Trên con đường chuyển hóa

http://files.chungta.com/Image.ashx/image=pjpeg/cf0092c893064f229f10af0de04bbc2e-Hoa%20sen.jpg/Hoa%20sen.jpg

Đến Bát Nhã, niềm vui được gặp Thầy, gặp bạn, được tu học mỗi ngày như một làn gió mới thổi về quê hương. Lần đầu tiên mình cảm nhận sự sống của đạo Bụt thật gần gũi. Thực tập không lâu, mình bắt đầu thấy những khó khăn đến với mình. Những khó khăn rất quen thuộc trong cuộc sống như giận hờn, trách cứ, so đo, phân biệt… đủ mùi cả. Câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu mình là: “Sao đi tu rồi mà vẫn còn những cái đó trong những người bạn đồng tu và cả trong mình?” Sự đòi hỏi cái đẹp hoàn hảo của người tu làm mình lên xuống, buồn khổ, không chấp nhận. Đôi lúc, đó chỉ là những cái lâu nay mình cảm nhận từ hình tướng bên ngoài, hay quan niệm cuộc sống mà thôi. Mình chưa thật sự tự tu cho mình một ngày nào cả. Vậy mà những cái quan niệm cho rằng thế này mới là tu, thế kia mới là tu cứ làm mình rối tung lên.

Rồi một ngày nọ, mình nhận ra nồng độ khổ đau của mình có giảm. Phép mầu nào trong tăng thân đã hóa giải điều đó, trong khi mình thấy mình chưa tu đủ, chỉ mới mấy năm tập tành làm quen đời sống người xuất gia. Sự tò mò đã giúp mình để ý quan sát sự thay đổi của chính mình. Thay đổi lúc nào? ở đâu? Thay đổi sao mình không hay? Vừa ngạc nhiên và vui mừng vì mình đã thay đổi theo hướng sống đẹp, vừa lo sợ vì nghĩ: trước giờ mình không biết mình đã dễ thay đổi bằng sự huân tập, bằng thói quen như thế. Ngồi nhìn lại mình từ khi còn là một đứa bé năm tuổi đến giờ. Mình nhận ra mình đã nhiều, nhiều lần thay đổi, nhiều lần tái sinh “từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm…” Cũng đã nhiều lúc mình cố gắng để không bị thay đổi theo những điều tệ hại, nhưng mình thường thất bại, hoặc tiêu hao quá nhiều sức lực và thường mang theo một vết thương trên thân thể cũng như tâm hồn. Những vết thương đã hằn sâu theo thời gian, đã sống còn với mình, đã làm mình chết đi sống lại bao nhiêu lần mà mình không biết. Mình nhận ra những ngày tháng tập tu, tập sống trong tăng thân Bát Nhã, trong sự quan tâm chăm sóc của các bậc tôn túc, trong tình đạo hữu của quý Phật tử gần xa đã nuôi mình lớn lên. Tăng thân không phải của riêng mình, bởi tăng thân là của mọi người. Từ những thực tập sinh hoạt hằng ngày, mình nghe lời nhắn gởi thiết tha: Hãy về với giây phút hiện tại, nương theo hơi thở để chăm sóc lấy mình. Mình đã nhận ra tăng thân chính là cuộc đời này.

Thiền hướng dẫn trên con đường chuyển hóa

Mình là con người hấp tấp, vội vàng, nóng tính, lo âu và đầy sợ hãi. Khi mình gọi được tên mình như thế, mình đã khóc, khóc như một đứa trẻ bị đòn oan… Mình nhìn xung quanh, nỗi sợ gia tăng khi mình chạm với thực tại đó trong đời sống tăng thân. Mình nghĩ, mình hết đường sống rồi! Nỗi sợ hãi leo thang, niềm thất vọng trấn ngự, những tri giác sai lầm sống dậy quấy phá và đánh gục mình. Hoảng sợ, mình tìm cách thoát khỏi vòng vây bằng những phản ứng, những khả năng để giành lấy cái tôi của mình. Nhưng càng vùng vẫy, mình càng bị tổn thương và làm những người xung quanh mình buồn khổ. Mình khổ đau khi nhận ra đời sống tăng thân cũng không giúp mình sống hạnh phúc. Mình loay hoay tìm kiếm điều kỳ diệu trong cuốn sách Con Đường Chuyển Hóa. Và bắt đầu từ đó, khi có khổ đau đến là mình thả tâm vào Con Đường Chuyển Hóa (đọc từng đoạn, từng toạn nhỏ). Lúc đầu, mình đọc bằng trí năng, bằng sự kiếm tìm, bằng tham muốn chinh phục. Sau đó mình đọc bằng thói quen, bằng giao hẹn đọc mỗi ngày. Và mình nhận ra đã có những giây phút bình an đến với mình trong Con Đường Chuyển Hóa. Mình bắt đầu cảm nhận sự thật sau những lời văn, câu chữ bình dị mà uyên thâm. Mình bắt đầu tập nghe. Đầu tiên là nghe Kinh. Những buổi công phu sáng chiều trong những giờ ngồi yên, buông thư, mình thường bị rơi vào trạng thái tán loạn (có quá nhiều thứ đổ dồn về, nói chuyện ồn ào trong tâm mình…) Lúc đầu mình thấy sợ cái sự ồn ào này lắm, nên mình cố gắng tập buông thư. Mình lại rơi vào trạng thái hôn trầm (buồn ngủ). Mình nghĩ: Chán quá! Khó quá! Nản quá! Ngồi thiền kiểu ni là có vấn đề rồi. Mình cảm nhận mình sống lờ đờ trong tăng thân. Mình chỉ chờ tăng thân ban tặng cho mình niềm an ổn, sự vui vẻ. Còn khi tăng thân gặp khó khăn thì mình cũng lên xuống với cái công phu của mình, nhất là công phu ngồi yên.

Trong cơn thập tử nhất sinh đó, mình không còn sức để chống cự, mình giao mình cho tăng thân, mình theo thời khóa và theo hơi thở. Thật là mầu nhiệm, khi mình giao phó cuộc đời mình trong đời sống tăng thân thì chính tăng thân chở mình đi. Mình đã nằm yên trong tình thương đó, trong tiếng kinh sáng chiều, trong tiếng thiền ca mỗi ngày… Mình giật mình nhận ra đời sống tăng thân thật đẹp, thật hữu ích. Tò mò, mình thả mình thật yên để biết cái điều lạ kỳ này từ đâu đến. Khi mình có những khó khăn trong đời sống hằng ngày, những cảm thọ khó chịu, những lời nói khó nghe, khó chấp nhận, những buồn thương hay hạnh phúc… đều trở lại khi mình ngồi yên. Ba mươi phút ngồi yên (ngồi thiền) không đủ cho mình giải quyết những vấn đề xảy ra trong ngày và những thương tích trong  quá khứ. Cho nên mình muốn giữ cái đang có trong những giây phút ngồi yên đó thiệt lâu để nhìn cho rõ, để chơi lâu hơn. Mình rủ cái đang có đó vào thời khóa tụng kinh. Vừa đọc kinh vừa nhìn cái khổ, cái buồn của mình trôi theo dòng kinh, mình thấy rất vui. Mình phát hiện ra mình có một trò chơi lý thú. Mình rủ cái buồn khổ đó đi thời khóa với mình. Không ngờ mình nhận ra những lời kinh, những bài thiền ca, những lời hướng dẫn Lạy Sám Pháp, Thiền Buông Thư, Thiền Tọa, nghe chuông… trong đời sống tăng thân là những lời của thiền hướng dẫn. Và sự thực tập của tăng thân với những khổ đau hay hạnh phúc của từng thành viên trong tăng thân đã làm nên con người (thân tăng), làm nên tiếng nói của tăng thân. Sự sống của tăng thân trong tình huynh đệ là bài tập thiền hướng dẫn sống động nhất đồng hành cùng cuộc sống

Thế mới biết “Những bài thực tập thiền hướng dẫn có tính chất nuôi dưỡng, có công dụng tạo lại sự cân bằng trong con người ta và giúp cơ thể cũng như tâm hồn ta bắt  đầu công tác trị liệu bên trong.” Đó là lời giới thiệu trong Sen Búp Từng Cánh Hé. Mình đã đọc qua nhưng chưa bao giờ dừng lại thực tập. Bởi vì mình bận rộn với nhiều cái mà mình đang tìm kiếm, dù mình đã đi tu. Trong tăng thân có tu học mình vẫn mắc phải lầm lỗi cho việc kiếm tìm một cái tôi. Đôi lúc đó là công việc, đôi lúc đó là sự chia sẻ, đôi lúc đó là sự phản ứng khi nghe, thấy một điều gì… Nhan nhản cái tôi quen thuộc bọc lấy mình. Và mình chỉ mới cảm nhận được thư giãn khi có cơ hội ngồi yên. Bởi“Trong khi ngồi thiền yên lặng, hành giả đạt được sự lắng dịu của thân tâm và do đó cảm thấy nhẹ nhàng hơn, an lạc hơn và trong trạng thái nhẹ nhàng đó họ không muốn bị khuấy  động. Tuy nhiên nếu chỉ mới bằng lòng với những lắng dịu đó của thân tâm, hành giả sẽ không đi xa được, và sẽ không chuyển hóa được những nội kết còn nằm ngủ dưới đáy tâm thức” Cho đến một hôm mình buông xuôi tất cả, mình không cần phải làm gì cả, cái đầu mình trống không, không có cái tôi xuất hiện như mọi lúc. Mình đã cảm nhận thật sự lời dạy của Thầy trong Sen Búp Từng Cánh Hé: “Thiền tập có hướng dẫn, ta có cơ hội tiếp xúc với những gì mầu nhiệm trong ta và chung quanh ta để được nuôi dưỡng và có thêm an lạc. Rồi ta được dịp quán chiếu tâm ý, gieo trồng những hạt giống tốt, làm lớn mạnh những hạt giống ấy để làm lớn mạnh phương tiện chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ trong ta. Sau hết ta cũng được hướng dẫn để đối diện với những niềm đau nỗi khổ đó để chuyển hóa chúng.” Với những lời nói giản dị của thiền hướng dẫn, với những khó khăn đang có. Mình đã nhận ra sự giận hờn, tự ái trong ngày được bàn tay diệu hiền của một bà mẹ ôm ấp. Và mình trở thành đứa bé, nằm yên trong vòng tay ấy. Mình thấy mình được chở che, mình được nương tựa thật sự. Bây giờ mình cảm nhận một chút thế nào là Hải Đảo Tự Thân, thế nào là Biết Sống Một Mình, Ba Cánh Cửa Giải Thoát… Mình bắt đầu tập buông thư, tập để cái tâm tự nhiên mỗi khi nghe và tụng kinh. Mình nhận ra lời kinh trong Nhật Tụng Thiền Môn thật là mầu nhiệm. Lời kinh rõ ràng như lời ru của một bà mẹ đầy ngôn từ từ ái, lời kinh như một dòng suối dịu hiền xóa tan những muộn phiền trong mình. Sau buổi công phu đó, mình đã trân trọng cầm cuốn kinh lên nhìn lại cho kỹ. Chữ Thiền Môn Nhật Tụng bằng tiếng Hán đã đi tọt vào trong mình. Bởi từ “Môn”- cánh cửa như đang mỉm cười chào đón mình đi vào bên trong. Mình ngại ngùng trước sự kỳ lạ của mình. Nhìn lên chữ “Thiền” trên chữ Môn đang đứng trang nghiêm, nhẹ nhàng làm mình thấy an tâm, quen thuộc và gần gũi. Nhìn lại chữ “Nhật” bên dưới chữ Môn rất bình dân, rất đời thường. Trong mình chợt bắt gặp cụm từ “ngày lại ngày”, sự liên tục của thời gian, của tâm thức. Và chữ kinh, chữ môn như đang nắm tay nhau dạo chơi. Mình cảm nhận lời nhắn gửi: thời gian là một dòng chảy, mà cái làm nên thời gian là từng sát na. Hãy cẩn thận! Hai từ này đâu nói gì về vô thường, về tinh tiến mà sao mình nghe rõ âm thanh của vô thường, của tỉnh thức nhỉ? Nhìn vào chữ còn lại “Tụng”, thấy bộ ngôn, mình cảm nhận sự ý thức về lời nói của một người Phật tử khi được tụng kinh, nghe kinh… Nhật Tụng Thiền Môn đã làm mình có cảm tưởng mình được Quy Y, được làm mới lại. Và trong đó Kinh Quán Niệm Hơi Thở là cánh cửa pháp dẫn mình vào đạo. Thầy từng dạy: “Kinh An Ban Thủ Ý là một kinh dạy thực tập thiền theo phương pháp thiền hướng dẫn. Thiền hướng dẫn đã nằm ngay trong truyền thống đạo Bụt từ buổi đầu…”  Nhưng vì cái tôi của mình còn nhiều, mình còn mải ham chơi nên đã nhiều lần mình không chịu lắng nghe lời Thiền Hướng Dẫn đã có sẵn trong tăng thân. Từng ngày, từng ngày mình đã nhận ra tình thương của Bụt, của Thầy trong lời kinh. Những bài kinh được Thầy nghiên cứu và chọn lọc kỹ lưỡng hầu mong người có cơ duyên thực tập pháp môn này không bị lạc đường. Trong đó mang nặng ân tình của Bồi Đắp Gốc Rễ, Khai Thông Suối Nguồn. Mình bỗng thấy mỗi lời giảng của Thầy đều nhắn gửi: “Trong truyền thống đạo Bụt, thiền tập có công năng giúp ta khôi phục sự toàn vẹn của con người ta, giúp ta trở thành tươi mát, ổn định chăm chú để ta có thể nhìn sâu vào bản thân và hoàn cảnh mà thấy rõ thực tại của bản thân và hoàn cảnh ấy. Cái thấy có khả năng giúp ta vượt thoát khổ đau và ràng buộc. Một khi đã trở nên thảnh thơi và an lạc ta không còn làm khổ kẻ khác bằng cách hàng xử và nói năng của chúng ta nữa, chúng ta bắt đầu chuyển hóa hoàn cảnh chung quanh và giúp kẻ khác được thảnh thơi và an lạc hơn.”

Mỗi ngày mình nhìn rõ hơn con đường của mình đi, con đường Đạo mà mình đã chọn. Con đường Đạo làm bằng khổ đau, bằng kinh nghiệm sống của mình những ngày qua và những ngày tới. Bài pháp thoại đầu của Bụt về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo đã được Thầy khơi mở bằng phương pháp thực tập chánh niệm. Mình biết con đường còn dài, khổ đau còn đó, niềm vui còn đây và mỗi giây phút được sống mình biết mình đang được tập sống tỉnh thức. Bởi“Chánh niệm giúp ta tiếp xúc thật sự với sự sống, nghĩa là với tất cả những gì đang xảy ra trong hiện tại, giúp ta sống sâu sắc cuộc đời của chính chúng ta, giúp ta thực tập quán chiếu để nhìn sâu và lắng nghe. Hoa trái của sự thực tập nhìn sâu và lắng nghe là sự kiến đạo, là giác ngộ, là giải thoát. Trong quá trình thực tập những sợi dây ràng buộc (triền sử) từ từ được tháo mở, những nội kết khổ đau như sợ hãi, hận thù, giận dữ, nghi kỵ, đam mê v.v.. từ từ được chuyển hóa, biên giới chia cách được tháo gỡ, và liên hệ giữa ta, người và thiên nhiên trở nên dễ dàng, sự thảnh thơi và niềm vui sống tự nhiên xuất hiện, hành giả cảm thấy như một sen búp đang từ từ hé nở.” (Trích Sen Búp Từng Cánh Hé)

sư cô Văn Nghiêm