Tiền vàng bay theo ông Công, ông Táo

Sắp đến tết ông Công, ông Táo, trên khắp các phố phường, đâu đâu cũng tấp nập cảnh mua sắm tiền vàng. Các cơ sở sản xuất vàng mã nhộn nhịp người vào ra. Nhà nhà sắm nào mũ, nào tiền để đốt một cách lãng phí và phần nào làm giảm nét đẹp truyền thống của ngày tết 23 tháng chạp.

"Hội chứng" tiền vàng

Những ngày này, chỉ cần lượn qua một loạt các cửa hàng trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can hay trên các con phố nhỏ của Hà Nội, sẽ thấy sự đa dạng của các loại tiền vàng. Từ những loại tiền phổ biến bằng chất liệu giấy mỏng, mềm cho đến những loại tiền cao cấp như  polymer, USD với đủ các mệnh giá.

Thêm vào đó, thị trường các loại mũ, cá giấy cũng nóng lên không kém, khi thay vì sử dụng các loại chất liệu giấy màu thông thường, thị trường năm nay còn có sự xuất hiện của các loại cá, mũ gấm (giấy màu bóng), cao cấp hơn còn có cả cá nhung, mũ nhung. Sự đa dạng của các mặt hàng này có khả năng chiều lòng được tất cả những khách hàng khó tính nhất.

Chị Nguyễn Thị Thanh - 39 Hàng Mã, cho biết: "Dù năm nay giá cả các loại tiền vàng có nhích thêm chút ít khoảng 5 - 10%, tuy nhiên sức mua của người dân cũng không hề giảm chút nào". Ngày thường, phố Hàng Mã là "thủ phủ" của các loại tiền vàng, nhưng nay mặt hàng này cũng được mở rộng thêm sang cả đầu phố Hàng Lược và Đồng Xuân, tạo nên một thị trường vàng mã sôi động và nhộn nhịp cả một dãy phố dài.

Chị Đặng Thanh Bình - Nghĩa Tân, chia sẻ: "Mỗi năm mới có một ngày Táo quân về trời báo cáo tình hình làm ăn của gia chủ dưới hạ giới, nên dù khó khăn mấy thì nhà nào cũng cố sắm lấy cái lễ cho thật sung túc để trình diện với các chư vị Táo, nên không thể xuề xoà cho qua được".  Rất nhiều người tất bật chọn lựa nào mũ, giày dép, quần áo, cá chép vàng. Những gia đình khá giả còn thay cá chép bằng xe máy, từ Honda, Dylan cho đến cả SH, PS...

Lãng phí

Chị Thuỷ - chủ một cơ sở sản xuất vàng mã tại làng Cót, Yên Hoà, Cầu Giấy - cho biết: "Những ngày này, hàng mã sản xuất ra đến đâu, họ lấy hết đến đó. Nhà có thuê 10 người làm ngày đêm cũng không đủ cung cấp ra thị trường. Số lượng bán ra vào dịp này gấp 6 - 7 lần ngày thường".

Để sắm trọn bộ ông Công, ông Táo cần phải đủ cả mũ, áo quần, tiền vàng, cá chép. Chỉ tính riêng mỗi bộ quần áo giá trung bình cũng đã khoảng 40.000 đồng, những bộ to đẹp, giá có thể lên đến 50.000 - 70.000 đồng. Trong khi đó, cá chép giấy loại thường cũng từ 5.000 - 6.000 đồng/con, loại cá chép nhung kích cỡ lớn có treo các dây vàng, bạc, giá khoảng 15.000 - 20 000 đồng/con. Đó là còn chưa kể tiền vàng hay nhiều nhà giàu sang còn xài xe máy, tivi, tủ lạnh. Tính ra, trọn bộ cũng có giá đến vài trăm nghìn đồng.

Theo các nhà văn hoá, nét đẹp của tết ông Công, ông Táo chính là tục phóng sinh, chứ không phải chú trọng đến tiền vàng, vật chất. Cả trăm nghìn đồng sắm sửa, chỉ sau 1 ngày hoá thành tro bụi. Trong khi đó, xã hội ta còn bao người nghèo khổ, đói rách mong ngóng một cái tết đủ đầy.

Thúy Hạnh
Theo laodong