VẤN ĐỀ TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ

http://chuatuan.smugmug.com/Other/Hinh-Phat-A-Di-Da/hinh-nen/411622331_K3YF6-S.gif

I. KHÁI NIỆM :

Từ Chơn như Pháp giới, theo duyên nghiệp thọ sanh, hình thành ba thế giới: Thế giới chúng sinh, thế giới tâm linh và thế giới ngoại tại. Nhưng suy cho cùng, dù là ba nhưng chỉ có một. Tại sao? Như Khế kinh nói: “Không một pháp nào không từ pháp giới phát sinh, cuối cùng không một pháp nào không trở về pháp giới” (Kinh Hoa Nghiêm). Do đó, sống là sống với Tâm, trang nghiêm Tâm là trang nghiêm Chánh báo, trang nghiêm thế giới là trang nghiêm Cảnh, là Y báo của chúng sinh. Như thế, Tâm là căn bản, là động cơ hành động. Vì vậy, Tâm tốt thì hành động tốt và hoàn cảnh tốt; Tâm không tốt thì hành động không tốt và hoàn cảnh không tốt. Vì nhân chính là Tâm. Xây dựng cái Tâm, chuyển biến cái Tâm, thì mọi thứ đều chuyển biến. Như Cổ đức nói: “Tâm theo muôn cảnh sinh. Chổ sinh khó hiểu thấu. Theo dòng sinh diệt trực nhận phi sanh diệt (Chơn tánh) không vui cũng không lo buồn”.

Từ những nhận thức đó, vấn đề trang nghiêm Tịnh độ là một vấn đề cần thiết, thường nhật, từng phút, từng giây của mạng sống, của tâm hồn. Và từ đó, hướng dẫn mọi người cũng theo tinh thần ấy. Thiết thực, lợi ích sẽ thấy ngay, không tìm đâu xa. Như Đại Nam Đại sư nói: “Cần hỏi ai lương tâm ấy sáng soi như nhật nguyệt. Cỏi lòng nầy rộng lớn đức Từ Bi”.

II. NỘI DUNG :

Tịnh độ tuy nhiều nghĩa nhưng chung quy không ngoài ba Tâm, đó là: Trực Tâm, Thâm Tâm và Bồ đề Tâm.

1. Trực Tâm, là Tịnh độ, vì xuất phát từ lòng chân thật, trung thực với bản thể. Thế nên, Cổ đức nói: “Trong Tâm như thế nào, thì thể hiện hành động như thế đấy”. Nói và làm tương xứng nhau, tri hành hợp nhất. Do đó, từ đáy lòng muốn xây dựng một con người, một quốc độ, một đất nước, một thế giới, một xã hội tốt, là động cơ căn bản, từ đấy hình thành kết quả tương ứng. Như Xuyên Công Đại sư nói: “Chánh nhơn nói tà pháp. Tà pháp biến thành Chánh pháp. Tà nhơn nói Chánh pháp. Chánh pháp biến thành Tà pháp. Giang Bắc gọi là chỉ xác, Giang Nam gọi là quýt. Xuân về đều nở một loại hoa”.

Như vậy, bản thể là một, do sự dụng tâm sai khác mà có kết quả sai khác. Cho nên động cơ chính của vấn đề thuyết pháp là làm cho con người trực nhận tự tâm. Và chính tự thân người thuyết pháp cũng phải trực nhận tự tâm, sống với chính mình, khuyên người ấy sống với chính mình thì không đánh mất bản thể. Nếu đánh mất bản thể, thì không có cơ sở đạt Chân lý. Ví như, muốn xây một tòa nhà mà không có đất, không biết đất ở đâu, thì không thể xây dựng được. Vì vậy, phải biết đất mới xây dựng được. Thế nên Cổ đức có câu: “Đường về cố quốc còn mở lối, Cảnh cũ quê xưa mở dạ đài”.

Từ đó suy ra, Trực Tâm là Chánh niệm Chân như. Chân như là thế nào? Người xưa thường nói: “Chân như Đạo Phật nhiệm mầu. Trong Tâm chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân. Hiếu thì độ được song thân. Nhân thì cứu vớt trần luân muôn loài” (Quan Âm Nam Hải truyện). Thế thì xây dựng Tịnh độ, không gì khác hơn là chính mình, khuyên mọi người luôn luôn hướng về Tâm, sống với Tâm, thành tựu Tâm thanh tịnh, thành tựu rồi từ đó phát sinh diệu dụng, diệu dụng không rời bản thể. Thế mới biết, tất cả đều là Phật pháp, vì từ Chân như phát sinh. Thành ra, tất cả các Pháp đều là Phật pháp. Như Khế kinh nói: “Người Tâm ý thanh tịnh, dù giảng nói chuyện thế gian, nhưng cũng đèu Phật pháp” (Kinh Pháp Hoa). Nói khác đi, như Vân Thê Đại Sư nhấn mạnh:

“Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương

Trăng sáng năm xưa ngập dặm đường

Hoa lòng đã nở từ thuở trước

Nương pháp âm về tận cố hương”.

2. Thâm Tâm, là Tịnh độ, là Tâm muốn thành tựu các công đức. Muốn thành tựu công đức phải tu tập thiện pháp, khuyên người tu tập thiện pháp. Thiện pháp là Từ Bi Hỷ Xả, Thập thiện, Tứ Nhiếp pháp, sáu Pháp ba la mật v.v… Quả thật, Đức Phật dạy: “Tâm Từ rãi khắp muôn phương. Tâm Bi rãi khắp mười phương chan hòa. Trong lòng nở một đóa hoa, chúng sinh lợi lạc chan hòa tình thương” (Kinh Từ Bi). Có tình thương mới có hành động lợi người. Nếu không có tình thương thì không có hành động lợi người. Thế nên, Khế kinh nói: “Thuyết pháp phải vào nhà Như Lai. Nhà Như Lai chính là Tâm Từ Bi đối với tất cả chúng sinh” (kinh Pháp Hoa).

Thực vậy, vì lòng từ bi mà giảng kinh thuyết pháp. Tại sao? Vì muốn cho chúng sinh được lợi lạc, được giải thoát, được hạnh phúc lâu dài. Xây dựng một cuộc sống an bình, hạnh phúc tại Tâm, tại thế gian, giữa cuộc đời này không tìm đâu xa. Như Khế kinh nói: “Nghe Thế Tôn nói pháp. Lòng rất đổi vui mừng. Lưới nghi đều đã trừ. Quyết định chứng Niết bàn” (Kinh Pháp Hoa).

Không những thuyết pháp mà còn Bố thí… Cho nên thuyết pháp kết hợp với công tác từ thiện xã hội là điều hợp lý, phù hợp Chính pháp. Như Kinh Dược Sư nói: “Muốn hóa độ chúng sinh, trước hết cho họ ăn no đủ, rồi sau đó mới đem Chính pháp giảng dạy cho họ, để được lợi ích cả hai, lợi tự thân, lợi tự tâm, giải thoát tự thân, giải thoát tự tâm, thành tựu Tịnh độ ngay nơi đây và tại đây, không tìm đâu xa”.

Nói cụ thể hơn, vì lòng Từ bi mà giảng kinh thuyết pháp, vì chúng sinh nên không từ khó khăn, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì, lợi ích cho chúng sinh, đều thành Phật đạo. Xây dựng Tịnh độ như vậy, gọi là xây dựng Tịnh độ nhân gian. Dù nhân gian nhưng là Tịnh độ, vì cả hai đều có sự an lạc, có sự giải thoát, có sự thanh tịnh như nhau. Như Cổ đức nói: “Tâm theo muôn cảnh chuyển. Chổ sinh thật khó lường. Theo dòng nhận Chơn lý. Không vui cũng không buồn”. Đó chính là tự tại giải thoát giữa trần gian sinh diệt, vô thường.

Tóm lại, thành tựu phúc đức, trí huệ, Từ bi hỷ xả, ba nghiệp thanh tịnh, chính là Tịnh độ nhân gian. Kết quả ấy, ngoài vấn đề giáo pháp thì khó thành tựu, thiếu người giảng kinh thuyết pháp, thiếu người thực hành, thì không có kết quả. Như người xưa nói: “Pháp sư đức độ khắp nơi. Giảng sư truyền đạo độ đời hết mê. Nương theo Chánh đạo trở về. Chân tâm thanh tịnh tư bề trang nghiêm”.

3. Bồ đề Tâm là Tịnh độ (Bồ đề Tâm còn gọi là Đại thừa Tâm, Đại bi Tâm). Xây dựng Tịnh độ trên cơ sở đại thừa Tâm, đại bi Tâm, không gì khác hơn là hành giả, giảng sư, pháp sư, thực hành hạnh nguyện của Bồ tát, của hàng đệ tử Phật, tu hạnh Đại thừa, làm lợi ích chúng sinh. Tự tu, tự độ, tự hóa, hóa tha, đều thành Phật đạo. Như Chỉ Quán đại ý nóiL “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” (Kinh Hoa Nghiêm – Phổ Hiền).

Trên tinh thần vô ngã, vị tha, từ bi vô lượng, hành giả, pháp sư, giảng sư nỗ lực hoằng pháp không ngừng, thực hành hạnh nguyện không biết mõi mệt. Nơi nào chúng sinh cần thì chúng tôi đến. Nơi nào đạo pháp cần thì chúng tôi đi. Không ngại gian lao, không từ khó nhọc, dấn thân phục vụ, dù đất liền hay hải đảo, thành thị hay thôn quê, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, cho đến những nơi khó khăn, nguy hiểm v.v… đều hy sinh phục vụ. Như Cổ đức nói: Kiến lập pháp tràng ư xứ xứ. Phá nghi võng ư trùng trùng. Hàng phục chúng ma, thiệu long Tam bảo… (Y Sơn Thiền sư). (Xây dựng, thiết lập các Đạo tràng, các lớp giáo lý, khóa tu khắp mọi nơi… Để phá trừ hàng lớp, hàng lớp những thứ mê tín dị đoan, những tư tưởng, tà kiến dị biệt, làm ngôi Tam bảo, Phật Pháp Tăng được nối tiếp và hưng thịnh …).

Mặt khác, Bồ đề Tâm là Tịnh độ được thiết lập trên cơ sở Trí tuệ. Nếu thiếu trí tuệ thì không thể thành tựu sự nghiệp. Duy tuệ Thị nghiệp là tiêu đích cơ bản của Bồ tát. Như Cổ đức nói: “Bồ đề Tâm tự thuở nào. Xưa nay thanh tịnh làu làu gương xưa. Muốn tu chứng đạo Chơn thừa. Bồ đề tâm nguyện sớm trưa tu trì” (Kinh Viên Giác).

Từ nhận định trên cho thấy, nếu thiếu trí huệ thì không thể tu hành, không thể thành tựu đạo quả. Nhưng muốn có trí tuệ, thì phải tu trí tuệ. Tu trí huệ thì cần phải trải qua: “Văn huệ, Tư huệ, Tu huệ, Quyết trạch huệ, Sinh đắc huệ”. Như vậy, phải có người nói pháp, phải nghe pháp, tu pháp, chứng pháp, tích lũy pháp là vấn đề quan trọng. Vì thế, đối với công tác gieo giống trí tuệ, thì không phải ai cũng gieo được. Có nghĩa là phải có giống, có năng lực trí tuệ, thì mới mồi đèn, mới truyền pháp đăng cho người khác được. Do đó, cần phải trau dồi kinh nghiệm, thực tu giáo lý, chứng ngộ giáo lý. Sau đó, mới truyền trao, hướng dẫn người khác được. Có như vậy, cả hai đều thành tựu trí huệ và trí huệ ấy chính là Tịnh độ, là thế giới văn minh, muôn màu, muôn sắc, diệu dụng vô cùng. Vì trí tuệ có khả năng đoạn trừ phiền não, chứng quả Bồ đề. Như Thiền Sư Trí Bảo nói: “Nếu không do gió trí tuệ quét mây mù, làm sao thấy được trời thu vô tận” (Bất nhân phong quyện phù vân tận, Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu).

Từ đó suy ra, phương tiện trí tuệ như sách báo Phật pháp, băng đĩa, mạng Internet v.v… đều là phương tiện huệ, giúp đạt được trí tuệ. Như người xưa có câu: “Một quyển sách hay là một ông Thầy mẫu mực”.

Tóm lại, Bồ đề Tâm là Tịnh độ, đạt được trí tuệ tuyệt đối chính là thành tựu Tịnh độ, cũng có nghĩa là thành tựu Phật quả. Như Khế Kinh nói: “Tất cả chúng sinh đều có vô thủy Bồ đề, Niết bàn. Y cứ vô thủy Bồ đề, Niết bàn tu hành thì sẽ chứng được Vô thượng Bồ đề, Vô thượng Niết bàn” (Kinh Lăng Nghiêm).

III. Kết luận:

Vấn đề Tịnh độ là vấn đề lớn, được xây dựng trên cơ sở Tâm niệm của chúng sinh. Do đó, thiết lập Tịnh độ, điều căn bản là mọi người phải trực nhận tự Tâm, tự tánh thanh tịnh của mình có đủ tất cả những đức tính Từ bi hỷ xả, thanh tịnh, phúc trí trang nghiêm. Như Cổ đức nói: “Tín tâm kiên cố, Đạo niệm tinh chuyên. Ngoại cấu không xâm, nội ma không khởi. Diêm phù no đủ, Tịnh độ hiện tiền. Phúc trí trang nghiêm. Ba thân đầy đủ” là thế.

Còn không nhận được, thì phải có người hướng dẫn khai thị. Người hướng dẫn khai thị ấy chính là Pháp sư, Giảng sư. Thế nên Pháp sư là thiện tri thức của tất cả chúng sinh, mọi thời, mọi chốn. Như Khế Kinh nói: “Mười phương ba đời chư Phật, 12 phần giáo đều có đủ trong Tâm. Các ngươi nếu không nhận được, đi tìm bên ngoài, thì không có lẽ ấy. Nếu không nhận được thì phải nhờ người khác khai thị” (Kinh Pháp Bảo Đàn).

Do đó, từ nay cho đến đời sau giảng sư, pháp sư trong vấn đề hoằng pháp là làm tròn nghĩa vụ, trách nhhiệm, bổn phận của người xuất gia là thuyết pháp độ sanh, báo Phật ân đức, xây dựng Tịnh độ tại nhân gian và tại Tâm, cuối cùng sẽ chan hòa pháp giới, vô biên, vô tận không biên giới. Như Trần Thái Tông nói: “Thuyết pháp là làm thỏa mãn ý nguyện của chư Phật” (Thuyết pháp giả mãn Phật chi nguyện) (Khóa Hư Lục).

 

HT Thích Thiện Nhơn

 

Tài liệu tham khảo:

- Kinh Hoa Nghiêm Sớ

- Kinh Pháp Hoa văn cứ

- Kinh Duy Ma Cật giảng lục

- Kinh Pháp Bảo Đàn

- Kinh Viên Giác Đại sư

- Quan Âm Nam Hải truyện

- Luận Chỉ Quán đại ý

- Khóa Hư Lục

- Luận Đại thừa Khởi tín.