Việt Nam trong vai trò đóng góp cho nền đạo đức toàn cầu


altLà một người Việt Nam có bao giờ bạn nhìn hình dáng đất nước Việt Nam trên biểu đồ thế giới chưa? Đối với tôi, mỗi lần nhìn đến hình dáng chữ “S” ấy thì tôi thấy rất vui. Đất nước Việt Nam tuy nhỏ nhưng rất đẹp. Vừa mềm mại, nhẹ nhàng nhưng cũng rất vững vàng nằm bên bờ biển Thái Bình Dương.

Từ những thế kỷ đầu, đất nước Việt Nam chỉ là một vùng đất nhỏ, tên là Giao Chỉ, sau lại có tên là Giao Châu. Theo các tài liệu lịch sử cho chúng ta biết rằng chữ “Giao” có nghĩa là giao tiếp, là nơi giao nhau của các nền văn hóa, đặc biệt là giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Tổ tiên của chúng ta đã rất khéo léo và thông minh. Tuy là nơi giao tiếp của các nền văn hóa nhưng người Việt Nam biết tiếp nhận những điều tốt đẹp để làm giàu cho nền văn hóa của đất nước mà không để bị đồng hóa. Trải qua một nghìn năm Bắc thuộc đã chứng minh được điều đó. Đạo Bụt khi đi vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu cũng đã được chấp nhận như vậy. Đạo Bụt Việt Nam rất khác với đạo Bụt Trung Hoa, Thái Lan, Lào, Campuchia hay Nhật Bản, và cũng rất khác với đạo Bụt Ấn Độ vốn là nơi phát sinh nền Phật giáo.

Là một người Việt Nam tôi rất hạnh phúc khi biết rằng đạo Bụt đã có mặt ở đất nước mình trên hai ngàn năm nay, một khoảng thời gian không phải là ít. Có những triều đại mà trong đó đạo Bụt đã đến với mọi tầng lớp của người dân, đặc biệt là các triều đại Lý - Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Vì thế mà tôi biết rằng dân tộc Việt Nam đã có cơ hội để tiếp nhận và thực tập nền đạo đức của Phật giáo. Vùng đất Tây Phương không có may mắn như chúng ta (Đông Phương), đạo Bụt chỉ thực sự có mặt ở Tây Phương trong vòng hơn một trăm năm. Đặc biệt nó có cơ hội để phát triển và khởi sắc trong năm mươi năm trở lại đây. Nhờ vào những yếu tố khách quan, chiến tranh Việt Nam và những áp lực của Trung Quốc lên Tây Tạng mà đạo Bụt ở Tây Phương có hai bậc Thầy lỗi lạc là Ngài Đạt-Lai-Lạt-Ma và Thiền Sư Nhất Hạnh để lãnh đạo tinh thần. Dưới sự hướng dẫn của hai vị thầy này (cố nhiên là còn rất nhiều vị Thầy khác nữa) mà Phật giáo ở Tây Phương có khả năng đứng vững để đàm luận với những tôn giáo, các nhà thần học, triết học, văn hóa, khoa học và chính trị khác. Ở đây tôi xin được đem cái hiểu nhỏ bé của mình để nói đến đạo Bụt “Ứng Dụng” mà Thầy Nhất Hạnh đã cống hiến cho người Tây Phương trong mấy chục năm qua. Thầy Nhất Hạnh cũng như đạo Bụt mà Thầy đem ra chỉ dạy cho người Tây Phương có gốc rễ từ Việt Nam. Trong những sinh hoạt Phật giáo ấy Thiền sư đã đưa vào những sinh hoạt khác có tính cách “Tây Phương hóa” để có thể dễ dàng đưa đạo Bụt vào lòng người dân bản xứ - “nhập gia tùy tục”. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo tinh thần, các nhà truyền giáo ai cũng biết. Mặc dầu vậy, trong các pháp môn tu học, giới luật vẫn ẩn chứa được nội dung của đạo Bụt Việt Nam. Vào năm 2008, trong đại lễ Vesak tổ chức ở Hà Nội, ai cũng đã thấy được hình ảnh của Thầy trong chiếc áo nâu giản dị với chiếc nón lá. Chiếc áo nâu và nón lá đó là những trang phục đặc thù của con người Việt Nam. Trong khi đó Phật giáo ở Việt Nam đã không còn giữ được những nét đặc thù đó. Phần lớn đã bị thay đổi y phục theo các nước bạn. Một nhà làm văn hóa thì họ luôn coi trọng và giữ gìn những nét đặc thù đó của văn hóa mình.

Vào những thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, Thầy đã cùng với một vài người bạn Tây Phương cũng như Việt Nam ở nước ngoài đã thành lập nhiều tổ chức để cứu vớt thuyền nhân Việt Nam. Hồi đó Thiền sư đã không được trở về Việt Nam nữa, nhưng với tình yêu quê hương, đất nước Thầy đã làm những công việc đó trong sự thầm lặng. Tiếp sau đó Thầy thành lập trung tâm tu học Làng Mai (ban đầu lấy tên là Làng Hồng) vào khoảng năm 1982. Làng Mai được thành lập không những đã cống hiến và làm phát triển ở Tây Phương một hình thái đạo Bụt mới mẽ, khế cơ mà còn là nơi để đồng bào Việt trên khắp thế giới có cơ hội trở về để được sưởi ấm tình quê hương, đất nước. Các thế hệ con cháu của những vị này sinh ra ở hải ngoại cũng đã được trở về Làng Mai để được học văn hóa, ngôn ngữ của đất nước mình. Không những thế, với tình thương và tuệ giác của Thầy, Thầy đã giúp cho rất nhiều người Việt Nam ở hải ngoại buông bỏ được tâm giận hờn, oán trách chế độ. Họ đã có cơ hội được phát triển tâm từ bi và hiểu biết để yêu quê hương đất nước Việt Nam bằng cái tâm rộng lớn hơn. Đa phần những người Việt Nam hải ngoại khi chưa đến với Làng Mai thì đều có tâm trạng là “đây mới chính là đất nước của tôi. Việt Nam đã ruồng bỏ tôi, không chấp nhận tôi, yêu thương tôi. Tôi không muốn về đó nữa”. Nhưng sau khi được tiếp xúc với Làng Mai thì tình yêu quê hương đất nước mình đã được sống lại. Làng Mai đã được phát triển từ đó đến nay. Tôi cảm thấy rất lạ là đạo Bụt tại Làng Mai đã được chấp nhận hầu hết trên các quốc gia ở năm châu. Các tôn giáo khác ở Tây Phương cũng đã chấp nhận Làng Mai một cách rất dễ dàng. Có thể là bởi vì Làng Mai có mặt ở Tây Phương không phải là một tôn giáo mà Làng Mai đã biểu hiện và có mặt như một cộng đồng mà trong đó mỗi một con người sống có hạnh phúc, có tình thương, có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau. Làng Mai đã không chú trọng đến thành lập một tôn giáo, một tổ chức giáo hội, một ngôi chùa lớn mà là chú trọng đến đời sống có hạnh phúc, có bình an và không phân biệt của một cộng đồng. Vì thế mà khi đi đến đâu Làng Mai cũng khơi dậy được sức sống của niềm tin, l‎ý tưởng trong cộng đồng tôn giáo và các đất nước bạn.

Giờ đây các cộng đồng, tập thể như vậy đã và đang được hình thành trên khắp thế giới. Họ đã thực tập những pháp môn trong đạo Bụt nhưng cũng không cảm thấy tội lỗi khi họ không có thờ Bụt, tụng kinh mà vẫn đi theo tôn giáo của họ. Mặt khác, đời sống của những cộng đồng đó tạo ra được hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình họ. Họ ý thức hơn đến bảo vệ môi trường, xã hội và địa cầu xinh đẹp này bằng cách sống hằng ngày của họ. Có lần tôi gặp một người bạn nước Mỹ, ông này cũng đã biết đến Làng Mai, ông ấy nói rằng “tôi không biết ai là người khai sinh ra đạo Bụt, cũng không biết đạo Bụt là thế nào nhưng khi thấy một người mặc chiếc áo nâu thì tôi biết đó là người thầy tu Phật giáo Việt Nam”.

Vậy đó, nhờ vào sự có mặt của đạo Bụt Việt Nam mà Thầy đã cống hiến cho thế giới nên đã làm cho người ta hiểu thêm được về con người Việt Nam. Sở dĩ mà người ta đã đem chiến tranh đến Việt Nam là bởi vì họ không có cơ hội để hiểu, để thương con người Việt Nam. Trong họ đã có quá nhiều sự giận hờn, tham vọng và tri giác sai lầm. Giặc ngoại xâm đã đi rồi nhưng Thầy và những học trò của người vẫn là những chiến sĩ cách mạng trung thành đi đến tận cùng những vùng u tối trong tâm thức để giúp cho họ chuyển hóa tận nguồn gốc chiến tranh. Vì vậy mà Thầy và Tăng thân của Thầy đi đến đâu cũng đem đến rất nhiều tự do, hòa bình và hạnh phúc cho rất nhiều người.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta nhận thấy rằng rất nhiều tổ chức, đoàn thể của nhiều quốc gia đã lên tiếng để che chở cho những tu sĩ trẻ ở Tu viện Bát Nhã. Họ đã lên tiếng không phải là vì giận hờn, oán trách mà vì tình thương nhiều hơn. Khi được tiếp xúc với đạo Bụt họ đã tìm ra được một cuộc sống hạnh phúc và có ‎‎ý nghĩa. Và họ đã lên tiếng vì nhận thấy rằng Việt Nam may mắn có được một tôn giáo đẹp như vậy.

Trong gần ba mươi năm qua Làng Mai đã trở thành một chiếc cầu nối cho rất nhiều người trên mọi quốc gia có cơ hội trở về để tập hiểu, tập thương, tập chấp nhận và sống chung với nhau trong tinh thần của đạo Bụt. Đặc biệt người trẻ về Làng mỗi năm lại đông hơn. Người ta đã tìm thấy nơi đây là một ngôi nhà chung của họ. Đến với Làng Mai họ đã vượt qua được những hàng rào của phân biệt, kỳ thị một cách rất dễ dàng nhờ vào những pháp môn thực tập. Khi còn là một ông thầy tu trung niên Thầy đã nói rằng “kẻ thù chúng ta không phải là con người, kẻ thù của chúng ta là vô minh, là giận hờn, là tham dục”. Nhưng sau bao năm công phu tu tập Thầy đã khám phá ra rằng “kẻ thù của chúng ta cũng không phải là vô minh, không phải là giận hờn, là tham dục nữa”. Và Thầy đã dạy những học trò của Thầy rằng “chúng ta không có kẻ thù”. Những tâm hành đó chính là mình. Mình phải làm bạn với nó. Chỉ cần nhận mặt, ôm ấp và chuyển hóa mà không cần ghét bỏ hay đấu tranh.

Những lời tuyên bố đó của Thầy Nhất Hạnh quả thực đã được phát sinh từ một nguồn tuệ giác rất lớn. Những lời tuyên bố đó có thể làm mới được cho nền triết lý của đạo Bụt. Khi nhiều người Phật tử vẫn nghĩ rằng kẻ thù đang có mặt trong họ. Vì thế mà trong sự tu tập đã vô tình tạo ra những căng thẳng, bạo động lên chính tâm thức của họ. Những cái thấy ấy của Thầy đã làm nền tảng vững chắc cho một nền đạo đức Phật giáo đang phát triển ở Tây Phương. Những người đến với Làng Mai sau một thời gian rất ngắn mà họ cũng đã có được sự chuyển hóa khổ đau, mặc dù đạo Bụt không phải là tôn giáo gốc của họ. Đó cũng là nhờ những pháp môn tu học đã được thiết lập dựa trên những nền tảng đạo đức đó.

Sau những năm tu học và xây dựng Tăng thân ở nước ngoài, tình thương của Thầy bây giờ không còn chỉ hạn hẹp trong đất nước Việt Nam của Thầy. Tình thương của Thầy bây giờ đã lớn hơn, bởi vì với tuệ giác tương tức thì đất nước Việt Nam được làm nên bởi những yếu tố không phải là của Việt Nam. Chúng ta có thể thấy được điều này nơi những dòng tâm sự với Bụt của Thầy trong sách “Sám Pháp Địa Xúc”… “…Ngày xưa Đức Thế Tôn đã thanh thản rong chơi trong bao nhiêu quốc gia vùng lưu vực sông Hằng, đến đâu Ngài cũng lưu lại dấu chân an lạc và thảnh thơi của Ngài, nơi nào Ngài bước qua đều trở nên thánh địa. Chúng con cũng muốn sử dụng hai bàn chân của Ngài để bước đi những bước chân như thế trên khắp năm châu. Giờ đây Tăng thân của Đức Thế Tôn đã có mặt trên hầu hết mọi quốc gia, không những ở Châu Á mà ở các châu: Âu, Phi, Mỹ và Úc. Chúng con đang có mặt khắp nơi và chúng con nguyện ngày nào cũng thực tập thiền đi để cho tất cả trái đất này trở nên thánh địa. Ngày xưa Ngài đã nhận trái đất này làm Phật độ của Ngài, chúng con xin tiếp nối hạnh nguyện của Ngài, đem giáo l‎ý và pháp môn Ngài truyền bá khắp năm châu và long trọng hứa với Thế Tôn là sẽ cùng nhau chăm sóc Phật địa mà Thế Tôn đã chọn. Chúng con biết rằng những bước chân tỉnh thức và an lạc sẽ làm biểu hiện cõi tịnh độ ngay trong giờ phút hiện tại…” (trang 43, sách Sám Pháp Địa Xúc). Nhìn vào những bước chân của Thầy đi chúng ta cũng đủ thấy được nội lực tâm linh của những lời nguyện ấy. Thầy có khả năng để có thể sống thường trực với đức Bụt ở trong lòng. Vì vậy mà những con ma như vô minh, tham dục, giận hờn không còn là kẻ thù của vị Bụt ấy nữa. Bụt không có kẻ thù. Bụt có thể ôm ma vào lòng và giúp ma chuyển hóa.

Đạo Bụt mà Thầy hướng dẫn ở Tây Phương đang đi trên một con đường như vậy. Đạo Bụt đó là đạo Bụt Việt Nam. Suốt một cuộc đời của Thầy đã làm những cuộc cách mạng rất lớn cho đạo Bụt. Đặc biệt là ở Tây Phương, người Tây Phương đến với đạo Bụt và đã sống có hạnh phúc. Đây là một sự thực. Thầy đã sống và đã đem những pháp môn tu tập ra thử nghiệm ở Tây Phương trong mấy chục năm qua và đã có kết quả. Đạo Bụt đã cắm rễ tại Tây Phương và đang phát triển. Thầy đã đi tiên phong để mở một con đường mới cho đạo Bụt Việt Nam. Phật Giáo Việt Nam, những tu sĩ trẻ Việt Nam, dân tộc Việt Nam hãy sớm thấy được vai trò của mình trong việc đóng góp cho một nền hòa bình của thế giới. Thế giới đang cần đến một nền đạo đức Phật Giáo để có thể đi song hành với đà phát triển choáng ngợp của nền kinh tế, khoa học kỹ thuật. Đạo Bụt Việt Nam đã được chấp nhận ở xã hội Tây Phương. Đất nước và con người Việt Nam cũng vì thế mà có được niềm tin trên khán đài quốc tế. Những tu sĩ trẻ đang tu học, thực tập theo những pháp môn Làng Mai, đó là những hoa trái của tình yêu quê hương đất nước mà Thầy đã hiến tặng cho dân tộc Việt Nam. Mong sao đất mẹ Việt Nam hãy ôm ấp, chăm sóc với tất cả tình thương và sự hiểu biết.

 

Nguyễn Minh Lạc