Luật Tạng và Tăng Đoàn


19. Tung kinh.jpg

Muốn có những quy luật để một tăng đoàn có thể nương vào đó mà sống hài hòa, hạnh phúc, và đúng theo tinh thần giáo pháp, chúng ta phải căn cứ vào Luật tạng, đồng thời phải biết sự hình thành của giới luật, nghĩa là phải biết những nhân duyên do đó các giới luật được đặt ra, thì lúc áp dụng ta mới không đi lạc đường, không áp dụng sai

 

SỰ HÌNH THÀNH CỦA TAM TẠNG KINH ĐIỂN

 

Giáo Lý Truyền Khẩu

Mặc dầu những lời giáo huấn của đức Thế Tôn không được ghi chép lại lúc Bụt còn tại thế, vì hồi đó chưa ai biết viết mà cũng chưa ai có giấy[1].  Tuy vậy các đệ tử của Ngài đã thuộc nằm lòng những lời giáo huấn của Bụt và truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Điều may mắn là ba tháng sau ngày Bụt nhập diệt, vào năm thứ tám triều Vua A Xà Thế (Ajªtasattu), đại đức Mahakassapa (Đại Ca Diếp), người thường được các vị khất sĩ trong giáo đoàn tôn trọng như vị đại đệ tử thứ tư sau Konda((a (Kiều Trần Như), Sariputta (Xá Lợi Phất) và Moggallana (Mục Kiền Liên), quyết định triệu tập một đại hội gồm năm trăm vị đại đệ tử thật tu và thật học của Bụt, chọn lựa từ trong các giáo đoàn khất sĩ, về thủ đô Rªjªgaha để ôn tụng và kết tập tất cả những kinh và luật mà Bụt đã dạy.  Vua Aj(tasattu đã đứng ra bảo trợ lần kết tập kinh luật này.  Đại hội đã khai mạc vào đầu mùa an cư năm đó, và kéo dài trong sáu tháng.

Trong đại hội, đại đức Upali (Ưu Ba Ly) vốn nổi tiếng về luật học đã được mời lên ôn tụng giới luật. Nhờ những câu hỏi của đại đức Mahakassapa mà đại đức Upali nhắc lại được hết những nhân duyên do đó các giới luật được thiết lập.

Đại đức (nanda (A Nan Đà) được đại hội thỉnh lên trùng tuyên tất cả những bài pháp thoại của Bụt nói, gọi là kinh.  Nhờ những câu hỏi của đại đức Mahakassapa và của đại chúng mà đại đức Ananda có dịp nói ra hết những chi tiết về thời gian, nơi chốn và cơ duyên đã đưa tới mỗi pháp thoại của Bụt.

Cố nhiên là đại đức Upali và (nanda không thể nhớ hết mọi chi tiết, nhưng nhờ sự có mặt của năm trăm vị khất sĩ có thật học và thật chứng mà trong lần kết hợp đầu tiên này, toàn thể giáo lý của Bụt đã được ôn tập rành mạch và sắp xếp thành Tam tạng kinh điển gọi là Kinh, Luật và Luận của đạo Bụt.  Tuy vậy, ôn tập chỉ là để tăng chúng nhớ lại nhöõng lôøi Buït daïy raønh maïch hôn, nhöng vaãn chöa ghi chép lại được.

Sau đó các vị A-La-Hán lại kết tập lần thứ hai (một trăm năm sau) và lần thứ ba (hai trăm ba mươi sáu năm sau) để ôn tụng và bổ túc giáo pháp của Bụt.

 

Ghi Chép Kinh Điển Để Lưu Truyền

Theo truyền thống Nam Tông, mãi cho đến khoảng năm 83 trước Dương Lịch, tức là gần nửa thế kỷ sau ngày Bụt nhập diệt, dưới triều vua Va((a G(mani Abhaya của xứ Tích Lan, các vị A-La-Hán mới kết tập thêm một lần nữa tại Aluvihara, một ấp nhỏ thuộc đảo Tích Lan, cách Candy khoảng 30 cây số.  Đây là lần kết tập thứ tư của các đại đệ tử của Bụt, và là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, tam tạng kinh điển được ghi chép lại trên lá bối, bằng tiếng Pali, còn gọi là tiếng Nam Phạn[1]. Ta nên nhớ rằng đây là ý kiến của Phật giáo Nam Tông.

Nhờ những đại hội kết tập mà ngày nay chúng ta có Tam Tạng kinh điển đạo Bụt, trong đó Kinh tạng (Sutta-pi(aka) là những lời của Bụt dạy, Luật tạng (Vinaya-pi(aka) gồm những giới luật qui định nếp sống của tăng đoàn, và Luận tạng (Abhidhamma-pi(aka), những tác phẩm để hệ thống hóa, giảng giải thêm về giáo lý đạo Bụt.

Kể về số lượng thì tam tạng kinh điển in thành sách ngày nay, dày bằng mười một lần quyển thánh kinh của Kitô giáo[1].

 


LUẬT TẠNG VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC SỐNG CHUNG AN LẠC


Luật tạng là một nền văn học rất quan trọng trong đạo Bụt mà không mấy ai nắm vững. Trong giáo đoàn, những vị giỏi về kinh thì được gọi là Kinh sư (Sutra Master), những vị giỏi về luận thì gọi là Luận sư (Abhidharma Master), và các vị nắm vững về luật thì gọi là Luật sư (Vinaya Master).

Muốn nắm vững luật học trong đạo Bụt, ta phải học riêng về luật ít nhất là ba năm.  Ở Việt-Nam từ xưa tới nay, thời nào cũng có một số các vị tinh thông về Luật tạng.

Trước khi thị hiện Niết bàn, Bụt có nói rằng: "Sau khi tôi nhập diệt, giới luật sẽ thay tôi để làm thầy của quí vị, ở đâu có giới luật thì ở đó có tôi. Nếu tăng đoàn thực tập giới luật nghiêm chỉnh thì giáo pháp của tôi sẽ có thể ở lại với quí vị đời đời kiếp kiếp, nếu không, giáo pháp của tôi sẽ ở lại với quí vị rất ngắn".  Do đó Luật tạng là một nền văn học mà người tu học và dựng tăng phải học để biết, dù chúng ta không muốn làm những nhà chuyên môn về luật học.

 

Giới và Luật

Hơn 20 năm sau ngày thành đạo, Bụt đã không đặt ra những giới luật nhất định cho tăng đoàn của Ngài, mà chỉ đưa ra những điều răn thích hợp mỗi khi cần đến.  Luật tạng đạo Bụt ghi đầy đủ lý do tại sao và trong trường hợp nào Bụt đã đặt ra một giới, và mô tả rành mạch các nghi thức sám hối của chư Tăng.

Chúng ta có hai danh từ là giới và luật.  Có khi chúng ta gọi chung là giới luật. Tuy nhiên giới hơi khác với luật.

Giới tiếng Phạn là Sila, mình phiên âm là Thi-la, có nghĩa là những hành vi, những tập quán, những đạo đức của mình, tiếng Anh có thể dịch là Precept hay Morality, ngày nay mình dịch là Mindfulness Trainings. Đó là những nguyên tắc, những điều khoản hướng dẫn cho mình đi đúng đường, bảo vệ cái an ninh, cái tự do của mình.

Luật tiếng phạn là Vinaya, mình phiên âm là Tỳ-nại-gia, gồm những hiến chế, những nguyên tắc, những pháp thức, những quy luật, quy phạm để mình có thể sống hài hòa, hạnh phúc và đúng theo giáo pháp. Những nguyên tắc sống chung để có an lạc, để có hòa hợp, để có thể thực tập được giáo pháp của Bụt, những nguyên tắc giúp cho mình vượt thắng những khó khăn, rắc rối v.v...  Tất cả những vấn đề đó đều thuộc về luật.

Vì vậy giới cũng là luật, nhưng phạm vi của luật lớn hơn phạm vi của giới.  Luật bao gồm nhiều lãnh vực hơn giới.

Nghiên cứu về luật học, chúng ta thấy trong cách sinh hoạt của tăng đoàn ngày xưa, có những phép tắc mà bây giờ chúng ta có thể áp dụng được vào trong cộng đồng quốc gia, hay cộng đồng gia đình, cộng đồng xã hội.

Ví dụ bảy phương pháp để giải quyết những tranh chấp ở trong tăng đoàn ngày xưa, ngày nay Liên Hiệp Quốc cũng có thể áp dụng được vào cách giải quyết những tranh chấp quốc tế. Trong gia đình, chúng ta cũng có thể học được những phương pháp như sám hối, hội nghị gia đình, tương tự như những thực tập ở Làng Mai.

Thật ra, luật pháp trong các nước tân tiến ngày nay cũng đã áp dụng những nguyên tắc đi tới quyết định của tăng đoàn của Bụt ngày xưa.  Ví dụ trong các phiên tòa, người ta cũng cho triệu tập những người đại diện cộng đồng và lập nên một Bồi Thẩm Đoàn (Jurors) để làm quyết định của các vụ kiện. Trong các hình sự (criminal), luật pháp cũng cần 100% Jurors đồng ý về một quyết định, thì quyết định đó mới thành hình được.  Trong tăng đoàn ngày xưa của Bụt, những quyết định quan trọng cũng đã cần 100% các thầy đồng ý thì quyết định đó mới thành hình.

Cố nhiên 2600 năm là một thời gian rất dài, cho nên có những điều không còn hợp thời nữa, nhưng trong Luật tạng có rất nhiều viên ngọc rất quí mà xã hội ngày nay có thể áp dụng sau khi đã chế biến cho hợp thời.

Văn hiến Luật tạng có thể gọi là Hiến pháp của tăng đoàn mà ta phải học công phu lắm mới nắm vững được.  Trong một tăng đoàn, phải có những vị luật sư thì tăng đoàn đó mới có phẩm chất cao.

 

Túc Số Của Một Tăng Đoàn Xuất Gia

Theo luật của đạo Bụt, muốn được gọi là tăng đoàn, ít nhất phải có bốn người, và bốn người đó phải là bốn người đã thọ Upasampadã, ta gọi là Cụ túc giới, nghĩa là 250 giới khất sĩ. Đó là một tăng đoàn hợp pháp nhỏ nhất có thể được chính thức gọi là tăng đoàn.  Cố nhiên, khi không có bốn vị khất sĩ trong chúng, ta vẫn có thể tu học được, nhưng nói về một tăng đoàn hợp với Luật tạng, thì phải có ít nhất là bốn vị khất sĩ.

Trên phương diện sinh hoạt, một tăng đoàn bốn người không được làm những công việc mà tăng đoàn năm người có quyền làm, ví dụ như tổ chức thọ Cụ túc giới, tổ chức lễ Tự tứ (Pravãranã) vào mỗi cuối mùa an cư v.v...

Thông thường thì một tăng đoàn gồm hai mươi khất sĩ là một tăng đoàn có thể làm được tất cả mọi điều theo luật định.

 

Cách Đạt Quyết Định Chung Trong Một Tăng Đoàn

Phương pháp để giải quyết tất cả các vấn đề trong tăng đoàn gọi là phương pháp Yết ma. Yết ma là phương pháp bầu phiếu và quyết định tập thể. Vì vậy, là người hướng dẫn chúng tu học, ta phải rất vững vàng trong nghệ thuật Yết ma, và phải giải quyết các vấn đề chung theo phương pháp Yết ma thì mới dễ thành công và nhẹ nhàng cho chúng tu học.

Yết ma tiếng Phạn là Karma, tiếng Trung hoa là Tác pháp biện sự, tiếng Anh là Taking action, Taking decision. Tất cả mọi quyết định trong một chúng tu học đều phát sinh từ Yết ma.

Luật tạng định nghĩa rằng: Yết ma là hành động, là nghiệp, là hành vi.  Hành vi ở đây là hành vi tập thể chứ không phải là hành vi cá nhân, collective decision, collective action taken by the whole community.


Các Loại Yết Ma


Yết ma có ba phương thức, loại đúng pháp nhất gọi là Tăng pháp Yết ma.

Phương thức Yết ma đầu tiên gọi là Tâm niệm Yết ma, Mental Karma, tức là Yết ma ở trong tâm mình mà thôi. Như vậy ta thấy đạo Bụt rất là linh động, mềm dẻo chứ không cứng ngắc theo luật. Ví dụ khi tu học một mình, ta cũng có thể làm lễ Yết ma tự tứ, Yết ma bố tát tụng giới, Yết ma an cư, Yết ma nhập thất v.v... Trong trường hợp đó ta lấy tâm mình làm Bụt, làm Tăng.  Ta quỳ xuống lạy Bụt và Tăng trong tâm, rồi làm Yết ma một mình, đó gọi là tâm niệm Yết ma.

Pháp Yết ma thứ hai gọi là Đối thú Yết ma.  Đối thú Yết ma tức là trước mặt mình chỉ có một hay hai người khác.  Trong trường hợp này mình vẫn có thể quỳ xuống và làm lễ Yết ma. Tuy rằng không đúng luật và không lý tưởng lắm, nhưng vẫn hay hơn Tâm niệm Yết ma.  Đối tiếng Anh là Facing.

Phương pháp thứ ba gọi là Tăng pháp Yết ma (Sangha karma), pháp yết ma đúng luật nhất. Đây là lúc mà trước mặt mình có ít nhất ba vị khất sĩ khác.  Tăng pháp Yết ma cũng có ba trường hợp.

1.  Đơn bạch Yết ma, tiếng Pãli là Natti kamma, tiếng Anh là Single announcement.  Đơn tức là một lần, bạch là nói ra. Trong sinh hoạt của chúng, có những việc mà chỉ cần vị Yết ma, hay một vị chức trách nào đó, thỉnh một tiếng chuông, đứng lên và tuyên bố ra, thì tự nhiên nó thành pháp, thành quyết định. Ví dụ sau khi đại chúng đã dùng cơm trưa xong, Sư cô Đoan Nghiêm đứng lên thỉnh một tiếng chuông và nói rằng: Thưa đại chúng, hôm nay vì phải chuẩn bị Giới đàn nên chúng ta sẽ không có thiền trà ở xóm Thượng như thường lệ, xin thông báo để đại chúng biết. Đó là đơn bạch Yết ma. Trong trường hợp đó có thể có vài người hỏi tại sao mình không làm cả hai chuyện được v.v..., nhưng vì công việc này không phải quá quan trọng để phải bỏ phiếu, cho nên chỉ cần đơn bạch Yết ma là có quyết định.  Nếu muốn hỏi thêm cho đủ chi tiết thì có thể hỏi ngay lúc đó, nhưng không cần đại chúng họp lại để quyết định.

Trong một vài tu viện, chỉ cần sử dụng phép đơn bạch Yết ma mà các thầy, các cô đã có thể giải quyết được đến bốn, năm mươi phần trăm công việc sinh hoạt của chúng.

Tuy vậy một người phải nói ra để cho mọi người biết, nếu không thì có lỗi, và người khác có thể trách tại sao không nói ra mà lại làm. Đây là một nguyên tắc mà mình phải vâng theo, tại vì khi đã nói ra thì sẽ không còn ai trách móc, và mình giữ được hòa khí và sự an lạc cho đại chúng.

2.  Bạch nhị Yết ma, tiếng Pãli là Natti dutiya kamma. Bạch nhị tức là nói hai lần. Một quyết định quan trọng hơn, cần có sự đồng ý rõ rệt của đại chúng nên mình phải làm bạch nhị Yết ma. Ví dụ sau khi đại chúng thọ trai xong, Sư cô Chân Đức đứng lên nói rằng: Thưa đại chúng, thứ sáu này là ngày tụng giới, nhưng vì duyên sự cần kíp nên một số các vị chức sắc ở trong cộng đồng đề nghị rằng: Thay vì tụng giới vào thứ sáu, mình sẽ tụng giới vào ngày thứ ba tuần sau, và chỉ có tuần này là thay đổi như vậy thôi, xin trình đề nghị đó lên để đại chúng biết.

Tụng giới là một việc rất quan trọng, không đi tụng giới mà cũng không gởi theo đại diện thì mình phạm giới. Vì vậy, nếu Sư cô Chân Đức không cho biết thì có nhiều người sẽ bị phạm giới, vì họ không biết ngày tụng giới đã đổi nên hoặc không tham dự, hoặc không nhờ người đại diện cho mình. Vì vậy mà Sư cô Chân Đức phải bạch nhị.  Trong pháp bạch nhị phải bạch hai điều:  Thứ nhất là phải trình bày rõ ràng vì lý do như vầy, như vầy v.v... mà buổi tụng giới ngày thứ sáu phải dời lại đến thứ ba tuần tới vào lúc mấy giờ, và tại đâu.  Đó là bạch nhất, tức là nói ra lần thứ nhất. Nói xong Sư cô tiếp: Đây là lời tác bạch.  Sau đó mới tới bạch nhị tức là hỏi rằng: Vậy thưa đại chúng, đại chúng có đồng ý chấp thuận điều đó hay không?  Đó là câu hỏi mà cũng là lời bạch thứ hai. Nếu mọi người im lặng thì Sư cô sẽ nói: Đại chúng đã giữ sự im lặng, như vậy là đại chúng đã chấp thuận, chúng ta cứ như vậy mà thi hành.

Trong giới luật của phái Đàm-vô-đức (Dharmagupta) là phái mà Việt-Nam ta thực tập theo, thì có khoảng 78 trường hợp trong đó chúng ta phải dùng phương pháp Yết ma bạch nhị. Ngoài ra còn có vào khoảng 40 trường hợp mà ta phải dùng Yết ma bạch tứ.

3.  Yết ma bạch tứ, tiếng Pãli là Natti catuððha kamma, dành cho những quyết định rất quan trọng, vì vậy mà phải để cho đại chúng có thì giờ suy nghĩ cho kỹ.  Ví dụ như quyết định có cho một người thọ giới hay không? hoặc quyết định có cho một người làm thường trú hay không? v.v... Đó là những điều rất là quan trọng, vì người đó được thọ giới (sa di hoặc khất sĩ), hay được thường trú, có liên hệ rất lớn đến hạnh phúc của đại chúng, vì vậy mà phải dành thì giờ cho đại chúng suy nghĩ cho thật kỹ.

Tất cả mọi sinh hoạt lớn trong đại chúng thuộc về sinh hoạt của tăng đoàn mà thành tựu được, là nhờ phương pháp gọi là Tăng pháp Yết ma.

Trong các buổi truyền giới cũng vậy. Truyền giới là một sinh hoạt rất quan trọng của tăng đoàn, vì vậy mở đầu cho lễ truyền giới, ta cũng phải xử dụng phương pháp Yết ma bạch tứ.  Nếu không làm theo phương pháp Yết ma này thì lễ truyền giới đó không có giá trị.

Sau đây là một mẫu tác pháp Yết Ma, sử dụng cho lễ truyền giới Sa di.

Thầy Yết Ma: Đại chúng đã tập họp đầy đủ chưa?

Thầy Thủ Chúng: Thưa, đại chúng đã tập họp đầy đủ.

Thầy Yết Ma: Có sự hòa hợp không?

Thầy Thủ Chúng: Thưa, có sự hòa hợp.

Thầy Yết Ma: Đại chúng tập họp hôm nay để làm gì?

Thầy Thủ Chúng: Thưa, đại chúng tập họp hôm nay để hộ niệm cho lễ Xuất Gia và thực hiện Yết Ma Truyền Giới Sa Di.

Thầy Yết Ma: Xin các vị Tôn Đức khất sĩ nam và nữ lắng nghe! Các vị giới tử với pháp danh sau đây .......... đang cầu xin được thọ giới Sa Di và đã thỉnh được Tôn Đức (trước ... sau ...) làm Thân Giáo Sư. Các vị giới tử nói trên đã trình bày là họ thanh tịnh, không có gì chướng ngại. Nếu thấy thời gian thích hợp và không có gì trở ngại, thì xin các vị Tôn Đức chấp thuận cho các giới tử ấy tiếp nhận giới Sa Di. Đây là lời tác bạch. Tác bạch như thế có thành không?

Đại chúng: Thành.

Thầy Yết Ma: Xin các vị Tôn Đức khất sĩ nam và nữ lắng nghe! Các vị giới tử với pháp danh sau đây .......... đang cầu xin được thọ giới Sa Di và đã thỉnh được Tôn Đức (trước ... sau ...) làm Thân Giáo Sư. Các vị giới tử nói trên đã trình bày là họ thanh tịnh, không có gì chướng ngại. Nếu thấy thời gian thích hợp và không có gì trở ngại, thì xin các vị Tôn Đức chấp thuận cho các giới tử ấy tiếp nhận giới Sa Di. Vị nào trong đại chúng chấp thuận thì xin giữ im lặng, vị nào không chấp thuận thì nên nói lên.

(im lặng)

Đây là lần hỏi thứ nhất.

Thầy Yết Ma: Xin các vị Tôn Đức khất sĩ nam và nữ lắng nghe! Các vị giới tử với pháp danh sau đây .......... đang cầu xin được thọ giới Sa Di và đã thỉnh được Tôn Đức (trước ... sau ...) làm Thân Giáo Sư. Các vị giới tử nói trên đã trình bày là họ thanh tịnh, không có gì chướng ngại. Nếu thấy thời gian thích hợp và không có gì trở ngại, thì xin các vị Tôn Đức chấp thuận cho các giới tử ấy tiếp nhận giới Sa Di. Vị nào trong đại chúng chấp thuận thì xin giữ im lặng, vị nào không chấp thuận thì nên nói lên.

(im lặng)

Đây là lần hỏi thứ hai.

Thầy Yết Ma: Xin các vị Tôn Đức khất sĩ nam và nữ lắng nghe! Các vị giới tử với pháp danh sau đây .......... đang cầu xin được thọ giới Sa Di và đã thỉnh được Tôn Đức (trước ... sau ...) làm Thân Giáo Sư. Các vị giới tử nói trên đã trình bày là họ thanh tịnh, không có gì chướng ngại. Nếu thấy thời gian thích hợp và không có gì trở ngại, thì xin các vị Tôn Đức chấp thuận cho các giới tử ấy tiếp nhận giới Sa Di. Vị nào trong đại chúng chấp thuận thì xin giữ im lặng, vị nào không chấp thuận thì nên nói lên.

(im lặng)

Đây là lần hỏi thứ ba.

Thầy Yết Ma: Đại chúng các vị khấi sĩ đã giữ im lặng qua ba lần hỏi, chúng tôi biết toàn thể đã chấp nhận. Tác pháp Yết Ma Truyền Giới Sa Di như vậy đã thành. Xin cảm tạ đại chúng.


Khi Có Sự Bất Đồng Trong Chúng


Có những trường hợp trong đó Yết ma không thành vì có người chống đối, cho nên công việc không tiến hành được. Người chống đối phải là một người có giới phẩm trong giáo đoàn, và có thẩm quyền chống đối.

Gặp trường hợp đó chúng ta phải làm một tác pháp Yết ma để hoãn lại hành sự. Sau đó đại chúng phải cố thương thuyết, cố tìm một phương thức để cho vị có tư tưởng chống đối đó chấp thuận. Nếu chưa đạt được sự đồng tâm này thì đại chúng hãy khoan tập họp làm tác pháp Yết ma.

Vì vậy khi cần tổ chức Yết ma để quyết định một việc lớn cho đại chúng, trước hết người có trách nhiệm nên thăm dò ý kiến chung, thì mới dễ thành công và tạo được an lạc cho đại chúng tu học.

 

Quyền Biểu Quyết Và Quyền Phủ Quyết

Phủ quyết ngày xưa gọi là Già, tức là ngăn cản, là thiết lập một chướng ngại vật để cho chuyện bất thành.  Bất cứ một vị khất sĩ nào có giới phẩm, có tinh thần giới luật đàng hoàng đều có quyền Già, tức là có quyền phủ quyết. Tiếng Pháp là Droit de véto, tiếng Anh là Right of veto.  Như vậy ta thấy giáo đoàn đạo Bụt đã có tinh thần dân chủ từ 2600 năm về trước.

Tuy vậy, nếu là Sa di, ta không có quyền phủ quyết những vấn đề thuộc lãnh vực tỳ kheo, trừ những người đã được chấp nhận làm giới tử để thọ giới lớn.

Những người ở xa trú xứ, tuy rằng họ là những thành phần của giáo đoàn và có cùng một giới phẩm, nhưng họ không có quyền biểu quyết hay phủ quyết.

Theo nguyên tắc thì dù người đó đang trên đường đi về trú xứ, họ cũng không có quyền dùng những phương tiện truyền thông như điện thoại, thư từ, E-mail, hoặc Fax để diễn bày sự phản đối của mình. Ví dụ trong Làng có người đi Paris, bị kẹt không về kịp, thì dù người đó quan trọng đến bao nhiêu cũng không có quyền phủ quyết đề nghị của tăng đoàn. Đó là điều luật định.

Khi làm phép Yết ma, những thành phần của giáo đoàn phải ngồi gần nhau, gần như thế nào để có thể đưa tay ra mà chạm vào nhau được, thì phép Yết ma đó mới hợp pháp.  Ngược lại nếu một người ngồi xa tăng chúng chừng năm bảy thước thì người đó không có quyền biểu quyết hay phủ nhận. Đó là những tập tục đã được quy định trong Luật tạng.

 

ÁP DỤNG LUẬT TẠNG CHO MỌI GIỚI

Trên đây là luật nói về giáo đoàn của các vị khất sĩ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đem những luật này áp dụng cho giáo đoàn các vị sa di, các vị tiếp hiện và các vị cư sĩ tại gia.

Đạo Bụt truyền sang Âu Mỹ trong thế kỷ này đã được giới tại gia tiếp nhận trước tiên, và họ đang thực tập rất nghiêm chỉnh. Vì vậy việc nghiên cứu giới luật đạo Bụt để chọn những phần áp dụng được của Luật tạng vào giáo đoàn của những người tiếp hiện, hay ưu bà tắc, ưu bà di là rất cần thiết và quan trọng. Tại sao chúng ta lại không thừa hưởng được những kinh nghiệm 2600 năm của giáo đoàn đạo Bụt để làm cho đời sống tinh thần hiện giờ của chúng ta lớn lên?

Vì vậy tôi mong các vị cư sĩ tại gia, nhất là giới tiếp hiện tại gia, nghiên cứu và đề nghị những phần áp dụng được của Luật tạng vào đời sống của những người chưa xuất gia, để chúng ta có thể cống hiến cho đời một căn bản của nếp sống an lạc và hạnh phúc theo chân tinh thần đạo Bụt.

 Trích Sống chung an lạc - Xây dựng tăng thân

HT Thích Nhất Hạnh