Những dòng vô tận

Ta đứng bờ bên này nhìn sang bờ bên kia nước cuồn cuộn chảy!  Ta đứng bờ bên kia nhìn sang bờ bên này dòng nước quá lênh đênh!  Quay lại nhìn cuộc đời  thật kỹ thì dòng nước nào đã xô đẩy ta tới nơi đây?  Có phải hết dòng này rồi tới dòng khác ta vẫn còn lênh đênh trên sóng nước mà ngỡ rằng mình đã hết nổi trôi, có bến đậu rồi, nay tìm sang bờ bến khác.  Ta ao ước được sang bờ bên kia để thoát ly đời hiện tại!  Người bên kia lại đang tìm bờ khác, có kẻ lại muốn quay về, luẩn quẩn loanh quanh vẫn một dòng sông đang du ta vào ngõ bí, không lối vẫy vùng – Càng đi càng xa rời mái ấm!

alt

Đứng bên này nhìn sang bờ bên kia thấy khoảng cách chẳng xa vời và bờ thì hữu hạn − Nhưng cớ sao dòng trôi thì vô tận, đưa ta đi mãi mãi không cùng.  Bờ bên kia có phải niềm mơ ta mong đạt tới, nên dấy lên tâm thức chẳng lặng dừng.  Dòng nước trôi cuốn theo trăm ngàn hỗn độn, tâm thức chẳng an bình dắt díu muôn ức chuyện bồng bềnh quá-hiện-vị lai.  Gió vừa thổi, sóng vừa dâng thì nước chẳng quân bình, phá nguyên thể trong xanh như ngọc khiết.  Vừa khởi niệm là đã xa rời ChânThiệnMỹ, dấy lên bao phiền não ở trong lòng.

Hạnh  Phúc, Khổ Đau nhanh như làn chớp – Ý niệm đổi thay thì Địa Ngục, Niết Bàn hay Thiên Đường cũng gần trong gang tấc.  Vậy tại sao không dứt bờ bên này, bờ bên kia để dòng sông không còn là cuồng lưu, nước lũ.  Tại sao không dứt gió dậy trong lòng cho sóng không nổi, dòng trôi lắng bặt, nước trong vắt một màu, hòa trong nhất thể, để cảm được niềm vui đang rộn rã trong lòng.

Này sông, này biển, này núi, này đồi, này trời, này đất, này bờ, này bến, người người, vật vật biến đổi khôn lường, trăm muôn ngàn dạng, nhưng nào có liên hệ gì tới Tâm Không luôn sáng ngời bất động, chưa từng sinh mà cũng chưa từng diệt.

Đứng bờ bên này trông sang bờ bên kia, dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy -- dầu hữu hạn, dầu vô cùng – trước đó trong con mắt ngập tràn sương khói, thấy muôn ngàn cách biệt, lúc này đây sự sự giao hòa, đâu chẳng là Thiên Đường, đâu chẳng là Niết Bàn, cần chi phải xa vời tìm kiếm − Mây trắng trên cao, cỏ hoa dưới đất – đâu đâu chẳng hiển bày chân lý − Tâm cố tìm cầu, đất trời xa cách, chỉ trong đường tơ kẽ tóc, hố thẳm lại sa vào.

Ngã hay Vô Ngã đều là danh tự!  Có hay Không hai thể đều lìa – Lìa cả Cái Lìa -- Tâm Không -- Vô Trụ.  Đó mới chính là Chỗ Không Cùng, ngữ ngôn đạo đoạn.  Còn gì phải nói, phải bàn, phải trông, phải ngóng.

Đó chính là Đạo, là Chân Như, là Niết Bàn, là Phật Tánh – Hay chính là Chân Nhân, Thượng Đế…  Gọi sao cũng thấy dư thừa!  Chỉ cảm nhận một điều là Thương Yêu – Bình Yên – Trí Tuệ, ba thể không lìa -- Sóng chính là nước, nước chính là sóng -- Không có gì cách ngăn – Và niềm vui vẫn dâng tràn trên sóng nước…

Từ Phong
Cảm tác theo câu thơ" ... Bờ hữu hạn mà dòng trôi vô tận..."