Như một tấm lòng chân thật

Như nhan đề tập thơ đã “thưa rõ”, đây là cuộc tìm. Tìm trăng, ở nơi rất xa. Trăng là gì? Chốn xa kia ở đâu?

 

Hẳn nhiên, mục đích của tu sĩ là con đường hướng về sự giải thoát. Nhưng hành trình “đi ngược dòng” ấy quả muôn trùng gian khó. Cái khó đầu tiên và cũng chính chỗ đến cuối cùng vẫn cái gọi là tâm. Như kinh Tâm địa quán đã giải thích: Ai làm chủ được tâm thì thoát khỏi sinh tử, ai không quản lý được tâm thì vướng mắc trong luân hồi. Như chính Đức Thích Ca Mâu Ni đã chỉ rõ: “Tàng thức mang mang, thùy năng câu thúc”. Người học trò nhỏ là Tỳ kheo Hạnh Lam đã… “thuộc bài”:

Cội nguồn sinh diệt nơi đầu chữ tâm.

Để rồi, “hiểu bài” hơn một chút:

Đi - về không sinh diệt
Đi -  về không khứ lai.
biavienxu.jpg

Nhưng, đó chỉ mới là “trả bài”, còn luẩn quẩn trong phạm trù lý tính. Mà, như chính Đức Thích Ca đã nói rõ, tư tưởng của Ngài không nhằm đưa ra như một hệ thống triết học, mà là con đường giải phóng tâm thức khỏi những thúc phược để đạt đến tính Không, cội nguồn của vũ trụ. Như thế, tu đồng nghĩa với hành. Có nhiều lối đi của Thiền, Hiển, Tịnh, Mật. Vị tu sĩ trẻ này đã “khảo sát” những phương pháp hành trì theo nhiều hướng khác nhau, kết hợp cả tâm và thân:

Kiến - thoại
Độc - tọa
Rõ con đường…

Đã rõ, nhưng vẫn còn nằm trong giới hạn của nhận thức. Bởi vì, đâu có dễ dàng trước bao mê ảnh của dòng tâm thức huyễn hóa vẫn thường xuyên khuấy động:

Hay bởi vì ta mãi lao xao
Giăng thêm tơ nhện giữa ba đào.

Thật đáng mến cho sự thành thực này: anh có thể… kiểu cọ đối trước tất - cả - bên - ngoài, nhưng liệu có thể đối mặt chính anh trong sự trung thực, nhất là đối với những gì ẩn tàng đằng sau cái - ngã - vi - tế? Tôi tin, trạng huống tâm thái này, nếu được củng cố liên tục, trong sự phủ định từng bước để tiến đến phủ định triệt để, sẽ giúp cho hành giả, đến một khoảnh khắc nào đó, nhặt được ít nhiều trái quả trên ngun ngút dặm dài kia. Bên cạnh sự trung thực, còn đòi hỏi nhận thức đúng về nghiệp, về nhân quả... như một quá trình tác động tương hỗ rất phức tạp, và về ý chí tự do của con người:

Con đường được lập trình
Nhưng luôn có sự biến thiên của tạo hóa.

Và trên con đường của riêng mình, thơ hiện ra với người Tỳ kheo trẻ như một phương tiện. Để đến với tình yêu rộng:

Tôi cũng có vầng thơ màu hạnh phúc
Nhưng để tặng đời làm vốn thương yêu.

Đấy là chỗ dựa khá bền vững, giữa bao ma chiết của đời:

Lòng tham không đáy
Vét cho cạn lòng
Vét cho cạn tình.

Nhưng mặc cho những kẻ yêu ma, “ta vẫn cùng nhau đi về vùng đất hẹn”. Đi, với cây gậy chống trên đường là gì? Đấy là trí tuệ, như nhiều lần tác giả đã nhắc đến hình ảnh “kiếm sĩ” trong cuộc quyết đấu dằng dặc với chính bản thân.

Điều đáng mến ở thầy Hạnh Lam là, dẫu cho yêu mến thơ đến thế, thầy vẫn hiểu, thơ là sự vọng tưởng lớn. Cho nên, thơ phải hiện ra chỉ như “mấy vần trắc trở mấy vần vui/ mấy lời thật, mấy lời bi”. Bởi vì, lời cốt tử không chỉ dành cho tu sĩ mà đối với tất cả mọi người vẫn là “còn trong sâu thẳm mấy lời tử sinh”.

Đến đây, thì đã rõ: Đối với một tu sĩ, thơ không phải là một sự nghiệp. Nhưng gieo, thì sẽ mọc: dăm bông hoa nhỏ đã dịu dàng dâng cho người cày xới:
- Để tấc lòng tôi ưng ửng cay
- Cho nơi em đợi hóa hồn nước xanh
- Tìm đi em trên gió những tàn thu

Và bất ngờ, cái đẹp hiện ra như món quà tặng của Tự nhiên trong bài thơ này:

Ở mé bên kia đường
Một loài hoa cỏ dại
Đang hững hờ đưa hương.
(Hiện pháp)

Chính khi không có ý “làm văn chương”, tác giả đã có được bài thơ hay. Vì giản dị. Vì tự nhiên. Như một thoáng trần gian.

Đấy là khoảnh khắc mà cái đẹp hiển lộ ánh lấp lánh của nó. Như vầng trăng nọ. Như một lời - chào - gọi - kêu trên con đường dẫn đến cái Đẹp (cũng là cái Đúng và cái Tốt). Dành cho tín tâm và sự xác quyết trên cả vạn lý trình kia. Như thế, “viễn xứ” không ở đâu xa, mà ở ngay chính mỗi bước đi trên con đường của sự trung thực.

Xin chân thực chúc người tỳ kheo trẻ Hạnh Lam giữ được lòng yêu đối với thơ. Để rồi, sẽ đến lúc, vượt qua thơ.

 

Nguyễn Đông Nhật