Năng lực vĩ đại của Nữ giới

Dường như đa số phụ nữ mặc nhiên chấp nhận các danh từ đại loại như “phái yếu” do phái kia gán cho mình, để rồi chịu phục tùng và bị đàn áp không một chút thắc mắc là liệu những từ ngữ đó sẽ đưa đến cho họ sự lợi ích hơn hay thiệt thòi nhiều hơn? Trong khi đó họ không hề biết hoặc quên rằng họ đã có những năng lực đặc biệt lớn lao mà nam giới không thể có được; đó là “Cái năng lực vĩ đại nằm trong những bổn phận tự nhiên: bổn phận làm vợ và bổn phận làm mẹ”. Ðại sư Ấn Quang nói: “Nếu một người có một người mẹ đạo đức khi anh ta còn nhỏ, và có người vợ đạo đức khi anh ta lớn lên, thì chính anh ta dễ trở thành một người đạo đức. Ðây là chìa khóa cho một quốc gia hòa bình và thịnh vượng, là một năng lực vĩ đại ngấm ngầm và xuyên suốt không hề ngưng nghĩ, từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên những công dân tốt cho xã hội loài người.

Do đó, nếu người phụ nữ trong gia đình là một Phật tử thuần thành, có khả năng hướng dẫn người thân như cha mẹ, chồng con của họ hiểu được đạo Phật và tu tập giáo lý Ðức Phật thì cái năng lực vốn có của họ càng tăng lên gấp bội. Vì không những họ đã tạo nên sự an lạc bền vững cho người thân trong gia đình, mà còn nhân rộng ra trong các mối quan hệ xã hội, trợ duyên cho sự an lạc giải thoát cho vô số chúng sanh. Từ tiền đề trên đây, hãy quay trở lại một chút hiện trạng đạo Phật trong gia đình Việt Nam. Chúng ta thường nghe không ít người phàn nàn rằng đạo Phật ở Việt Nam chỉ dành cho phụ nữ lớn tuổi và trẻ em, vì đa phần nam giới hiếm khi đi chùa. Lý do? Nam giới bận tìm kiếm những giá trị kinh tế, giá trị xã hội, quan tâm đến việc thỏa mãn nhu cầu vật chất cho cuộc sống trước mắt; và sau những giờ làm việc mệt nhọc họ tìm những thú tiêu khiển dễ dãi. Ðiều này dần dần làm cho họ không có thói quen tìm hiểu đời sống tâm linh, một khía cạnh cực kỳ quan trọng làm quân bình đời sống nội tâm con người và giúp con người hướng thiện, thăng hoa. Kết quả là họ đã dành riêng một mảng đời sống tâm linh cho nữ giới. Ðây là một thiếu sót lớn trước hết cho họ và sau đó tạo ra một chuỗi dài những nghịch lý trong xã hội. Chúng ta phải biến sự thiếu sót này thành một cơ hội tốt cho nữ giới nắm lấy “thẩm quyền tâm linh” để làm chỗ nương tựa tinh thần cho cả gia đình.

Với tính cách mềm mỏng, nhẫn nại cộng thêm tấm lòng nhân hậu đối với người xung quanh, nữ giới đã không ngừng thuyết phục được mọi người bằng lời nói lẫn việc làm lợi ích tha nhân. Một quyết tâm mãnh liệt sẽ giúp họ chứng tỏ cái năng lực “thuyết đạo” và giúp họ thành công trong việc “Phật phổ hóa” gia đình, sau đó tiến đến chỗ “Phật phổ hóa” cộng đồng trong đó họ sống và làm việc. Nhìn thấy cái “năng lực vĩ đại” đằng sau sự nhu hòa của nữ giới, chư Tăng cũng nhý chư Ni với tư cách là vị thầy tâm linh của họ đã bắt đầu truyền trao cho nữ giới một kiến thức Phật học để họ có thể hoàn thành sứ mạng tâm linh cao cả này./.

 

Tỳ kheo Ni Thích nữ Diệu Nghiêm

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Việt Nam)