Rằm Tháng Giêng, hành hương mười cảnh chùa

Ðầu năm nay, nhằm những ngày cận rằm Tháng Giêng, một chị rủ tôi đi lễ mười cảnh chùa ở Long Thành và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tôi nhận lời đi “tour” hành hương lễ Phật cùng bà con của một xóm nghèo Sài Gòn, người chị tổ chức chuyến đi này cho mọi người gọi đùa đây là chuyến đi “ăn mày cửa Phật.” Mọi người chỉ phải đóng cho chuyến đi trọn gói là 100 ngàn đồng tiền VN. (Sự thật thì tôi và những người ngồi ở băng sau chỉ phải đóng có 95 ngàn đồng).

Nhà xe hẹn mọi người 5 giờ sáng sẽ tới rước, tôi tới điểm hẹn đúng giờ nhưng mới lác đác có mấy người tới. Ðến gần 5 giờ 30 sáng mà hai chiếc xe đò mới chỉ đầy có quá nửa, phải gần tới sáu giờ thì mới “gom” đủ số khách hành hương. Xe rời Sài Gòn khi ông mặt trời bắt đầu ló dạng...

Tám giờ sáng, xe dừng tại điểm đến đầu tiên trong lịch trình - thiền viện Phước Hải, thuộc địa phận tỉnh Ðồng Nai. Trước khi tới thiền viện, xe đi qua một địa điểm khá “nổi danh” là công ty bột ngọt Vedan, nơi thải nhiều chất thải gây ra “cái chết” của dòng sông Thị Vải... Thiền viện đãi bà con hành hương bữa điểm tâm sáng bằng món bún bò chay nhẹ nhàng...

Rời thiền viện Phước Hải, đoàn hành hương ghé thăm thiền viện Liễu Ðức, thuộc xã Phước Hải, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai.

Sau đó, trên đường trực chỉ ra Dinh Cô-Long Hải, theo quốc lộ 51, đoàn hành hương ghé thăm hai chùa nữa là chùa Huệ Quang thuộc xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và chùa Bửu Thiên cũng thuộc xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành. Chùa Bửu Thiên là chùa có lớp học tình thương cho các trẻ em nghèo và chùa cũng đang xây dựng lại cần sự đóng góp của quý bà con phật tử gần xa...

Mười giờ sáng xe đã đưa đoàn hành hương tới trước Dinh Cô-Long Hải cũng là ngay bãi tắm Long Hải. Biển xanh và nắng đẹp, ai thích đi viếng lăng Cô thì viếng, ai thích tắm biển thì tắm, đoàn cho hai tiếng để mọi người “tùy nghi di tản”...

Dinh Cô là nơi thờ phụng một trinh nữ quê gốc Tam Quan, Bình Ðịnh, người đã có công và tấm lòng giúp đỡ nhiều người, chẳng may bị tử nạn trên biển vào năm 16 tuổi. Khách thập phương tới viếng Dinh Cô khá đông. Ngày “vía” chính thức của cô là ngày 12 tháng 2 Âm lịch.

Biển Long Hải xanh và bãi tắm khá đẹp. Dinh Cô tọa lạc trên một sườn đồi nhỏ nhìn ra biển, phía sau tòa chính điện, Dinh Cô để hẳn một sảnh rộng cho khách thập phương nghỉ chân và dùng bữa do khách mang theo. Phía sau đồi là khu vực WC, với đầy đủ nước nôi, phòng ốc sạch sẽ được dùng miễn phí. Trong khi, dưới bãi tắm ngay chân Dinh Cô là những dịch vụ “chặt, chém” du khách. Tất cả những dịch vụ như đi rest-room, thay quần áo, tắm nước ngọt đều có giá từ 2 ngàn tới... 20 ngàn đồng. Hàng quán thì cực kỳ “ngược đãi” khách, một dĩa mì - gọi “mĩ miều” là mì xào hải sản, chỉ lơ thơ vài cọng mì, mấy cọng rau cải, một con tép bằng ngón tay út (con nít), hai mẫu mực bằng ngón tay cái con nít được tính giá là 35 ngàn đồng.

Ðúng ngọ, xe rời Dinh Cô hướng tới chùa Vạn Thông. Cảnh chùa khá đẹp, phía sau chùa ngoài một khu vườn cảnh còn có bài trí một khu vườn nhỏ để tưởng nhớ tới công đức của bậc sanh thành.

Khi đoàn hành hương của xóm nghèo chúng tôi tới chùa Ðại Tòng Lâm, nơi đây đang được xây cất nhiều. Phía trước Ðại Tòng Lâm là một hồ nước rộng đang xây dở và ngay bên trên hồ là ba pho tượng cực lớn đang chờ khánh thành. Ngay gần đó là một khu đất rộng mênh mông được dùng làm khu xây “cửu phẩm cực lạc thế giới.”

Rời Ðại Tòng Lâm chúng tôi ghé Ni viện Thiện Hòa cũng gần đó. Vì chùa này năm nào cũng đãi đoàn hành hương món bánh xèo chay nên mọi người gọi luôn Ni viện Thiện Hòa là... chùa bánh Xèo cho dễ nhớ.

Mặc dù cưỡi ngựa xem hoa mười cảnh chùa và có những chùa rất gần nhau như Ðại Tòng Lâm và Ni viện Thiện Hòa, nhưng tới cảnh chùa thứ chín thì ai nấy đều mệt đừ. Nên tới cảnh chùa thứ mười thì mọi người có ý kiến là chỉ những người khỏe xuống thắp nhang đại diện được rồi, còn ai mệt thì ở lại trên xe. Mọi người đều cười xòa vui vẻ, nhưng rồi ai cũng xuống xe đốt nhang cho đủ mười cảnh chùa dù đoàn hành hương đa phần là phụ nữ lớn tuổi, các cụ già và các em nhỏ.

Thắp nhang đủ mười cảnh chùa, trước khi về Sài Gòn, đoàn ghé khu bò sữa Long Thành, người thì làm ly sữa tươi cho tỉnh ngủ, người thì mua bánh, trái cây về làm quà cho người thân ở nhà. Khi xe về tới nhà thì thành phố cũng vừa lên đèn kết thúc chuyến hành hương mệt mà vui, thân tâm đều nhẹ nhàng.

Hôm sau, nhằm ngày 14 Tháng Giêng. Tôi chạy xe Honda đi chùa Bà-Bình Dương.

Chùa Bà - đúng ra phải gọi là miếu bà, hoặc đền thờ bà, vì bà đây là một vị thần hiển linh của người Trung Hoa (cũng giống như đền thờ Dinh Cô của người Việt). Bà ở đây là bà Thiên Hậu, một vị thần nữ có công giúp đỡ những người Hoa trên đường vượt biển đi tìm những miền đất mới sinh sống. Do vậy người Hoa khi di dân tới đâu thường lập đền thờ bà Thiên Hậu tới đó, đền thờ bà không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở một số nước thuộc vùng Ðông Nam Á như Malaysia, Singapore.

Bên cạnh chùa Bà Bình Dương còn có một chùa khác cũng được khách thập phương viếng thăm rất đông - là chùa Ông. Chùa Ông nằm gần chùa Bà cũng là đền thờ một vị tướng quân trung liệt của người Hoa - Quan Thánh (tức Quan Công, Quan Vân Trường).

Lễ hội Chùa Bà - Chùa Ông diễn ra trong suốt Tháng Giêng. Theo bản tin của đài truyền hình Bình Dương thì suốt mùa lễ hội này có hàng triệu lượt du khách viếng thăm. Nhưng cao điểm của mùa lễ hội diễn ra vào hai ngày 14 và 15 Tháng Giếng âm lịch. Ðặc biệt vào đêm 14, nam thanh nữ tú từ Sài Gòn và các tỉnh lân cận chở nhau bằng xe Honda kéo về chùa Bà rất đông vì lễ hội diễn ra sáng đêm, đã biến lễ hội chùa Bà thành nơi giao tình, cầu duyên.

 

Văn Lang/Người Việt

(SG, Rằm Tháng Giêng, năm Canh Dần 2010)