng. Việc trùng tu hoàn toàn đúng Luật Di sản, bởi Cục Di sản đã có văn bản thỏa thuận, với lý do đúng là cổng chùa lúc trước mới được xây dựng gần đây, không thuộc "yếu tố gốc cấu thành di tích".

Tuy nhiên, VietNamNet đã tìm lại được 2 bức ảnh "cổ" có hình ảnh cổng chùa.

Tìm được "mẫu gốc" thì nên ứng xử thế nào?

Bức thứ nhất có trong bộ sưu tập của KTS Trần Huy Ánh, mà theo ông được chụp vào những năm 1940, với hình ảnh đã đi vào tiềm thức của lớp người xưa, cổng chùa thấp thoáng trong những lùm cây, phía cuối con đường cong cong dẫn vào đảo từ phía đường Cổ Ngư.

Vẫn "e ngại" bức ảnh đó chưa lộ rõ kiến trúc cổng, nên chúng tôi tiếp tục cuộc tìm kiếm. Trong kho lưu trữ của Viện Viễn đông Bác Cổ không còn tấm ảnh nào, nhưng rất may, tại kho lưu trữ của Viện Thông tin Khoa học Xã hội lại có một bức ghi rất rõ ràng là chụp vào ngày 1/2/1958, chỉ một thời gian ngắn trước khi chùa Trấn Quốc được công nhận là di tích quốc gia.

 

Mô tả ảnh.Mô tả ảnh.
Cổng chùa Trấn Quốc vừa bị phá bỏ (ảnh trái) và cổng chùa Trấn Quốc chụp năm 1958.
Mô tả ảnh.Mô tả ảnh.
Tam quan chùa Trấn Quốc đang xây dở và cổng chùa vừa bị phá bỏ.

Bức ảnh này chụp rất cận cảnh, và khi so sánh với cổng chùa trước khi bị phá bỏ cuối năm nay, ai cũng thấy rõ sự tương đồng. KTS Trương Ngọc Lân (Trường ĐH Xây dựng) khẳng định cổng vừa bị phá bỏ được xây hoàn toàn theo hình thái, quy thức cũ, tuy không tuân thủ được nghiêm ngặt (có những sai lệch như sự thay đổi tỷ lệ giữa cổng và hai cột trụ biểu chẳng hạn), nhưng vẫn là sự tôn trọng "yếu tố gốc".

Như vậy, điểm đầu tiên có thể khẳng định là tuy cổng chùa vừa bị phá không phải yếu tố gốc, nhưng được xây lại hoàn toàn theo mẫu của kiến trúc gốc, chứ không phải xây một cách "ngẫu nhiên", nên việc phá bỏ để đưa vào tam quan mới theo mẫu "trên trời rơi xuống" như hiện tại là sai Luật Di sản.

Bình luận riêng về mẫu tam quan hiện tại, KTS Hoàng Thúc Hào lập tức phê phán về mặt không gian kiến trúc, rằng "áo có thể không xấu, nhưng chắc chắn mặc không vừa". Với lối vào xinh xắn, đặt tam quan như đang xây dựng sẽ rất "kích" không gian. KTS Lân chỉ thêm một cái sai khi bỏ đi trụ biểu, vốn là "đặc trưng" của nhiều đình chùa miền Bắc.

 

Mô tả ảnh.
Cổng chùa Trấn Quốc chụp năm 1940.

Một điểm cần nói thêm là trục chính của chùa Trấn Quốc hướng ra mặt hồ Tây, cổng vào này chỉ là lối phụ. Người xưa khi xây cổng vào đã rất tinh tế, tôn trọng không gian, nên cổng chỉ cần một lối vào, kể cả việc cổng đặt hơi "chếch" để phù hợp với con đường cong cong dẫn vào. Chính sự tôn trọng ấy đã tạo nên ký ức khó phai mờ trong lòng những người dân Hà Nội.

Nếu chủ đầu tư thật sự có tâm với di tích, hoàn toàn có thể tìm lại những tư liệu cũ để "minh chứng" cho sự tồn tại của cổng chùa cũ, chút ít sai sót về tỷ lệ hoàn toàn có thể điều chỉnh, thay vì phá đi "không thương tiếc" như đã làm hiện nay. Còn mô hình tam quan mới hoàn toàn không phù hợp cả không gian lẫn chi tiết, không lẽ lại trở thành điểm nhấn mới của một di tích quý hiếm như chùa Trấn Quốc? Có nên trả lại cho chùa Trấn Quốc cổng vào xinh xắn đã đi vào tiềm thức không? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan có trách nhiệm.  

Khánh Linh


Cái cổng thấp nhỏ làm khách thập phương đi qua phải cúi xuống tăng thêm sự uy nghiêm. Len qua hành lang bé tý vẫn còn sân trong, bể nước mưa rêu xanh rì, bước ra thấy cửa Tam bảo mở toang để oà vào trời nước mênh mông, ấy là thủ pháp không gian bậc thầy...

Dang dở vì áo cơm đè nặng hai vai...

Còn nhớ, mùa thu năm 1999, Hội KTS Hà Nội phát động cuộc thi “Kiến trúc sư Hà Nội và các công trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long". Rất đông anh em trong hội đã tham gia nhiệt tình. Cuối năm cũng chọn được hơn một chục đề tài tiêu biểu để nghiên cứu sâu hơn.

Có một đề tài mang tên: "Tổ chức thông tin di sản kiến trúc Hà Nội", nội dung là cóp nhặt các bản vẽ ghi, ảnh chụp các công trình kiến trúc Hà Nội xây dựng từ thế kỷ 18, 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.Tư liệu này sẽ được quét vào máy tính rồi đưa lên mạng để mọi người cùng thưởng lãm…

Bắt tay vào mới thấy kho tư liệu đồ sộ, vì vậy mọi người bảo nhau rút gọn, cuối cùng cũng có vài trăm bức ảnh, vẽ ghi vài chục cái cổng làng xóm, chùa cổ trên mấy làng cổ ven Hồ Tây, phía Đông bắc Kinh thành Hà Nội xưa: Trích Sài, Võng Thị, Yên Thái, Đông Xá, Hồ Khẩu… Nhưng rồi chuyện cơm áo đè nặng hai vai, lại là việc không thù lao, anh em dần tan tác, nhiệt tình cũng giảm. Báo cáo kết quả đôi ba năm rồi đành… để đấy, xin hẹn lại với mai sau.

Xin giới thiệu vài hình ảnh chúng tôi đã thực hiện ngày ấy:

 

alt
Cổng chùa Kim Liên chụp trước năm 1993 - Lúc đó chưa có khách sạn xây chắn cổng chùa. (Nguồn Hanoi Data)

 

alt
Đền Vệ Quốc của làng Hồ Khẩu nằm trên đường Thuỵ Khuê , vẽ phục dựng theo bản đồ 1936. (Nguồn Hanoi Data)

Làm cho cảnh chùa gần hơn với đường là rất sai lầm!

 

alt
Chùa Trấn Quốc -ảnh chụp không ảnh năm 1977- Cửa hàng bánh tôm Hồ Tây mới chỉ là cái lều bằng gỗ lợp tôn, chưa xây to vật vã như bây giờ.(Nguồn Hanoi Data)

Mới đấy mà chỉ còn hơn một năm nữa là tới đại lễ 1000 năm Thăng Long. Cuối tháng 6/2009, chùa Trấn Quốc đã được khởi công lấy ngày. Nhìn bản vẽ treo trước cổng chùa làm chúng tôi không khỏi lo lắng và đã có vài lời trần tình.

Giá như có nhân duyên chuẩn bị công việc này, tôi sẽ thỉnh giáo các bậc cao tăng: Cảnh chùa có nên lánh đi một chút khỏi chốn trần ai bằng lùm cây um tùm như bức ảnh chụp năm 1940? Cổng chùa hiện nay vốn mới xây nên không giá trị, ta có nên làm lại cổng chùa theo kích thước xưa: nhỏ nhắn nhưng tinh tế như ảnh tư liệu đã rõ? Tường rào loè loẹt với hàng con tiện giả, ta thay bằng gạch gốm hình hoa thị, men mầu lam với hoạ tiết thời Lý, Trần trông có ổn hơn không? Hộp đèn với mái vểnh xa lạ nên bỏ đi cho thuận mắt. ”Ngũ sắc làm lóa mắt , ngũ thanh làm chói tai…” những sắc mầu trầm đục, khiêm nhường, kín đáo thích hợp với cảnh chùa xưa nay ta nên vận dụng.

Hai bên hành lang, hồ sơ ghi là làm thêm không giá trị. Do bản vẽ ghi hiện trạng sơ sài nên không biết người khảo sát căn cứ vào đâu để kết luận là không có giá trị và mới xây thì ai xây, xây vào thời gian nào cũng cần cẩn trọng... Mặt bằng hiện trạng cho thấy các khối nhà đặc, rỗng khá ổn; tỷ lệ nhỏ bé các công trình nhìn thấy từ đường Thanh Niên là quan trọng, giảm nhỏ đi càng tốt, để ẩn dưới tán cây thì thật tài tình.

Xây mới hành lang to rộng tại đây làm cho cảnh chùa gần hơn với đường là rất sai lầm. Đối xứng bên kia, dãy hành lang có chức năng như Trai đường (vì đóng kín bởi tường và cửa) – nó vốn lọt vào trong, thông với cửa ngách Tam bảo. Nay xây mới ốp ra ngoài đầu hồi làm bé đi khoảnh vườn sát mép nước cũng là việc không nên.

Cổng (C3) hiện trạng cao hơn 3m, nay định làm mới hai tầng mái cao 4,78m. Cổng mới cao cộng với hai hành lang xây lớn hơn cũng cao hơn làm tỷ lệ của cái phụ lớn lên, ắt làm ngôi chính (Tam bảo) nhỏ lại - vậy là không cân đối nữa rồi. Cổng xưa thấp thế thôi, vì ngưòi Việt xưa nhỏ, nay nếu người Việt cao hơn, đông hơn nên cổng phải to, chùa phải lớn - tất nhiên là vậy, nhưng nếu cần to lớn thì ta xây mới ở Bái Đính (Ninh Bình) hay Đại Nam Quốc tự (Bình Dương) chứ ở Chùa Trấn Quốc thì những sự gia tăng kích thước là điều cấm kỵ.

Cái cổng thấp nhỏ làm thập phương đi qua phải cúi xuống tăng thêm sự uy nghiêm. Len qua hành lang bé tý vẫn còn sân trong, bể nước mưa rêu xanh rì, bước ra thấy cửa Tam bảo mở toang để oà vào trời nước mênh mông, ấy là thủ pháp không gian bậc thầy của ngưòi xưa đấy.

Bờ kè sụt lở thì cần củng cố, nhưng chớ xây cao mà nên để nước mấp mé bụi cây. Nhà vệ sinh hư hỏng thì cần sửa sang lại, nếu có thể làm ngầm đi thì quý quá.

Tháp xây mới nên nhỏ hơn tháp cũ và nép dưới các tán cây. Ngôi tháp cao màu đỏ gạch làm giống tháp chùa Liên Phái, khi xây vốn đã có nhiều phàn nàn, nay cắt thấp xuống và xếp gọn một cách khiêm nhường sẽ làm khung cảnh nơi đây quay trở lại với nguyên giá trị ban đầu.

Đừng để tương lai trách móc chúng ta

Chỉ với chùa Trấn Quốc đã thấy nhiều vấn đề. Với chiến dịch làm mới di tích có tên “Công trình tiến tới kỷ niệm…” hàng loạt đình chùa Hà Nội đang hối hả thi công, nếu làm như cách chùa Trấn Quốc thì thật rất lo ngại. Xem hồ sơ dự án, phần mô tả hiện trạng thì thấy trình bầy rất đại khái, nhận định đánh giá khá chủ quan. Cơ sở nguyên bản để phục hồi di tích như vậy thì kết quả chỉ là huỷ hoại di tích. Những di sản khắp thế giới được phục chế trong vài năm thậm chí vài chục năm là chuyện bình thường. Vài trăm ngày là thời gian quá ngắn cho một công trình quý. Thời gian gấp vậy, nên chăng  dành cho việc khảo cứu, sưu tầm tư liệu đưa ra phương án và thảo luận một cách thấu đáo về nên bảo trì , tôn tạo di tích ra sao có lẽ là phù hợp hơn.

Bạn KTS, bạn thật hạnh phúc khi được lựa chọn sang trọng: tác phẩm của bạn sẽ ghi dấu thời khắc trọng đại lịch sử Thành phố của chúng ta. Nhưng nếu các bạn tiến hành công việc ấy một cách tình thế, cẩu thả để nhanh chóng thay thế những đồ vật sản xuất hàng loạt, vô hồn vào những vị trí để lại dấu tích của lịch sử, đem lời nhắn gửi từ quá khứ đến hôm nay thì thực sự các bạn đang mang sự bất hạnh cho thành phố này.

Không chỉ chùa Trấn Quốc, bạn trẻ nào có nhân duyên với những công việc tương tự, các bạn nên vẽ ghi lại thật cẩn thận những gì sẽ làm mới nay mai. Chúng ta sẽ tập hợp lại những ký ức bằng hình ảnh, bản vẽ thật trung thực từng viên ngói, thanh kèo, những mảnh đắp vữa vôi, những dòng chữ mà ta không hiểu hết ý nghĩa. Nếu không may chúng ta không ngăn cản được phong trào phá di sản làm mới di tích, thì mai này con cháu chúng ta có thể phục chế lại gần như nguyên trạng nhờ những ghi chép tỉ mỉ hôm nay. Chúng sẽ bớt trách móc chúng ta nhờ những việc làm không mấy tốn kém trong khả năng có thể.

Di tích Hà Nội là vốn văn hoá của cả nước,  được gây dựng nhiều đời và không có giới hạn về thời gian nào cần quan tâm săn sóc: từ xa xưa đến hôm nay và mãi sau này. Hà Nội và cả nước có nhiều thế hệ các chuyên gia kinh nghiệm, những nhà nghiên cứu nghiêm túc, các nghệ nhân, hoạ sĩ. Nhiều ngưòi có kiến thức sâu rộng về di tích. Họ rất sẵn lòng đóng góp để làm giàu thêm vốn quý văn vật đất Thăng Long.

Các bạn KTS, các bạn có can đảm chia sẻ cái vinh dự được làm các công trình hướng đến 1000 năm Thăng Long đến với đông đảo những người yêu quý, gắn bó với Hà Nội không? Nếu có thể, bạn hãy lấy VietNamNet làm cầu nối để có được một cuộc thảo luận chân tình vì Hà Nội nghìn năm bền vững.

 

KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội

Không nên quay 180 độ với quá khứ

Tuy không được xem các bản vẽ thiết kế, chỉ qua một số hình ảnh ở tấm panô quảng cáo, tôi thực sự đã ngạc nhiên về giải pháp xử lý kiến trúc đối với một di tích quý giá vào bậc nhất của đất nước.

Việc chùa lâu ngày xuống cấp, phải chữa thì chẳng cần phải nói, nhưng có thể là hình ảnh đô thị hối hả xây dựng ngoài kia, hình ảnh của những ngôi chùa đồ sộ gần đây như Non Nước, Bái Đính... đã cuốn hút và làm chúng ta chạnh lòng bức xúc, đến mức ngồi trên một đống vàng mà cứ tưởng mình nghèo xác, cứ mơ về một cái gì giống người, được như người, mặc cho phải trút bỏ cái quý giá mình có.

Trấn Quốc, ngôi chùa nổi tiếng, hình ảnh từng hằn sâu vào ký ức mỗi người từ còn trẻ thơ, trước hết vì giá trị lịch sử lâu đời, tiếp theo là hình ảnh nên thơ và dung dị giữa một vùng hồ bao la. Sát nơi đô thị ồn ào, mà vẫn giữ cho mình sự tách biệt, một thế giới rời xa trần tục... Chẳng có ai nghĩ về chiếc cổng chùa to hay nhỏ, chẳng nằm giữa khu đất, chỉ ở một góc khiêm tốn. Nhưng xin hãy đừng nhìn chiếc cổng ấy mà loại bỏ cái mênh mang của trời nước phía sau. Từ khoảng trống ấy, ta mới được xao xuyến với tiếng thu không, với nhịp chày Yên Thái, và chói lòa trước những buổi chiều tà. Sao lại không yêu cho được con đường nhỏ vào chùa, mà phải bỏ đi, để lặp lại cái cách vào của đền Ngọc Sơn, của đảo Hòa Bình... nhưng với một chiếc cầu chẳng mấy tao nhã.

Ngôi chùa không lớn, thì cần gì một ngôi nhà gọi là tam quan, với mặt bằng và chiều cao đến vậy! Nhìn chung, giải pháp cho khu chùa về đường Thanh Niên quá nặng tính chất tiếp thị cổ động, như đã quay hẳn 180 độ với những gì đã có trong quá khứ

  • KTS Trần Huy Ánh - KTS Nguyễn Đình Thanh (Hội viên Hội KTS Hà Nội)

 

Theo: Vietnamnet