Cái dũng đạo Phật qua con người của Tuệ Trung thượng sĩ

http://www.niemphat.com/hinhanh/niemphatbalamat/images/HinhPhatThichCa7_jpg.jpg

Đạo Phật là đạo của Bi, Trí, Dũng. Ở đây chúng ta tìm hiểu cái Dũng của đạo Phật biểu lộ qua một con người lịch sử, Thượng sĩ Tuệ Trung, một vị Thiền sư Cư sĩ đời Trần, xuyên qua những bài thơ mà ông đã để lại. Cái dũng của đạo Phật nơi Thượng sĩ Tuệ Trung có những tính cách gi? Tóm lại trong những điều nào ?

1 – Cái Dũng đối với việc sống chết, đối với sanh tử:

Trong bài “ Sống chết nhàn thôi vậy”, Thượng sĩ nói:

    • Người ngu điên đảo sợ sanh tử.

    • Kẻ  trí rõ thông, nhàn mà  thôi

Hoặc:

    • Thỏa  ước nguyện hề được chỗ muốn.

    • Sanh tử  bức nhau, có hề hấn gì.

Đó là cái Dũng của người tự tại với sanh tử, của người đã chứng biết Phật tánh chẳng sanh chẳng diệt, cho nên với việc sống chết, thì “kẻ trí rõ thông, nhàn mà thôi”.

2 – Cái Dũng đứng trước cuộc đời:

Trước cuộc đời, với bao nhiêu cám dỗ, câu móc về danh lợi, địa vị, tiền tài, thái độ của Thượng Sĩ là:

    • Ghé  tai theo tâm viên ý mã, khó  khỏi bị danh lợi trói vùi.

    • Phát lửa tam muội thiêu trừ, chứng đắc Niết Bàn sáng sạch

Hoặc là:

    • Tham sân si cùng đấu cùng tranh

    • Vô  số kiếp dọc ngang chín nẻo

    • Khéo chuyển y các căn hữu lậu

    • Bèn chứng nhập tam muội Chân Như

Hoặc là:

    • Trong lòng ví không nghiêng không lệch

    • Mặc tình nghe ai mắng ai khi

    • Đem lửa đốt trời chi nhọc sức

    • Đáy mắt thầm soi xuống từ bi.

Đây là cái Dũng mà đạo Phật nói là “tám gió thổi chẳng động”. Tám thứ gió là: được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca ngợi và trách mắng, hạnh phúc và đau khổ. Mạnh Tử cũng có nói: “phú quí chẳng hề làm cho dâm loạn, nghèo nàn chẳng thể làm cho đổi đời, uy vũ chẳng làm cho khuất phục”.

Cho nên, Thượng Sĩ  là người ở trong cuộc đời mà không bị cuộc đời ràng buộc, như đóa hoa sen trong lò lửa mà vẫn thường thanh tịnh:

    • Mới hay đời có Phật nơi người

    • Chớ  lạ sen bừng trong lửa rực

3 – Cái dũng trước nỗi khổ của chúng sanh:

Đó là cái Dũng của người ở tại thế gian để thức tĩnh thế gian:

    • Chao ! Chao ! Chao !

    • Ối ! Ối ! Ối !

    • Bọt trong biển cả uổng chìm nổi

    • Các hành vô  thường, thảy thảy không

    • ……..

    • Tỉnh ! Tỉnh! Thức !

    • Thức ! Tỉnh ! Tỉnh !

    • Đạp đất bốn bể chớ lệch nghiêng

    • Nơi  đây có kẻ nào tin được

    • Trên  đỉnh Tỳ Lô bước bước yên

Đó là cái Dũng của tâm từ bi, trách nhiệm với chúng sanh:

    • Biếng lên nẻo thánh siêu vòng bụi

    • Lỡ  hẹn trời người, uế trược căn

Đó là cái Dũng của người ở trong cuộc đời để cứu giúp người mà chẳng nhiễm ô bởi cuộc đời:

    • Mãnh hổ  chẳng tiếc gì mồi ngon

    • Ngọc sáng nào ngại chi sóng gió

    • Sắc chánh chẳng xá gì xanh đỏ

4 – Cái Dũng trong bổn phận công dân:

Như ta đã biết, Thượng Sĩ Tuệ Trung là anh ruột của Trần Hưng Đạo, ông đã trực tiếp đóng góp vào cuộc chiến đấu hai lần đánh chiếm cuộc xâm lược Nguyên Mông, và đã giúp đời Trần tạo dựng nên một thời đại đạt đến đỉnh cao về mọi mặt văn hóa, xã hội, kinh tế, quân sự không thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới vào thời ấy. Về già ông lại xin đi khẩn hoang lập ấp góp phần cho dân giàu nước mạnh. Nếu không thấm nhuần xâu xa Phật pháp thì không thể nào luôn luôn thoải mái, tràn đầy năng lực, luôn luôn tích cực trong mọi tình huống của đời sống như thế:

    • Trong lò  hồng rực rỡ một bông sen

    • Mất  ý khí lại đầy thêm ý khí

    • Được an tiện mặc tình ta an tiện.

Đó là những đặc điểm của cái Dũng đạo Phật nơi Thượng Sĩ Tuệ Trung. Mặc dầu sống cách những Trần Thái Tông, Thượng Sĩ Tuệ Trung, Trần Nhân Tộng … hơn 700 năm, ai trong chúng ta cũng có thể có những bài học từ cuộc đời của những vị ấy, những con người mà Phật pháp đã thấm nhuần để thành xương da và máu thịt, những con người đã sống đúng thực Phật pháp và tung rải nó ra thành sức sống của dân tộc. Với những vị đó, đạo Phật không phải là cái gì viễn vông, chỉ nằm trong ý niệm, trong sách vở mà là hiện thực, cụ thể là hiển nhiển như chính cuộc đời.

Nguyễn Thế  Đăng