Họa phước vô môn

Họa phước vô môn là họa phước không có cửa, nói cách khác là họa phước không cố định; đây là lập luận trái lại các tôn giáo đa thần và tôn giáo nhất thần. Các tôn giáo đa thần và nhất thần đều tự hình dung ra sự hiện hữu của những thần linh mà họ phải tôn thờ cúng tế, cho nên mỗi bộ tộc đều thờ những vị thần của họ với tên này hay tên khác và họ tin rằng các vị thần linh này có quyền ban phước giáng họa cho mọi người tùy ý các ngài.

 

Đây là điểm khởi đầu con người tin tưởng tuyệt đối nơi thần linh, nghĩ rằng nếu tuân thủ thần một cách triệt để, thì các ngài sẽ ban phước; không theo thì các ngài sẽ giáng họa. Các tôn giáo đa thần đều tin như vậy; trong khi tôn giáo nhất thần thì chỉ tin một vị thần linh lớn nhất có quyền thống trị muôn loài, còn các thần linh mà người khác tôn thờ, thì họ cho đó là ma quỷ. Với quan niệm như vậy, nên tôn giáo nhất thần chủ trương dẹp bỏ các thần linh khác với vị thần tối thượng của họ.

congchua.jpg

Có thể nói đó là sinh hoạt tín ngưỡng của nhân gian, nhưng trải qua một thời gian, thực tế cho thấy có người theo Nhất thần giáo đã phụng sự tôn giáo của họ suốt đời, đã tận tụy vâng lời đấng thần linh giáo chủ của họ, nhưng tại sao cuộc sống của họ lại không được may mắn như những người theo các tôn giáo khác. Họ tự nghĩ nếu thật sự vị thần linh tối cao của họ có quyền ban phước giáng họa, thì ngài phải giáng tội xuống những người chống đối ngài và ban phước cho con cháu theo ngài chứ. Nhưng ngược lại, tại sao những người chống lại Thượng đế Brahma thuộc về ma quỷ mà họ vẫn sống, lại được sống sung sướng nữa chứ, còn những tín đồ đặt trọn niềm tin nơi ngài và sống chết với ngài, mà ngài chẳng những không phò hộ cho họ có phước, lại còn gieo tai họa, khiến họ phải bị bệnh hoạn, nghèo khổ, đói khát. Với suy nghĩ như vậy, người ta bắt đầu không tin tưởng vị thần linh có quyền ban phước giáng họa nữa.

Cho đến khi Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời, việc ban phước giáng họa của thần linh không còn được hiểu dưới dạng mê tín như vậy nữa; vì Đức Phật dạy rằng mọi việc trên cuộc đời này đều được xét xử rất công bằng dựa trên luật nhân quả. Và nhân quả có nhất thời nghĩa là trong hiện đời, nếu người làm việc ác thì sẽ phải gánh lấy quả báo xấu, làm việc thiện sẽ được hưởng kết quả tốt đẹp. Ví dụ, ta giúp đỡ người, họ sẽ nhớ ơn và trả ơn ta; trái lại, người làm việc sai phạm sẽ bị tù tội; đó là nhân quả đồng thời.

Tuy nhiên, ngoài nhân quả đồng thời trong hiện đời này, còn có nhân quả nhiều đời hay nhân quả ba đời là quá khứ, hiện tại và tương lai. Đức Phật dạy rằng nhân quả nhiều đời có thể chứng minh được, vì mọi việc xảy ra trong hiện đời này đều đã tiềm ẩn cái nhân của quá khứ. Vì vậy, muốn biết đời trước của chúng ta, hãy xem cái quả của đời này và muốn biết đời sau thì hãy xem cái nhân của hiện tại; đó là ba đời nhân quả có liên quan hỗ tương mật thiết đối với cuộc sống của mỗi người. Những gì chúng ta được hưởng hay phải gánh chịu trong cuộc sống hiện tại là do nhân quá khứ đã tạo tác và những gì chúng ta làm trong hiện tại sẽ kết thành cái quả trong tương lai. Và chính Đức Phật thấu tỏ sự vận hành của luật nhân quả như vậy, cho nên trải qua vô số kiếp quá khứ, Ngài đã tu tạo nhân hạnh của Bồ tát là cứu độ chúng sinh, tu tạo hạt nhân phạm hạnh thanh tịnh, cho nên Ngài mới có đầy đủ phước đức và trí tuệ, thành tựu quả vị Phật trong hiện đời.

congchua 2.gif

Ví dụ, nhiều đời Đức Phật tu Bồ tát đạo, luôn luôn bảo hộ mạng sống của chúng sinh, không hề sát sinh hại mạng và tất nhiên cũng không có ý sát sinh. Còn Phật tử tuy không trực tiếp giết súc vật để ăn, nhưng trong lòng quý vị muốn ăn thịt chúng; như vậy là đã phạm tội sát sinh rồi, vì phạm tội do thân, khẩu, ý tạo ra, nhưng ý đóng vai trò quan trọng hơn cả. Tuy không giết, nhưng quý vị sai gia nhân giết súc vật để ăn, là thân không sát sinh, nhưng miệng đã sai bảo người khác làm và ý cũng ham muốn ăn thịt. Do đó, cái chết của con vật đã gắn liền với cái nghiệp của quý vị. Người ra lệnh giết có tội và người đồng tình cũng có tội. Hoặc tuy không có ý sát hại súc vật, nhưng chúng ta có thể phạm tội ngộ sát vì bất đắc dĩ. Ví dụ chúng ta đi vô tình giẫm đạp lên con kiến, con sâu làm chúng chết, là thân phạm tội, nhưng tâm không phạm. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng quan trọng là tâm. Cho nên, Phật tử trước khi bước chân đi, trong lòng phải nghĩ đến tất cả các loài, vì có những sinh vật nhỏ bé mà chúng ta không thấy bằng mắt, nên đã vô tình giẫm chết nó, chúng ta nên hồi hướng công đức cho nó được sinh về Tịnh độ, nghĩa là lấy công đức của chúng ta để bù đắp tội lỗi và còn có thặng dư công đức để cho đời sau. Do vậy, nếu mình tội nặng mà phước ít thì bù đắp không đủ; cho nên cuộc đời tu hành của chúng ta càng ngày càng đi xuống; thậm chí chúng ta giẫm chết mà quên không hồi hướng công đức cho nó, không nghĩ đến  nó.

Người tu tuy không sát hại các loài sinh vật lớn, nhưng đã giết các loài vi tế thì khi nghiệp sát đã sinh ra rồi, các con vật đã bị chết vì sự vô tình hay cố ý của mình sẽ tái sinh vào thân chúng ta dưới dạng vi trùng đục khoét cơ thể chúng ta để đòi nợ cũ; nghĩa là chúng ta sinh bệnh và lại sử dụng thuốc chữa bệnh là dùng hóa chất để tiêu diệt nó nữa, thì nghiệp mình lại tăng thêm, cho nên càng uống thuốc bệnh càng nặng hơn, dẫn đến cái chết.  Vì vậy, tu theo Phật, một mặt chúng ta chữa trị bệnh, một mặt phải sám hối để giải oan nghiệp; nhưng phần nhiều người ta không giải trừ nghiệp mà lại cứ tạo thêm nghiệp mới nữa.

Khi mang bệnh, phải tự biết chúng ta đã có nghiệp quá khứ gần và quá khứ xa, nên lập đàn Dược Sư, tụng kinh, hướng tâm về Phật, để giải trừ nghiệp đã tạo với các oan gia trái chủ của mình. Riêng tôi, 40 năm trước tu học ở Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang, tôi bị bệnh lao phổi. Hòa thượng Giám đốc Phật học đường Nam Việt là Hòa thượng Thiện Hòa e ngại tôi sẽ truyền bệnh cho các học tăng khác; cho nên Hòa thượng đã gởi tôi sang chùa Giác Ngộ chung sống với Hòa thượng Nhứt Niệm cũng bị bệnh lao phổi giống như tôi. Bấy giờ, hai thầy trò tôi cùng đùm bọc nhau mà sống, buổi sáng thầy trò cùng đi khất thực, buổi trưa trở về dùng cơm xong thì cùng lạy sám hối. Phải nói chúng tôi một lòng quyết chí tu hành cho tiêu nghiệp và chỉ chờ chết mà thôi! Đi khất thực, có hôm chỉ được vài quả cam, phải nói thức ăn rất đạm bạc, nhưng lại khỏe ra. Uống thuốc hoài mà tôi không khỏi bệnh; nhưng lạy sám hối thì lần lần tôi khỏi bệnh. Hòa thượng Giám đốc mới cho phép tôi trở về Ấn Quang để tiếp tục học. Chẳng những nghiệp hết, thân khỏe mạnh trở lại mà còn hiện tướng dễ mến, cho nên Hòa thượng Thiện Hoa không cho tôi dọn dẹp nhà vệ sinh nữa, mà cất nhắc tôi lên làm thị giả cho ngài. Đó là kinh nghiệm trong cuộc đời tu hành của chính tôi, nhờ lạy sám hối mà thân khỏe, tâm an và cuộc sống tốt đẹp hơn.

cong-chua-todai.jpg

Trên bước đường tu hành, nếu không khéo, nghiệp cũ sẽ làm duyên tạo ra nghiệp mới tiếp theo, mà kinh Hoa Nghiêm diễn tả ý này là trùng trùng duyên khởi, cho đến cuối cùng, thân khẩu nghiệp và nhất là ý nghiệp tràn đầy, không ai chấp nhận được ta, xã hội và quỷ thần cũng không bằng lòng ta thì chỉ còn con đường đi vào địa ngục.

Đức Phật dạy rằng nhứt thiết do tâm tạo, nghĩa là tất cả nghiệp đều do chúng ta đã tạo từ đời quá khứ. Đời này bị bệnh hoạn phải biết nhiều kiếp đã sát sinh hại mạng. Đương nhiên chúng ta phải chữa trị bệnh bằng thuốc men, nhưng chính yếu vẫn phải lạy sám hối để lấy công đức Phật trang nghiêm cho mình, nhờ đó mới hóa giải được nghiệp và khi nghiệp hết thì mới khỏe mạnh.

Hoặc đời này bị nghèo đói là do đời trước gian tham trộm cắp, hoặc đời này phải sanh vô gia đình nghèo khổ để trả nghiệp quá khứ, phải chịu cái quả báo sanh ra là đã không có cơm ăn rồi. Thuở nhỏ, tôi có đọc câu chuyện một thầy Tỳ kheo là đệ tử của ngài Xá Lợi Phất. Vị Tỳ kheo này tu hành rất tốt. Khi người ta sớt bát cho tất cả các vị Tỳ kheo, nhưng đến vị này thì người ta lại quên cúng dường. Cũng giống như quý vị tu tập trong đạo tràng này, ai cũng có một phần cơm trưa do người công quả mang đến, nhưng riêng mình cũng ngồi đây, mà người ta lại quên phát hộp cơm cho mình. Bị như vậy, không nên trách móc, không nên buồn phiền, vì đó là nghiệp quá khứ của mình. Nếu biết hoan hỷ niệm Phật để giữ cho tâm mình được thanh tịnh, thì người ta sẽ cảm thấy hối hận và xin lỗi, vì không làm tròn bổn phận, nên bỏ quên mình. Còn phản ứng tức giận, la lối, trách móc, đôi khi lại bị phản ứng ngược lại; họ chẳng những không nhận lỗi, mà còn có thể nói rằng vì họ làm nhiều, bị mệt, nên quên phần cơm của mình, mình tu hành gì mà có việc chút xíu cũng làm dữ vậy! Nghe kiểu nói xóc óc đó làm cho mình càng tức tối thêm, chẳng được lợi ích gì.

Xá Lợi Phất đã thưa với Đức Phật, xin Ngài chỉ dạy xem tại sao vị Tỳ kheo đó rất thông minh, mà lại bị quả báo luôn luôn bị bỏ sót, nên phải ăn cơm của Xá Lợi Phất chia cho. Đức Phật nói rằng vị Thầy này không phải mới tu, mà tiền kiếp đã là một Thượng tọa. Tuy có giới phẩm, nhưng vị này không bỏ lòng ích kỷ. Quý Phật tử nên suy nghĩ điều này, tu lâu, tạo được nhiều phước, nhưng tánh ích kỷ, ganh tỵ vẫn còn nguyên, thì vẫn phải trả quả báo.

Đời trước, vị Thầy này là Viện chủ một ngôi già lam lớn, vì  tự thấy mình lớn mà cho rằng mọi người phải kính trọng ông, nhưng ông chẳng kính trọng ai cả. Điều này cũng rất nguy hiểm, không nên phạm sai lầm này. Bấy giờ có một vị Bồ tát hiện thân làm chiêu đề Tăng, nghĩa là một vị tu sĩ lang thang, tu khổ hạnh, nhưng đắc đạo. Thầy Viện chủ thấy vị tu sĩ bề ngoài nghèo khổ, liền nghĩ rằng ông này đến chùa để xin cơm ăn. Lúc ấy có một đại thí chủ có tâm thanh tịnh, nên nhận thấy được tướng giải thoát của vị Tăng này, mới thỉnh vị này ngày mai đến nhà ông ta để chứng trai và cũng thỉnh luôn Thầy Viện chủ. Thầy Viện chủ tự nghĩ rằng mình lớn mới xứng đáng đi chứng trai, còn ông tu sĩ lang thang mà thỉnh làm chi vậy. Điều này nhắc nhở chúng ta tu lâu coi chừng rớt vô hàng tăng thượng mạn, chắc chắn bị thọ quả báo.

Hôm sau, Viện chủ đi chứng trai. Viện chủ đã hứa kêu ông thầy lang thang cùng đi, mà không kêu cũng kỳ, nên quay lại gõ cửa, nhưng gõ nhẹ thôi để ông này không nghe. Trong lễ trai Tăng, không thấy vị Tỳ kheo đến đự; đại thí chủ mới gởi quà cúng dường nhờ Viện chủ đưa giùm, khiến cho ông càng tức giận hơn nữa, nên ông đã vứt bỏ gói quà, không đem về đưa cho vị Tỳ kheo.

Vì tâm ích kỷ ganh tỵ và việc làm xấu ác như vậy, nên sau khi chết, ông Viện chủ phải thọ quả báo là tái sinh vào một gia đình rất nghèo khổ và sống trong một ngôi làng thường xuyên bị hỏa hoạn đốt cháy hết của cải. Nhưng khi cha mẹ ông chạy qua làng khác tìm kế sinh nhai, thì nơi đó lại xảy ra trận lũ lụt cuốn trôi cả làng. Điều này cho thấy người mang ác nghiệp đi đến đâu là mang tai họa đến đó và ngược lại, người có phước thì những người ở gần họ cũng được hưởng sự may mắn.

Sống trong cảnh nghèo đói khổ sở như vậy, nhưng khi ông được gặp ngài Xá Lợi Phất đi khất thực, liền nhớ lại kiếp quá khứ của ông đã từng tu hành, nhớ Phật, nên ông hết lòng theo Phật. Tuy nhiên, vì tội quá khứ mà ông đã tạo, kết thành quả báo hiện tại, phải thọ lãnh ngay từ lúc mới sanh, cho đến khi xuất gia tu hành, người phát tâm muốn cúng dường thì chư thần hộ giới cũng áng nhãn, làm mờ mắt, khiến họ không nhìn thấy ông để cúng dường. Quả báo đáng sợ đến như vậy. Tuy nhiên, nương theo Phật, ông kham nhẫn tu hành, không than thân trách phận, không buồn giận và khi trả hết nghiệp, ông cũng đắc được quả vị A la hán, tức kết thành quả mới tốt đẹp. Câu chuyện nói lên nhân quả ba đời mà đệ tử Phật nhận thức được và hạ quyết tâm tu hành cũng sẽ thăng hoa được cuộc sống.

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến nhân quả mà ông cụ thân sinh tôi kể cho nghe lúc tôi 7, 8 tuổi, có một ông nhà giàu mua được một con ngựa rất giỏi, đem về nhà. Hàng xóm đến xem đều ca ngợi rằng ông này có phước, vì mua con ngựa giá rẻ mà nay người ta muốn mua lại với giá cao hơn gấp mấy lần, nhưng ông không bán. Mua ngựa để chơi thôi, mà được lời quá lớn, làm giàu dễ dàng, trong khi người khác mua bán tính toán giỏi lại không được. Theo tôi, tin lời Phật dạy về nhân quả, thì ông này đã làm được việc phước lớn trong kiếp quá khứ, nay mới gặp may hưởng phước, đồng thời ông cũng làm tội, nên phải sanh vào gia đình nghèo để trả quả.

Có thể nói trong tâm chúng ta đều có sẵn phước và tội, nhưng cái nào có trước? Ông chủ được con ngựa quý có thể coi là của báu thì gọi là có phước; nhưng người khác không mua lại được con ngựa của ông, mới lấy cắp con ngựa. Con ngựa bị mất thì bảo ông hết phước, hay họa đến, gọi là phước bất trùng lai, tức là hai phước không đến cùng một lúc. Mất ngựa coi như bị xui, nhưng một thời gian sau, ông có được mấy con ngựa khác hay hơn, lại nói ông có phước. Vì có ngựa tốt, nên người con trai của ông thích quá, liền cỡi ngựa chơi, thì bị té gãy xương. Có một đứa con trai duy nhất mà bị què chân, nên người ta bảo rằng họa tới với ông. Ngày hôm sau, có lệnh bắt trai làng đi lính, con trai ông liền được miễn vì bị  què chân, thế là phước đến với nhà ông. Vì vậy, ông cảm nhận được phước họa, họa phước cứ nối tiếp thay phiên nhau đến rồi đi, đi rồi đến không ngừng; ông mới nói rằng : Họa phước vô môn, vi nhân tự triệu. Nghĩa là họa phước không có cửa để vào ra, nhưng tự con người tạo nhân nào thì họa hay phước tương ưng điều đó sẽ tới.

Quan niệm họa phước vô môn nếu kết hợp với luật nhân quả theo Phật dạy gồm nhân quả hiện tiền và nhân quả quá khứ, sẽ cho chúng ta nhận thức được nguyên nhân tốt mà chúng ta đã tạo từ kiếp quá khứ dẫn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại được thọ hưởng, cũng như ý thức được rằng muốn có cuộc sống hạnh phúc trong tương lai gần cho đến trong kiếp sau, thì chúng ta cần làm những việc thiện lành ngay đời hiện tại.

Riêng tôi từ thời còn trẻ đã có nhiều bệnh hoạn, nên tự biết mình đã tạo nghiệp sát đời trước, đồng thời cũng nhờ căn lành đã gieo trồng giúp tôi hết lòng sám hối. Vì vậy, sám hối tiêu được tội cũ rồi thì phước đức do tu đời này và đời trước mới hiện ra. Thật vậy, có những tấm ảnh của tôi 40 năm trước mà nhiều người xem ngạc nhiên, đã hỏi có phải là tôi hay không, sao mà trông xấu quá vậy.

Bằng kinh nghiệm tu hành, tôi nhận thấy rõ rằng do chúng ta lạy Phật sám hối bằng tất cả tấm lòng thành và lấy Phật đức trang nghiêm thân tâm mình, khiến cho nghiệp cũ được dứt sạch, phước sẽ sinh ra. Còn phước đời trước không có mà chỉ có nghiệp nặng quá, thì cũng sẽ chuyển hóa được thành phước trong hiện đời, nhưng phải trải qua quá trình tu hành rất lâu và rất vất vả mới thành tựu được.

Nếu đời trước đã tạo được nhiều phước, xứng đáng làm vua, làm tướng, hay làm Hòa thượng, thì kiếp này khi trả dứt tội cũ, sẽ được làm vua, làm tướng, làm Hòa thượng. Người mà đời trước có tội hoàn toàn, đời này phải nỗ lực tu, bòn mót phước lần lần, chứ không thể hưởng phước nhanh chóng như người khác được. Nghiệp đời trước đã tạo, nên đời này sinh ra đã bệnh hoạn, tật nguyền; nhưng có phước thì trả nghiệp báo trong nhứt thời thôi, rồi sẽ được hưởng phước.

Tóm lại, tất cả họa phước đến với chúng ta trong cuộc sống, theo lời Phật dạy, đều do chính chúng ta tạo ra, tạo từ đời trước và đời này mà kết thành thân tướng khỏe mạnh, đẹp đẽ, dễ mến, hay tạo thành thân tướng khiếm khuyết, thân tướng xấu xí, thân tướng bị người khinh chê, ghét bỏ. Và cũng chính nghiệp của chúng ta, tức những việc làm của chúng ta mà tạo thành gia đình được hạnh phúc, giàu sang, hay gia đình nghèo khổ, bất hòa, cũng như tạo thành cuộc sống chúng ta an vui, giàu có hay cuộc sống thiếu thốn, nghèo đói, khổ đau. Nói chung, việc tốt hay xấu đến với chúng ta đều do chính chúng ta tạo nên trong kiếp quá khứ và trong kiếp hiện tại.

Bước theo dấu chân Phật, nhận thức sâu sắc lý nhân quả ba đời, mỗi người đệ tử Phật hãy áp dụng giáo pháp Phật dạy, để tự chuyển hóa những tâm niệm xấu ác, chuyển hóa những lời nói ác độc, lời nói gây chia rẽ, chuyển hóa những việc làm bất thiện gây đau khổ cho người khác, thành những tâm trong sáng, thánh thiện, thành những lời nói hiền hòa, đoàn kết, thành những việc làm lợi ích cho đời, mang an vui cho người. Làm được như vậy, chắc chắn cuộc sống của bản thân chúng ta và cả gia đình đều luôn sống trong niềm hạnh phúc vô biên ở hiện đời và khi xả bỏ thân tứ đại này, sẽ tái sinh vào những cảnh giới an lành tùy theo sở nguyện.

HT Thích Trí Quảng

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 63 tại chùa Phổ Quang ngày 19-4 -2009)