Sư sãi Thái đi biểu tình cùng 'áo đỏ'

Hơn một nghìn nhà sư tới quảng trường Sanam Luang đêm qua để thể hiện tình đoàn kết với những người biểu tình chống chính phủ. Phe áo đỏ dự kiến sẽ dùng hàng nghìn ô tô tạo thành đoàn diễu hành quanh Bangkok hôm nay.

Quyết định trên được mặt trận đoàn kết các nhà sư Thái Lan đưa ra. Phra Panya Panyataro, một nhà tu hành đến từ tỉnh Surat Thani, phát biểu rằng những người ủng hộ áo đỏ thuộc nhiều thành phần, từ sinh viên đến các nhà lãnh đạo công đoàn, và giờ là các nhà sư.

Các nhà sư Thái Lan chích máu góp với người áo đỏ để đổ trước phủ thủ tướng hôm thứ năm. Ảnh: AP.
Các nhà sư Thái Lan chích máu góp với người áo đỏ để đổ trước phủ thủ tướng hôm thứ năm. Ảnh: AP.

Trả lời Bangkok Post, ông cho biết thêm rằng các nhà sư tới khu lều trại của phe áo đỏ ở Sanam Luang đều có thẻ nhân thân, nên sẽ không có tình trạng sư giả trà trộn. Sự tham gia của họ thể hiện bằng việc cầu nguyện cho hòa bình vào mỗi buổi sáng tối, và đi ban phúc quanh quảng trường. Số lượng nhà sư đến Saman Luang là 1.200.

Sau hai ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, hôm nay các nhà lãnh đạo Liên minh vì dân chủ chống độc tài (UDD) - phe áo đỏ - dự kiến tổ chức cuộc biểu tình bằng khoảng 2.000 xe ô tô, xe tải trên các đường phố thủ đô Thái Lan. Trước đó, họ đã tổ chức lấy máu của những người tình nguyện, được khoảng 300.000 cc - 300 lít - máu, và đem tưới lên cổng tư dinh và phủ thủ tướng.

Kể từ những ngày đầu của cuộc biểu tình hồi tuần trước, luôn có khoảng 500 nhà sư sát cánh cùng những người áo đỏ, một vị chức sắc thuộc tông phái Phật giáo lớn nhất ở Thái Lan cho hay. Ông nói rằng các nhà tu hành sẽ có thể trở thành lá chắn sống bảo vệ người biểu tình trong trường hợp có bạo loạn; đồng thời cũng là người nhắc nhở các tín hữu áo đỏ về nguyên tắc phi bạo lực.

"Chúng tôi muốn xã hội hiểu rằng vai trò của các nhà sư ở đây là để yêu cầu các bên không được sử dụng bạo lực. Những người tu hành sẽ còn ở đây cho đến khi có dấu hiệu hoặc tuyên bố về việc chính phủ giải tán quốc hội", vị này khẳng định.

Một vị sư khác đến từ tỉnh Khon Kaen nói rằng các nhà tu hành đến Bangkok là bởi hai bên đối lập trong cuộc xung đột chính trị này nhất quyết đối đầu nhau - một bên kiên quyết đòi giải tán quốc hội, bên kia nhất định từ chối.

"Chúng tôi lo sợ có bạo lực. Chúng tôi không muốn người Thái giết người Thái. Hãy đấu tranh bằng lời lẽ hoặc ra trước tòa, chứ đừng ở trên đường phố như thế này", Bangkok Post trích lời nhà sư khoảng 40 tuổi nói.

Một nhà sư khác sống ở Bangkok không cho biết tên, nói rằng ông hy vọng sẽ có sự linh hoạt trong tình cảnh này. "Tuy nhiên cách tốt nhất để tránh xung đột bạo lực là giải tán (quốc hội), bởi nếu chính phủ này thực sự được dân yêu mến, họ sẽ được bầu lại".

Tại Thái Lan, đạo Phật được coi là quốc giáo, với khoảng 95% dân số theo đạo Phật. Các nhà sư rất được tôn trọng và có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và tinh thần của dân chúng.

Thanh Mai

Theo vnexpress