Ý nghĩa xây dựng chùa tháp

Khi người dân Việt Nam ý thức rằng: "Mái chùa che chở hồn dân tộc/ nếp sống muôn đời của tổ tông", thì mái chùa đã không còn mang ý nghĩa là nơi ở giành riêng cho những người xuất gia tu học nữa rồi. Mái chùa là nếp sống của tổ tiên, mà nếp sống là cách nghĩ, cách làm, cách tư duy... hằng ngày đã thuần thục, thường xuyên và đã ăn sâu thành nếp rồi. Cho nên, mấy ngàn năm qua, cây đa, bến nước, chùa làng là cấu trúc quần thể làng xã của người dân Việt Nam, ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền đất nước. Nếp sống ấy đã hằn sâu trong tâm thức nên dù đi bất cứ nơi đâu, dù từ bỏ quê hương ra đi trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn mang theo hình bóng của quê nhà, của ngôi chùa làng mái ngói cong cong, của mùi hương trầm ngào ngạt thơm lừng, của bến đổ tâm linh cho dù có muộn màng ở tuổi xế chiều...

Ngôi chùa Vạn Hạnh, tọa lạc tại số 44800, miền Tây nước Pháp được ra đời từ trong nếp sống đó.

Dẫu biết rằng vào thời kỳ đầu của Tăng đoàn, Đức Phật cùng với các thánh đệ tử đi khắp nơi để hoằng truyền chính pháp, chỗ ở của quý Ngài là dưới gốc cây, trong khu rừng, nơi miếu hoang, nhà trống… và không ở vào một chỗ nào nhất định, mà khi nơi này, khi nơi khác. Bởi chính bi nguyện độ tha mà quý Ngài không dừng bước chân du hóa, đem chính pháp truyền bá khắp nơi nơi, làm lợi ích cho trời và người. Nhưng đó là đối với người đã giác ngộ, còn đối với người chưa giác ngộ, nếu không ở yên một chỗ để hạ thủ công phu mà cứ nay đây mai đó thì khó mà thực tập được thiền định. Cho nên, Đức Phật thường khuyên các tì-kheo mới xuất gia phải y chỉ vào một khu rừng nào đó thuận tiện để nỗ lực công phu cho đến khi giác ngộ mới lên đường hoằng pháp. Về sau, nơi nào có nhiều tì-kheo tập trung tu học được gọi là Tăng-già-lam (saṃghārāma), tức khu vực cư trú của chư Tăng, còn gọi Tăng viện, Chúng viên, Tinh xá.

Khách quan mà nói thì ngôi Tăng-già-lam đầu tiên được xây dựng là do ý tưởng và ước muốn của cư sĩ Cấp Cô Độc (Anāthapindika). Ông cũng như mọi người Phật tử khác ý thức rằng, chỉ có sự gần gũi chư Tăng và thường xuyên đến chùa lễ Phật, nghe pháp mới có thể gội rửa những tập khí phiền não, nuôi dưỡng bồ-đề tâm và tu bồi phước đức. Cho nên, tốt hơn hết là phải kiến tạo đạo tràng để cung thỉnh chư Tăng trú trì.

Cấp Cô Độc là cái tên mà dân chúng đã đặt cho ông, bởi ông là người có tấm lòng thương xót và thường giúp đỡ những người nghèo khổ, cô độc, không nơi nương tựa. Sau khi quy Tam Bảo, ông muốn tìm một miếng đất thích hợp để xây dựng Tinh xá cúng dường cho Đức Thế Tôn và chúng Tăng. Cư sĩ Cấp Cô Độc tìm được một miếng đất rất đẹp nằm ở phía nam thành Xá-vệ (Śrāvastī), thuộc quyền sở hữu của thái tử Kỳ-đà (Jeta), và ông đã mua miếng đất này với trị giá bằng số vàng trải khắp mặt đất khu vườn ấy. Thái tử Kỳ-đà ngạc nhiên khi thấy một người bỏ ra chừng ấy tài sản để cúng dường, nên đã hỏi nguyên do thì được biết Cấp Cô Độc muốn xây Tinh xá cúng dường Phật, từ đó thái tử cũng phát khởi tín tâm và cúng toàn bộ số cây trong khu rừng của mình cho Đức Phật. Chính vì vậy mà về sau, khi Tinh xá được xây dựng xong nó mang tên của cả hai người là Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên (Jetavanānāthapiṇḍadasyārāma). Đó là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo.

Có được khu vườn, Cấp Cô Độc đã thỉnh ý Đức Thế Tôn về đồ án xây dựng. Đức Phật đã giao việc này cho ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra). Căn cứ luật Thập tụng (Sarvastivāda-vinaya) và nhiều kinh luật khác mà đặc biệt là di tích khảo cổ hiện tại cho thấy, Tinh xá được xây dựng rất quy mô, làm thành một quần thể bao gồm điện Phật, giảng đường, thiền đường, tăng phòng, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, hồ tắm, lối đi kinh hành… Đây là một trong những ngôi Tinh xá lớn nhất thời Phật còn tại thế. Đức Thế Tôn phần lớn cư ngụ nơi Tinh xá này và phần lớn kinh điển cũng được Phật thuyết tại đây.

Ngoài Tinh xá Kỳ viên, còn có Tinh xá Trúc Lâm (Veṇuvana-vihāra) do vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) kiến tạo cúng dường, cũng là một ngôi chùa lớn và hình thành sớm nhất trong lịch sử phát triển chùa viện Phật giáo.

Căn cứ Luật tạng Pāli, cuốn Maha-vagga ghi chép, thì Đức Phật cho phép các tì-kheo được nhận Tinh xá (vihāra), hang động (guhā), phòng xá (pariveṇna), nhà kho (koṭṭhaka), nhà ăn (upṭṭhāna-sālā), nhà bếp (aggi-sālā), nhà vệ sinh (vacca-kuṭī), chỗ kinh hành (caṇkama), vườn rừng (ārāma)… do Phật tử hiến cúng để sử dụng cho mục đích làm nơi sinh hoạt và tu học. Cho nên, ngoài những ngôi chùa lớn là trung tâm tu học của đại chúng, khắp nơi trên lãnh thổ Ấn Độ rộng lớn thuở xưa, ở đâu có hình bóng chư Tăng đến hoằng pháp là ở đó Phật tử phát tâm xây dựng chùa tháp để cung thỉnh chư Tăng cư trú, với mong ước được thân cận, gần gũi quý thầy để được học hỏi, nghe pháp và tu tập theo con đường giải thoát giác ngộ.

Kinh Trường bộ (Dīgha-nikāya), kinh Mahāparinibbānasutta, cho biết trong các việc làm tu tạo phước điền thì dựng tháp và lập Tinh xá là có phước đức lớn nhất:

Dựng tháp, lập tinh xá,
Cúng vườn cây mát mẻ;
Cầu thuyền để đưa người;
Và cho cả nhà, gác;
Đồng trống cho nước cỏ,
Phước ấy ngày đêm tăng;
Người đủ giới thanh tịnh,
Ắt sẽ đến chỗ lành.

Kinh Tăng nhất A-hàm (Ekottarikāgama) cho biết, sở dĩ đấng Phạm thiên (Brahmadeva) có phước báo rộng lớn vô lượng là bởi ông ta đã từng làm bốn việc: xây dựng chùa tháp, tu sửa chùa cũ, tạo sự hòa hợp Thánh chúng và khi chư Phật ra đời thì thỉnh chuyển pháp luân.

Như vậy, xây dựng hay tu sửa chùa tháp đã được Đức Phật khẳng định là một trong những việc làm đem lại phước báo to lớn mà một người Phật tử tại gia có thể tu tập được. Phước ấy ngày đêm luôn tăng trưởng, bởi nơi một ngôi chùa có chư Tăng cư trú ngày đêm tu tập giới định tuệ, làm chỗ nương tựa đạo đức tâm linh cho mọi người; bởi ở đó hội đủ ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng cho chúng sinh nương tựa; bởi ở đó thập phương Phật tử đều có thể đến chiêm bái, lễ lạy và tu học. Cho nên, ngôi chùa là trung tâm tu học phát triển tâm linh, nuôi dưỡng đạo đức giải thoát, là nơi cho mọi người hướng đến đời sống cao thượng. Vì vậy mà công đức xây dựng hay tu sửa chùa tháp là vô lượng vô biên và ngày đêm luôn tăng trưởng.

Ngày mai đây chùa Vạn Hạnh khánh thành cũng mong mỏi làm tròn sứ mạng của một Tăng-già-lam như thế. Tức là mong mỏi trở thành trung tâm tu học đem đến nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc và nhiều sự giải thoát cho mọi người. Sự mong mỏi ấy sẽ trở thành hiện thực khi và chỉ khi Tứ chúng chùa Vạn Hạnh ý thức được rằng mỗi người con Phật phải thổi linh hồn, sức sống vào ngôi chùa bằng hơi thở của tình thương, sự hiểu biết và lòng phụng sự từ bi, vô ngã; tức phải cho ngôi chùa Vạn Hạnh một nội dung Chính pháp, chứ không để nó chỉ có một lớp bỏ vô hồn lạnh lẻo thiếu hẳn tinh thần giải thoát. Và đây mới là ý nghĩa đích thực của việc xây dựng đạo tràng: xây dựng trong tâm mọi người tinh thần tu học đúng Chính pháp, vững bước đi trên con đường xả ly tham dục, từ bỏ hận thù, tranh chấp, hơn thua; và an vị trong tâm mỗi người một đức Phật, để muôn người đến chùa Vạn Hạnh là có vạn Đức Phật. Thật hạnh phúc biết bao!

 

Thích Nguyên Hùng