Nhân rộng mô hình tu tập cho giới trẻ: Tại sao không?

Có thể nói, chưa năm nào các khóa tu tập dành cho giới trẻ trong các chùa lại được xã hội quan tâm như năm nay. Một số chùa tại các tỉnh thành mà nổi bật là những ngôi chùa có “tiếng lành đồn xa” xưa nay như: Chùa Hoằng Pháp (TP. HCM), Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc) đã tổ chức những mô hình tu tập này rất thành công.

Đây là một hoạt động phật sự đã trở thành động lực để tạo ra sức mạnh to lớn trong việc giáo dục thanh thiếu niên thời hiện đại. Kết quả đó được thể hiện rất rõ nét bằng chính sự tiến bộ về đạo đức, nhân cách của các em sau quá trình tập tu của mỗi khóa học.

alt

Khóa tu mùa Hè năm 2009 tại chùa Hoằng Pháp, TP. Hồ Chí Minh

Sự kiện này đã được những cơ quan báo chí có uy tín trong nước như: Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), Sài Gòn Giải Phóng, Công An Nhân Dân, Doanh Nhân, Dân Trí, VietNamNet, Tiền Phong, Giác Ngộ v.v. ghi nhận và đưa tin.

Bài báo gần đây nhất là “Cô chiêu”, “cậu ấm” tu tập chốn thiền môn của Vietnam Plus trực thuộc cơ quan TTXVN nói về các “cô chiêu cậu ấm” lên chùa để cai game, cai net hoặc tìm một môi trường thư giãn sau những tháng ngày căng thẳng vì học tập đã để lại cho người viết vài suy nghĩ thiển cận như sau:

Cần xã hội hóa các lớp tu học Phật Pháp mỗi dịp Hè về

Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày một nâng cao. Việc đời sống vật chất nâng cao ít nhiều đã tác động làm nảy sinh một số vấn đề mang tính tệ nạn như: mại dâm, cưỡng dâm, hút hít ma túy, mê games, đâm thuê chém mướn trong một bộ phận giới trẻ.

Bên cạnh đó, dân số ngày càng gia tăng cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc giải quyết các nhu cầu sống của con người cho các ban nghành chức năng cũng như cho toàn xã hội, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương mà Vietnam Plus đưa tin, thì dân số Việt Nam tính đến 0 giờ, ngày 1.4.2009, là 85.789.573 người, tăng 9,47 triệu người so với năm 1999 (với sai số thuần là 0,3%), đứng thứ 13 trên thế giới.

 

alt

Lớp học Phật Pháp cho các em thiếu nhi tại chùa Trường Phước, Tiền Giang

Từ thực tế ấy, hiện nay, các bậc cha mẹ lại càng lo lắng cho con em họ trong mỗi dịp Hè về nhiều hơn là khi chúng đi học ở trường. Bởi lẽ, mùa Hè là mùa được nghỉ học, không có việc gì làm. Mà cổ nhân thì đã dạy “nhàn cư vi bất thiện”, nghĩa là phàm không có công ăn việc làm ổn định dễ phát sinh những hành vi, hành động không tốt. Do đó, đã có bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra trong giới trẻ mỗi khi Hè về, và khi cha mẹ phát hiện thì đã muộn màng.

Đọc những loạt bài về “Hoa khôi trong trại giam” do báo Công an Nhân dân gần đây đăng tải mới thấy xót xa cho thế hệ trẻ bây giờ. Hoặc trên trang web khác ở mục Pháp luật, nhan nhản những em còn đang ở tuổi vị thành niên mà dám ngang nhiên cầm dao vác gậy đi cướp, chuyện đánh nhau trong học đường, việc “xử đẹp” những người bạn của mình ngay tại sân trường…hình như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” hiện nay!

Đảng và Nhà nước là những cơ quan luôn đi đầu trong việc tìm ra hướng giải quyết để khắc phục những tình trạng này. Vì vậy, những năm gần đây các sân chơi bổ ích trong dịp hè cho các em rất được quan tâm. Tuy nhiên, việc làm này vẫn rất hạn chế, bởi đa phần các em không phải vì thiếu chỗ vui chơi mà do thiếu chánh kiến để có thể tự thân nhận định đúng đắn về cuộc sống, hay nói khác hơn là thiếu hiểu biết về chính mình!

Trong khi đó, giáo lý Phật giáo lại có thể bổ sung được những thiếu sót ấy và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của giới trẻ. Vấn đề quan trọng ở đây là các chùa, các sư trụ trì có luôn sẵn sàng bắt tay vào việc cung ứng nhu cầu cấp thiết ấy hay không?

Như chúng ta đã biết, việc đăng tải ca ngợi lập đi lập lại một chủ đề về mô hình tu tập tại chùa Tây Thiên, chùa Hoằng Pháp, chùa Thành của các quan cơ quan thông tấn báo chí trong nước dạo gần đây, hay đúng hơn là kể từ khi Hè về khiến cho một số người cạn nghĩ tưởng chừng như họ đã hết đề tài để nói, nghe hoài chán tai.

Tuy nhiên, thực tế không như một số người cạn nghĩ như vậy. Với phương thức “mưa dầm thấm lâu” của các cơ quan báo chí ấy, nếu cẩn thận suy nghĩ sâu xa một tí, chúng ta có thể nhận thấy, họ đang gửi những thông điệp và đang gióng lên những hồi chuông thức tỉnh các vị chức sắc Phật giáo Việt Nam, cần quan tâm hơn nữa việc nhân rộng các lớp học làm người cho giới trẻ trong các chùa trên toàn quốc, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là, cần xã hội hóa mô hình tu tập cho giới trẻ hiện nay trong các chùa mỗi khi Hè về - nếu mở được quanh năm càng tốt.

Khách quan mà nói, đây chính là đóng góp thiết thực nhất của các chùa cho xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ thời nay về đạo đức, lối sống, nhân cách v.v.

Tại sao không?

Thiết nghĩ, việc mở các lớp học làm người, lớp học Phật Pháp, khóa tu mùa Hè cho giới trẻ, hội trại v.v không nhất thiết chỉ làm ở những ngôi chùa to Phật lớn, đủ điều kiện cơ sở vật chất mà bất cứ chùa nào, dù là thôn quê hay thị thành, đều có thể mở những lớp tu học dành cho giới trẻ.

Không phải chùa lớn như ở Trúc Lâm Tây Thiên, Vĩnh Phúc, hoặc chùa có số lượng nhiều bạn trẻ tham dự như chùa Hoằng Pháp, TP. Hồ Chí Minh thì chúng ta mới tổ chức được.

 

alt

Khóa tu một ngày Hè an lạc tại chùa Thành, Lạng Sơn

Nếu cứ đợi chờ như thế thì xã hội có ban cho chúng ta điều kiện, cơ hội có đến với chúng ta, và các em có thể mong chờ được chăng? Cho nên, vấn đề ở đây chính yếu thuộc về con người. Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội có quan tâm, các Ban Trị Sự Tỉnh Thành, Ban Đại Diện huyện thị và các sư trụ trì có mạnh dạn tổ chức hay không?

Lại nữa, hiện nay Giáo hội chúng ta có số lượng Tăng Ni tốt nghiệp các trường Phật học trong cả nước rất nhiều. Đây chính là lực lượng nòng cốt đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Với phương châm "Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, hy vọng việc làm này chư vị sẽ lưu tâm nhiều hơn.

Nếu thực hiện tốt việc nhân rộng mô hình tu tập cho giới trẻ trong các chùa từ thôn quê đến thành thị, chắc chắn các vị Tăng Ni sau khi ra trường sẽ luôn có “đất dụng võ” mà không phải sợ “thất nghiệp”. Đặc biệt, Giáo hội sẽ không phải lo lắng tình trạng “trên thừa dưới thiếu” nữa. Sự phân hóa đồng đều yếu tố nhân lực sẽ được củng cố.

Như vậy việc nhân rộng mô hình tu tập cho giới trẻ, tại sao không?

 

Nhật Nguyệt