Người làm nên các câu chuyện cổ tích

Đó là điều thần diệu nhất mà cô tiên đã ban cho mỗi ngưỡi chiếc đũa thần cuộc sống. Mình đã ôm chiếc đũa đó mà khóc suốt cả tuổi thơ, cả cuộc đời mình. Bởi vì mình quên hỏi cô tiên câu thần chú? Vậy mà Thầy bỗng nhiên xuất hiện và trao cho mình câu thần chú: “Thở đi con”. Những cánh cửa pháp môn mở ra cho tuổi thơ của mình chắp cánh bay vào khung trời mơ ước của niềm tin và lòng thương yêu.

Đó là câu chuyện mà mình muốn viết và muốn sống từ lâu lắm. Trong mình luôn có một hình ảnh tuổi thơ đẹp và bình dị với những câu ca dao ấm lòng, những buổi chơi trốn tìm, chơi hàng quán… Tuổi thơ đó quá đẹp mà mình không thể quên hình ảnh bãi biển Thuận An khi bình minh lên hay khi hoàng hôn phủ bóng. Quê hương tuổi thơ ấy là khu vườn yên tĩnh của ngoại bên những hàng cau rợp bóng ngõ vào, bên mái tranh đơn sơ như huyền thoại. Quê hương mình đẹp lắm bởi những triền thông chênh vênh triền đá, vi vu gió hát suốt trưa hè, là làn gió mát thoảng nhẹ từ bến sông vắng lặng bên những liếp đậu, liếp mè…

Cái ngày tuổi thơ ấy đã in đậm trong mình hình dáng quê hương đất nước. Cho nên cứ mỗi lần cần lớn lên là mình thường tìm về quê hương qua những câu ca dao, tiếng hát, câu chuyện… đã được các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ cất giữ giùm mình. Dẫu biết tuổi thơ mỗi người một khác, nhưng thăm lại cái khung trời cổ tích ấy ai mà không vui.

Bây giờ mình mới hiểu cái tình của thuở nằm nôi nó sâu lắng như thế nào? Bởi vì, khi mình cho phép mình trở về thì tuổi thơ trở về, những bài thơ, bài hát con trẻ cũng trở về. Tự nhiên mình thấy mình hạnh phúc. Mình nhận ra sự đổi thay của: danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu… trong quá trình một đứa bé lớn lên, được tưới tẩm và chấp nhận. Cái “thích” đẩy đứa trẻ chấp nhận hay phản ứng trong bản năng của sự huân tập. Cho nên môi trường cho con trẻ là điều cần thiết, là gia tài mà giờ đây mình mới nhận ra. Và mình muốn giữ gìn, muốn nuôi lại cái thiên đường tuổi thơ trong phút giây hiện tại. Bắt đầu từ đó mình tập buông bỏ những nhỏ nhoi của cuộc sống giận hờn mà người lớn thường có, trở về bơi lội bên tuổi thơ bằng phương pháp “nghe trong hơi thở”. Mình nhận ra vũ trụ bé nhỏ nơi mình có rất nhiều hoa cỏ. Em bé vẫn đang tung tăng bên hiên nhà, bên khung trời cổ tích.

Sống với các sư em nhỏ, em bé trong mình như có bạn chơi đùa, cảm thông và chập nhận. Sự sống của các sư em đã cho mình nhìn lại rõ ràng cái tuổi mình đã đi qua. Mình cảm ơn vì sự rộng lượng của sư em đã có mặt trong tăng thân. Các sư em đã bắt một nhịp cầu cho mình đi vào tuổi thơ của thiên đường cổ tích. Có phải sư em và sư chị đều là những người làm nên các câu chuyện cổ tích không?

Đó là điều thần diệu nhất mà cô tiên đã ban cho mỗi ngưỡi chiếc đũa thần cuộc sống. Mình đã ôm chiếc đũa đó mà khóc suốt cả tuổi thơ, cả cuộc đời mình. Bởi vì mình quên hỏi cô tiên câu thần chú? Vậy mà Thầy bỗng nhiên xuất hiện và trao cho mình câu thần chú: “Thở đi con”. Những cánh cửa pháp môn mở ra cho tuổi thơ của mình chắp cánh bay vào khung trời mơ ước của niềm tin và lòng thương yêu.

Hình ảnh một ông tiên râu tóc bạc phơ hiện ra trong giấc mơ của mình đã thành sự thật. Ông tiên của mình bình dị quá, gần giũi quá!. Hình ảnh một ông thầy tu với chiếc áo nâu và chiếc nón lá quen thuộc đang từng bước chân tĩnh mặc đến với cuộc đời, không có hào quang, không có thần thông, chỉ có tấm lòng ban vui cứu khổ đã vực mình sống dậy. Tăng đoàn Thế Tôn, nơi làm nên các câu chuyện cổ tích cho con và cho mọi người

“Hạnh phúc thay được sống
Trong Tăng đoàn Thế Tôn
Được hành trì Giới định
Sống vững chãi thảnh thơi
Trong từng giây từng phút
Của cuộc sống hàng ngày
Và trực tiếp tham gia
Vào sự nghiệp độ sinh
Của Bụt và Bồ Tát
Giờ phút này quý báu
Niềm biết ơn tràn dâng
Xin lạy Đức Thế Tôn
Chứng minh và nhiếp thọ.”.

 

Sư cô Văn Nghiêm