Về Yên Tử

image

Tôi về Yên Tử vào một buổi sáng giá lạnh, mưa phùn rơi lất phất. Nói về là vì ngót bốn mươi năm trước, tôi đã đến đây. Lúc đó, ngọn núi nổi tiếng này vẫn còn hoang sơ, gợi nhớ thời vua Trần dứt áo đi tu năm, bảy trăm năm trước...

 

Chùa Giải Oan đã được sửa sang trùng tu rộng rãi, đẹp đẽ, hiện là chùa lớn nhất, bề thế nhất ngọn núi này. Một chiếc cầu đá rộng, đẹp, vừa bắc qua con suối, ở giữa xây một phương đình mái cong với các cột sơn son có thể làm sân khấu biểu diễn văn nghệ.

Khi chúng tôi đến, khán giả ngồi bên bờ suối đang thưởng thức một đoàn chèo diễn lại cảnh đoàn cung nữ xin vua quay lại triều không được nên trẫm mình xuống suối... Tiếng hát, tiếng đàn, những tà áo màu lất phất cố níu kéo người tu hành, tay cầm thiền trượng... khiến lòng tôi xôn xao khó tả. Một người bạn nước ngoài hỏi: Sao vị vua này không lo cai trị đất nước mà bỏ ngôi lên núi tu? Đó cũng là câu hỏi mà bao người, trong đó có tôi, vẫn đang tìm cách trả lời qua bao lần về thăm Yên Tử...

Nếu mấy mươi năm trước, trèo lên dốc Lò Rèn, có thể hình dung cái “hình quán xưa” như câu ca dân gian, nay trèo lên đó, tôi gặp cái bến... xe cáp treo! Lướt qua dốc Dây Diều, bay trên cây rừng xanh thẫm dưới chân, cảm thấy mình như một chú diều.

Có điều tôi băn khoăn: Ngày trước, từ dốc Lò Rèn lên chùa Hoa Yên, tôi thấy có nhiều cây tùng rất đẹp mọc dài hai bên dốc, nghe nói trồng từ năm, bảy trăm năm trước, thân to hơn vòng tay ôm, xù xì một màu nâu cổ kính, lá nhỏ xanh ngắt, một vẻ đẹp gân guốc, tuyết sương... Tôi muốn leo lại con dốc, ngắm các “cụ” tùng quý giá đó, có thể nói là bảo vật quốc gia, chỉ có riêng trên non Yên Tử... Bây giờ các “cụ” có còn không?

Hết đường cáp treo thứ nhất cũng là đến đường lên Tháp Tổ, nơi truyền là lăng mộ của các tổ thiền phái Trúc Lâm... Từ Tháp Tổ leo lên Hoa Yên hai bên rừng trúc xanh dày, loại trúc cảnh mà các cụ chơi kiểng trong Nam gọi là trúc quân tử, đốt ngắn, mập mạp... Chùa Hoa Yên là ngôi chùa chính của Yên Tử, nơi các vị tổ thiền phái Trúc Lâm tu hành. Nơi đây cũng có điển tích về vị tổ thứ ba là Huyền Quang với nàng Điểm Bích cùng bài thơ “tình” rất chi là “thiền”:

Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hòa tốt cảnh hòa lạ
Màu Thích Ca nào khéo hữu tình

Nguyễn Trãi cũng có một bài thơ tựa là Đề chùa Hoa Yên, có mấy câu đậm phong cách Nguyễn Trãi:

Yên sơn sơn thượng tối cao phong
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung

(Trên núi Yên Tử ở chòm cao nhất/ Mới đầu canh năm mặt trời đã hồng/ Vũ trụ mắt trông ngoài biển biếc/ Nói cười người ở giữa mây xanh).

Cứ theo lời thơ thì Nguyễn Trãi đang đứng trên... chùa Đồng vì đó là chòm cao nhất của Yên Tử (có thể khi cụ viết bài này chưa có chùa Đồng, chỉ mới có chùa Hoa Yên nên bài thơ có tên như vậy).

Lần trước, tôi đã leo lên đến chùa Đồng. Đường đi thật khó, qua nhiều dốc, nhiều chùa, có chùa mở cửa ra là mây tràn vào, đến gần lan can là thấy vực sâu và ngọn cây ngay dưới chân mình... Nhớ khi trèo qua chỗ tảng đá to hình người, truyền là tượng của An Kỳ Sinh (người đầu tiên lên núi này tu); qua hòn Mộng Phu, một tượng đá tự nhiên rất giống hình người đàn bà chờ chồng, gần đến nơi phải... bò vì mệt, vì dốc đá trơ trụi không bóng cây ngọn cỏ, vì gió ù ù bên tai muốn hất ta xuống vực. Nhưng bù lại, không khí thật trong lành, khiến ta hít đầy vào lồng ngực!

Bây giờ, du khách có thể bỏ qua không ghé thăm một số chùa này để lên chùa Đồng nhờ tuyến cáp treo thứ hai. Và bạn cũng có thể lên đến chùa Đồng bằng những thước phim tài liệu giàu tính nghệ thuật hay đơn giản bằng những hình ảnh của những người mang máy quay phim cầm tay...

Sau khi lễ bái và ngồi nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành, câu hỏi vì sao vua Trần lên núi tu, lại trở về ám ảnh. Tôi nói với cô bạn phiên dịch cùng đi suy nghĩ của riêng mình: Vua lên đây để “trồng cây Nghĩa cây Nhân”.

Cô hỏi: Trồng để làm gì? Trồng cho đất nước, con cháu muôn đời sau. Lấy gì chứng minh? Các cuộc xâm lược của nhà Minh, nhà Thanh, và các đế quốc ở thế kỷ 20... Vì sao toàn dân Việt tin vào chuyện “lấy nhân nghĩa mà thắng bạo tàn” của Nguyễn Trãi để đánh tan giặc Minh, tin vào câu nói của Hồ Chí Minh “lấy sức ta mà giải phóng cho ta” để làm nên Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến rồi xây dựng đất nước “đàng hoàng, to đẹp”.

Phải chăng vì tấm gương không ham vinh hoa phú quý, một lòng đau đáu lo trồng cây Nghĩa cây Nhân để có độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân của vị Vua Phật họ Trần?

Trần Thanh Giao