Những giảng đường Tăng Ni

Giờ ra chơi lớp Tăng sinh khóa 5 (Học viện Phật Giáo Việt Nam), học viên Thích Hạnh Bích loay hoay chuyển file ghi âm tiết học Kinh Viễn Giác của giảng sư vào chiếc laptop đời mới nhãn hiệu Dell...

Lời giảng của giảng sư sau đó sẽ được Thầy gõ ra file word vừa làm giáo trình, vừa là tài liệu cho các đệ tử tham khảo. Gần 20% tăng sinh khóa 5 cũng sở hữu những chiếc máy tính xách tay, máy ghi âm, ipod, di dộng đời mới như vậy. Kỷ nguyên công nghệ hiện đại đã thổi một làn gió mới vào những giảng đường tăng ni Phật giáo Việt Nam…

Dặm trường khó qua”

Tuy nhiên, để bước qua cánh cổng của Học viện Phật Giáo Việt Nam tọa lạc uy nghi, bề thế trên núi Sóc Sơn, học viên phải trải qua rất nhiều cửa ải. Theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thí sinh phải là một vị sư thực thụ, tốt nghiệp trung cấp Phật học 4 năm ở các tỉnh thành, có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông mới đủ điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển.

Kỳ thi được tổ chức 4 năm 1 lần với 3 môn chính: Giáo lý căn bản, Văn học sử Phật giáo và một trong ba ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc hiện đại và Hán Cổ.

Đại đức Thích Minh Tiến-Thư ký điều hành Học viện giải thích: "Đào tạo những chức sắc tôn giáo mang một đặc thù riêng nên chúng tôi phải có những quy định gắt gao như vậy. Khóa V vừa rồi (2006-2010) có gần 500 thí sinh cũng chỉ sàng lọc được 290 tăng ni sinh đại học và 50 cao đẳng đến từ 34 tỉnh thành trong cả nước". Thầy Tiến cho biết thêm: “Bước vào chính khóa, chương trình học tập và thi cử của sinh viên còn “gian nan” gấp trăm lần sinh viên các trường thường”.

Thảo nào, khi bước vào phòng 106 - nhà A2 của các tăng ni sinh, chúng tôi thấy không khí dịu mát, trong lành của núi rừng Sóc Sơn như mất hẳn. Thay vào đó là sự sôi sục của học viên giữa thời khắc “nước sôi lửa bỏng" nhất của kỳ thi.


Ni sinh T.D.H (chùa Yên Phụ - Bắc Ninh) bơ phờ đưa tôi xem lịch trình dày đặc của một sinh viên khóa V: 4 giờ dậy, 4h30: niệm kinh Phật, 5h30: tập thể thao, 7h lên lớp, 11h tan học, 12h ăn cơm trưa, 13h lên học tiếng Anh, tiếng Trung, 16h lên chùa Tụng kinh; 19h tham gia Câu lạc bộ Thư pháp, 21h học ôn tiếng Trung, tiếng Anh, 23h đi ngủ và sáng sớm hôm sau lại 4h dậy theo quy định của học viện…

Một học kỳ của sinh viên các trường đại học chỉ phải học từ 6 đến 9 môn thì sinh viên Học viện Phật giáo phải “ôm” 17 đến 19 môn, từ môn ít nhất 45 tiết đến môn nhiều nhất là 90 tiết.

Thời khóa biểu của sinh viên năm thứ 2: “Kinh NiKaYa: 75 tiết; Kinh A Hàm: 60 tiết; Ba la đề mộc xoa giới: 90 tiết; Kinh Lăng Nghiêm: 75 tiết; Cổ Ngữ: 75 tiết; Anh Văn: 75 tiết; Logic học: 60 tiết; Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam: 45 tiết; Chủ nghĩa Xã hội: 45 tiết; Xã hội học đại cương: 45 tiết…”.

Khó khăn nhất với học viên ở đây, như ni sinh Thích Diệu Huyền tâm sự: “Các thầy ở chùa từ nhỏ, quanh năm suốt tháng chỉ tiếp xúc với kinh Phật thì làm gì biết đến giá trị thặng dư, quy luật thị trường, đô thị hóa, nội hàm, ngoại biên…Vì thế, họ rất “nhọc nhằn” khi tiếp xúc với các môn “ngoại điển” như triết học, kinh tế chính trị, logic, xã hội học…”.

Ngoài cách nhờ giảng viên tóm tắt nội dung chính, tổ chức nhóm giải đáp thắc mắc, không ít học viên ở đây phải “lách luật” để qua kỳ thi môn “ngoại điển”. Lúc này, “phao ruột mèo”, bản chép tay phôtô sẽ được “luồn” vào phòng thi mặc dù bản thân mỗi học viên cảm thấy day dứt vì đã vi phạm một trong những giới luật quan trọng nhất: Không gian dối.

Tăng sinh Thích Minh Giác cho biết, mặc dù thấm nhuần tinh thần Phật giáo từ nhỏ, nhưng việc học tập các môn “nội điển” liên quan đến Phật giáo cũng không phải dễ dàng. Đặc biệt những môn Kinh và Luật trong giáo lý Phật giáo.

Trong hệ thống kinh điển của Phật giáo có tới 84.000 pháp môn tu hành, nhưng chung quy lại không ngoài 3 hệ thống Kinh, Luật, Luận ( Kinh- do Đức Phật nói ra, Luật: Giới luật, Luận: do các vị tổ sư dựa vào Kinh và Luật để viết ra). Riêng một câu kinh đã có hàng trăm cách lý giải, cắt nghĩa khác nhau học viên cần phải lĩnh hội. Cả nghìn bộ kinh luận như vậy cũng đủ làm học viên phải “toát mồ hôi” mỗi khi nghiên cứu, học thuộc. Nhưng có lẽ với người học ở đây những “nhọc nhằn” thi cử chỉ giống như một vết lõm nhỏ trên con đường chông gai đến với đức Phật. Như tăng sư Thích Minh Giác tâm sự: Khi đã bước chân vào đây, hầu hết mọi người đều mang khát khao học tập, nghiên cứu để trở thành những nhà tu hành cống hiến cho Phật học và dân tộc.

250 và 348 giới luật một ngày

Gần 10 năm làm công tác quản lý kiêm thầy chủ nhiệm, đại đức Thích Minh Tiến đã bao lần nuốt nước mắt vào trong khi phải ký giấy cảnh cáo, kỷ luật, thông báo về tỉnh hội, sư trưởng và chính cha mẹ học viên.

Có thể chỉ là ngủ dậy muộn, trễ nải trong tu hành, ra vào trường sai quy định, quan hệ tăng - ni không trong sáng, quay cóp, nghỉ học không lý do…Nhưng khi đã chọn cho mình con đường tu hành, rèn luyện, đào tạo thành chức sắc, mỗi tăng ni sinh phải nghiêm khắc sàng lọc, loại bỏ những điều xấu còn rơi rớt trong con người mình.

Thầy hiểu, suy cho cùng, học viên ở đây đều là những con người bình thường, lại trẻ tuổi, vì thế không thể tránh khỏi những bồng bột, nông nổi trong suy nghĩ, hành động. Quy luật giữa cái thiện - ác, tốt - xấu lại rất mong manh, chỉ cần một khoảnh khắc chệch hướng cũng dễ rơi vào cái ác:

“Quan trọng nhất là sự hối cải của con người chứ chúng tôi không nặng về vấn đề kỷ luật. Kỷ luật chỉ là biện pháp giáo dục cuối cùng, thậm chí kỷ luật xong các thầy vẫn mở đường cho tăng sinh sám hối”.

Các hòa thượng, đại đức ở đây đều hiểu, họ đang giáo dục một con người chứ không phải một cái cây, một đồ vật. Vì thế, phương pháp giáo dục chính là để mọi người thành tâm sửa đổi. “Vừa dạy vừa dỗ, vừa uốn nắn, nhắc nhở, vừa khuyên bảo, chia sẻ bằng các kênh bạn bè, giảng sư, thầy phụ trách, sư trưởng, gia đình…như “mưa dầm thấm lâu” sẽ giúp học viên chuyển đổi tâm tích của mình.” Thầy Thích Minh Tiến chia sẻ.

Tăng sinh Thích Mạnh Đức tâm sự: Dù môi trường rèn luyện ở đây “khắc nghiệt” không khác quân đội nhưng tất cả các tăng ni sinh đều rất hài lòng và tuân thủ chấp hành. Một ngày, ngoài việc học tập, học viên phải hành trì lễ niệm (tụng kinh, niệm Phật) sáng sớm, trưa, chiều tối.

Các tăng sinh và ni sinh ở hai khu tách biệt và chỉ gặp gỡ ở những nơi công cộng như giảng đường, câu lạc bộ, nhà ăn…Sau 21h30, nếu có học viên qua lại khu nhà ở của nhau sẽ bị kỷ luật cảnh cáo. Học viên muốn ra ngoài phải có bản đồng ý qua ba chữ ký, trong đó ghi chính xác giờ đi, giờ về.

Ni sinh Thích Diệu Huyền cho biết thêm: “Ăn uống cũng phải đúng nghi thức, trước khi ăn làm lễ tri ân công đức quốc gia, dân tộc, Phật pháp đã tạo dựng cơ ngơi. Trong ứng xử thì phải giữ đúng quan hệ bổn đạo trên dưới để trau dồi giới đức.” Một ngày, tăng sinh phải học và tự răn 250 điều giới luật, ni sinh là 348 điều.

Giọt nước mắt cho đời

Trên chính giữa bức tường trong phòng ở tăng sinh Thích Minh Giác treo một bức tranh: “Lục hòa cộng trụ” gồm 6 điều răn: Thân hòa đồng trụ (Sống hòa hợp về thân thể), Khẩu hòa vô tranh (Hòa nhã tiếng nói), Kiến hòa đồng diệt (Mâu thuẫn vứt bỏ), Lợi hòa đồng quân (Vật phẩm chia chung), Kiến hòa đồng giải (Cùng chia sẻ ý kiến)…Đã hai năm nay, khi có tranh cãi, mâu thuẫn nhỏ cả 6 tăng sinh không ai bảo ai lại nhìn lên bức tranh này để giữ lại hòa khí cho cả phòng.

340 học viên đến từ 34 tỉnh thành khác nhau, mỗi người một tính nết, một hoàn cảnh sống nhưng chưa bao giờ trong học viện xảy ra một xô xát, cãi vã nhỏ. Ni sinh Thích Diệu Huyền (phòng 106-A2) tâm sự: “Quanh năm suốt tháng chúi đầu vào học tập, rèn luyện, thời gian rảnh lại tụng kinh, niệm Phật. Ăn uống thì chỉ đạm bạc hai bữa cơm chay, hoa quả...nên học viên cũng chẳng có ham muốn, hiềm tị về vật chất hay tình cảm để mà mâu thuẫn.

Ngược lại, các đồng sư hết mực yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với nhau. Có nhiều tăng ni từ miền Trung, miền Nam ra đây hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi lại tằn tiện, gom góp giúp đỡ có chỉ là quả chuối, bát xôi... những khi đói lòng”. Một số học viên đã tốt nghiệp các trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn, Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ… lại “phụ đạo” các môn “ngoại điển” giúp những học viên khác.

Hàng năm, đến lễ Phật đản, mùa Vu Lan… tăng ni sinh lại quây quần thành từng nhóm, sôi nổi dựng một vở kịch, tập một bài hát góp vui. Mùa Vu Lan năm ngoái, khi nghe tiếng hát của ni sinh Thích Diệu Huyền: Mẹ hiền ơi mùa Vu lan đã về, người ta vui cùng đời, hoa hồng đỏ thắm trên môi, còn mình tôi lang thang nhặt cành hoa trắng. Tháng bảy ngày trăng mùa hiếu vu lan, hoa hồng cài áo rất hồng tươi. Nay hoa trắng trắng màu xót thương, mẹ ơi đau đớn khôn lường…” cả hội trường đã lặng đi. Những giọt lệ lặng lẽ lăn trên gương mặt họ như những nỗi đau đời vẫn chưa thể hóa giải trên con đường chân tu!

 

Phương Việt Trì

Theo: Vietimes.com.vn