Xây dựng nếp sống đẹp theo lộ trình Giới - Định - Tuệ

 

altPhật giáo có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, tất cả đều nhằm mục đích xây dựng nếp sống đẹp cho con người và cuộc đời. Nhưng dù là pháp môn nào đi nữa cũng không nằm ngoài lộ trình ba nguyên lí Giới Định Tuệ. Giáo sư Minh Chi nhận định: “Ba môn học Giới Định Tuệ là công phu căn bản của Phật giáo”[1]. Vậy, Giới Định Tuệ là gì? Giải Thoát Luận định nghĩa một cách ngắn gọn như sau: “Giới giả oai nghi nghĩa, Định giả bất loạn nghĩa, Tuệ giả giác tri nghĩa. Thị dĩ giới trừ ác cấu, định trừ triền cấu, tuệ trừ sử cấu”. (Giới có nghĩa là oai nghi, định có nghĩa là tinh thần không loạn, tuệ có nghĩa là giác ngộ hiểu biết. Thế nên giới trừ được điều nhơ ác, định trừ được điều nhơ tối hậu, tuệ trừ được điều nhơ sai khiến).[2]

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhận định:

“Giáo dục về giới là đoạn trừ các điều ác, thực hiện các điều thiện dựa trên cơ sở con người và ba nghiệp”.

“Giáo dục về định là chế ngự và chận đứng vọng niệm đoạn trừ phiền não”.

“…Với trí tuệ vô lậu, trong sáng định tĩnh, quán sát thấy thân, tâm, và cảnh vật là vô thường, khổ, vô ngã…”[3]

Thiết nghĩ rằng, một nền giáo dục hoàn mỹ phải là một nền giáo dục hoàn thiện con người cả đạo đức lẫn tri thức, cả thể chất lẫn tinh thần. Với ý nghĩa Giới Định Tuệ vừa nêu, có thể đáp ứng được nhu cầu như thế.

Giới trong Phật giáo không phải là một hệ thống giáo lí mang tính giáo điều, cũng không phải là những luật lệ có tính chất áp đặt. Nó là những nguyên tắc sống phù hợp với tình cảm của con người và chuẩn mực đạo đức xã hội. Giới, được dịch từ chữ “śila” của tiếng Phạn, có nghĩa là: “phòng phi chỉ ác”. Giới trong Phật giáo được ví như là hàng rào ngăn ngừa mọi hành vi cử chỉ sai trái, tội lỗi của con người; chỉnh đốn tác phong và oai nghi của con người; giúp con người có đời sống mà bên ngoài thì trang nghiêm thân tướng, bên trong thì đầy đủ đức độ. Như vậy, giới chính là điều kiện giúp con người sống xứng đáng với một con người, giúp cho “tính người” trong mỗi con người được thể hiện một cách trọn vẹn.

Định trong Phật giáo là phương pháp rèn luyện kỉ luật tâm linh. Người hành trì định không phải nhằm mục đích đạt được thần thông để phi hành tự tại, mà là để loại trừ các cấu uế của tự tâm, làm chủ không để tâm chạy theo các dục tình bên ngoài.

Tuệ trong Phật giáo là nhờ vào sự tu tập thiền định mà có. Tuệ nầy không giống như trí thông minh thông thường của thế gian. Người có trí tuệ không phải là người có kiến thức uyên bác, học rộng hiểu nhiều, mà là người có cái nhìn đúng đắn, không lầm lạc: “Chân thật biết chân thật, không chân biết không chân”. Trong kinh Di giáo, đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuệ: “Các thầy tỳ-kheo, nếu có trí tuệ thì không tham trước, thường tự soi sáng, tránh khỏi lỗi lầm, ở trong chánh pháp người ấy có thể giải thoát. Nếu không như vậy thì chẳng những không phải là người xuất gia cũng không phải là người thế tục, không biết gọi là gì”.

Như vậy, dù là người nào, xuất gia hay thế tục, trí tuệ vẫn là quan trọng, không có trí tuệ, cuộc sống con người chẳng có giá trị gì cả.

Nói tóm lại, Giới, Định, Tuệ là điều kiện cần và đủ để hoàn thiện con người và xây dựng cuộc đời. Nó giống như cái đảnh ba chân, thiếu một không thể được. Bởi, Giới đưa đến đời sống phạm hạnh, Định đưa đến đời sống tỉnh giác, Tuệ đưa đến đời sống sáng suốt, thấy đúng sự thật. Ba phạm trù nầy luôn có sự tương quan mật thiết lẫn nhau và bổ sung cho nhau:

Đạo đức và thiền định là nền tảng để cho trí tuệ thăng hoa. Trí tuệ và thiền định giúp cho đạo đức có được độ vững chắc và có được phương hướng mục tiêu tốt. Đạo đức làm cho tâm thức có thêm sức mạnh để tu tập thiền định; và trí tuệ sẽ làm yếu đi tâm cố chấp, nhờ vậy giảm thiểu trạng thái cố chấp xung đột phân tán[4].

Với ý nghĩa đó, Giới Định Tuệ chính là con đường Trung đạo, con đường đưa đến an lạc hạnh phúc chân thật cho xã hội con người. Nói là Trung đạo vì nó không đưa hành giả đến cuộc sống khổ hạnh ép xác hay hưởng thọ dục lạc, cũng không phải chỉ phát triển nhân cách đạo đức mà bỏ quên vấn đề tâm linh (và ngược lại); mà nó là phương pháp nhằm quân bình hóa cuộc sống, đưa nhân loại thoát khỏi những bi kịch của cuộc đời do mọi lối sống thiên chấp gây ra.

Nói về con đường Trung đạo, Hòa thượng K.Sri Dhammananda nhận định: “Con đường Trung đạo không phải là một con đường trừu tượng và cũng không phải là một con đường nghi thức. Con đường nầy cũng chẳng phải giáo điều và cũng chẳng phải hoài nghi chủ nghĩa chẳng phải tự mình say đắm mải mê và cũng chẳng phải tự mình hành xác, chẳng phải là thuyết bất diệt cũng chẳng phải là thuyết hư vô, chẳng phải là một định luật ban hành bởi chức quyền thần thánh nào đó và cũng chẳng phải chỉ thuần túy là trí tưởng tượng của một thế lực ngoại tại nào. Đó là con đường giác ngộ, một phương cách để thoát khỏi khổ đau và bất toại nguyện… người theo con đường Trung đạo tìm thấy niềm an lạc và hạnh phúc thực sự. Con người có thể tiến tới một cuộc đời đáng kính mà không cần phải làm tôi mọi cho bất cứ một niềm tin nào, góp phần vào an lạc và hạnh phúc của mình bằng cách sống hài hòa với người khác và với môi trường chung quanh”.[5]

Quả là một phương pháp hoàn mãn, một con đường cao quý. Đây là con đường mà tự thân con người có thể thực hiện được bằng tất cả khả năng của mình ngang qua việc hành trì Giới, Định, Tuệ mà không phải nhờ vào một thế lực ngoại tại nào. Cho nên trong Phật giáo, thành tựu trọn vẹn Giới Định Tuệ tức là sống trọn với tinh thần Trung đạo, và như vậy là hành giả đã xây dựng một nếp sống đẹp hoàn mãn ngay trong cuộc đời nầy.■

----------------------------------------------------------------------

[1]. Các Vấn Đề Phật Học, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1995, tr.256.
[2]. Trần Thái Tông, Khóa Hư Lục, Nguyễn Đăng Thục (dịch), Khuông Việt, Sài Gòn, 1975, tr. 58.
[3]. Giáo Dục Phật giáo Trong Thời Hiện Đại, Nxb Tp.HCM, (2001 ), tr. 194-197-198
[4]. Ven. Thubten Chodron, Thuần Hóa Tâm Hồn, Thích Minh Thành (dịch), Nxb Tổng Hợp Tp. HCM 2003, tr.147.
[5]. Thích Tâm Quang (dịch), Mục đích cuộc đời và đường lối sống, website quangduc.com

Chơn Hạnh