Đa chiều ý kiến phản hồi quanh vụ rước Xá lợi Phật

Nếu có thể làm được một việc gì cụ thể để làm giảm nỗi khổ đau đang hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của chúng ta thì chắc đó cũng là mong muốn của Đức Phật. Và nếu một người trong Phật giáo làm điều ấy thì ảnh hưởng lại càng gấp bội.

LTS: Ngay sau khi đăng các bài viết của Họa sĩ Lê Thiết Cương, Đại đức Thích Thanh Thắng và độc giả Lê Minh Hiếu, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi xung quanh vụ rước Xá lợi Phật. Tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin tổng hợp những ý kiến trao đổi, chia sẻ, đồng thuận hoặc phản biện của bạn đọc về sự kiện này.

Tại sao chỉ bỏ tiền lo cho người nghèo mới là đúng?

Trong số các thư gửi về chuyên mục, có không ít thư của Phật tử, bạn đọc  bênh vực sự kiện đón rước Xá lợi Phật theo nghi thức hoành tráng.

Bạn Phạm Văn Phong ([email protected]) đặt câu hỏi cho tác giả Lê Minh Hiếu: "Ông là một Phật tử thuần thành, rất hiểu ý nghĩa chiêm bái Xá lợi Phật. Vì thế, ước vọng cả đời của ông là một lần đặt chân đến đất Phật. Vì sức khỏe, vì công ăn việc làm bận rộn, không chỉ có ít thời gian. Sau một thời gian tích cóp được một khoản tiền, ông quyết định mua vé máy bay đi tour sang đất Phật, tới gốc cây Bồ Đề, vào Tháp Đại giác ngộ chiêm bái xá lợi ở trong đó. Hỏi:  Ông sẽ dành toàn bộ số tiền dự định cho chuyến hành hương đó để làm từ thiện, hay đi hành hương như dự định?

Nếu ông dành toàn bộ số tiền đó làm từ thiện, thật đáng tán thán. Và nếu ông dành toàn bộ số tiến đó để thực hiện chuyến hành hương, cũng thật đáng tán thán không kém. Vậy tại sao người ta bỏ tiền ra đi chiêm bái Xá lợi, gieo duyên cho hàng trăm người trên chuyến bay, hàng vạn người chiêm bái trực tiếp, hàng triệu người trên truyền thông chưa biết ý nghĩa Xá lợi là gì, tại sao lại phải bài bác? Tại sao cứ bắt người ta phải bỏ tiền ra chỉ để lo cho người nghèo, tại sao chỉ bỏ tiền ra lo cho người nghèo mới là đúng? Nếu giờ viện vào lý "tu tại tâm", phá bỏ hết chùa chiền đi, hoàn tục tất cả tăng ni, có được không?

Bạn lưu ([email protected]) lại cho rằng người nghèo rất cần tiền, nhưng cũng rất mong được chiêm ngưỡng một sự kiện trọng đại của Phật giáo, khi bạn viết: Nhắc đến pháo hoa, nhiều người biết chuyện ông Phó Chủ tịch UBND t/p HCM đã tuyên bố không bắn pháo hoa vào dịp Tết, mà để tiền đó dành cho người nghèo ăn Tết. Nếu người nghèo mà biết được chuyện đó, chắc là cảm động lắm (mặc dù chưa chắc rằng mình hưởng một phần nhỏ nhoi của số tiền), nhưng có người nói rằng, Tết đến, người nghèo đâu chỉ cần có tiền, nghèo nhưng vẫn muốn nhìn thấy pháo hoa. Và pháo hoa vẫn được bắn trên bầu trời thành phố. Những người công nhân ăn bữa cơm đạm bạc, còng lưng chắt chiu từng đồng, đánh đổi tuổi trẻ, sức lực để mong có một ngày tươi sáng, cùng những trẻ em đói, rét từng ngày như bài viết, có bao nhiêu người vẫn mong biết được sự kiện này. Chắc rằng họ cũng có niềm vui, dù cái nghèo đói vẫn đeo bám bên mình. Người ta có quyền làm những việc gì luật pháp không cấm. Tranh luận về vấn đề này cũng hay, nhưng theo thiển ý của tôi, cần nhìn thấy vấn đề rộng hơn.

alt
Ngọc xá lợi được rước đến Việt Nam phật quốc tự. Ảnh: VNN

Bạn Đặng Quốc Thành cho rằng, ở thời đại nào, việc xây chùa lớn, tượng to... đều có thể coi là sự lãng phí, nhưng với thời đại này, ở Việt Nam, điều đó là cần thiết để Phật pháp quay trở lại giáo hóa những con người vì cuộc sống trong nền kinh tế thị trường mà quên đi tình thương, sự cảm thông.

Bạn Đình Khang ([email protected]): Tôi không phải là một Phật tử, ghét xa xỉ, lãng phí. Nhưng tôi sẽ rất buồn nếu việc rước Xá lợi Phật về Việt Nam lại tổ chức một cách nhếch nhác, kém trang trọng. Xin đừng bàn quá nhiều nữa, lời dài e phạm lương tri đồng đạo!

Chúng ta hãy dùng chữ Tâm để nghênh đón Xá lợi.

Tuy nhiên, số lượng ý kiến không đồng tình với việc đón rước Xá lợi Phật quá hoành tráng là khá cao. Đáng chú ý, nhiều ý kiến là của các bạn đọc trẻ tuổi. Điều này cho thấy tuổi trẻ trong thời hiện đại vẫn rất chú ý đến sự hướng đạo, về ý nghĩa của đời sống. Họ có nhiều suy nghĩ'trăn trở, chia sẻ và đồng thuận trước lẽ phải thông thường.

Bạn Mộc Lan ([email protected]): Cháu đọc được lá thư của bác Lê Minh Hiếu gửi cho Đại đức Thích Thanh Thắng mà thấy tâm đắc quá. Những suy nghĩ và phân tích của bác Hiếu cũng chính là những gì cháu suy nghĩ và băn khoăn khi đọc bài báo viết về chuyến rước Xá lợi Phật từ nước ngoài về. Trong suy nghĩ của cháu, Đức Phật từ bi hỷ xả, cứu độ chúng sinh là một người giản dị, hiền lành, phúc hậu có tấm lòng yêu thương chúng sinh và Ngài chuyên đi làm việc thiện, cứu giúp thế gian, những ngừơi lầm than đói khổ hay những mảnh đời bất hạnh, lầm lỗi...

Cháu thấy việc Giáo hội Phật giáo VN tổ chức lễ rước đón Xá lợi Phật tốn kém như vậy thật không đúng với tinh thần nhà Phật. Phải chăng phải tổ chức hoành tráng như thế các đệ tử khắp cả nước mới thấy được sự tôn nghiêm của Đức Phật? Hay phải tổ chức như vậy mới xứng tầm với Xá Lợi Phật? Cháu không hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc này.

Cháu chỉ biết rằng xã hội còn nhiều lắm những người dân đói khổ, đang từng ngày từng giờ đối mặt với cái đói sẵn sàng cướp đi sinh mạng của họ (cái đói của những người dân ở thôn Pác Củng- huyện Na Hang, Tuyên Quang). Còn nhiều lắm những đứa trẻ đang chịu đói, chịu rét và thất học, bệnh tật.

Vậy thì với số tiền hàng tỷ đồng do Phật tử tự nguyện quyên góp để dùng vào việc rước Xá lợi Phật từ nước ngoài về, sao ta không dùng nó vào việc cứu giúp những con người đó cho đúng với tinh thần nhà Phật? Bản chất của người nhà Phật vốn giản dị, khiêm nhường, không chú trọng hình thức mà chú trọng đến cái Tâm, vậy thì chúng ta cũng hãy dùng chữ Tâm để nghênh đón Xá lợi.

Cháu cũng đang sống và làm việc theo đạo lý nhà Phật, luôn sống lương thiện và giúp đỡ những người khó khăn bằng sức mọn của mình. Nam mô A di đà Phật!

Bạn Tôm ([email protected]) đồng cảm với bức thư của độc giả Lê Minh Hiếu khi liên hệ với sự giáo dục của gia đình: Ngay từ nhỏ, bô mẹ cháu luôn dạy anh em chúng cháu rằng "thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Khi lớn khôn, bước vào cuộc sống nhiều bon chen, bố mẹ cháu lại dạy rằng "làm gì thì làm cũng phải giữ cho cái tâm mình trong sáng". Cháu chỉ nghĩ rằng ước gì những buổi khai trương, cắt băng khánh thành, động thổ, hội nghị....và ngay cả việc đón rước Xá lợi Phật vừa rồi bớt đi sự tốn kém, và giúp cho người nghèo, chắc chắn cũng khiến cuộc sống của họ bớt cực khổ rồi.

Bạn đọc Vô danh: Cháu đọc bức thư của bác Lê Minh Hiếu và rất kính trọng những gì bác giãi bày trong đó. Dù không am hiểu kinh Phật, không đi chùa đều đặn nhưng cháu hiểu Đức Phật là người giản dị, từ bi. Cháu cũng đã nghĩ số tiền kia dùng cứu giúp người nghèo hoạn nạn, người đổ máu xương vì đất nước này phải có ý nghĩa xiết bao. Cháu xin cảm ơn bác đã nói lên những suy nghĩ này thay cho cháu trong một bức thư đầy lòng hướng Phật.

Không phô trương, không lãng phí cũng là giới hạnh của người tu hành

Và những bạn đọc lớn tuổi, nhiều trải nghiệm, ý kiến chia sẻ trước sự kiện này được "mổ xẻ" khá sâu sắc.

Bạn Lê Nguyên Đức ([email protected])  cám ơn và chia sẻ với độc giả Lê Minh Hiếu: Tôi cũng là một Phật tử nhưng rất ít khi đến chùa. Tôi thấy hạnh phúc vì mình có căn duyên được biết đến Đức Phật. Tôi không dám bàn luận vì cũng không được học nhiều về giáo lý, nhưng đạo và đời là hai con đường song song với nhau. Phật nằm tại tâm, ai giữ được cái tâm chân chính không hình thức, không phô trương, không lãng phí, theo tôi cũng là giới hạnh, bản lĩnh của người tu hành trước cám dỗ của đường đời,

Bạn Phạm Đức Trọng ([email protected]), một phật tử, còn trẻ và thường xuyên đi chùa băn khoăn: Giữa lúc tiếng kêu cứu của chúng sinh không chỉ vang lên ở Pác Củng mà còn ở khắp mọi nơi, Giáo hội Phật giáo VN tổ chức một buổi lễ rình rang, tốn kém không chỉ 1,9 tỉ mà còn hơn thế rất nhiều. Cách làm phô trương không giống như những nhà thoát tục đích thực.

alt
Phật tử chen nhau tiếp cận bảo vật. Ảnh: VNN

Đáng ra, các Đại đức phải góp một tay vào việc thiện, kêu gọi Phật tử dành tiền cho người nghèo thì lại biến sự kiện trên thành một lễ hội tốn kém. Hãy dành một phần ít ỏi của khoản 1,9 tỉ trên để cứu trẻ em, người dân Pác Củng,  thì hữu ích, chân tu hơn.

Bạn Nguyễn Quốc Hòa ([email protected]): Tôi không có nhiều lý luận như bác Lê Minh Hiếu hay các bậc cao nhân. Nhưng tôi thấy bác Hiếu quá có lý. Còn nhiều việc để nhà chùa ban phát lòng từ bi bác ái của Phật giáo, quan trọng hơn việc phô trương hình thức. Cho nên việc tiêu tốn tiền của như sự kiện này là không đáng có. Dân gian hay ví"tiền chùa". Nghe xót xa quá.

Bạn Trần Quang Đại ([email protected]) xúc động khi đọc bài của ông Lê Minh Hiếu, chia sẻ: "Phật tại Tâm", minh triết ấy đã được nhân loại thừa nhận. Bài viết rất sâu sắc, ngôn ngữ nho nhã, làm người đọc khai tâm trí. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng giản dị là một biểu hiện của sự vĩ đại. Phật là người đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, tôi nghĩ Đức Phật sẽ rất vui lòng chịu thiệt thòi để dành tiền bạc, thì giờ, vật chất... giúp đỡ chúng sinh. Còn chạy theo hình thức, lãng phí, khoe khoang là đi ngược lại với lý tưởng nhân văn của Đức Phật.


Bạn Hoàng Cầm ([email protected]): Tôi chỉ là một người dân bình thường, và là một phật tử. Tôi cũng đã theo dõi sự kiện rước Xá lợi, cùng với bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương, của Đại đức Thích Thanh Thắng. Lòng tôi hết sức băn khoăn vì cảm nhận được những điều tâm khảm của họa sỹ trong bài viết của mình, nhưng khi đọc bài của Đại đức Thich Thanh Thắng, tôi bị thấy hẫng hụt.

Nay đọc được bài viết này của ông Lê Minh Hiếu, tôi như được cởi bỏ những khúc mắc trong lòng. Tôi tâm đắc cách lập luận của tác giả. Nó đơn giản, không lý thuyết dài dòng mà lại mang nặng cái tâm đối với cuộc sống thực tại: Hãy có tấm lòng thiết thực đối với thực tiễn đang cần tình thương và trách nhiệm của cả đời và đạo thì mới giải quyết được.

Tôi cảm phục tác giả vì tác giả đã củng cố niềm tin của tôi vào hình ảnh của Đức Phật khi ông viết: "Với tôi, đến tận bây giờ, cho dù ai nói gì thì hình ảnh Đức Phật trong tâm khảm tôi chỉ duy nhất là hình ảnh về một người áo vải phong phanh, chân trần đi qua thế gian để ban lòng từ bi vô tận cho những sinh linh bất hạnh.

Tôi không hiểu nhiều về Phật pháp, cũng không đọc nhiều. Có điều, nếu làm được một việc gì cụ thể để làm giảm nỗi khổ đau đang hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của chúng ta thì chắc đó cũng là mong muốn của Đức Phật. Và nếu một người trong Phật giáo làm điều ấy thì ảnh hưởng lại càng gấp bội.

Trên cơ sở những ý kiến đa chiều trong dư luận xã hội, khép lại cuộc trao đổi xung quanh sự kiện này, Tuần Việt Nam sẽ đăng thư của Đại đức Thích Thanh Thắng. Mời quí vị đón đọc

Tuần Việt Nam