Lên chùa hái lộc

Đã từ lâu, việc đi chùa ngày Tết trở thành thông lệ với nhiều thế hệ người Việt. Đến chùa không chỉ để cầu may, để tìm chút thanh tịnh, gột rửa những ưu phiền mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc.

Nếu ngày rằm, mồng một hàng tháng chỉ có các tăng ni, phật tử mới lên chùa thì ngày tết khắc hẳn. Lên chùa ngày tết đã trở thành thói quen trong tâm thức người Việt, người già đi chùa cầu an, lớp trẻ đi chùa xin xăm chuyện tình duyên, ai ai cũng một lòng thành kính. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, địa vị xã hội dường như không còn tồn tại, họ gặp nhau ở niềm thành kính thiêng liêng.

Đi chùa cầu may

Đồng hồ vừa điểm không giờ cũng là lúc chuông nhà thờ, chuông chùa gióng lên báo hiệu thời khắc giao thời đã đến. Mọi nhà bắt đầu sắp một mâm cúng để đón năm mới về.

Cúng giao thừa không chỉ dâng lên tổ tiên mà còn hướng đến trời đất do đó mâm cúng thường được bày giữa nhà hoặc trước sân. Trong khi đó, ngoài ngõ thanh niên í ới gọi nhau, trong nhà các cụ bà thì lục tục thay áo dài mới, vấn lại đầu để lên chùa. Ai cũng tươm tất và mang vẻ mặt hớn hở khi bước ra khỏi nhà.

 

loc1

Lúc này, mọi người mới kéo nhau ra đường vừa đi vừa trò chuyện rôm rả mà chủ yếu là đi bộ vì ở nông thôn cứ mỗi làng, mỗi xã lại có một ngôi chùa nhỏ. Đi bộ cốt là để trao nhau câu chúc đầu năm và để kéo dài thời khắc hân hoan bước sang năm mới.

Có người cẩn thận thì mang theo thẻ nhang nhỏ có người không vì nhà chùa đã chuẩn bị từ trước. Sau khi thắp nhang, bày tỏ lòng thành kính và cầu chúc những điều may mắn trong năm mới, mọi người lại sang gian gieo quẻ (người Nam bộ gọi là xin xăm) để mong nhận được quẻ tốt cho cả năm.

Đặc biệt, không ai quên mang về một nhành lộc non hái ở chùa để cầy may. Càng ngày, lộc càng phong phú hơn trước. Lộc có thể là một phong bao nhỏ chứa câu chúc may của nhà chùa, có thể là một chậu hoa, một cây mía... được bán ven cổng chùa. Mọi người quan niệm, đi chùa phải mang lộc về tận nhà, mang những điều may mắn khi bước qua cửa.

Trong khi đó, ở những thành phố lớn, chùa chiền ít hơn và mọi người cũng thường tập trung đến những ngôi chùa nổi tiếng. Đa số đi chùa vào khuya ngày mồng một, một số ít thì buổi sáng sớm nhưng đông nhất vẫn là các cụ bà hoặc cả nhà cùng nhau đi. Thường những ngày tết, chùa Vĩnh Nghiêm tại thành phố Hồ chí Minh là đông hơn cả. Tuy nhiên, dù đi chùa thành phố hay ở quê thì mục đích cũng như nhau.

Đi chùa du xuân

Không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mồng một tết, người Việt ta còn có phong tục đi chùa cầu may và du xuân. Họ chọn những ngôi chùa ở xa và nổi tiếng linh thiêng để kết hợp đi chùa với du ngoạn cảnh đẹp ngày xuân.


loc2

Không chỉ vậy, mang tâm lý "vay" của nhà chùa nên hàng năm cứ đến dịp tết từng đoàn xe lại nối đuôi nhau đến chùa. Do trong năm, nhất là những người kinh doanh hay làm nghề buôn bán, mỗi khi việc làm ăn gặp khó khăn hoặc bắt đầu một kế hoạch mới họ đều đến chùa cầu may và cầu lộc chùa để thành đạt hơn. Vì vậy, mỗi khi tết về họ muốn trả lễ cho nhà chùa và cũng là để "vay nợ" mới. Cứ thế, năm này qua năm khác đi chùa ngày xuân trở thành thông lệ của nhiều người.

Do phải đi dài ngày nên hầu hết mọi người đều để hết ba ngày tết và du hành trong bảy ngày xuân. Phong trào này ở miền Bắc thịnh hành hơn trong Nam vì những ngày tết vùng bắc, tiết trời se lạnh, có sương nên đi dạo cảnh đẹp tâm hồn thêm phơi phới.

Nổi tiếng nhất là di tích chùa Hương (Hà Tây cũ), đền Hùng (Phú Thọ).... Mỗi dịp tết đến, chùa Hương thu hút hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan vì chùa và động Hương tích không chỉ là nơi tôn nghiêm mà còn là một thắng cảnh non nước hữu tình. Phía Nam thì nổi tiếng với chùa Bà đen (Tây Ninh), chùa Bà (Châu Đốc, An Giang)...


loc3

Lễ vật lên chùa cũng được chuẩn bị rất chu đáo, ngoài nhang, vàng mã nhiều người còn mang theo các loại oản (bánh in), trái cây có người chu đáo còn mang cả mâm xôi con gà để bày tỏ tấm lòng với các bậc Thần, Phật.

Lên chùa ngày tết đã trở thành một thói quen ăn sâu trong tiềm thức người Việt, nhất là các vùng nông thôn. Tuy, càng ngày việc này đã giảm đi và cũng không còn vui, nô nức như ngày xưa nhưng một bộ phận người dân vẫn cố gắng giữ tục lệ này như một điều nên làm mỗi khi năm hết tết đến.
Theo Mỹ thuật