Cần Một Cơ Chế Hoằng Pháp Vững Mạnh

Hoằng pháp vi gia vụ là một phương châm hành động của người xuất gia, nhất là đối với các hàng giáo phẩm từ Trung ương đến cơ sở. Trong ý nghĩa rộng nhất, thì mọi hoạt động của Giáo hội, các ban ngành cũng như các tổ chức sinh hoạt ở hạ tầng cơ sở đều phục vụ cho mục tiêu hoằng pháp.

Như vậy, vai trò và tác dụng của sự nghiệp hoằng pháp đã được khẳng định, nhiệm vụ hoằng pháp được coi là một sứ mệnh cao cả của người xuất gia. Với một mục tiêu được thống nhất cao như vậy, tại sao chúng ta vẫn chưa đạt được tầm vóc của hoằng pháp trong bối cảnh xã hội hiện đại? Tôi cho rằng chúng ta còn thiếu một cơ chế Hoằng pháp vững mạnh.

I. Nhu cầu Hoằng pháp:

Với sự phát triển mạnh mẽ và sự hội nhập các nền văn hóa khác nhau trong xã hội hiện đại, nhu cầu đổi mới trong Phật giáo ngày càng cao, tạo áp lực lớn lên cơ chế, tổ chức và đường lối của Giáo hội. Những hoạt động của hàng ngũ xuất gia cũng như cư sĩ không còn giới hạn trong phạm vi tụng kinh niệm Phật, đại bộ phận Phật giáo không còn thỏa mãn với nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo như cầu an, cầu siêu mà còn cần phải tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội như phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư… Với nhu cầu đa dạng như vậy, Giáo hội và Ban Hoằng pháp cần phải có một chính sách vĩ mô. Mục tiêu hoằng pháp cần phải được định hướng rõ nét, để đáp ứng nhu cầu mới.

II. Đối tượng và nhiệm vụ Hoằng pháp:

Đối tượng của Ban Hoằng pháp có hai thành phần chính: Một là đối tượng trực tiếp như các đạo tràng tu học cố định như đạo tràng tu Bát quan trai… Các khóa giảng định kỳ cố định tại các giảng đường của Giáo hội, các buổi giảng thuyết do các chùa tổ chức thường xuyên và không thường xuyên, các buổi giảng trong khóa an cư kiết hạ, các khóa bồi dưỡng trụ trì… Hai là những đối tượng gián tiếp là những đối tượng chưa phải là Phật tử và các Phật tử  ít có cơ hội nghe thuyết pháp. Ngoài ra, còn một đối tượng nữa gần như bị lãng quên, đó là đối tượng thanh thiếu niên Phật tử. Cần có một mô hình và chương trình truyền bá Chánh pháp cho tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử, cung cấp cho họ kỹ năng và nghệ thuật sống hạnh phúc cũng như nhận thức về giá trị thực của đời người, theo tinh thần Phật giáo.

Nhiệm vụ của Ban Hoằng pháp là:

a. Củng cố lòng tin vào Chánh pháp và nhận thức chánh kiến cho Phật tử.

b. Nâng cao trình độ Phật học và lý tưởng giải thoát cho Phật tử.

c. Tạo sức hút để tăng trưởng tín đồ và mở rộng ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội.

Để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ trên, cần phải hoàn thiện và đa dạng hóa các phương tiện truyền thông. Phương tiện truyền thông phổ biến nhất là thuyết giảng trên các pháp tòa, cần có nội dung chất lượng cao và cần nhiều pháp toà cũng như duy trì thường xuyên các thời khóa thuyết giảng. Phương tiện truyền thông khác như phổ biến kinh sách, báo chí, tạp chí chuyên ngành, băng từ, đĩa CD, VCD, qua mạng Internet… Cần định hướng mục tiêu trước mắt và lâu dài của Ban Hoằng pháp qua các phương tiện truyền thông ấy. Vận dụng nhuần nhuyễn các phương tiện đó để có khả năng chuyển tải cao nhất đạo lý Phật giáo vào đời sống hằng ngày của người Phật tử cũng như đời sống xã hội.

III. Phương thức thực hiện:

1. Kích thích nhu cầu: Nhu cầu tu học trong Tăng Ni và Phật tử bao giờ cũng cao, nhưng do hoàn cảnh và thiếu điều kiện kích thích nên làm phai nhạt tâm tư, cái gì mà mình ước mong lâu ngày không đạt được sẽ tạo nên tâm trạng hoài nghi, mất tự tin. Như người ta thường nói “xa mặt cách lòng”, lòng đã nguội thì lý tưởng sẽ phai và những hoạt động lệch hướng là đương nhiên. Chương trình Phật học hàm thụ của BHP Trung ương trong những năm qua đã tạo nên nhu cầu hướng về học Phật trong hàng ngũ Tăng Ni, Phật tử và cả những người không là Phật tử. Tổ chức thi Phật pháp hằng năm cho mọi đối tượng Phật tử như đã làm, cũng là sự cố gắng của BHP. Tuy nhiên nếu không có gì mới thì phong trào học Phật rất dễ bão hòa, khó phát triển. Cần có một ban chuyên nghiên cứu về nhu cầu, xu hướng của con người xã hội hiện đại, cần có những cuộc điều tra xã hội học để thẩm định nhu cầu thực của Tăng tín đồ. Xây dựng nhiều phong trào liên tiếp nhau với các chủ đề khác nhau, để tạo sinh khí cho chương trình hoằng pháp.

2. Thiết lập cơ chế liên thông: Để thống nhất đường lối, thông suốt chủ trương từ trên xuống dưới, cần phải có một cơ chế ngành dọc. Rất nhiều ngôi chùa ở đô thị cũng như vùng sâu vùng xa rất khát ngưỡng giáo pháp, cả năm trời không có tổ chức được buổi thuyết pháp nào. Họ đã gửi thư thỉnh nguyện thông qua Ban Đại diện, Ban Trị sự… nhưng không thấy hồi âm. Trong khi đó BHP không nắm được tình hình ấy, dù có nắm được đi nữa, khi đáp ứng lại không mang tính thời sự, cập nhật, phải chăng do cơ chế nặng nề và thiếu năng động? Làm thế nào để BHP gần với quần chúng Phật tử hơn? Nắm bắt được nhu cầu tu học của họ hơn? Cần có một mối liên lạc giữa nhu cầu tu học của quần chúng với BHP. Cần có một mối liên hệ hữu cơ giữa BHP và các ban ngành khác như giáo dục, nam nữ Phật tử… Đó là những vấn đề mà nếu có một cơ chế liên thông, cụ thể là những cuộc họp liên ngành, liên tịch, sẽ được giải quyết dễ dàng.

3. Cung ứng nhân sự: Nhân sự gồm lãnh đạo, quản lý và giảng sư. Về vấn đề nhân sự lãnh đạo, quản lý cần năng động hơn và có tầm nhìn chiến lược hơn, không nên cơ cấu nhân sự cho đủ túc số và kiêm nhiệm quá nhiều chức năng. Cần có chính sách bồi dưỡng và kích thích khả năng sáng tạo ở nơi họ.

Về vấn đề giảng sư, thời gian qua BHP đã đào tạo một lượng giảng sư hùng hậu, nhưng đang lúng túng ở đầu ra, tức là chưa tạo môi trường hoạt động cho họ. Một mặt, nội dung đào tạo chưa đổi mới đúng mức nên về chất chưa cao; mặt khác môi trường hoằng pháp còn đơn điệu. Cho nên cần phải xây dựng môi trường hoằng pháp sinh động hơn, đa dạng hơn. BHP thành lập Đoàn giảng sư Trung ương là giải pháp để đáp ứng nhân sự, cần có chính sách  thu hút nhân tài và sử dụng nhân tài, tránh trường hợp sử dụng người theo cảm tình cá nhân. Cần phải củng cố đội ngũ giảng sư, phân loại về trình độ, quản lý giảng sư để chủ động trong việc điều động giảng sư, cung ứng cho nhu cầu Hoằng pháp khắp mọi miền đất nước theo phương châm “Chỗ nào chúng sinh cần, con đến; chỗ nào đạo pháp cần, con đi”.

IV. Vấn đề tài chánh cho chương trình hoằng pháp:

Xây dựng nguồn tài chánh cho ngành hoằng pháp không khó, vì như đã nói “Hoằng pháp là việc nhà” của mọi người con Phật. Chỉ có điều, nếu hiệu quả hoằng pháp không cao thì khó kích thích được tấm lòng hướng về phụng sự đạo pháp của Phật tử. Trên cơ sở một cơ chế hoằng pháp hoàn chỉnh, cần thành lập một ban điều hành ngân quỹ hoằng pháp, dựa vào các nguồn tài chính như: ngân sách từ Giáo hội Trung ương, tỉnh thành, cơ sở chùa chiền đạo tràng và quần chúng Phật tử hoặc từ những hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, in ấn tài liệu… chúng tôi nghĩ rằng chỉ cần có một cơ chế, tổ chức hoằng pháp mạnh mẽ và hiệu quả thì vấn đề tài chính sẽ được giải quyết.

V. Kết luận:

Trong thời gian qua, Ban Hoằng pháp đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng, đã đặt được nền tảng vững vàng cho sự nghiệp hoằng pháp trong đầu thế kỷ XXI. Tiềm năng của ngành hoằng pháp rất lớn, tuy nhiên thách thức cũng rất lớn, do sự phát triển kinh tế xã hội với tốc độ cao. Thời hiện đại người ta không còn tính tốc độ theo từng thập niên như trước đây mà tính từng năm, từng tháng, thậm chí có một số lãnh vực, tính từng ngày.

Để tiềm năng của Ban Hoằng pháp được sớm trở thành hiện thực, chúng ta cần phải có những bước cải cách mang tính đột phá, nhất là cần có một cơ chế hoằng pháp hữu hiệu. Một khi cơ chế hoằng pháp đã được hoàn thiện, chúng ta sẽ có thể cho những gì chúng ta có, và cái chúng ta có phải là cái mà người ta cần.

 

Thích Viên Giác
(Thành viên Ban Điều hành ĐGS T.Ư)