Chất Thiền trong tranh của họa sĩ Hồng Lĩnh

Hoa sĩ Hồng Lĩnh
Đã biết đời người rất   ngắn, tan trong vũ trụ  vô biên, mà sao ta vẫn tiếc những phút ngồi lặng yên, ta ngắm nhìn cuộc sống với bao điều ưu tư, tâm ta còn vọng động, biết đâu là thực hư? Phút giây ngồi tĩnh lặng, ta trở về với ta, thiền quán từng hơi thở, an lạc chẳng đâu xa…”. Đó là những lời tự sự của họa sĩ Hồng Lĩnh trong cuộc triển lãm vào giữa tháng 10-2008 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Xem triển lãm tranh & gốm của họa sĩ Hồng Lĩnh, ta mới cảm thức được tâm hồn của người nghệ sĩ trong hành trình đi tìm cái đẹp của nội tâm: “Ta ngồi yên để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc sống bao điều huyền nhiệm, trong đêm tối có bao điều tuyệt diệu, trong cô đơn có hạnh phúc vô cùng… ta ngồi yên, ta ngồi yên”. Thật vậy, chỉ có sự tĩnh lặng mới đưa ta về với trạng thái tự nhiên, giữa cái tĩnh lặng ấy người nghệ sĩ mới bắt gặp chính mình. Ở họa sĩ Hồng Lĩnh, ngôn ngữ trong tranh của bà không chỉ thể hiện qua bút pháp hội họa, hay nhịp điệu của màu sắc mà cái chính là chữ viết (vẽ chữ). Bà đưa chữ vào tranh như thể mượn hình tượng để diễn đạt ngôn ngữ. Hơn 50 bức tranh trưng bày tại phòng triển lãm đều thể hiện chung một nét tạo hình, đó là hình tượng một hành giả đang trong tư thế tĩnh tọa tham thiền.

Với  gam màu chủ đạo: đen-trắng, như thể làm phông nền để diễn đạt thơ ca. Có thể nói, thơ trong tranh của họa sĩ Hồng Lĩnh ẩn tích những cảm nghĩ về một thế giới đầy tính thiền vị, sự cảm nhận về thiên nhiên, về kiếp sống và vũ trụ vô thường: “Hít vào tâm thanh tịnh, thở ra miệng mỉm cười, tam thế luôn an lạc, cuộc đời mãi tươi vui” hay “Hãy ngồi yên ngắm một vầng trăng, cơn gió nhẹ vừa qua mặt đất, lá đọng lay… mặt nước dường rung động, rồi lặng yên phản chiếu bóng trăng vàng. Hãy ngồi yên nhìn ngắm giọt sương mai, cái tươi mát của đóa hoa vừa nở, hương thơm nhẹ và mặt trời rực rỡ, cái tinh khôi của buổi sáng an bình. Hãy ngồi yên nhìn ngắm cả bóng mình. Trong vô biên thấy cuộc đời hữu hạn, trong đêm tối chợt nhìn ra ánh sáng, trong đau thương có hạnh phúc vô cùng”. Đối với họa sĩ Hồng Lĩnh, vẽ tranh là một cách để cảm nhận về thân phận con người. Song, phần lớn trong quá trình sáng tác bà vẽ chữ nhiều hơn những đường nét quen thuộc trong hội họa, vẽ chữ là công việc mà bà tập trung tất cả sức lực, chữ không còn là chữ nữa mà là những dấu ấn, nhịp thở, khoảnh khắc. Chữ viết với họa sĩ Hồng Lĩnh là tâm hồn, là tiếng nói, tình thương; chữ viết cũng là thơ, chỉ vẽ những bài thơ để biểu hiện những xúc cảm trước thiên nhiên, con người và cuộc sống; vẽ để  hướng về sự tỉnh thức trong cái vô thường. Bà nói: “Một trong những lời dạy quý giá nhất của Đức Phật, đó là lý vô thường. Nếu ta nhận thức được vô thường bằng một trạng thái tích cực thì sẽ nhận được hạnh phúc rất lớn trong kiếp sống này…”.

honglinhntranh.gif

Các tác phẩm của họa sĩ Hồng Lĩnh trưng bày tại triển lãm - Ảnh: Bảo Toàn

Sinh ra trên mảnh đất “Chín rồng” đã phần nào tạo cho họa sĩ Hồng Lĩnh cái bản chất dung dị, đời thường của người phụ nữ Nam Bộ. Thơ, tranh và gốm của bà phảng phất đâu đó về một làng quê Việt Nam, quê hương sông nước hữu tình. Tác phẩm của bà đã nhiều lần “trình làng” cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, là sự ủng hộ và chia sẻ của người chồng -  hoạ sĩ Lê Triều Điển (người có nhiều đóng góp trong các hoạt động mỹ thuật Phật giáo). Gần đây, họa sĩ Hồng Lĩnh tập trung vẽ chữ nhiều hơn. Và, đó cũng là con đường mà bà đã và đang tiến gần lại chính mình: tìm về sự tĩnh lặng, sự cảm thức về kiếp sống nhân sinh và cõi vĩnh hằng…

Giang Phong