Phương pháp tiếp cận Phật học

image

Nhân vì gần đây có một số bài viết của các vị Giáo sư, họa sỹ, nhà báo… viết về các sự kiện Phật giáo bằng chính lý luận của Phật giáo nhưng lại gây nhiều phản cảm từ độc giả nên chúng tôi thiết nghĩ cần thiết phải trình bày một vài ý kiến về phương pháp tiếp cận Phật học nhằm chia sẻ với các vị có nhu cầu học Phật nhưng lại tiếp cận sai phương pháp khiến quan điểm của các vị trên, nghe có vẻ đúng nhưng lại không phù hợp.

Do phattuvietnam.net là trang nhà dành cho đa số Phật tử có trình độ phổ thông nên cho phép chúng tôi sử dụng ngôn ngữ phổ thông để đến với quý vị. Nếu các vị có nhu cầu tiếp cận bằng ngôn ngữ kinh điển và có tính chất nghiên cứu, chúng tôi sẽ trình bày trong một dịp khác.

Điều thứ nhất chúng tôi muốn trình bày là Phật giáo không chỉ là hệ thống lý luận về thế giới nói chung và con người nói riêng như các hệ thống triết học khác. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa Phật giáo với các hệ thống triết học khác, theo chúng tôi chính là “tri và hành phải hợp nhất”. Nói cách khác, khi đến với Phật giáo, cái quan trọng là thực tập và trải nghiệm các cấp bậc tâm linh chứ không phải ngồi đó mà lý thuyết suông về chúng.

Đức Phật dạy rằng người học mà không thực hành những gì mình học được ví như kẻ đếm tiền, chỉ biết đếm thôi chứ không biết cách sử dụng đồng tiền nên tiền đó trong tay các vị cũng chẳng có ý nghĩa gì. HT Thiện Hoa cũng cho rằng: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là cái đãy đựng sách”.

Khi ta nói những gì do chính ta đã thực hành và ứng dụng thì lời nói đó mới có ý nghĩa. Nói lại những gì của người khác nói thì chẳng có ý nghĩa và tác dụng bao nhiêu.

Điều thứ hai, trong Phật giáo có hai hệ thống chân lý, là Chân đế và Tục đế. Chân đế là chân lý chân thực, diễn đạt thực tính và thực tướng của vạn pháp một cách tuyệt đối, nơi đây hành giả đã vượt thoát khỏi sự chi phối của sinh diệt.

Tục đế là chân lý trong thế giới tương đối, ở đó hành giả còn chịu sự chi phối của sinh diệt. Mỗi hệ thống chân lý có cách thức tiếp cận khác nhau và dành cho những đối tượng khác nhau. Hãy tưởng tượng người hành giả như một người leo núi, nếu anh đang ở chân núi, anh sẽ nhìn thấy những cảnh vật và môi trường dưới chân núi.

Anh leo lên cao bao nhiêu anh sẽ thấy cảnh vật xung quanh anh mở rộng ra bấy nhiêu và khi anh ở đỉnh núi anh cũng sẽ nhìn thấy hoàn cảnh, môi trường xung quanh anh khác rất nhiều so với khi anh ở đỉnh núi.

Có ít vị đã lên đến đỉnh núi, một số vị leo đến lưng chừng và còn lại vẫn đang dậm chân dưới chân núi. Người trên đỉnh núi hay leo lên lưng chừng núi viết lại, giảng lại, nói lại môi trường, hoàn cảnh trên đỉnh núi nhằm sách tấn và chỉ đường cho người dưới chân núi chuẩn bị tâm thế mà cố gắng leo lên cao nhưng nếu người dưới chân núi sử dụng lý luận của người ở trên đỉnh núi mà khuyên bảo, giáo huấn những người cũng như mình và cho mình đã đạt trình độ của người trên đỉnh núi là một thái độ kiêu ngạo cần phải tránh.

Đối với Phật giáo, tu và học là hai hoạt động song hành. Học, nghiên cứu…. thật nhiều kinh điển chỉ có tác dụng hướng dẫn cho hành giả phương pháp hành trì đúng đắn, không đi lạc đường chứ những kiến thức đó không phải là thứ của cải để chúng ta có thể khoe khoang và tự đắc.

Khi nào mỗi chúng ta còn đang khổ đau (Khổ đế) bởi những nguyên nhân (Tập đế) từ nội tâm cũng như ngoại cảnh thì con đường tu tập (Đạo đế) còn có tác dụng trị liệu.

Khi nào chúng ta giải thoát hoàn toàn và đạt được hạnh phúc tối thượng (Diệt đế) thì khi đó các đường thực tập (Đạo đế) cũng không còn cần thiết nữa, khổ đau hay các nguyên nhân gây ra khổ đau lúc này cũng thật sự chỉ là gió thoảng mây bay. Thuốc hay dành cho kẻ bệnh, khi hết bệnh thì thuốc hay cũng không cần. Còn đang bệnh mà vội bỏ thuốc hay thì bệnh không bao giờ khỏi.

Các bài viết đang gây nhiều phản cảm cho độc giả mà chúng tôi đều có bài viết phản hồi, thật sự, đứng dưới góc độ lý luận không hẳn là sai nhưng lại không làm người đọc phục vì một lẽ đơn giản, đó chỉ là lý thuyết suông, thuần túy sách vở.

Một nguyên nhân nữa khiến các bài viết đó tạo ra phản cảm chính là nói không đúng với hoàn cảnh cũng như không phù hợp với người nói. Giáo dục trong Phật giáo không chỉ là khẩu giáo mà còn là thân giáo nữa, và chính thân giáo mới là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hệ thống giáo dục Phật học.

Phật giáo không cực đoan trước sự chê bai chỉ trích từ các tôn giáo khác hay từ các quan điểm trái chiều mà ngược lại lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ trong tinh thần dung hòa với cái chung, cái đúng. Điển hình là một số chùa ngoài Bắc hiện nay vẫn còn lưu giữ các văn thơ của các thi sỹ chê bai Phật giáo chạy theo hình thức bề ngoài, vật chất xa hoa mà bỏ quên con đường tu tập và các chùa đã trịnh trọng khắc chúng trên bia đá nhằm cảnh tỉnh sớm hôm cho những người sơ cơ.

Chúng tôi thiết nghĩ, báo chí có quyền tự do ngôn luận. Không cần thiết phải đòi hỏi cấm điều này điều nọ. Nhờ những bài viết có tính chất phê phán như thế, trước, đó là cơ hội cho chúng ta có dịp trình bày những quan điểm và thái độ của chúng ta trước một sự kiện nào đó, sau là tự nhận thức lại chính mình để cố gắng tu tập hơn nữa.

Chúng tôi nghĩ cái gì đúng nên hoan nghênh, cái gì chưa đúng thì cố gắng làm cho đúng. Tranh luận là để hướng tới sự đồng thuận chứ không phải tranh luận để đạp đổ tất cả./.

 

Trí Không