Sống hạnh viễn ly

Hạnh viễn ly là một trong  những hạnh của Bồ tát.  Trước nhất phải hiểu rõ  ý nghĩa viễn ly là gì và hạnh viễn ly là thế nào. Dùng từ dễ hiểu, viễn ly là xa lìa. Mới bắt đầu tu, tất cả chúng ta đều có ý niệm từ bỏ gia đình, từ bỏ người thân, tránh xa miền thế tục, vào rừng sâu, lên núi cao để tu hành, mong được giải thoát, đắc đạo.

Đức Thế Tôn khởi đầu cũng lập hạnh viễn ly như vậy, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, xa lìa tất cả những gì mà người thế gian cho rằng đáng quý trên cuộc đời này. Trải qua sáu năm tu hành, Ngài hoàn toàn từ bỏ đời sống vật chất, hay nói đúng hơn, không bị đời sống vật chất chi phối, Ngài đã được an lạc, giải thoát ở bước đầu. Tổ Thiên Thai cũng dạy chúng ta phải từ bỏ vật chất mới phát huy được đời sống tâm linh và khi nhận ra được đời sống tâm linh mới phát hiện điều quan trọng hơn, đó là đời sống tâm linh có hai phần : vọng và chơn, hay chân linh và vọng thức.

Trong mỗi kiếp sống của con người, thân vật chất phải bỏ lại sau khi mãn tuổi thọ của nó, nhưng phần vật chất vi tế là vọng thức mà người đời thường gọi là linh hồn, tuy không thấy được bằng mắt, lại rất quan trọng; vì chính vọng thức là hạt nhân đóng vai trò quyết định trong việc dẫn con người đi tái sanh trong cảnh giới sanh tử luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu phần vật chất vi tế, tức vọng thức thuộc về thiện, chúng ta sẽ tái sanh vào cõi Trời, hay cõi người. Nếu vọng thức thuộc loại cực ác, tất yếu họ phải vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Vọng thức hay phần vật chất vi tế của ta dễ dàng tương quan với vi tế vật chất của người khác, hoặc dễ tương thông với vi tế vật chất của người đã chết, thường gọi là hồn ma. Thí dụ, ngồi trong phòng bình thường, nhưng ta cảm giác có ma, họ là người đã bỏ thân vật chất, mà vẫn còn chịu sự tác động của phần vi tế vật chất thuộc ác nghiệp.

Trước kia, họ từng sống ở căn phòng này, nên tâm chấp trước căn phòng này, căn nhà này là của họ, vì vậy mà tâm thức họ vẫn thường gắn bó chặt chẽ với nơi này, không rời xa được. Người Việt Nam thường thờ thần tài thổ địa tiêu biểu cho người đã sống ở đây không còn thân tứ đại, nhưng họ còn thân vật chất vi tế mà người  ở sau quý trọng họ, nhờ họ phò hộ cho được an lạc.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng thân vật chất vi tế này, tức trung ấm thân của người chết đến một lúc nào đó, tâm quyến luyến đời trước của họ không còn nữa, thì họ sẽ tái sanh ở cảnh giới khác. Người ngoại cảm hoặc người lên đồng dễ liên hệ với thế giới quỷ thần hơn chúng ta, nhưng họ phải ngồi yên mới quan hệ được.

Vì vậy, bước đầu chúng ta xa rời thế giới vật chất để lên núi cao ẩn dật, nhưng không từ bỏ được thế giới vi tế vật chất, rất dễ lạc vào cảnh giới của quỷ thần; đa số ngoại đạo tu hành thường đi lạc vào đường này là như vậy.

Thế giới vi tế vật chất này, Duy Thức học xếp vào một trăm pháp (bách pháp). Một trăm pháp chính yếu phát xuất từ sáu căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và đó là căn bản của thế giới tâm thức.

Chúng ta còn sống có đầy đủ năm phần của ngũ uẩn thân là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhưng người chết chỉ còn thế giới vật chất vi tế, tức họ mất sắc chất và còn thọ, tưởng, hành, thức. Bốn phần vi tế vật chất này không thấy bằng mắt, nhưng cảm tâm được.

Ngoài sáu căn bản phiền não còn có 20 tùy phiền não là phẫn, hận, phú, não, xan, tật, cuống, siễm, hại, kiêu, vô tàm, vô úy, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Tâm thức chúng ta thuộc loại nào thì sẽ tương ưng với những người có tâm thức như vậy. Thí dụ ta ghét người nào thì sẽ có người cũng ghét giống như vậy đến với ta. Ai cũng có bạn, nhưng là bạn ác hay bạn lành. Nếu tâm chúng ta lành sẽ có Phật, Bồ tát tới; tâm ác sẽ có bạn ác tìm đến.

Vì vậy, nhìn thấy người xung quanh mình sẽ biết được tâm mình như thế nào. Khi chúng ta tập họp toàn là người ác, nghĩa là thế giới tâm thức của chúng ta toàn là ác, thì đến khi bỏ xác thân này, chúng ta liền có thế giới ác cho mình bước vào sống.

Sáu căn bản phiền não và 20 tùy phiền não tác động để hiện ra con người tâm linh của chúng ta là ác ma. Nếu sáu căn bản phiền não mất và 20 tùy phiền não không theo thì hiện tượng ma này tự mất; vì nó chỉ là ảo, không thật.

Ngoài 20 tùy phiền não, chúng ta còn có 24 bất tương ưng hành pháp cũng thuộc tâm thức, gồm có : đắc, mạng căn, chúng đồng phận, dị sinh tính, vô tưởng định, diệt tận định, vô tưởng báo hay vô tưởng sự, danh thân, cú thân, văn thân, sinh, lão, trụ, vô thường, lưu chuyển, định dị, tương ưng, thế tốc, thứ đệ, phương, thời, số, hòa hợp tính, bất hòa hợp tính.

alt

Bất tương ưng nghĩa là trái lại, là không phù hợp, là mâu thuẫn từ trong lòng chúng ta cho đến mâu thuẫn bên ngoài. Chúng ta nghĩ như thế này, sẽ có người khác nghĩ trái lại, luôn luôn là như vậy.

Ý tưởng của chúng ta là vọng, là ma, nên một ý tưởng nào của chúng ta sanh ra thì liền chúng ta có ý tưởng khác trái ngược. Bất tương ưng hành pháp có thuận và nghịch. Công bằng mà nói nhờ tính chất mâu thuẫn của pháp bất tương ưng, tức nhờ có ý ngược lại mà đôi khi chúng ta thường nảy sanh sáng kiến mới.

Trên bước đường tu hành, chúng ta sống với dạng tâm sẽ nhận thấy được phiền não, tùy phiền não và bất tương ưng hành pháp, nghĩa là đứng ở trạng thái chân tâm mà quán sát vật chất. Đức Phật dấn thân trên con đường cát bụi, bỏ điện ngọc vào núi rừng ẩn tu, cũng đi trên con đường này và khi đến Bồ đề đạo tràng, Ngài ngồi tĩnh tâm tư duy trong 21 ngày, đạt đến đỉnh cao của hạnh viễn ly.

Nói cách khác, con đường từ cung điện đến Bồ đề đạo tràng rất xa, hay Đức Phật đã thể hiện sự xa rời hoàn toàn thế giới vật chất, tất cả người thân cũng xa rời, không tiếp cận được, thì ở tại Bồ đề đạo tràng mới hiện lên thế giới Tâm và Thức, rồi dùng chân tâm để quán sát vọng thức. Đó là lộ trình người tu ngồi yên dùng tâm quán sát tâm.

Về ý này, thuở còn ngồi ghế Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hoa có dạy một câu mà tôi còn suy nghĩ trong suốt 40 năm, cho đến nay tôi vẫn còn tiếp tục cân nhắc, đó là câu Dĩ tâm duyên tâm, chân đới sắc; nghĩa là thế giới vật chất vi tế hiện ra trong tâm nếu dùng chân tâm quán sát vọng tâm.

Thật vậy, đứng ở lập trường chân tâm quán sát vọng tâm hay vọng thức của chúng ta thì tất cả những diễn tiến trong cuộc đời này hay nhiều đời trước của chúng ta sẽ hiện ra đầy đủ.  Trước tiên, chúng ta sẽ thấy những gì gần nhất hiện ra trong Thức hay trong vọng tâm, trong trí nhớ của chúng ta.

Thí dụ tôi ngồi yên, cuộn phim cuộc đời của tôi từ lúc còn bé học ở trường làng cho đến khi tôi xuất gia và tu học ở nước ngoài, tất cả những việc làm trong suốt cuộc đời 70 năm của tôi hiện ra đầy đủ trong Thức, được gọi là ảo giác, ảo ảnh; đó là phần vi tế vật chất, tuy là ảo, nhưng phải có mới hiện ra được.

Thức của chúng ta giống như cái máy ghi hình ảnh. Chúng ta ngồi yên mở cuộn phim đời này, thấy rõ đầy đủ tất cả, gọi là tâm duyên tâm, vì đóng kín bên ngoài lại để quán sát bên trong. Lúc trước, chưa tu, chúng ta đã vác máy đi quay hình ảnh bên ngoài, nhưng nay, ngồi yên, không quay hình bên ngoài nữa, mà mở máy coi hình bên trong đã được ghi lại.

Quán sát những gì chúng ta làm trong quá khứ và đánh giá xem điều nào đúng, việc nào sai, điều nào tốt, việc nào gây khổ đau, để cho chúng ta kinh nghiệm. Ngồi yên tu, quay lại cuộn phim cuộc đời của mình, điều gì đúng chúng ta giữ gìn, tất cả sai lầm thì loại bỏ để có cuộn phim tốt đẹp; đó là tham Thiền, tự hoàn chỉnh cuộc đời tu hành của mình. Và đạt đến đỉnh cao nhất là hồi tưởng được tất cả kiếp sống quá khứ, gọi là chứng Túc mạng minh, tức đánh giá được quá trình tu học của nhiều đời quá khứ.

Tất cả các vị Thánh La hán  chứng Túc mạng minh,  còn chúng ta chưa đạt  được như vậy, cũng hiểu được phần nào quá trình tu hành của mình, biết rõ những việc làm đúng sai để phát huy điều đúng và hóa giải điều sai lầm. Riêng tôi luôn tự hoàn chỉnh cuộc đời tu của mình theo cách đó, vào Thiền định, tôi thường quán sát việc mình làm đã gặt hái được thành quả nào lợi lạc cho bản thân, cho mọi người để tiếp tục phát huy và gạn lọc những gì chưa thích hợp và tôi đưa ra những gì đã làm được, giảng dạy cho đại chúng.

Nhờ những kinh nghiệm quá khứ giúp chúng ta có cái nhìn hiện tại chính xác hơn, đó là Thiên nhãn minh; bấy giờ tâm thanh tịnh của chúng ta cộng với quá khứ tu hành, nhìn đời biết rõ ta sanh vào thời kỳ nào, ở quốc độ nào để có cách hành đạo tương ưng thích hợp. Người nhiều nghiệp chướng trần lao, không ý thức điều này, nên thường sống với bất tương ưng hành pháp; vì tham vọng nhiều trở thành mờ mắt, họ không bằng lòng hiện tại.

Người trước mặt là kẻ thù truyền kiếp quá khứ mà lại nhận nó làm con, gọi là nhận giặc làm con. Trong kiếp này, tuy nó là con chúng ta, nhưng đó là nghiệp chướng oan gia đời trước sanh lại để phá hại ta.

Thiên nhãn minh của Đức Phật là thấy đúng được thực tế, Ngài cho biết Đề Bà Đạt Đa tuy hiện đời là em họ của Ngài, nhưng ông đã từng là kẻ thù truyền kiếp. Nhờ tuệ giác, nên Đức Phật biết rõ kiếp nào Đề Bà Đạt Đa cũng phá hại Ngài, nhưng Phật khéo vận dụng tâm từ bi và trí sáng suốt, nên Ngài chuyển hóa được nghịch duyên thành thuận duyên, mà kinh gọi là chuyển khổ duyên nhi thành lạc cụ.

Người tham lam ích kỷ thấy nghịch duyên là khổ, còn đối với người có trí tuệ thì duyên khổ này trở thành cơ hội tốt để tạo công đức. Ý này được người đời diễn tả là có khó mới có khôn, không gặp việc khó khăn, trí khôn không sanh.

Trên bước đường tu, tôi không bao giờ muốn việc dễ, việc càng khó tôi càng nghiêm túc; cũng giống như chơi cờ, có ai muốn tìm người dở để chơi hay không, người hơn, chúng ta thua mới học được cái hay của họ.

Cần ý thức rằng tất cả những nghịch duyên trên cuộc đời này giúp trí khôn chúng ta phát triển và chuyển hóa thành công đức nếu khéo vận dụng. Đức Phật đã dạy yếu nghĩa này trong kinh Hoa Nghiêm rằng Bồ đề không gieo vào hư không được, hoa sen không thể mọc trên đá, hoa sen chỉ nở hương thơm trong bùn. Bồ đề phải trồng trên mặt đất, đất này tiêu biểu cho chúng sinh. Người tu mang hạnh viễn ly vào rừng sâu mà ở đó hết cuộc đời không được gì, càng tu tâm trí càng mờ mịt.

Đức Phật dạy rằng quả Bồ đề thuộc về chúng sinh. Chúng ta đối diện với cuộc đời, xem chúng sinh diễn xuất tất cả phương cách sống mới cho chúng ta biết rõ chúng sinh là gì. Không thấy được những thủ đoạn khôn ngoan, dối trá, lừa lọc của chúng sinh như thế nào, chắc chắn chúng ta trở thành kẻ khờ dại trên cuộc đời này.

Quả Bồ đề thuộc chúng sinh, nói đủ là chúng sinh nghiệp và chúng sinh phiền não. Phật ví nghiệp chúng sinh như nước, phiền não ví như phân, chúng sinh ví như đất; đất mà không có phân và nước thì cây Bồ đề không mọc được. Có phân và đất ẩm, cây Bồ đề phát triển rất nhanh. Cũng vậy, người tu đối diện và chuyển hóa được nghiệp chúng sinh và phiền não chúng sinh, thì công đức càng lớn. Vì vậy, không có chúng sinh, không thể thành tựu quả vị Vô thượng Đẳng giác.

Đến kinh Pháp Hoa, Đức Phật mới dạy thêm rằng có hai hạng Bồ tát : Bồ tát mới phát tâm và Bồ tát thành Vô thượng Đẳng giác vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời này. Chúng ta tu hành, quán sát hai hạng Bồ tát này thấy rõ các Ngài không có hạnh viễn ly giống như chúng ta. Hạnh viễn ly của Bồ tát là xa rời tâm chấp trước, không phải bỏ thế giới đang sống.

Đa số chúng ta sai lầm, từ bỏ thế giới đang sống để đi tìm ảo giác, tức tìm lông rùa sừng thỏ, vào núi rừng tìm đạo làm gì có trí khôn, làm gì có tuệ giác. Tuệ giác chỉ có được nhờ cọ xát với chúng sinh, không có phiền não trong cuộc sống này thì chúng ta cũng không thể hiện được đạo đức của người tu. Người không tốt, nhưng ta phải tốt, hay nói cách khác, người không tốt, ta mới trở thành tốt. Người xung quanh tham lam ích kỷ, kém hiểu biết, ta mới phát huy được hiểu biết trong sáng và đức hạnh của mình.

Bồ tát chỉ xa rời tâm chấp trước, viễn ly tâm chấp trước, không phải viễn ly cuộc đời. Ta vào đời sống với mọi người, nhưng mọi việc mà người đời làm không dính vô thân tâm ta, mới là hoa sen không dính nước, hoa sen mọc trong bùn nhưng tỏa hương thơm ngát cho đời.

Ngoài ra, ta xa rời chấp trước, nhưng cuộc sống ta phải cao hơn mình tưởng, kinh Pháp Hoa gọi là bất tư nghì, tức không hiểu được. Vì người đời quá tham lam, nghĩ rằng bỏ là mất, giành còn không được, cho nên họ cố giành nhau cho đến giết hại nhau. Nhưng khi chúng ta xa rời tâm chấp trước, cái nhìn của chúng ta trở nên chính xác hơn.

Bồ tát Phổ Hiền dạy rằng những gì đáng quý trên cõi thế gian còn mang theo được thì nên tích cực tu hành, nên làm, cái gì bỏ lại cuộc đời, không mang theo được, thì không nên bận tâm; đó là xa rời tâm chấp trước và mang theo điều tốt đẹp.

Xa rời vật chất, nói chung là Phật dạy từ bỏ chấp ngã và chấp pháp, tức chấp thân ta và chấp vật sở hữu của ta; vì sợ người khác giành nên ta luôn gắn chặt với ngã và vật sở hữu, mới phải khổ đau.  Xa rời sự chấp trước không phải là xa lánh cuộc đời. Bồ tát phát tâm, xa rời tâm chấp ngã và tâm chấp pháp, lại làm được nhiều việc lợi ích cho người hơn. Nếu chấp cái gì đó của ta, ta mới làm hết lòng, còn chấp cái gì của đại chúng, mình không bận tâm; như vậy là sai lầm lớn.

Tôi nghe một số thầy nói rằng nhiều sãi ở chùa thì không ai đóng cửa chùa. Nói như vậy thật là người tu ngớ ngẩn. Công đức sanh ra khi bỏ tâm chấp ta và chấp của ta, thì bấy giờ đối với tôi, dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam trên hết. Thiết nghĩ nếu Phật giáo Việt Nam không còn, hoặc bị suy đồi, cuộc sống chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa.

Trên bước đường tu, chúng ta không quan tâm đến cái ta và sở hữu của ta; không chấp ngã và không chấp pháp, mới nhận ra ta làm được gì và cái nào mang theo được. Nhận chân sâu sắc như vậy, dễ trở thành người tốt và chỉ có tâm an lạc, giải thoát mới đưa chúng ta đi xa hơn trên lộ trình Phật đạo. Bồ tát mới phát tâm Bồ đề cũng xa rời tâm chấp trước và cố gắng làm được những việc tốt đẹp cho đất nước, cho đạo pháp, trước khi từ giã cuộc đời ra đi và đem theo trí tuệ trong sáng, đem theo kinh nghiệm tu hành.

Như vậy, cần cọ xát để phát huy trí tuệ, để đem theo trí tuệ và làm tốt cho người, gieo vào lòng người ý niệm tốt. Những thiện cảm này mang theo được để tái sanh ở nơi nào, chúng ta cũng có quyến thuộc tốt. Thật vậy, kiếp trước có cọ xát với nghiệp chướng, nên kiếp này chúng ta có kinh nghiệm và chúng ta đã gieo hột giống Bồ đề với quyến thuộc rồi,  nên kiếp này mới gặp lại quyến thuộc cùng hỗ trợ nhau tu hành.

Vì vậy, Bồ tát thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời này thì gặt hái những thành tựu lớn hơn, vì các Ngài đã có trí tuệ viên mãn, có tình thương bao la và có đạo hạnh tròn đủ. Sử dụng ba điều hoàn hảo này, nên các Ngài làm được việc lớn một cách nhẹ nhàng, các Ngài mới là Bồ tát, là Tổ, là tấm gương sáng chói cho người nương nhờ.

Ngoài ra, còn một hạng Bồ tát nữa cũng là Bồ tát viễn ly, đó là Bồ tát Tùng địa dũng xuất là Bồ tát cốt lõi, quan trọng nhất của kinh Pháp Hoa. Bồ tát Di Lặc còn không thấy được Bồ tát tùng địa dũng xuất, vì các Ngài không nương Trời người. Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ các vị Bồ tát này trong thế giới Thiền định, khi chúng ta vào định, vượt được năm phần ấm thân là sắc, thọ, tưởng, hành, thức và thâm nhập vào thế giới Thường Tịch Quang chơn cảnh.

Riêng tôi, cách nay 30 năm, tôi nhận thấy mọi việc rất khó, cảm nghĩ rằng không thể làm được gì. Lúc đó, tôi chỉ nhiếp tâm trì kinh Pháp Hoa, không nghĩ bất cứ việc gì cả và tôi chợt nhận ra đạo lực vô cùng của Bồ tát tùng địa dũng xuất. Tôi cầu xin Bồ tát tùng địa dũng xuất thầm giúp cho người tụng Pháp Hoa. Có thể nói đó là sự tuyệt vọng hoàn toàn trên cuộc đời này vì không làm được gì, nên mong sao các Ngài xuất hiện trên thế gian để trợ lực cho chúng ta làm được việc lợi ích cho nhiều người.

Tóm lại, Phật dạy chúng ta chỉ viễn ly tâm cố chấp mà thôi và xa hơn, đi vào tận nguồn tâm, sẽ diện kiến chư vị Bồ tát tùng địa dũng xuất ở Thường Tịch Quang chơn cảnh. Các Ngài sẽ xuất hiện trên cuộc đời để soi đường dẫn bước cho nhiều người, mang đến trí sáng và cuộc sống giải thoát cho số đông. Như vậy, hạnh viễn ly theo Bồ tát là làm lợi ích cho cuộc đời, không phải trốn tránh đời. Người xa lánh thế gian, tìm chỗ an nhàn mà sống, không xa rời tâm chấp trước, chắc chắn không bao giờ được gặp Phật và chư Bồ tát.

Chẳng viễn ly tâm chấp ngã, chấp pháp, chẳng thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp của Như Lai, chẳng có có cùng hạnh nguyện dìu dắt chúng sanh đến bến bờ giác ngộ giải thoát như Phật và Bồ tát, tất yếu chẳng có được sự gia hộ của các Ngài, thì chẳng thể viễn ly được gì cả, cũng như chẳng thể ra khỏi Nhà lửa tam giới để đến Niết bàn hay Tịnh độ của chư Phật.

HT.Thích Trí Quảng