Giấc mộng

Ngoài mầu tuyết tươi sáng, mùa Đông chỉ còn mang có một màu xám buồn tẻ. Những thảm có xanh không còn nữa. Cây cối trơ những cành gầy không lá ra mà chịu đựng. Sức sống của đất trời như bị bóp chẹt lại. Nguyên Hưng, cái hồi cuối thu, khi lá đã rụng hết rồi mà trời quả chưa có gì là lạnh ấy, một hôm ngồi nhìn ra những hàng cây trụi lá bỗng nhiên tôi thấy cảm thương dâng ngập tâm hồn. Tôi thấy như là cây cối cũng ngang hàng với những sinh vật có linh hồn, có hiểu biết, có lo lắng, có chuẩn bị.


Lá rụng dần, rụng dần cho đến khi cành hoàn toàn trơ trụi. Mới ngày nào đây tàn lá xanh của chúng làm tươi cả một vùng và che lấp những dãy nhà phía sau chúng: bây giờ chúng đứng trơ trụi và khổ hạnh sẵn sàng chờ đợi và chịu đựng một mùa Đông băng giá dài đặc sẽ đến. Những chiếc cành xương xẩu của chúng in rõ trên nền trời xám, nền trời mà trong suốt mùa Hạ đã hoàn toàn bị che lấp sau tàn lá xanh. Một mùa Đông băng giá sẽ tới và không thể dung tha những gì non nớt, bé bỏng và phù hoa. Phải vượt qua những giai đoạn còn non nớt bé bỏng phù hoa đi để mà chịu đựng. Phải già dặn, phải cô độc, phải sẵn sàng nghiến răng mà chịu đựng. Nhìn những hàng cây trụi lá đứng đợi chờ một cách anh dũng và bền bỉ mùa Đông sẽ tới, tôi cảm nhận được tất cả ý nghĩa của bài học về sự chuẩn bị chịu đựng. Nhớ lại hai câu thơ của Lý, tôi lại rùng mình. Đất nước chúng ta thế nào rồi cũng phải trải qua một cơn bảo táp tàn khốc. Chế độ đã gây nên quá nhiều bất công và áp bức, đã sử dụng tiền bạc và bạo lực để thực hiện những tham vọng của mình. Bất mãn và căm thù càng lúc càng tăng và hiện những phần tử vì phẩn uất gia nhập hàng ngủ Mặt trận giải phóng Miền Nam để chống đối đã không phải là ít. Chất liệu bất công, tàn ác và thối nát đã nuôi dưỡng và làm cho lực lượng chống đối càng lúc càng mạnh. Nay thì chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn trương rồi. Chín năm trời, Nguyên Hưng ơi, đã chín năm trời rồi mà rốt cuộc chúng ta lai đi vào tình trạng này. Một cơ hội tốt đã mất. Sóng gió sẽ đến bất cứ vào lúc nào. chúng ta không thể vô tâm vô tư được. Phải bắt chước những hàng cây kia, rụng hết tất cả mọi lá phù hoa đi để sửa soạn chịu đựng bảo táp, mưa gió, tuyết sương. Chúng ta không thể nào còn bé bỏng và non nớt gì nữa. Chúng ta phải già dặn, phải khổ hạnh, phải vững chãi để mà vượt qua cơn thử thách sắp đến.

Nguyên Hưng, trong những tuần lễ theo sau ngày mà tôi học được bài học của những hàng cây trụi lá áy, ban đêm tôi thường có những ác mộng kỳ lạ. Để tôi kể cho Nguyên Hưng nghe vài giấc mộng mà bây giờ nghĩ đến tôi còn rùng mình. Hai giấc mộng mà tôi còn nhớ rõ. Giấc mộng sau với giấc mộng trước gần như là cách xa có một phút, trong cùng một giấc ngủ.

Tối đó tôi bị cảm, và vì đã uống thuốc rồi mà không bớt nên tôi nhờ Steve cạo gió cho tôi bằng Vicks, thứ dầu cù là địa phương. Thật ra Steve chỉ biết xoa thôi, nhưng tôi dạy cho chú ta dùng một cái thìa để cạo gió theo kiểu Miền Nam, cho đến khi nào lưng tôi đỏ lên mới thôi. Vì có như thế tôi mới thấy ấm áp thật sự và cảm giác ớn lạnh sau lưng mới tan biến đi. Steve cho đó là một điều kỳ quặc, bởi vì bên này không ai chữa bệnh mà phải làm cho da thịt bầm tím như thế bao giờ. Tuy vậy Steve vẫn chìu theo ý tôi. Ấm lưng rồi, tôi mới uống thêm một viên Corricidin nữa, với nước nóng, và đắp chăn lại, chai dầu cù là và bình nước vẫn để đầu giường. Đêm đó, trong giấc mộng thứ nhất, tôi thấy một người em thân thuộc của tôi, đứng ở gần cửa ra vào của một căn phòng rất rộng rãi. Xa tôi đến chừng mười mấy thước. Người em đó là ai, quả thật tôi không biết rõ. Tôi chỉ biết một cách rất mơ hồ rằng đó là người tôi yêu mến nhất, còn thơ dại, còn yếu đuối và cần phải bảo vệ. Bây giờ nếu ngồi kỹ lại để xét từng người quen thuộc thì tôi cũng không thể đồng người trong giấc mộng ấy với ai cả. Với Hưng chăng? Châu chăng? Phượng chăng? Tuệ chăng? Toàn chăng? Có lẽ đều không phải. Hoặc có lẽ là hình bóng tổng hợp của tất cả, và nhiều nữa. Trong lúc ấy, một người khổng lồ từ ngoài cửa đi vào, một người dữ dằn cao lớn, như một hung thần, như một con quái vật; với hai bàn tay khổng lồ, kẻ đó sắp túm lấy em tôi, túm lấy để tiêu diệt. Khoảng cách giữa tôi và kẻ đó rộng quá, tôi không thể chạy tới để can thiệp kịp lúc được. Mà tại sao chân tôi như dính cứng vào đất như thế này? Trong giây phút nguy nan đó, bản năng tự vệ - tự vệ đây có nghĩa là bảo vệ cho em tôi, khiến tôi liệng ngay vào kẻ hung dữ kia một vật gì mà tôi có sẵn trong tay, một vật nằng nặng ấy vào kẻ kia với tất cả sức lực bình sinh của tôi. Nhưng hắn tài quá: hắn đưa tay bắt được vật ấy rồi tôi mới biết được rằng đó là một chiếc cưa tay, hình vòng cung, ta thường dùng để cưa những tấm ván nhỏ. Nguy quá, như thế là tôi giúp cho một khí giới để tàn hạn em tôi! Trước sự đau đớn vô biên của tôi, kẻ kia cười sằng sặc và cưa em tôi ra làm hai mảnh như cưa một cây chuối non dại.

Tôi đang đau thảm thiết thì bổng thức dậy. Đầu óc tôi nặng trĩu. Nhưng tôi lại thiếp đi ngay và mơ thấy giấc mơ thứ hai, ngay sau đó. Tôi thấy tôi đang đứng ở trong một căn phòng khá rộng có bày biện bàn ghế hẳn hòi chứ không phải là một căn phòng trống trải như trong giấc mơ trước nữa. Tôi thấy một con rùa nhỏ bé bằng đồng, con rùa theo hình dáng những cặp rùa mang trên lưng những chân đèn cắm nến thấy trên các bàn thờ ở quê nhà. Con rùa ấy thì tượng trưng cho gì thì tôi không biết rõ, nhưng tôi nghĩ là rất thân thiết và thiêng liêng đối với tôi. Không hiểu do đâu mà tôi biết được rằng nó đang lâm nguy, đang bị ốm nặng và sẽ phải chết. Mà cái chết của nó có liên hệ mật thiết đến cả hiện hữu tôi. Lo cho con rùa tôi mới đi lấy dầu cù là xoa vào lưng nó và đánh gió cho nó (Nguyên Hưng đừng cười). Tôi làm công việc ấy với tất cả thận trọng, sốt sắng trang nghiêm và tin tưởng. Nhưng bỗng nhiên con rùa kêu khóc. Kêu khóc bằng cách nào thì tôi không biết. Tôi chỉ biết là bệnh tình nó trở nên trầm trọng do một sự vụng về nào đó của tôi. Tôi xem xét lại thì thấy có một đường nứt trên lưng con rùa. Tôi hoảng hốt nghĩ rằng có lẽ dầu cù là thấm vào đường nứt ấy đã gây tác động nguy hại cho lục phủ ngũ tạng của rùa. Và con rùa sắp chết. Tôi hoảng hốt thêm, định lấy một cây tăm khươi bớt chất dầu cù là ở trong kẻ nứt ra, nhưng chậm mất rồi. Có một âm thanh kỳ bí nào nói thẳng tới tâm hồn tôi, cho tôi biết con rùa đang dẫy chết. Lúc đó trong trạng thái tuyệt vọng và hối hận vô song, tự nhiên tôi quỳ xuống trong tư thế cầu nguyện. Cầu nguyện ai tôi không biết. Tôi chỉ biết là chỉ trong dáng điệu ấy tôi mới thấy thích hợp với tâm trạng tuyệt vọng đang ngự trị trong tôi. Nhưng con rùa đã quằn quại dẫy chết. Nó uốn éo như một chiếc bong bóng cao su bị dằn ép và không biết vỡ khi nào. Rồi bổng nhiên nó vỡ tung vàc các tia nước từ nó bắn ra tứ tung, một tia nước bắn thẳng về phía tôi. Tôi nhẩy lùi một bước tránh tia nước đó. Tia nước rơi xuống trước mặt tôi và biến thành một vật gì nhỏ bằng một cái khuy, xoay tít như chong chóng. Đến khi vật ấy hết quay, tôi nhìn rõ thì ra là một bông hoa bốn cánh như hoa lan. Rồi bổng nhiên tôi thấy đứng ở ngoài đường: một số người bị ôm liệng vào phía sau một chiếc xe cam nhông to lớn. Những người này bị liệng lên xe một cách tàn nhẫn quá khiến cho có rất nhiều người trong đó bị gẫy đôi, gẫy đôi một cách dễ dàng như những con người làm bằng chất sành chất sứ.

Thế rồi những chiếc xe cam nhông rồ máy chạy vút đi như bay để lại cho tôi một khoảng không gian rộng lớn đầy những bụi mù đỏ chạch. Lúc đó tôi thức dậy. Tim tôi đập thình thịch. Đau khổ trong giấc mơ còn làm cho tôi tê dại cả người. Tôi đưa tay lên vỗ nhẹ trên trán và cố gắng mỉm cười. Nụ cười đến trên môi tôi thực như tôi đã ước muốn. Nhưng gian phòng im lặng của tôi vẫn còn phảng phất không khí rùng rợn của giấc mơ. Mồ hôi ướt đẫm cả trán cả gối, cả áo. Tôi làm một ít cử động. Cố sức ngồi dậy, lấy khăn lau sạch mồ hôi và đi thay áo. Tôi không ngủ nữa. Tôi thắp một cây nến, bởi vì ánh sáng điện sẽ sáng quá và sẽ làm tôi mệt, và ngồi làm massage cho máu trong người chảy đều. Tôi ôn lại những chi tiết của hai giấc mơ (hay là một giấc mơ?) và cố tìm cách giải thích. Nhưng tôi không giải thích được.

Mấy hôm sau đó tôi đem những giấc mơ kể lại cho một số người quen. Gordon đã hùng biện giải thích bằng nhiều cách, nhưng chẳng có cách giải thích nào phù hợp với thực trạng tâm linh của tôi cả. Có thể đó là phát biểu của những lo ngại tập thể, hoặc cũng có thể chỉ là những hình ảnh chắp nối đầu Ngô mình Sở trong một tình trạng thân thể còn bị đau ốm đang chịu tác động của thuốc men, chẳng có nghĩa lý gì cả.

Dù sao, Nguyên Hưng ơi, tôi vẫn thấy mang máng rằng những giấc mộng kia có liên hệ xa gần với những câu thơ của Lý. Nếu phong ba bão táp đến, thì tôi ước muốn được có mặt để cùng được chịu đựng với tất cả mọi người. Đừng để đến khi tôi về, thì chỉ còn "một khung trời đổ nát" trong đó tôi chỉ tìm được hình bóng của những người thân yêu ở "trong tận đáy lòng" của tôi.

 

Trích từ sách Nẻo Về Của Ý

Thích Nhất Hạnh