Tin tổng hợp: Khởi công phỏng dựng tháp Tường Long thời Lý

Thành phố Hải Phòng vừa làm lễ khởi công phỏng dựng lại tháp Tường Long (có từ đời nhà Lý) trên trên đỉnh núi Ngọc, thuộc quận Đồ Sơn. Đây là hạng mục quan trọng trong dự án phỏng dựng, tôn tạo cụm di tích tháp Tường Long- chùa Tháp chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 Tòa tháp được xây mới cao 36,09m, gồm 13 tầng, bên cạnh phế tích tháp cũ. Chân tháp hình vuông có kích thước 25,86 x 25,86m, được tổ chức 4 lối lên xuống đăng đối nhau, bên trong là tượng A-di-đà ngồi trên tòa sen bằng đá, vốn đầu tư 17,4 tỷ đồng. Tòa tháp này chỉ được phỏng dựng thay vì phục dựng bởi những dấu tích tháp cũ còn sót lại rất ít, chủ yếu là nền móng trong khi không có tài liệu nào ghi chép về kiến trúc của tháp này.

Cùng với việc phỏng dựng lại tháp Tường Long, dự án còn bao gồm các hạng mục xây dựng nhà che hố khảo cổ- nơi tìm thấy dấu tích tháp Tường Long; nhà che bia và tôn tạo chùa Tháp. Tổng vốn đầu tư của dự án là 179,7 tỷ đồng, trong đó riêng vốn để tôn tạo chùa Tháp (80 tỷ đồng) hoàn toàn được huy động từ xã hội hóa. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2015 và trở thành một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Mạnh Cường


Khởi công xây dựng tháp Tường Long

(ANTĐ) - Sáng qua (16-1), tại đỉnh núi Ngọc, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đã tổ chức khởi công xây dựng tháp Tường Long - một hạng mục trong dự án phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long - chùa Tháp.

Công trình có giá trị 20,5 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục phỏng dựng tháp Tường Long và các công trình nhà che hố khảo cổ, hố móng tháp cũ, nhà che bia... Kiến trúc tháp gồm 13 tầng, với chiều cao 36m. Chân tháp hình vuông được tổ chức 4 lối lên xuống đăng đối nhau, bên trong là tượng A-di-đà ngồi trên tòa sen bằng đá. Tổng vốn đầu tư cho Dự án phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long - chùa Tháp là 179,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xây dựng cụm chùa Tháp được huy động xã hội hóa hoàn toàn.

Dự án thực hiện từ năm 2009 đến 2015, với thời gian thi công dự kiến 760 ngày trong đó chùa Tháp dự kiến hoàn thành trong năm 2010 để hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cúc Thu


-------


Tháp Tường Long - Từ góc nhìn phong thủy học

Tháp Tường Long - Một đang được trùng tu di tích lịch sử, văn hóa đang được trùng tu. Tìm hiểu thêm về ngôi tháp này, chúng tôi xin đăng lại một số bài viết thể hiện quan điểm của những người quan tâm để bạn đọc tiện theo dõi.

Tháp Tường Long - Từ Góc Nhìn Phong Thủy Học !

Nhận được điện thoại của cô bạn báo tin Tháp Tường Long - Ngôi tháp Phật Giáo đánh dấu sự du nhập Phật Giáo của Việt Nam đã được khởi công phục dựng. Thấy rất vui ! Phần vì mình đã từng đến ngôi tháp này để lấy tư liệu viết cho báo TVTD nhưng sau không đăng được, phải đưa lên Blog ! Vui nữa vì cuối cùng thì Chính Pháp của Đức Phật cũng đã hưng khởi trên vùng đất Đông Bắc của Tổ Quốc !

ThapTuongLong  

Quy Hoạch Kiến Trúc Tháp Tường Long

Nhưng đọc đến bài báo của Đăng Thùy trên báo TVTD thì thấy nói gì đâu !? Mọi người hầu như chỉ nhìn thấy cái bề ngoài của Tháp Tường Long ở những ý nghĩa rất trừu tượng mơ hồ mà không hề thấy Tác Dụng To Lớn của Tháp Tường Long ! Họ không tự hỏi vì sao các bậc Cao Tăng Đắc Đạo của Tây Trúc lại chọn nơi đây để đặt Tháp ASOKA và Vua Lý lại đến miền biên viễn hoang vu này để phục dựng lần thứ nhất, đồng thời đổi tên Tháp là "Tường Long" ! Họ cũng chẳng cần biết vì sao Vua Gia Long sau là Minh Mạng cho phá tháp với một cái cớ rất buồn cười là "Lấy gạch để xây Thành Trấn Hải Dương".

Ở đây ngoài Ý nghĩa Tâm Linh ! Ngôi Tháp này mang ý nghĩa rất lớn về Phong Thủy !

KhuVucThapTuongLong.jpg
Ảnh Vệ Tinh Khu Vực Tháp Tường Long

Từ trên ảnh vệ tinh có thể thấy vị trí Tháp Tường Long nằm trên một Long Mạch ( Khí Mạch) lớn. Khí Mạch này chạy ngầm trong lòng đất đến khu vực Suối Rồng ( Xin lưu ý cái tên này) thì đột khởi vùng lên giống như một con rồng đã ra đến biển lớn, Long Khí cuồn cuộn di chuyển ra hướng biển tạo thành toàn bộ khu vực nghỉ mát của Đồ Sơn ngày nay cuối cùng Đầu Rồng đi ngầm dưới biển và cất lên tạo thành đảo Dáu. Đây cũng là Án Sơn - Hồi Long của Khí Mạch này ! Chính tại khu vực Đình Ngọc ( Xin lưu ý tên Đình Ngọc) đã kết phát một Huyệt Oa !

Hơn 2000 năm với một đời người là quá dài ! nhưng với một Long Mạch, một thế núi thì lại là quá ngắn, vì thế chắc chắn các bậc Thánh Tăng Cổ Hiền xưa đã sớm nhận ra Long Huyệt này ! Có thể nói đây là một Long Huyệt khá điển hình và dễ nhận ra. Hình Oa rộng rãi, có thế có lực, Địa Nhục đầy đặn báo hiệu một vùng Sinh Khí thịnh vượng, bằng chứng là Long Khí còn tiếp tục chạy thêm một quãng đường dài ra tận ngoài biển lớn. Trên quãng đường đi còn lại nó tiếp tục kết thêm một số Huyệt khác ( Chưa có dịp kiểm chứng, nhưng chắc chắn có!). Hơn nữa Long Mạch này nằm trên tuyến Tây Bắc Đông Nam nên dễ dàng đạt được Thế Cục "Tam Nguyên Bất Bại" . Tuy nhiên Huyệt này có một nhược điểm lớn là Tay Long (Nơi có Tháp tường Long) thấp hơn Tay Hổ và Tay Hổ lại hơi có tư thế doãi ra ngoảnh đi làm cho Huyệt bị Tán Khí ! Điều này ứng với "Thê Thiếp, Tiểu Nhân, Người Dưới lấn áp Bề Trên". Và như thế Huyệt này cũng không thành Chân Long Đich Huyệt. Hiểu rõ điều này nên các vị Thánh Tăng xưa và Vua Lý Thánh Tông đã cho dựng Tháp để Tụ Khí Mạch, tạo uy thế cho Tay Long, Áp Chế Tay Hổ, để dần dần nơi đây thành một Huyệt Đất Quý.

Theo blogphongthuy


-----

Tháp Tường Long

Đầu Phật trang trí ở Tháp Tường Long-Đồ Sơn
Tháp Tường Long được xây dựng vào đời vua Lý Thánh Tông, năm 1057. Tháp được xây trên ngọn núi đầu tiên của dãy núi Đồ Sơn. Vì vậy nhân dân địa phương gọi núi này là núi Tháp để kỷ niệm về một thời xa xưa đã tồn tại ngọn tháp quý và đẹp.

Trên đỉnh ngọn núi này có một nơi bằng phẳng, diện tích ước chừng trên 1000m2. Ngọn tháp được xây dựng ở vị trí mặt đất bằng phẳng này. Xét về mặt hành chính, thuở xưa tháp thuộc địa bàn xã Vạn Sơn, hiện nay thuộc phưòng Ngọc Xuyên thị xã Đồ Sơn.

Đến năm Gia Long thứ III (1804) tháp bị phá lấy gạch, xây thành trấn Hải Dương (theo Đại Nam Nhất Thống Chí Quốc Sử Quán triều Nguyễn). Như vậy đã hai thế kỷ không có ai được trông thấy ngôi tháp nữa.

Song chính vì giá trị kiến trúc, hội họa, lịch sử của ngôi tháp mà nó được đời này truyền sang đời khác, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau đến với chúng ta ngày nay.

Nhờ những nhát xẻng, cuốc của bộ đội, dân quân Đồ Sơn thời chống Mỹ cứu nước đào giao thông hào, xây dựng trận địa pháo phòng không đã chạm vào nền tháp cổ làm bật tung lên những viên gạch quý lạ, trên một mặt có dòng chữ Hán in nổi trong một khung hình chữ nhật “Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”. Dòng chữ ấy có nghĩa là thời trị vì của vua Lý Thánh Tông, có niên hiệu Long Thụy Thái Bình làm ra viên gạch này cũng có nghĩa là làm ra công trình này. Song cũng chính vì lẽ đó mà nền tháp bị xẻ đi, xẻ lại ngang dọc nhiều lần.

Vào những ngày sôi động chống Mỹ của năm 1972, Đinh Văn Kiền và Nguyễn Minh Thế, cán bộ của Bảo tàng Hải Phòng đã đến xã Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn sưu tầm những viên gạch vỡ, họa tiết trang trí của ngôi tháp, các mảnh vỡ của các mô hình tháp,... Cuối tháng 2 năm 1978, Viện khảo cổ học kết hợp với Sở Văn hóa thông tin Hải Phòng tiến hành khai quật tháp Tường Long để tìm hiểu về kiến trúc thời Lý ở Hải Phòng.

Hai mươi năm sau, vào 1998 tháp được khai quật lại với mục đích giữ chân móng tháp làm “bảo tàng ngoài trời”, chuẩn bị cho phỏng dựng lại ngôi tháp cổ này ở gần với chân móng ngôi tháp cũ. Nhờ hai cuộc khai quật nền tháp, đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết cơ bản về kiến trúc, về đề tài trang trí, chất liệu xây dựng của ngôi tháp,...

Tháp hình vuông, mỗi chiều của móng tháp đo được 7,95m, bề dày của tường xung quanh lòng tháp là 2,50m, móng tháp xây giật 3 cấp nay chỉ còn lại 2 cấp, phần giật cấp của mỗi nền vào là 25cm. Lòng tháp cũng hình vuông, rỗng có diện tích khoảng 9m2, nơi đặt pho tượng đá Adiđà.

Có nhiều loại gạch xây tháp:

- Loại dài 23cm, rộng 20cm, dầy 5cm

- Loại dài 55cm, rộng 20cm, dầy 5cm

- Loại dài 40cm, rộng 20cm, dầy 5cm

Ngoài ra còn một loại gạch xây có một góc hơi nhọn và dầy hơn các góc kia. Chắc hẳn các loại gạch này dùng để xây các góc tháp làm cho các góc đều nghiêng vào tâm (khoảng 190). Bên cạnh gạch để xây cốt lõi tháp còn có gạch trang trí ốp bên ngoài tháp.

Đề tài trang trí ở tháp Tường Long là hoa lá, rồng phượng,... Gạch trang trí hoa lá chủ yếu là hoa sen, rồi đến gạch in hoa tranh 4 cánh, hoa cúc, hoa dây, mây quyện; hình rồng được thể hiện gọn gàng trong một chiếc lá đề; hình chim phượng có chỗ được thể hiện như ở hình rồng nhưng có chỗ được thể hiện sinh động hơn. ở những viên gạch chạm chim phượng được chạm cả hai mặt, có chỗ khoét thủng, khoét sâu, có chỗ được chạm như một bức tranh sinh động,...

Vật liệu xây dựng tháp, ngoài gạch còn có đá, nhất là ở phần chân móng tháp. Trên nền tháp còn có một số hiện vật đá, đấy là dấu vết của các vật được thờ. Cuộc khai quật đã tìm thấy một bệ tượng hình bát giác chạm rồng. Bệ được làm bằng đá xanh đã mất 4 cạnh, chỉ còn lại 4 cạnh. Tám cạnh được bố trí xen kẽ 1 cạnh dài, 1 cạnh ngắn. Trên mỗi cạnh có 4 hàng trang trí. Các cạnh dài trang trí rồng mình trơn từng đôi một chầu vào 1 lá đề. Các cạnh ngắn, rồng được thể hiện nối đuôi nhau. Bệ tạo thành hai cấp, mỗi cấp dài khoảng 12cm giống bệ tượng ADiĐà chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

Tháp Tường Long cao bao nhiêu thước?

Đây còn là một vấn đề chưa ai dám khẳng định chính xác! Tuy vậy ta vẫn có thể hình dung được qua cách mô tả của người xưa qua so sánh với những ngôi tháp cổ còn nguyên vẹn trên đất nước ta ngày nay.

Theo sách Đại Nam Nhất thống chí “Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn huyện Nghi Dương cao 100 thước”. Một thước ở thời Nguyễn khoảng 40cm. Nếu ta hiểu thuần túy như vậy thì tháp Tường Long phải cao gần 40m. Hiện nay chúng ta có con số về chiều cao của các tháp như: Tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), dựng vào thế kỷ XIII cao 16,155m; Tháp Bút ở chùa Ninh Phúc (Bắc Ninh), dựng vào thời Lê Trung Hưng (1647) cao 13,05m; Tháp Phổ Minh (Nam Hà) dựng năm Hưng Long thứ XII (1305) cao chừng 17m. Đây là một tư liệu tham khảo tốt.

Sau cùng xin gợi ra một vài giá trị của tháp Tường Long:

1. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật lớn ở thời Lý thế kỷ XI với chiều cao khá đồ sộ, gần 40m, ở vùng đông bắc đất nước ta.

2. Tháp Tường Long còn là một công trình kiến trúc về tôn giáo làm thỏa mãn tâm linh của người dân Đại Việt thời thịnh vượng. Nhà nước phong kiến ở thế kỷ XI không chỉ quan tâm đến quyền lợi văn hóa, vật chất cho dân mà còn lo cho cả đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của họ.

3. Tháp còn là trạm giao thông liên lạc từ xa gắn với an ninh quốc phòng của quốc gia. Người ta có thể sử dụng khói lửa làm phương tiện thông tin. Trạm giao liên này cũng đồng thời được coi như một vọng gác vững chắc bảo vệ vùng trời, vùng biển ở ven biển của miền Đông Bắc Tổ quốc ta thời bấy giờ.

Trịnh Minh Hiền

Theo: Mỹ thuật Việt Nam (vietnamfineart.com.vn)


-------

Phỏng dựng tháp thời Lý vấp tranh luận "nóng"

Tháp Tường Long (Đồ Sơn-Hải Phòng) sẽ được phỏng dựng theo kiến trúc thời Lý dựa trên dấu nền và các di vật đã xuất lộ qua 3 đợt khảo cổ từ 1978 đến nay. Ngày 21/6, Viện Khảo cổ học đã có báo cáo kết quả và đưa ra những đề xuất mới về ngôi tháp Tường Long này.

Bảo vệ dấu móng kè tháp cổ...

Phỏng dựng tháp thời Lý vấp tranh luận nóng
2 phương án phỏng dựng tháp Tường Long.

Hai lần khai quật khảo cổ trước (năm 1978 và năm 1998) chỉ mới tìm thấy nền móng của ngôi tháp cổ xây bằng gạch, có kết cấu ba tầng giật cấp, tầng dưới cùng có kích thước 7.86m x 7.86m. Khi dự án phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long, chùa Tháp được  phê duyệt và đưa vào danh mục các công trình hoàn thành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận Đồ Sơn đã chủ động đề nghị nghiên cứu, khai quật tìm kiếm dấu tích nền chùa (chùa Vân Bản - chùa Tháp), xác định dấu tích khảo cổ học tại vị trí dự kiến sẽ xây dựng chùa Tháp, phỏng dựng tháp Tường Long và bổ sung các nguồn tư liệu phục vụ cho việc phỏng dựng.

Phỏng dựng tháp thời Lý vấp tranh luận nóng
Móng kè bảo vệ tháp Tường Long.
Mục tiêu tìm dấu tích nền chùa Vân Bảo - chùa Tháp đã không thành công. Các hố khai quật thăm dò đặt xung quanh nền móng tháp Tường Long và ngôi chùa hiện tại đã tìm thấy một số đoạn móng kè bằng đá rất kiên cố, chắc chắn, có lẫn gạch, sành, sứ thời Lý (vật liệu xây dựng tháp Tường Long được dùng lại), nên không thể là dấu tích chùa. Tạm thời, đoàn khai quật dự đoán đây là lớp móng kè hình thành vào thời Trần, hoặc thời Lê, với mục đích bảo vệ nền móng tháp Tường Long.

Cũng không tìm thấy dấu tích khảo cổ nào tại vị trí dự kiến phỏng dựng tháp Tường Long, nhưng trong không gian khá rộng định xây dựng ngôi chùa mới thì có một số hố khai quật xuất hiện dấu tích kè móng. Để bảo vệ dấu tích khảo cổ học này, Viện Khảo cổ học đề xuất ngôi chùa mới nên lùi vị trí một chút về phía đông hoặc nếu bất khả kháng thì phải gia cố tốt nền móng bên trên khi xây chùa để bảo vệ nguyên trạng dấu tích KCH ở dưới.

Riêng với mục tiêu tìm thêm nguồn tư liệu phục vụ cho việc phỏng dựng tháp Tường Long, lần khai quật này đã xác định được quy mô của móng kè bảo vệ tháp Tường Long thời Lý, đã tìm thấy rất nhiều các vật liệu xây dựng tháp, chủ yếu làm từ đất nung như gạch xây có in chữ "Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo" (1057), các loại gạch trang trí, gạch thỏi, ngói hoa sen nhiều kích cỡ (có thể dự đoán dùng để lợp cho các tầng khác nhau), và rất nhiều các vật trang trí (Phượng chầu, mảnh vỡ của con Kinnari, uyên ương...). Chỉ có một số ít vật liệu bằng đá như đá núi để kè móng, đá xây tháp có chạm hình rồng, lá đề bằng đá...

Những dấu chỉ ít ỏi

Mô hình tháp Lý tại Hoàng thành Thăng Long (ảnh trái) và gạch xây tháp Tường Long.

PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện KCH, cho biết: từ tư liệu thư tịch cổ đến hiện trạng khai quật cho chúng ta rất ít thông tin về tháp Tường Long. Chỉ phần chân đế tháp 3 tầng là bằng chứng xác thực nhất, còn việc xác định dáng hình, chiều cao, kết cấu tầng tháp đều không có bằng chứng xác thực. Lượng hiện vật dù rất nhiều nhưng chỉ là những mảnh vỡ, không thể hình dung chính xác về ngôi tháp Tường Long ngày xưa.

Chính vì thế nên chỉ có thể phỏng dựng tháp Tường Long dựa trên các nguồn tư liệu ít ỏi về tháp xây thời Lý: tháp Chương Sơn, Long Đọi (Hà Nam), tháp chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Theo đó, tháp thời Lý đều là tháp thờ Phật có phẩm tước cao nhất, loại tháp cao nhiều tầng, là những công trình do nhà vua xây dựng, có kích thước khá lớn với chân đế hình vuông, và đều được trang trí hoa văn rất tinh tế phủ kín mọi diện tích kể cả sân nền tháp với các đề tài phong phú (Apsara, Kinnari, phượng, rồng, uyên ương, hoa sen, hoa cúc, sóng nước, mây trời...).

Từ những dấu tích tìm thấy tại di chỉ Tường Long, PGS Tống Trung Tín cho biết: Đã tìm thấy mảnh tượng Phật giống của chùa Phật Tích, đã kết luận vật liệu xây dựng chủ yếu bằng đất nung. Quy mô chân đế 7.86m, móng gối trực tiếp lên phần đá gốc, lớp kè bao ngoài 15.8 m theo đúng kết quả khai quật.

Mặt khác, trên các mảnh gạch thời Lý tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long cũng hé lộ mô hình tháp Lý nhiều tầng, dáng thon cao.

Từ những dấu chỉ ít ỏi như vậy, chỉ có thể xác định tháp Tường Long là ngôi Phật tháp thời Lý, chất liệu gạch là chủ yếu và kích thước móng đã xác định qua dấu nền KCH. Những thông số cơ bản khác như kiến trúc nổi cao bao nhiêu tầng, mái tháp cong như thế nào, các họa tiết chạm trổ, trang trí ra sao... đều không rõ.

Tháp Tường Long 9 tầng hay 13 tầng?

Phù điêu Uyên ương, di vật Tường Long.
PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện KCH Việt Nam đã "cân nhắc" đề xuất chọn tháp 13 tầng vì đây là tháp thờ Phật phẩm tước cao nhất (theo Niết Bàn kinh), thay vì là 9 tầng theo bài thơ Tháp Sơn hoài cổ (Cửu cấp phù đồ hóa kiếp bôi) có thể chỉ mang tính phiếm chỉ. Chiều cao của tháp được đề xuất theo ghi chép của Đại Nam nhất thống chí là khoảng 100 thước cổ (tương đương 30.30m).

Tháp sẽ có chân đế 3 tầng giật cấp, tầng khám đặt tượng Phật, đỉnh tháp hình bút sen thon chất liệu đồng. Riêng về trang trí, phương án đề xuất lựa chọn vài hoa văn thật đơn giản của thời Lý để trang trí, chứ không mô phỏng chi tiết tất cả trang trí thời Lý vì quá tỉ mỉ, không đủ tư liệu khôi phục được bố cục, đề tài cũng như "thần thái" mỹ thuật Lý càng chỉ gây phản cảm.

Tuy đánh giá cao kết quả khai quật khảo cổ và nhiều đề xuất xung quanh việc phỏng dựng tháp Tường Long, đề xuất về số tầng, chiều cao cũng như trang trí tháp của Viện đã "vấp" phải những phản biện rất mạnh mẽ trong hội thảo. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng không thể trang trí tháp quá sơ sài, mà phải chọn ra những hoa văn tiêu biểu nhất của thời Lý để phục dựng.

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng) ủng hộ phương án 9 tầng theo tư liệu của các nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, Phan Huy Chú.

Thượng tọa Thích Quảng Tùng cũng "khẳng định" tháp phải 9 tầng tiêu biểu cho "Cửu phẩm liên hoa", và khẳng định sẽ trang trí tượng Phật cả 9 tầng tháp, "Tháp sẽ thờ Phật A di đà. Tôi đã đặt làm một bức tượng Phật ngọc ở Myanmar, sẽ là tượng Phật ngọc đặc biệt nhất Việt Nam. Phải phục chế lại các hoa văn họa tiết thời Lý. Chùa Tháp chúng tôi đang xây cũng hoàn toàn theo phong cách, tinh thần của đạo Phật thời Lý, khi Mật tông và Tịnh độ tông thịnh hành".

TS Lê Đình Phụng thì đề nghị phải tham khảo các tháp Chăm-pa và tháp thời Đường, bởi các công trình tháp của Thăng Long ảnh hưởng văn hóa Chămpa rất mạnh mẽ, sau khi Lý Thánh Tông đánh thắng Chămpa, 5000 nghệ nhân của Chămpa được đưa về Thăng Long, trực tiếp tham gia làm các công trình. Theo ông, tháp Dương Long bằng gạch cao 40 m đã được công nhận là kiến trúc tháp gạch cao nhất Đông Nam Á, còn tháp gạch của Myanmar chỉ cao 12 - 18m, tháp Chămpa cùng niên đại cũng chỉ có tháp Lý Sơn 24m. Vì thế, TS Phụng đề xuất chọn tháp cao 9 tầng, cao khoảng 17 - 18m thì phù hợp hơn.

Riêng GS Hà Văn Khoán "ủng hộ" phương án tháp cao 13 tầng, có đường nét của kiến trúc Chăm pa. Còn nhiều chuyên gia cho rằng chưa thể kết luận về số tầng của tháp, vì cần những cơ sở khoa học vững chắc hơn, như TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo.

"Chấp nhận sự phản biện gay gắt"

GS Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia Việt Nam) còn băn khoăn về cơ sở cho việc phỏng dựng, "Cần khai thác tối đa tư liệu của riêng tháp Tường Long, chứ không thể chỉ xây một ngôi tháp mô phỏng tháp Lý chung chung. Tư liệu lịch sử không nhiều thì phải khai thác tư liệu khảo cổ. Chỉ từ những tư liệu đã có thì chưa thể khẳng định về độ cao, số tầng. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng. Về trang trí tháp cũng chỉ nên dùng tối đa những họa tiết có được từ đào khảo cổ ở đây, nhưng không nên đơn giản quá. Chưa kể, xây tháp trên đồi cao (90m), hướng gió mạnh, độ ẩm muối biển cao... nên phải tính toán về kỹ thuật ngay trong quá trình thiết kế để chịu lực tốt, chống sét đánh, chứ không thể xây chỉ theo cảm tính. Dự án bảo tồn tại chỗ nền tháp cổ phải làm song song với việc phỏng dựng tháp mới".

Phản biện lại những phản biện, PGS Tống Trung Tín "trước sau" vẫn bảo vệ tháp cao 13 tầng, vì chưa khai quật hết đã có hiện vật uyên ương thuộc 12 kích cỡ, đầu ngói hoa sen dùng trang trí cũng đã có 7 kích cỡ, lại đã có thực tế sống là tháp Phổ Minh thờ Phật cao 13 tầng.

Nhà nghiên cứu Trịnh Minh Hiên, người đã tham gia lần khai quật tháp Tường Long trước đây lại "đau đáu" nhiều hơn với việc bảo vệ nền móng tháp Tường Long cổ đã bị phơi sương, phơi nắng bao nhiêu năm. Ông cho biết đã đề xuất phải làm bảo tàng tại chỗ bảo vệ chân tháp từ năm 1998, nhưng không làm được vì thiếu kinh phí. "Không có lý gì chúng ta cứ giữ mãi ngôi chùa cũ và các tăng xê đào trong thời chiến đều đang xâm hại di tích rất nặng. Phải giải quyết "món nợ" với tháp cổ Tường Long, đó mới là gốc gác cần bảo tồn nguyên vẹn", ông Hiên trăn trở.

Cả Bí thư và Chủ tịch quận Đồ Sơn đều khẳng định sẽ không "bỏ quên" việc bảo tồn tại chỗ tháp Tường Long song song với việc xây dựng tháp. "Chúng tôi cũng không quên mục tiêu tìm chùa Vân Bản - chùa Tháp. Trong quá trình xây dựng chùa, tháp, nếu gặp dấu tích khảo cổ, chúng tôi sẽ dừng lại để báo cáo", Bí thư Lê Khắc Nam hứa. Còn chủ tịch Hoàng Đình Bình thì rất tha thiết mong các nhà khoa học cho "đáp án" về kiến trúc cũng như trang trí tháp, bởi áp lực thời gian phải hoàn thành kịp dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, bởi chính 1000 năm Thăng Long là duyên may để tháp Tường Long được phỏng dựng. "Trong dự án sơ bộ đã được phê duyệt, chúng tôi đã đề xuất tháp cao 13 tầng, cao 32m".

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng: "Không thể dùng kết quả biểu quyết trong trường hợp này, đa số không thể quyết định chân lý" và ông đề nghị: Viện Khảo cổ học, Viện nghiên cứu tôn giáo và Thành hội Phật giáo Hải Phòng phải phối hợp để nghiên cứu đầy đủ tư liệu, đưa ra phương án tối ưu về số tầng và chiều cao của tháp. Dựa vào kết quả khảo cổ học, nhưng đơn vị thiết kế sẽ phải tính toán kỹ lưỡng về điều kiện khí hậu, địa chất... của khu vực để quyết định về mặt công nghệ cho việc phỏng dựng tháp.

Không chỉ tập trung bảo tồn di tích gốc, GS Phan Huy Lê cho rằng cần phải sớm lập quy hoạch tổng thể cho đỉnh Mẫu Sơn (núi Tháp) để tạo sự hài hòa kiến trúc cổ - mới với cảnh quan thiên nhiên. "là công trình phỏng dựng đầu tiên, nên tháp Tường Long sẽ phải chấp nhận sự phản biện gay gắt", GS Lê thừa nhận.

  • Khánh Linh


  • -------
  • Tháp Tường Long - Hải Phòng
Khu du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng nổi tiếng với những bãi tắm lý tưởng và phong cảnh hữu tình. Nhưng ít người biết rằng trên đỉnh Long Sơn (phường Ngọc Xuyên), ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn chạy dọc bán đảo Đồ Sơn còn có một di tích văn hóa lịch sử với cả nghìn năm tuổi-đó là tháp Tường Long.
Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) xây thời Lý Thánh Tông. Công trình kiến trúc Phật giáo này đuợc xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000m2, thuộc địa phận phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 190.

Lòng tháp rỗng và là nơi đặt pho tuợng A di đà. Công trình đuợc xây bằng gạch và đá có kích thuớc khác nhau. Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh. Cách trang trí này biểu hiện nghệ thuật điển hình thời Lý.

Theo sách "Đại Việt sử lược" thì năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là "Thấy rồng vàng hiện lên" để ghi nhớ điềm lành. Lại có người cho rằng cửa biển Đồ Sơn là một trong những cái nôi tiếp nhận cho dựng tháp ở đây để thờ Phật. Khi xưa, có thể nơi đây còn là một đài quan sát nằm trong hệ thống "truyền đăng". Mỗi khi có biến, các trạm quan sát ven biển liền đốt cỏ khô cho khói bay lên trời, truyền tín hiệu báo động về kinh thành.

Qua những di vật còn lại thì thấy rằng tháp Tường Long được xây cùng thời với tháp Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long (nay là khu vực Nhà hát lớn Hà Nội). Theo Đại NaM nhất thống chí", tháp cũ Đồ sơn cao 100 thước, dựng trên một khu đất rộng 1000m2, có 9 tầng, cửa mở ra hướng tây. Một thước ta dài 0,45m, như vậy tháp cao khoảng 0,45m, lại đặt trên ngọn núi cách mặt biển 100m nên ngọn tháp này thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam thời bấy giờ. Tháp Tường Long nhiều lần được tu tạo và khôi phục trong triều Trần và triều Lê, nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương. Điều này chứng tỏ tháp Tường Long xưa vô cùng qui mô, bề thế.

Năm 1998, ban quản lý các công trình văn hóa TP Hải Phòng lại tổ chức khai quật tháp để hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị công nhận tháp Tường Long là di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt. Những viên gạch xây tháp vứt ngổn ngang một số được lấy để xây hầm pháo. Một hào giao thông chạy cắt ngang chân tháp. Năm 1990, người dân Đồ Sơn đã tự ý xây dựng một ngôi chùa ngay trên nền tháp. Đây là điều sẽ gây khó khăn cho việc tôn tạo di tích sau này.

Từ vị trí tháp Tường Long có thể thấy biển với những con tàu ra khơi vào lộng, thấy thị xã Đồ Sơn cùng làng mạc, đồng ruộng xanh tươi, lại hiểu người xưa sao khéo chọn địa điểm xây tháp: Mong sao tháp Tường Long sớm được xếp hạng, bảo tồn, tôn tạo để du khách có dịp chiêm ngưỡng một công trình giá trị nhiều mặt về kiến trúc, điêu khắc tôn giáo và văn hóa của thế kỷ XI.

Nguồn tin: saigonnet


-------

CHÙA TƯỜNG LONG

chùa tường long

Chùa tọa lạc trên núi Ngọc Sơn, thuộc phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km. Tháp Tường Long được xây dựng vào năm 1058, đời Vua Lý Thánh Tông, có 9 tầng trên một nền ba cấp. Các tài liệu ngày nay cho biết vào tháng 9 năm 1058, Vua Lý Thánh Tông ngự ra cửa biển Ba Lộ, có đến thăm chỗ xây tháp. Năm sau, vua ban tên hiệu là tháp Tường Long. Tháp được tôn tạo vào đời Trần và Hậu Lê. Tháp bị đổ nát từ cuối thế kỷ XVIII. Chùa Tường Long được xây vào năm 1990 trên nền tháp ngày xưa. Chùa hiện còn giữ mấy mảnh chạm khắc trên đá, trên gạch của ngôi tháp cổ.

TVHS


-------

Tháp Tường Long

Tháp Tường Long ở Đồ sơn do vua Lý Thánh Tông ( 1023 – 1072), vị vua thứ 3 của triều Lý đứng ra chủ trì việc xây dựng. Tháp được khởi dựng vào năm 1058, chỉ sau thời điểm khởi công xây tháp Đại Thắng Tư Thiên tức tháp Báo thiên ở kinh đô Thăng Long đúng một năm. Tuy tháp Tường Long chưa thể sánh với An Nam tứ đại khí gồm: Tháp Báo Thiên – bên hồ Gươm, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Đông triều, chuông Quy Điền chùa Diên Hựu ở kinh thành Thăng Long, vạc chùa Phổ Minh ở Nam Định nhưng cũng xứng đáng là biểu tượng đặc sắc của văn hoá Đại Việt ở xứ Đông “ Sơn hà xã tắc”.

Vua Lý Thánh Tông  cho xây dựng  tháp Tường Long trên đỉnh cao nhất của Cửu Long Sơn ở vùng biên viễn lộ Hải Đông không chỉ  nhằm ghi nhận chủ quyền quốc gia, dân tộc, mà còn lập đài quan sát canh phòng bờ biển là việc làm thuận ý trời và hợp lòng dân. Sách Đại Việt sử lược soạn thế kỷ XIII chép: Tháp xây vào năm Mậu Tuất, niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình thứ 5 ( 1058). Năm sau vua ra biển Ba Lộ ngự, nhân đó đến thăm chỗ xây tháp trên núi Đồ Sơn, trước đó vua Lê Thánh Tông đã nằm mơ thấy rồng vàng hiện ra ở điện Trường Xuân nên ban cho tháp này tên hiệu là tháp Tường Long, ý muốn ghi lại một điềm lành.

Công trình kiến trúc Phật giáo này đuợc xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000m2, hiện nay thuộc địa phận phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 190. Lòng tháp rỗng và là nơi đặt pho tuợng A di đà. Công trình đuợc xây bằng gạch và đá có kích thuớc khác nhau. Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh. Cách trang trí này biểu hiện nghệ thuật điển hình thời Lý. Theo Đại Nam nhất thống chí", tháp cũ Đồ Sơn cao 100 thước, dựng trên một khu đất rộng 1000m2, có 9 tầng, cửa mở ra hướng tây. Một thước ta dài 0,45m, như vậy tháp cao khoảng 0,45m, lại đặt trên ngọn núi cách mặt biển 100m nên ngọn tháp này thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam thời bấy giờ. Tháp Tường Long nhiều lần được tu tạo và khôi phục trong triều Trần và triều Lê, nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương. Điều này chứng tỏ tháp Tường Long xưa vô cùng qui mô, bề thế. Tháp Tường Long là một công trình kiến trúc về tôn giáo làm thỏa mãn tâm linh của người dân Đại Việt thời thịnh vượng. Nhà nước phong kiến ở thế kỷ XI không chỉ quan tâm đến quyền lợi văn hóa, vật chất cho dân mà còn lo cho cả đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của họ. Tháp còn là trạm giao thông liên lạc từ xa gắn với an ninh quốc phòng của quốc gia. Người ta có thể sử dụng khói lửa làm phương tiện thông tin. Trạm giao liên này cũng đồng thời được coi như một vọng gác vững chắc bảo vệ vùng trời, vùng biển ở ven biển của miền Đông Bắc Tổ quốc ta thời bấy giờ.

Theo: Văn Hóa Du Lịch


-------

Tháp Tường Long

Trên Đỉnh Long Sơn, Hải Phòng có một di tích văn hóa lịch sử lầu đời là Tháp Tường Long. Di tích nằm trên ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn của Bán đảo Đồ Sơn này đã biến mất. Sau nhiều năm tổ chức khai quật và hoàn chỉnh hồ sơ, UBND Thành phố Hải Phòng đã chính thức phê duyệt dự án xây mới Tháp Tường Long trên vị trí xưa. Công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt vinh dự được nhận dự án này.
Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) xây thời Lý Thánh Tông trên diện tích 2.000m2 thuộc địa phận phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn. Theo điều tra khảo cổ học, tháp được xây bằng gạch và đá với những họa tiết hoa văn hình hoa sen, cúc, hoa chanh rất phổ biến tại Triều đại Lý.
Sử sách ghi lại, Vua Lý Thánh Tông khi đi qua biển Ba Lộ có dừng chân tại ngôi tháp trên ngọn Long Sơn rồi mộng thấy rồng vàng xuất hiện, liền lấy tên Tường Long để đặt cho. Theo "Đại Nam nhất thống chí", tháp Tường Long cao 100 thước, có 9 tầng, cửa mở hướng Tây. Đây là ngọn tháp cao nhất của Đại Việt lúc bấy giờ. Qua nhiều lần tu tạo và khôi phục, đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn lại cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương. Đến nay, những di vật còn lại chỉ là những gạch đá vụn còn sót lại.
Năm 1998, ban quản lý các công trình văn hóa TP.Hải Phòng lại tổ chức khai quật tháp để hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị công nhận tháp Tường Long là di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt. Những viên gạch xây tháp vứt ngổn ngang một số được lấy để xây hầm pháo. Một hào giao thông chạy cắt ngang chân tháp. Năm 1990, người dân Đồ Sơn đã tự ý xây dựng một ngôi chùa ngay trên nền tháp. Đây là điều sẽ gây khó khăn cho việc tôn tạo di tích sau này.
Đây là một công trình phức tạp, đòi hỏi những nghiên cứu kỹ càng của các nhà chuyên môn để đưa ra phương án thiết kế tối ưu. Công trình mang những đặc trưng cơ bản của Văn hóa Lý - Trần nên các họa tiết, hoa văn phải được tái dựng nguyên vẹn. Khi đưa ra phương án thiết kế, Công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt đã tham khảo ý kiến của các cố vấn chuyên ngành để đảm bảo thẩm mỹ cũng như tính khả thi và hợp lý. Công trình xây dựng Tháp Tường Long là một công trình có chi phí lớn nằm trong kế hoạch bảo tồn di tích của Hải Phòng. Hi vọng, công trình sẽ sớm được triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Sau đây là một số hình phối cảnh của Tháp Tường Long:

 

Disanvanhoaviet.vn

Trên Đỉnh Long Sơn, Hải Phòng có một di tích văn hóa lịch sử lầu đời là Tháp Tường Long. Di tích nằm trên ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn của Bán đảo Đồ Sơn này đã biến mất. Sau nhiều năm tổ chức khai quật và hoàn chỉnh hồ sơ, UBND Thành phố Hải Phòng đã chính thức phê duyệt dự án xây mới Tháp Tường Long trên vị trí xưa. Công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt vinh dự được nhận dự án này.


Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) xây thời Lý Thánh Tông trên diện tích 2.000m2 thuộc địa phận phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn. Theo điều tra khảo cổ học, tháp được xây bằng gạch và đá với những họa tiết hoa văn hình hoa sen, cúc, hoa chanh rất phổ biến tại Triều đại Lý.
Sử sách ghi lại, Vua Lý Thánh Tông khi đi qua biển Ba Lộ có dừng chân tại ngôi tháp trên ngọn Long Sơn rồi mộng thấy rồng vàng xuất hiện, liền lấy tên Tường Long để đặt cho. Theo "Đại Nam nhất thống chí", tháp Tường Long cao 100 thước, có 9 tầng, cửa mở hướng Tây. Đây là ngọn tháp cao nhất của Đại Việt lúc bấy giờ. Qua nhiều lần tu tạo và khôi phục, đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn lại cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương. Đến nay, những di vật còn lại chỉ là những gạch đá vụn còn sót lại.
Năm 1998, ban quản lý các công trình văn hóa TP.Hải Phòng lại tổ chức khai quật tháp để hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị công nhận tháp Tường Long là di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt. Những viên gạch xây tháp vứt ngổn ngang một số được lấy để xây hầm pháo. Một hào giao thông chạy cắt ngang chân tháp. Năm 1990, người dân Đồ Sơn đã tự ý xây dựng một ngôi chùa ngay trên nền tháp. Đây là điều sẽ gây khó khăn cho việc tôn tạo di tích sau này.
Đây là một công trình phức tạp, đòi hỏi những nghiên cứu kỹ càng của các nhà chuyên môn để đưa ra phương án thiết kế tối ưu. Công trình mang những đặc trưng cơ bản của Văn hóa Lý - Trần nên các họa tiết, hoa văn phải được tái dựng nguyên vẹn. Khi đưa ra phương án thiết kế, Công ty CP Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt đã tham khảo ý kiến của các cố vấn chuyên ngành để đảm bảo thẩm mỹ cũng như tính khả thi và hợp lý. Công trình xây dựng Tháp Tường Long là một công trình có chi phí lớn nằm trong kế hoạch bảo tồn di tích của Hải Phòng. Hi vọng, công trình sẽ sớm được triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Sau đây là một số hình phối cảnh của Tháp Tường Long:

 

Disanvanhoaviet.vn

 

Ý kiến bạn đọc

Họ tên
Email
Địa chỉ
Ý kiến

Các tin khác