Thiền Tập Cho Những Người Bận Rộn - Kỳ 06

Đi qua cơn bão

Có những cái bạn ôm đồm cất giữ, nhưng những cái ấy đã không có ích gì cho bạn mà còn làm cho bạn mất thảnh thơi. Phải có can đảm buông bỏ những cái ấy. Chiếc thuyền của bạn chở khẳm quá, dễ bị sóng gió làm lật nhào. Phải bỏ bớt để cho thuyền nhẹ. Thuyền sẽ đi mau và sẽ an toàn hơn. Bạn có thể hiến tặng cho người thương sự thảnh thơi ấy, và bạn chỉ có thể làm như vậy khi chính bạn có sự thảnh thơi ấy trong lòng.
Có những người trẻ không có khả năng đối phó với các cơn cảm xúc lớn như: uất ức, giận hờn, chán nản, tuyệt vọng, v.v... cho nên đã đi tự tử. Đối với họ, tự tử là phương cách duy nhất để chấm dứt khổ đau. Nhưng nếu ta có dịp cho họ phương pháp đối trị cảm xúc, họ sẽ có cơ hội làm lắng dịu và vượt thắng được những cảm xúc ấy. Ta phải nắm được bí quyết trước khi ta chỉ bày cho họ. Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng 33 người trẻ tự tử. Trong trường học, không ai dạy cho người trẻ cách thức đối trị cảm xúc. Bạn đừng để khi cảm xúc trào dâng mới bắt đầu thực tập. Cứ bắt đầu thực tập ngay bây giờ đi. Mai mốt, khi cảm xúc trào dâng, bạn sẽ nhớ thực tập.

plum_sunsetTrước hết, bạn phải biết rằng, một cảm xúc chỉ là một cảm xúc, dù đó là một cảm xúc mạnh. Lãnh thổ con người bạn rất bao la: thân thể, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức. Cảm xúc chỉ là một trong số 51 tâm hành. Nó đến, nó ở lại một thời gian rồi nó đi, tại sao ta phải chết vì nó? Ta hãy xem nó như một cơn bão tố. Nếu ta biết cách chống đỡ, ta sẽ được an toàn trong khi cơn bão xảy ra. Cơn bão có thể kéo dài một giờ, vài giờ hay một ngày. Nếu ta nắm được phương pháp thực tập thì ta sẽ đi ngang qua cơn bão dễ dàng. Trong tư thế hoa sen, hoặc trong tư thế nằm ngửa, bạn có thể bắt đầu bằng cách thở bụng. Đặt hết tâm ý vào bụng, thấy được bụng phồng ra khi ta thở vào và xẹp xuống trong khi ta thở ra. Bạn có thể thở thật sâu và hoàn toàn chú ý tới bụng. Đừng suy nghĩ gì hết. Chấm dứt mọi suy nghĩ, chỉ nhớ tới chuyện thở. Trong cơn bão, đọt cây là chỗ dễ bị gãy đổ nhất. Thân cây vững chãi hơn, có nhiều rễ bám sâu vào lòng đất. Đọt cây tượng trưng cho cái đầu hay suy nghĩ của bạn. Bạn hãy rời đọt cây, đi xuống gốc cây cho vững chãi hơn. Gốc cây là ở bụng dưới, dưới rốn một chút, ở huyệt đan điền. Để hết tâm ý vào bụng dưới và thở thật sâu. Đừng suy nghĩ gì hết và bạn sẽ an toàn trong khi cơn bão tố cảm xúc đang diễn ra. Mỗi ngày, thực tập năm phút, sau ba tuần lễ, bạn đã có thói quen và khi cảm xúc tới, bạn sẽ nhớ để mà thực tập.

Đi qua được cơn bão rồi, bạn sẽ có niềm tin.  Bạn tự bảo: kỳ sau, nếu cơn bão cảm xúc trở lại, bạn không còn sợ hãi nó, vì bạn đã biết cách xử lý nó. Bạn cũng có thể dạy cho con bạn, em bạn, để chúng biết phương pháp thở bụng. Nắm tay em bé, bạn bảo em bé cùng thở với bạn, đặt hết tâm ý vào bụng dưới.  Tuy là một em bé, nó cũng đã có thể có cảm xúc mạnh rồi, và nó có thể học thở để vượt thắng cảm xúc. Ban đầu, nó cần sự yểm trợ của bạn, nhưng sau này, nó có thể tự làm một mình. Nếu bạn là cô giáo, hay thầy giáo, bạn có thể dạy cho tất cả các học sinh trong lớp cách thức thở bụng. Có thể trong số học sinh của bạn có những đứa sẽ thực tập, sau này khi cơn lốc cảm xúc đi tới với chúng và chúng sẽ không đi tự tử. Như vậy là bạn đã cứu mạng được cho những đứa ấy.

Thực tập trong tư thế ngồi là tốt nhất. Trong tư thế nằm, bạn có thể để trên bụng một túi nước nóng.

Không Gian Thênh Thang

Không gian tượng trưng cho sự thảnh thơi, cho sự tự do. Không có thảnh thơi thì không có hạnh phúc! Cái gì làm cho mình mất đi sự thảnh thơi? Lo lắng, sầu khổ, bận rộn, ôm đồm, ganh ghét...

Có thể bạn đang tin rằng sự thành công của bạn về phương diện quyền lực, danh vọng và tiền bạc là nền tảng của hạnh phúc. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ, bạn sẽ thấy có những người rất nhiều quyền hành, danh vọng, tiền bạc mà không có hạnh phúc. Tại sao? Tại họ không có tự do, không có sự thảnh thơi. Bạn có nhiều chuyện để làm. Bạn muốn thành công mọi mặt. Điều này không có gì xấu. Nhưng bạn phải sắp đặt như thế nào mà công việc tiếp tục đem lại niềm vui hằng ngày cho bạn. Đừng vì công việc mà phải lo lắng, sầu khổ, bực bội. Phải làm việc cho thảnh thơi. Phải có thì giờ chăm sóc bản thân và chăm sóc những người thân. Phải có thì giờ để thương yêu. Thương yêu ở đây không phải là đam mê. Thương yêu tức là chăm sóc, tức là mang tới hạnh phúc cho người kia, làm cho người kia bớt khổ. Món quà quý nhất mà bạn có thể tặng cho người thương là không gian, là sự thảnh thơi. Không gian chung quanh và không gian trong lòng. Đừng để tâm ý quá bận rộn, lo lắng, sầu khổ. Biết quẳng gánh lo đi và vui sống. Đây là một nghệ thuật. Những gì không thật sự quan trọng, những gì không đem lại được hạnh phúc thì bạn tập buông bỏ. Buông bỏ thì có không gian.

Bạn hãy tưởng tượng một người đi chợ trời, thấy cái gì rẻ là mua đem về nhà, dù là những cái mình không cần. Thấy rẻ quá thì mua, vậy thôi. Trong vài tuần lễ, nhà ông ta đầy quá, đi vào đi ra không được nữa. Đi tới đi lui trong nhà, ông ta cứ đụng những thứ mua từ chợ trời về. Ông không còn không gian để sống. Điều này cũng đúng cho đời sống bên trong. Nếu bạn có quá nhiều lo toan, sợ hãi và nghi ngờ thì bạn cũng không còn không gian để sống. Bạn cần tập buông bỏ.

Thở vào, tôi thấy tôi là không gian thảnh thơi. Thở ra, tôi thấy tôi thênh thang.

Trong đạo Bụt có pháp môn gọi là Ly sinh hỷ lạc, niềm vui và hạnh phúc được phát sinh từ sự buông bỏ. Ly là buông bỏ. Hỷ lạc là niềm vui, hạnh phúc. Bạn hãy ngồi xuống và kiểm điểm. Có những cái bạn ôm đồm cất giữ, nhưng những cái ấy đã không có ích gì cho bạn mà còn làm cho bạn mất thảnh thơi. Phải có can đảm buông bỏ những cái ấy. Chiếc thuyền của bạn chở khẳm quá, dễ bị sóng gió làm lật nhào. Phải bỏ bớt để cho thuyền nhẹ. Thuyền sẽ đi mau và sẽ an toàn hơn. Bạn có thể hiến tặng cho người thương sự thảnh thơi ấy, và bạn chỉ có thể làm như vậy khi chính bạn có sự thảnh thơi ấy trong lòng.

Thiền Tập Cho Những Người Bận Rộn là tập sách mới của Sư Ông chưa xuất bản, BBT sẽ giới thiệu đến các bạn mỗi kỳ một chương ngắn để bạn có thể vừa đọc và vừa thực tập. Chúc bạn có nhiều niềm vui và thành công trong sự thực tập :).


HT THích Nhất Hạnh