Mái ấm tình thương chùa Bồ Đề

Chùa Bồ Đề Đạo Tràng nằm lọt thỏm giữa các nhà máy, xí nghiệp tại xã Bình Chuẩn (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) luôn đầy ắp lòng từ bi, là nơi giúp đỡ, nuôi dưỡng những em nhỏ bị bỏ rơi

Hiện chùa Bồ Đề Đạo Tràng (người dân địa phương quen gọi là chùa Thầy Thỏ) là mái ấm của gần 40 em nhỏ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi dưới sự nuôi dạy tận tình của các sư cô.


Ni sư Thích nữ Từ Thảo và các bé tại chùa Bồ Đề

Cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Tiếp chúng tôi, ni sư Thích nữ Từ Thảo, trụ  trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng, cười hiền hậu. Sư cho biết trước đây tại chùa này, các sư cô chuyên tâm vào việc Phật sự trong chùa. Chưa bao giờ nhà chùa nghĩ đến việc sẽ nuôi trẻ nơi đây. Cho đến buổi sáng một ngày vào năm 2004, các sư cô đang quét dọn sân chùa thì nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ từ phía cổng chùa vọng  vào. Mọi người tò mò đi ra cổng thì thấy một trẻ nhỏ chừng một tháng tuổi nằm bơ vơ trên mặt đất với bộ đồ mỏng manh và chiếc khăn quấn ngang người. Bằng tình thương vô bờ bến, các cô đã giữ em bé lại nuôi. Rồi từ đó, chùa lại tiếp tục nhận được đứa bé thứ hai, thứ ba, thứ tư... bị bỏ rơi.

Ni sư Thích nữ Từ Thảo tâm sự: “Những đứa trẻ vô tội, chúng cần mái ấm, cần tình thương, cần người chăm sóc. Chúng tôi muốn tạo cho các bé một môi trường sống chan hòa tình nhân ái, xoa dịu phần nào nỗi bất hạnh mà chúng phải chịu trong cuộc đời này. Những ngày đầu, các sư cô không thành thạo lắm trong việc chăm sóc một đứa trẻ. Nhưng bằng tấm lòng nhân ái, mọi người cũng vượt qua được khó khăn. Ngoài thời gian dành cho việc Phật sự, sư cô Từ Thảo cùng mọi người lại tất bật với vai trò làm “mẹ” cao cả. Trong số gần 40 trẻ mà chùa đang nuôi có 12 em gái. Trẻ lớn nhất 6 tuổi, còn cháu nhỏ nhất chưa đầy một tháng tuổi. Cả núi công việc bề bộn này do 3 sư cô đảm nhận. Thỉnh thoảng người đi lễ chùa tranh thủ vào giúp các cô”.

Ấm áp tình thương

Đối với các cô, khó khăn nhất hiện nay là nguồn sữa cho các cháu. Hiện nay, hằng tháng, nhà chùa phải chi gần 40 triệu đồng để lo cho các cháu. Ngoài số tiền hỗ trợ từ phật tử, các nhà hảo tâm... các sư cô phải làm thêm nhiều việc như làm đèn cầy, nhang, chuỗi hạt... để kiếm thêm phần nào chi phí nuôi dưỡng các bé.

Nhiều lần đứng trước khó khăn về kinh tế, ni sư ở chùa vẫn không bỏ cuộc khi nghĩ đến những mầm sống hồn nhiên đang lớn từng ngày. Các sư cô vui khi thấy trẻ vui đùa và lớn lên từng ngày nhưng lo âu khi trẻ bị bệnh.

Sư cô Từ Thảo tâm sự: “Chúng tôi luôn trăn trở làm sao nuôi dạy, dìu dắt, hướng các cháu thành người tốt, thành người có ích cho xã hội. Đặc biệt là tìm cách giúp các cháu không bị sốc về tâm lý khi biết mình là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng”. Hiện chùa có ba em đã đủ tuổi  đến trường đang đi học. Hy vọng những trẻ này sớm hòa nhập với xã hội bên ngoài. Ngày nào chúng tôi còn sức, còn nuôi thêm trẻ. Không những thế, chúng tôi sẽ tạo cho các bé một tương lai tốt bằng cách cho học đến chốn, có nghề mưu sinh như bao người trong xã hội. Để thực hiện được ước nguyện  đó,  chúng tôi cũng rất cần sự chung tay góp sức của nhiều người, của những nhà hảo tâm”.

Bài và ảnh: Xuân Danh