Cần đi thẳng vào những vấn đề Tăng Ni, bạn đọc quan tâm hơn là chọn giải pháp an toàn

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm đóng góp ý kiến báo Giác Ngộ có nên tăng kỳ, tăng trang và đóng góp ý kiến về nội dung và hình thức nhân kỷ niệm 34 năm ngày báo Giác Ngộ ra số đầu tiên. Chư tôn đức, các nhà nghiên cứu và cộng tác đóng đã có những chia sẻ chân tình...

Giữ nguyên tuần báo và nâng chất lượng bài viết

kyniem-1.jpg

Tham gia góp ý kiến tại buổi tọa đàm, ĐĐ.Thích Thanh Thắng, Ban Biên tập đặc san Văn hóa Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Tôi là đọc giả thường xuyên của báo Giác Ngộ và cũng có một thời gian cùng là cộng sự với Báo Giác Ngộ, tôi cho rằng trước tình hình hoạt động của báo giấy hiện nay có sự lớn mạnh của báo mạng. Với báo Giác Ngộ có thể nâng lên thành 1 tuần ba số, tuy nhiên cần có nhiều điều kiện khác như mặt nhân sự, kế hoạch phát hành… Trong năm 2010, báo Giác Ngộ nên giữ nguyên tuần báo, hiện nay báo chủ yếu là tin tức mà chưa đề cập đến các vấn đề của Giáo Hội và Xã hội được bạn đọc quan tâm. Theo tôi, báo Giác Ngộ có nhiều chuyên mục như xả luận, thời sự… nhưng chưa sâu, cần đi sâu vào các vấn đề đang đặt ra trong xã hội như đời sống Tăng Ni trẻ, môi trường…và cần có sự tham gia, góp mặt của nhân sĩ trí thức. Tờ nguyệt san Giác Ngộ ổn định và nội dung khá tốt, tuy nhiên nhiều năm qua nguyệt san Giác Ngộ vẫn giữ hình thức như vậy. Theo tôi, Nguyệt san có thể thu hút độc giả hơn nữa nếu thay đổi hình thức là khổ giấy lớn hơn và trình bày đẹp hơn. Với GNO, thông tin nhiều nhưng chưa chọn lọc, cần cập nhật nhiều thông tin sinh động trong và ngoài nước, đẩy mạnh các diễn đàn có sự chọn lọc để độc giả có thể tham gia đóng góp ý kiến, đặt vấn đề và qua đó thổi bùng lên tiếng nói của Tăng Ni”.

Cùng đồng tình với ý kiến của ĐĐ.Thanh Thắng, nhiều đọc giả như PGS-TS Nguyễn Công Lý, Nhà nghiên cứu đề Nguyễn Đại Đồng, chị Thái Thanh (nguyên Tổng thư ký báo Giác Ngộ), CTV Viên Quang… góp ý, Giác Ngộ nên duy trì tuần báo vì với tuần báo, lượng thông tin Phật sự trong, ngoài nước và nhiều chuyên mục khác đã đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả đa phần lớn tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung và hình thức của báo Giác Ngộ đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, tuy nhiên những bài viết đăng tải chưa đi sâu vào vấn đề đặt ra.

kyniem-2.jpg

Để báo Giác Ngộ hấp dẫn hơn với bạn đọc, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng cho rằng, báo nên quan tâm đặt ra các vấn đề về đời sống tu học của cư sĩ Phật tử, đưa đạo đức Phật giáo vào xã hội hiện đại. Một số đề tài hay và thiết thực như: Chính trị, Quản lý, Kinh tế, đời sống tâm linh … đặt trong mối quan hệ của Phật giáo chưa được Báo Giác Ngộ đề cập đến. Chân tình góp ý kiến cho việc nâng cao chất lượng nội dung báo Giác Ngộ, PGS-TS Nguyễn Công Lý so sánh với nhiều tạp chí Phật giáo từ trước đến nay và nhận thấy báo Giác Ngộ trải qua quá trình phát triển lâu dài và được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều giới. Tuy nhiên, Ban Biên tập nên cập nhật thông tin sinh hoạt Phật sự ở các vùng miền, phản ánh sâu rộng hơn bởi báo Giác Ngộ là kênh thông tin, là tiếng nói của Phật giáo Việt Nam và đặc biệt Phật tử hải ngoại cũng rất quan tâm.

Mong Giác Ngộ đẹp hơn

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ĐĐ.Thích Hải Châu, nghiên cứu sinh tại Đài Loan cho rằng, riêng tôi báo giấy nên tăng kì để cập nhật tin tức nhiều hơn. Với xu thế hiện nay, báo cũng nên thông tin nhiều hơn về Phật học ứng dụng, các khóa tu của Phật tử. Riêng GNO nên có giao diện vững chắc hơn, thiết kế nhiều gam màu tươi sáng, bắt mắt và có nhiều trang dễ dàng hơn mọi người truy cập nhanh. Chị Thái Thanh (nguyên Tổng thư ký Báo Giác Ngộ) chia sẻ: “Tham gia làm báo Giác ngộ từ năm 1980, lúc đó Giác ngộ còn sắp chữ chì đến nay Giác Ngộ tiến một bước dài. Xu hướng hiện nay, báo mạng có thế mạnh riêng nên tôi đặc biệt chú ý đến GNO. Theo tôi, GNO cập nhật được nhiều thông tin Phật pháp cũng như các sự kiện trong và ngoài nước mà bạn đọc quan tâm. Giao diện của GNO cũng rất đẹp nếu so sánh với Tuổi trẻ online và các báo mạng khác”. Chị cho rằng, Ban Biên tập không nên chọn những đề tài an toàn mà nên chọn những vấn đề xã hội, bạn đọc quan tâm.

PGS-TS Nguyễn Công Lý thì cho rằng hình thức nguyệt san Giác Ngộ ngày càng đẹp hơn nhưng khổ còn nhỏ và mỏng. Theo PGS nguyệt san nên tăng nhiều chuyên mục và thay đổi khổ báo để đăng tải nhiều chuyên đề sâu hơn và trình bày đẹp hơn nữa. PGS cũng đề nghị nguyệt san lưu ý đến mảng còn thiếu những phản ánh về Văn học Phật

Trong rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, đọc giả, CTV nhằm cao chất lượng bài viết cũng như yêu cầu chuyên mục gắn với đời sống sinh hoạt của Tăng Ni, những vấn đề mà bạn đọc quan tâm, trăn trở… TT.Thích Nguyên Quang (Khánh Hòa) yêu cầu Ban Biên tập nên kiểm tra, xác minh thông tin trước khi cho đăng trên mặt báo tránh sai sót không đáng có. Ngoài ra, Ban Biên tập cũng nên tìm phương thức phát hành tốt nhất để độc giả ở xa có thể có tờ báo yêu thích sớm nhất.

Nhạc sĩ Uy Thi Ca mong rằng báo Giác Ngộ đề xuất nhiều phương thức tiếp cận với đọc giả trẻ mà cụ thể là giới sinh viên, học sinh qua nhiều vấn đề mà giới trẻ quan tâm hiện nay. Nhạc sĩ cũng đề xuất nên khai thác các đề tài về Phật giáo hải ngoại cũng như vùng sâu vùng xa, nên viết nhiều vấn đề mà giới trẻ quan tâm, thông qua các những cuộc thi Phật pháp mà giới trẻ tiếp cận được Phật giáo…

H.Diệu lược ghi (Theo: giacngo)