Giảng giải kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt (phần 2)

Nội dung của Kinh nói về giá trị, phẩm chất của một vị mâu ni. Tuy tên của Kinh là Phụ Tử Cọng Hội  (Cha Con Gặp Nhau) nhưng “cha con gặp nhau“ chỉ là cơ hội để Đức Thế Tôn giảng Kinh còn nội dung của Kinh nói về phẩm chất của một vị mâu ni. Trong Kinh Mâu Ni đã học lần trước chúng ta đã biết thế nào là phẩm chất của một vị mâu ni, một ông thầy tu tĩnh lặng đạt tới sự bình an và không có nhu yếu nói nhiều. Trong Kinh này chúng ta tiếp tục học và đi sâu hơn vào chủ đề đó.

Dave Một vị mâu ni có nghĩa là một ông thầy tu tĩnh lặng. Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là một ông thầy tu tĩnh lặng thuộc dòng họ Thích Ca. Trước Đức Thích Ca đã có một vị mâu ni, đó là Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni Buddha). Lúc mới thành đạo, Bụt được người ta gọi là một vị mâu ni, một vị đại mâu ni (maha muni). Khi Bụt về thăm nhà thì mọi người cũng gọi Ngài như vậy, và trong buổi hội họp đó có một người đặt câu hỏi: Thế nào là một vị mâu ni?

Trong tạng Pali chúng ta có Kinh Purābheda Sutta tương đương với Kinh Phụ Tử  Cọng Hội này, và nó nằm trong bộ Kinh Tập (Sutta Nipāta). Chữ Purābheda có nghĩa là: trước khi tan rã (before the disintegration). Tan rã cái gì? Tan rã hình hài của mình. Chúng ta có thể dịch Kinh này là kinh Trước Khi Hình Hài Tan Rã hay kinh Khi Hình Hài Còn Đó. Bây giờ hình hài mình còn đây, mình đang còn sống nhưng thế nào cũng có một ngày hình hài này phải tan rã.

Chúng ta cũng có thể dịch là kinh Khi Ta Còn Sống. Nhưng nội dung của kinh này nói về phẩm chất của một vị mâu ni. Vì vậy thầy trò mình sẽ đặt tên cho kinh này là kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt.

Tập san Ulysse, một tập san tiếng Pháp nói về du lịch, số tháng giêng 2010 có nhiều trang nói về đạo Bụt và Đức Thích Ca. Bài nói về Đức Thích Ca viết: Bụt không phải là một vị thần linh. Bụt là một con người đã vượt thoát tất cả mọi đam mê (Bouddha est un homme, un être humain qui a dépassé toute passion). Câu đầu tiên của kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt là một câu hỏi: “Thế nào là một vị mâu ni?” Và câu trả lời đầu tiên: đó là người đã vượt thoát tất cả những đam mê. Vì vậy kinh này được gọi là kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt, nghĩa là tuy hình hài còn đó nhưng mọi đam mê đều không còn nữa. Đam mê là những ngọn lửa thiêu đốt thân tâm ta suốt đêm ngày, vì vậy nên khi không còn đam mê thì hạnh phúc rất lớn. Chúng ta cũng có thể đặt tên cho kinh là Phẩm Chất Của Một Vị Mâu Ni.

Chúng ta có một bản chữ Hán, một bản tiếng Pali và hiện nay chúng ta đã dịch kinh này ra tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Hồi tôi còn là một học tăng trong Phật học viện thì không có máy in hay máy photocopy. Mỗi người đều phải tự chép tay, có khi phải chép tay một bài học bằng chữ Hán dài tới bảy trang. Trong một viện Phật học chỉ có một pho tự điển, có cơ hội sử dụng để tra rất khó. Tôi phải dồn tất cả những chữ mình thắc mắc rồi xin phép một hôm nào vào trong viện để tra một lượt. Bây giờ mỗi người đã có sẵn một bản in để học, kinh lại còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và có sẵn bản gốc để tra thì phải biết rằng mình rất may mắn.
Chúng ta ôn lại bốn bài kệ đã được học kỳ trước:

1. Đã tiếp nhận đầy đủ giới pháp, chúng con phải nhận diện như thế nào và phải nói như thế nào cho đúng về bậc có chánh kiến, bậc đã được sinh ra như một vị anh hùng trên thế gian, bậc đã vượt thoát mọi ràng buộc khổ nạn? Xin đức Gotam chỉ dạy.

2. Đó là người đã buông bỏ được mọi hiềm hận về quá khứ, mọi thắc mắc lo âu về tương lai. Trong giây phút hiện tại, người ấy cũng không bị hệ lụy vào bất cứ gì, cũng không bị kẹt vào hư danh và sự tôn kính của kẻ khác. (Trong bản tiếng Pali chúng ta đọc bài kệ thứ hai như thế này: Đó là một người tuy hình hài tuy còn đó nhưng không còn ham muốn gì. Vì vậy nên người ta lấy câu này làm đề kinh.)

3. Không tham đắm vào tương lai, không ưu sầu về quá khứ, người ấy trên đường mình đi đã buông bỏ mọi tham cầu, mọi tà kiến, không giữ lại một tư kiến nào.

4. Đã buông bỏ mọi sợ hãi, đã trở nên vững chãi, nuôi dưỡng được chánh tín, người ấy diệt trừ được mọi nghi nan, không tật đố, lòng hoan hỷ với những gì đang có và yêu nếp sống thảnh thơi.

Bây giờ chúng ta học đến bài kệ thứ năm:

Bài kệ 5

Năng tự thủ bất đa vọng                                      能自守不多望
Tự đa đắc tuệ vô tật                                           自多得慧無嫉
Bất ác xú bất mô dã                                            不惡醜不嫫冶
Bất lưỡng thiệt xả hí nghi                                     不兩舌捨戲疑

Có khả năng tiết chế, không tham vọng, có nhiều tuệ giác, không ganh ghét ai, không nói xấu ai, không trau chuốt bên ngoài, không nói lưỡi hai chiều, người ấy buông bỏ mọi hý luận và nghi ngờ

Năng tự thủ: Có khả năng làm chủ chính mình. Mình có quyền lực, quyền lực này không do người khác đem tới mà có được nhờ vào sự thực tập của chính mình. Đó là khả năng làm chủ cuộc đời mình, không bị bất cứ thứ gì từ bên trong hay từ bên ngoài kéo đi. Chúng ta dịch là có khả năng tiết chế (self restrain).

Khi chơi, khi ngủ, khi ăn, khi làm việc, mình phải có khả năng tiết chế, phải điều độ, đừng để bị đam mê hay thói quen kéo theo. Ăn là một cơ hội để mình thực tập tự chủ. Thường thường ai cũng muốn ăn ngon, nhưng ngon hay dở cũng tùy thuộc rất nhiều vào chủ quyền của mình.

Ở Làng Mai chúng ta khuyến khích nên ăn chậm, phải nhai ít nhất là 30 hay 50 lần trước khi nuốt. Trong khi ăn thì chú tâm vào thức ăn, chỉ ăn những thứ mình đang ăn, mà không nhai những lo lắng, ưu phiền, những dự án, những buồn khổ của mình. Điều đó phải thực tập vững vàng lắm mới làm được.

Trong khi ăn cơm, mình chỉ chú tâm vào việc ăn cơm thôi mà không suy nghĩ vẩn vơ. Khi bẻ một miếng bánh mì bỏ vào miệng nhai mình phải ý thức rằng mình đang nhai một miếng bánh mì, mình đang tiếp xúc được với vũ trụ trong miếng bánh mì. Trong miếng bánh mì có ánh sáng mặt trời, có đám mây, có đại địa, có đủ tất cả. Khi nhai, chúng ta tiếp xúc được với tất cả vũ trụ qua miếng bánh mì dù miếng bánh mì đó có thể không lớn.

Trong một khóa tu sức khỏe chúng ta nên tổ chức bữa ăn đầu như vậy. Mỗi người được phát ba miếng bánh mì, mỗi miếng chỉ lớn bằng một đốt tay, và một phần ba ly sữa đậu nành. Ngày xưa tôi đã hướng dẫn một khóa tu sức khỏe như vậy. Tôi phát cho mỗi người một lát bánh mì có thể bẻ thành ba hay bốn miếng. Sau khi nghe tiếng chuông và thở xong, mình bẻ bánh mì ra, nhìn sâu vào miếng bánh mì để thấy đây là một vị đại sứ mà vũ trụ đã gửi tới để nuôi mình. Chỉ cần một hay hai giây đồng hồ là mình có thể thấy được miếng bánh mì một cách rất sâu sắc. Trong miếng bánh mì có ánh sáng mặt trời, có đám mây, có hạt giống, có đất đai, có phân bón, có thời gian, có không gian, có người nông dân, v.v… Với sự quán chiếu, mình không cần nhiều thời gian để có thể thấy được như vậy. Chỉ cần một giây đồng hồ thôi, với chánh niệm và chánh định, mình có thể thấy miếng bánh mì đó do vũ trụ gởi tới để nuôi mình. Đó là tuệ. Có chánh niệm và chánh định thì tự nhiên có tuệ. Có tuệ thì thấy được miếng bánh mì là tặng phẩm của đất trời và thấy được như vậy rồi thì mình mới bỏ miếng bánh mì vào miệng.

Trong truyền thống Cơ Đốc có lễ Bí tích thánh thể (Eucharistie), là lễ bẻ miếng bánh mì ra và coi miếng bánh mì đó là cơ thể của chúa Kitô. Ăn miếng bánh mì là đưa cơ thể của chúa Kitô vào trong người của mình. Đó là một phương pháp thực tập để tiếp xúc sâu sắc với chúa Kitô. Khi làm như vậy những người bạn Cơ Đốc của mình có thể làm với tính cách hình thức cho có lệ, nhưng cũng có thể làm với tính cách thiền quán. Nếu khi tiếp nhận miếng bánh mì và thấy rằng đây là cơ thể của chúa Jesus - thầy của mình, rồi bỏ miếng bánh mì vào miệng nhai thì mình thật sự đã tiếp xúc được với chúa Kito. Đó chính là thiền quán.

Vị linh mục hành lễ phải có niệm, có định và có tuệ. Nếu ông chỉ làm như một cái máy thì sẽ không tạo ra được năng lượng niệm-định-tuệ trong nhà thờ, mà chỉ làm hình thức, kẹt vào nghi lễ mà không có nội dung.

Trong đạo Bụt mình không nói miếng bánh mì là thân thể của chúa Kitô mà là thân thể của vũ trụ. Nhìn vào miếng bánh mì chúng ta thấy tất cả vũ trụ, từ đám mây cho đến mặt trời, trái đất, v.v…Khi thấy được như vậy tức là có tuệ, lúc ấy chúng ta mới bỏ miếng bánh mì vào trong miệng và nhai. Trong khi nhai ba mươi hay năm mươi lần mình tiếp xúc sâu sắc với vũ trụ bên trong cũng như bên ngoài

Theo tôi, khi đã bỏ miếng bánh mì vào miệng thì chúng ta nên để miếng bánh trên tay xuống. Sau khi nhai miếng bánh trong miệng ra thành nước rất ngon ngọt và nuốt xuống rồi thì mới cầm miếng bánh mì lên để cắn hoặc bẻ miếng thứ hai. Chúng ta đừng cầm bánh mì trên tay, vì mình có thói quên ăn chưa xong miếng này đã cắn thêm miếng khác. Đó là một tập khí mà chúng ta phải tập lâu ngày mới bỏ được. Nhất là khi thức ăn có vị ngon ngọt thì mình quên mất, để tâm bị kéo theo mà không làm chủ được mình. Đó là cái tập khí nó đang ăn chứ không phải mình đang ăn (You are not eating, you are beeing eaten by your habit energy.)

Khi cầm bát và đưa thìa xúc cơm lên thì quý vị hãy nhìn một giây đồng hồ để thấy được vũ trụ trong muỗng cơm, rồi quý vị mỉm cười bỏ thìa cơm vào miệng nhai. Sau đó để thìa xuống, đừng cầm thìa tại vì cầm thìa thì mình sẽ sẵn sàng để múc thìa thứ hai. Lúc này chưa phải là thời gian để múc thìa thứ hai, đây là vấn đề của thìa thứ nhất. Trong khi nhai mình để hết tâm ý vào thìa cơm đang nhai, nhai càng lâu càng ngon.

Quí vị nghĩ rằng, bánh mì sẽ nhạt nhẽo nếu không có phết bơ hay mứt lên. Điều đó không đúng! Làm sao ăn sáng mà không có bơ và mứt? Xin quí vị thử ăn một miếng bánh mì không có bơ và mứt xem! Nếu quí vị nhai 30 lần thì miếng bánh mì bắt đầu trở nên ngon, nhai 50 lần thì ngon hơn gấp hai và nhai 90 lần thì ngon hơn gấp ba, không cần có bơ và mứt mà cũng rất ngon. Nước miếng của mình trộn với bánh mì làm thành chất ngọt rất ngon. Trong thời gian nhai sự tiêu hóa đã thực hiện được 70% và khi nuốt vào bụng thì thức ăn được tiêu hóa rất dễ. Ăn như vậy trong vòng nửa giờ thì tuy ăn ít, nhưng mình cảm thấy no đủ và mãn ý, còn ăn theo kiểu ngốn hết miếng này tới miếng khác thì không những đã không ngon mà còn khó tiêu và mình sẽ ăn quá nhiều.

Trong những khóa tu sức khỏe chúng ta phải làm như vậy trong bữa ăn đầu để mọi người thấy được rằng, với một miếng bánh mì rất nhỏ mình có thể nhai đến 100 lần, mà lại rất ngon. Quí vị thử đi, thử ngay trong ngày hôm nay mà xem. Trong chùa thế nào cũng còn bánh mì cũ, bánh mì cũ ăn cũng ngon lắm. Mình để tay xuống, đừng sẵn sàng để đút miếng thứ hai vào miệng, tôi đề nghị như vậy. Tay cầm thìa rất quan trọng vì mình có tập khí bỏ thức ăn vào miệng liên tục. Tay bỏ xuống cho nó thực tập vô vi; phải nhai cho hết, cho thành công, mỉm cười một cái rồi mới đưa tay ra lấy miếng bánh mì thứ hai. Nếu thực tập được như vậy thì chúng ta đang khôi phục lại chủ quyền của mình.

Trong khi đi cũng vậy, mình đi như thế nào để có chủ quyền về cuộc đời của mình. Mình đang đi chứ không phải bị kéo đi. Đi như một vị Bụt, đi như một vị Thế Tôn.

Chữ tự thủ có nghĩa là mình phải có chủ quyền về cuộc đời của mình. Phải biết tự chế và làm chủ mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.
Bất đa vọng: Không trông cầu, không tham vọng nhiều. Khi biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại thì mỗi giây phút của đời sống trở thành một niềm hoan lạc, trở thành hạnh phúc. Mỗi bước chân là hạnh phúc, mỗi hơi thở là thảnh thơi. Mình thở như thế nào để mỗi hơi thở có thảnh thơi, có hạnh phúc. Mình đi như thế nào để mỗi bước chân có thảnh thơi, có hạnh phúc. Đó là tất cả bí quyết của sự tu học. Phải có niệm, có định và có tuệ. Khi hình hài còn đó chưa tan rã mà mình không biết thừa hưởng những giây phút như vậy, đến khi bệnh sắp chết rồi mới nói: “Trời ơi! Lâu nay mình không thật sự sống!”, tại vì mình không có khả năng xử lý được đời sống của mình, không biết sử dụng những giây phút mà cuộc đời đã hiến tặng cho mình được sống. Mình phải tự chế, đừng để bị kéo đi bởi ham muốn, tham vọng và đánh mất đi sự sống trong giây phút hiện tại.

Tự đa đắc tuệ vô tật: Có nhiều tuệ giác, không ganh ghét ai.Tự đa đắc có  nghĩa là chính mình đạt được rất nhiều. Tuệ là tuệ giác. Vô tật là không ganh ghét ai, chữ tật có nghĩa là ganh ghét.
Bất ác xú: Chữ xú có nghĩa là xấu. Không nói xấu ai.
Bất mô dã: Chữ dã có nghĩa là trau chuốt bên ngoài. Thiếu cái đẹp bên trong nên phải trau chuốt để có cái đẹp giả tạo bên ngoài.
Bất lưỡng thiệt: Không nói hai lưỡi, khi nói thế này, khi nói thế kia, với người này thì nói thế này, với người kia thì nói khác.
Xả hí nghi: Hí là hí luận, nghi là nghi ngờ. Buông bỏ mọi hí luận và nghi ngờ. Hí luận là đàm luận những gì không thật sự có ích lợi cho sự tu học của mình.

Bài kệ 6
Ý tất thoát vô sở trước                                       意悉脫無所著              
Khí tự kiến vô ỷ vọng                                         棄自見無綺妄
An tường hành năng giải đối                              安庠行能解對
Diệc bất dục đoạn dục tưởng                              亦不欲斷欲想

Tâm ý giải thoát, không đắm trước, lìa tư kiến, không thêu dệt hư vọng, bước đi an tường, người ấy có khả năng giải tỏa được mọi tranh chấp, không bị dục kéo đi, và đoạn trừ được mọi dục tưởng.

Ý tất thoát: Tâm ý được giải thoát trọn vẹn. Thoát có nghĩa là không bị ràng buộc. Có những sợi dây trói buộc niềm tự do của mình lại không cho mình cựa quậy. Đó là phược, triền phược là trói lại. Những sợi dây phiền não, những sợi dây của sự giận hờn, nghi ngờ, mê đắm cột chặt lại khiến mình cứng ngắc không có tự do. Ý tất thoát là tâm cởi mở hoàn toàn tự do.

Vô sở trước: Không bị vướng, không bị kẹt vào bất cứ một cái gì.
Khí tự kiến: Khí là buông bỏ, liệng đi, không dùng nữa. Kiến là những cái thấy của riêng mình. Mình có những quan điểm, những tư kiến và mình cứ khư khư giữ lấy những tư kiến đó cho là nhất trên đời. Đó là nguồn gốc của chiến tranh: Chỉ có tôi là nắm được chân lý, còn bọn họ không có chân lý. Khí tự kiến là buông bỏ những tà kiến của riêng mình.
Vô ỷ vọng: Ỷ có nghĩa là trau chuốt bên ngoài, thêu dệt ra cho đẹp. Vô ỷ vọng là không thêu dệt hư vọng.
An tường hành: bước đi một cách bình an, thảnh thơi, với những bước chân rất an lành. Đó là hình ảnh của vị mâu ni. Nhìn một người đi, mình biết người đó có phải là một vị mâu ni hay không. Dáng đi của người ấy rất an lành thảnh thơi, không hấp tấp, lật đật. Nhìn một sư cô, một sư chú hay một vị cư sĩ đi, mình biết người đó có dáng dấp của một vị mâu ni hay không, người đó có còn là một con lật đật hay không, hay là một người đã buông bỏ. Là học trò của Đức Thế Tôn mình phải học đi cho được như Đức Thế Tôn, đi những bước chân an tường, bước nào cũng rất vững giống như chiếc thuyền có thả neo xuống.

Chúng ta nên nhớ văn này là văn của thế kỷ thứ ba, rất xưa, và cư sĩ Chi Khiêm đã làm việc chung với thầy Tăng Hội.
Năng giải đối: Năng là có khả năng, giải là cởi mở, đối là những cuộc chạm trán, tranh chấp. Năng giải đối là có khả năng  hòa giải được, giải quyết được những cuộc tranh chấp giữa người này với người kia.
Diệc bất dục đoạn dục tưởng: Người ấy không có ham muốn và đã cắt đứt tất cả mọi ham muốn. Những ham muốn phát sinh từ tri giác. Tri giác là tưởng. Tại vì tri giác bị sai lầm nên mới có ham muốn, nếu có tri giác đúng đắn thì sẽ không có ham muốn.

Ví dụ một con cá đang bơi lội thảnh thơi, tự nhiên thấy có một con mồi rất ngon. Con mồi này thật ra không ngon như con cá tưởng, vì nó được làm bằng nhựa và do một người câu cá vừa thả xuống, trong con mồi ấy lại có một lưỡi câu. Nếu không có tri giác đúng đắn thì con cá sẽ bị vọng tưởng kéo đi, nó nghĩ rằng nếu đớp được con mồi ấy thì nó sẽ hạnh phúc. Trong trường hợp này tưởng là vọng tưởng và là tri giác sai lầm. Con cá chưa thấy được sự thật là con mồi đó bằng nhựa không ăn được, và trong con mồi còn có một lưỡi câu.

Có vọng tưởng nên sinh ra dục, sinh ra đam mê, ham muốn. Nếu con cá biết rõ cắn con mồi đó nó sẽ chết, thì nó sẽ không có dục tưởng, mà không có dục tưởng thì sẽ không có dục. Học Kinh Samidhi chúng ta biết rằng: dục tưởng là tri giác sai lầm đưa tới ham muốn. Nếu không có dục tưởng thì sẽ không có dục.

Chúng ta trông ngóng, chờ đợi, tìm cầu nhiều thứ. Chúng ta tưởng đạt tới những thứ đó thì mình sẽ có hạnh phúc. Phần lớn trong chúng ta đều có vọng tưởng về những thứ đó, nhất là về tiền bạc, danh vọng, quyền hành, sắc dục. Chúng ta cứ nghĩ chúng sẽ đem lại cho mình an lạc và hạnh phúc. Nhưng chúng ta không biết rằng, những thứ đó là giả trá, có lưỡi câu nằm bên trong và một khi bị vướng vào rồi thì mình sẽ mất hết hạnh phúc, thảnh thơi. Chúng ta phải quán chiếu để đừng bị vướng vào những tri giác sai lầm đưa tới vọng tưởng. Vọng tưởng tức dục tưởng làm cho mình bị kẹt vào những đối tượng của dục. Mình không có  dục nhờ chấm dứt được dục tưởng. Tri giác sai lầm đưa tới sự ham muốn. Nếu tri giác của mình không sai lầm thì mình có tự do. Tri giác sai lầm đưa tới dục tưởng mà hễ có dục tưởng thì mất tự do.

Tâm ý giải thoát, không đắm trước, lìa tư kiến, không thêu dệt hư vọng, bước  đi an tường, có khả năng giải tỏa được mọi cuộc tranh chấp, không bị dục kéo đi và đoạn trừ được mọi dục tưởng.

Quí vị có thể nương trên lời giảng mà làm cho bản dịch được đầy đủ hơn, bản tiếng Việt cũng như bản tiếng Pháp và tiếng Anh.

Bài kệ 7

Bất học cầu sở lạc dục                              不學求所樂欲
Tất vô hữu diệc bất ưu                             悉無有亦不憂
Vô oán nhuể xả ái dục                              無怨恚捨愛欲
Bất vi vị sở khả sử                                    不為味所可使

Không mưu toan để đạt tới một cái gì mình muốn, cũng không lo lắng khi mình không có cái kia, người ấy không oán giận, không bị vị ngọt của ái dục sai sử.

Bất học cầu: Chữ học không phải chỉ có nghĩa đi tới trường học hỏi, đọc sách hay nghe giảng. Chữ học có nghĩa là thực tập, là sự học hỏi và hành trì của mình. Ngay cả sự tu hành của mình, dù là học Phật hay hành thiền, cũng không phải là để đi tìm cái vui trong dục. Chúng ta học và tu không phải để nắm bắt một cái gì trong tương lai mà là để có tự do ngay trong giây phút hiện tại. Mình không đi tìm cái gì cả. Sự tu học không phải là một phương tiện để mình đi tìm một cái khác. Chính cái học, cái tu là cứu cánh.

Chúng ta thấy ở đây phương tiện và mục đích không phải là hai. Mình đi không phải để tới mà để có hạnh phúc trong khi đi. Nếu tới được thì quá tốt, còn nếu không tới được cũng không sao, đi là có hạnh phúc rồi. Thở là để có dưỡng khí, nhưng trong khi thở mình phải có hạnh phúc. Ăn là để có chất bổ, nhưng trong khi ăn mình phải có hạnh phúc. Phương tiện là một với cứu cánh chứ không phải dùng phương tiện để đạt tới cứu cánh. Đó là mục đích của mình. Ý tưởng này trong kinh rất quan trọng: Không mưu toan, không học hỏi, không thực tập để đạt tới một cái gì đó, mình phải có hạnh phúc liền bây giờ.

Không có gì mà mình phải đi tìm cầu. Ý tưởng về vô đắc (bất khả đắc) đã có sẵn trong Phật giáo nguyên thỉ. Chúng ta có bài hát: Nowhere to go, nothing to do. Không đi đâu nữa, có chi để làm đã diễn bày được ý tưởng này.

Tất vô hữu diệc bất ưu: Mình không tìm kiếm điều chi nên không có gì để chạy theo cả. Nếu không có cái đó mình cũng vui vẻ, không lo lắng, buồn rầu; mà có cái đó cũng chưa chắc là mình đã thích. Chúng ta thấy rất rõ tư tưởng này của kinh sẽ đưa tới ý niệm vô tác về sau.

Vô tác 無  作 (apranihita) là một trong ba cánh cửa giải thoát. Không chạy theo bất cứ một cái gì; có khi được dịch là vô nguyện 無 願 (no longing) tức là không trông cầu một cái gì khác. Apranihita (aimlessness) là không đặt ra cho mình một đối tượng để chạy theo mà chỉ sống trong giây phút hiện tại, tiếng Pháp là la non-poursuite. Mình sống như thế nào để có hạnh phúc, có tự do trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Điều này rất quan trọng!

Chúng ta đang học một kinh thuộc loại kinh nguyên thỉ, nguyên thỉ của nguyên thỉ. Phật giáo nguyên thỉ kéo dài trong nhiều trăm năm, nhưng kinh này được nói trong những năm đầu sau khi Bụt thành đạo. Khi ấy Bụt và các vị xuất sĩ chưa có cơ sở, chưa có tu viện, chưa có tổ chức, còn đi như một nhóm xuất sĩ du hành trong nhân gian để thực tập và giảng dạy. Đó là thời tiền tu viện, thời rất nguyên thỉ. Sau đó, các ông vua và các vị nhà giàu mới cúng đất cho tăng đoàn xây tu viện. Tuy thời này còn được gọi là đạo Phật nguyên thỉ nhưng thật ra đã trở thành đạo Phật tu viện.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn tu viện và tiếp theo, giai đoạn thứ ba, đạo Bụt trở thành một tôn giáo. Trong thời đại du hành, các vị mâu ni đi với nhau, sống thảnh thơi. Đây là giáo lý đầu tiên. Trong mùa Đông này mình có cơ hội học được một số kinh như vậy và đây là kinh thứ ba trong số những kinh ấy.

Đạo Phật ở Việt Nam, Trung Quốc và nhất là ở Tây Tạng, đã trình bày Đức Phật như một vị thần linh có rất nhiều quyền phép. Đó là giai đoạn thứ tư của đạo Phật (legendery Buddhism). Trong giai đoạn này chúng ta thấy có những huyền thoại nói Bụt làm phép thần thông, chiếu ra những đạo hào quang. Nhưng khi đọc những kinh như kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt này chúng ta tiếp xúc được với Đức Phật nguyên thỉ, thấy được Đức Phật như một con người và đây là một niềm hạnh phúc rất lớn của chúng ta.

Trong khi nghiên cứu và phiên dịch kinh này tôi thấy rất hạnh phúc tại vì tôi có cảm tưởng như mình đang thở được không khí trong những năm đầu của Phật giáo, khi Bụt và các thầy còn đang sống tự do, chưa có tu viện. Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là có tu viện là mất tự do.

Giống như pha trà, khi rót nước đầu tiên thì vị của trà rất thơm, rất ngọt. Sau khi uống hết nước đầu sang tới nước thứ hai thì không được ngon bằng. Ở đây cũng vậy, được học Kinh này chúng ta như được hưởng nước đầu thơm ngon của trà, chúng ta thấy được đạo Phật thật sự nguyên thỉ, rất hay.

Năm 1946-1947 các thầy, các sư chú chùa Từ Hiếu được lệnh tản cư, hồi ấy thành phố Huế sắp bị chiếm. Tưởng rằng chỉ di tản bảy hay mười ngày rồi được trở về chùa nên thầy trò chỉ mang theo có mấy chai tương. Ai dè thời gian di tản kéo dài, cuối cùng chỉ còn có một phần ba lít tương mà cũng chưa được phép hồi cư. Vì vậy tôi phải đổ thêm nước muối vào lọ tương. Khi hái rau ngoài suối, ngoài đồng chấm vào nước tương này thì không còn ngon nữa. Nó không giống nước tương đầu, nó giống như nước muối.
Chai tương bỏ nước muối ấy ăn hết được một nửa thì tôi lại đun nước muối đổ thêm vào thành ra từ từ giống như là mình chấm nước muối chứ không phải là chấm tương.
Đạo Bụt mà chúng ta đang học cũng là nước đầu của đạo Bụt. Chúng ta có phước lắm nên mới được học kinh này.

Khi làm nước mắm người ta bỏ muối vào bể cá, nước đầu lấy ra được gọi là nước mắm nhĩ. Hết nước mắm nhĩ người ta đổ thêm nước muối vào làm nước thứ hai. Nước mắm thứ hai không còn giá trị như nước đầu nữa. Cũng vậy, đây là “đạo Phật nhĩ”, đạo Phật của những năm đầu, rất ngon. Thầy trò mình có cơ hội được nếm và được thở không khí thật sự nguyên thỉ của đạo Phật.

Vô oán nhuể xả ái dục: Không oán giận, không chạy theo dục, không đam mê đối tượng của dục lạc.

Bất vi vị sở khả sử: Không bị kéo theo bởi vị ngọt của dục. Không bị vị ngọt của ái dục sai sử. Câu này khi dịch tôi chịu ảnh hưởng của bản tiếng Pali. Tại sao những thứ đó không kéo mình đi được? Những thứ đó là sự giàu sang. Ai mà không muốn giàu sang? Nhưng tại sao các thầy, các sư cô, sư chú không chạy theo con đường tìm kiếm giàu sang mà lại đi tu? Tại vì mình có tuệ giác, mình thấy rằng: Chưa chắc sự giàu sang đã đem lại hạnh phúc. Sự thật là khi nhìn xung quanh, chúng ta thấy có những người quá giàu nhưng họ cảm thấy vẫn chưa đủ giàu và vẫn muốn giàu thêm nữa. Họ không có thì giờ cho họ, cho người thương của họ và họ có nhiều đau khổ. Cho nên, tiền tài chưa chắc đã đem lại hạnh phúc. Đi xuất gia không có nghĩa là không muốn có hạnh phúc. Mình muốn có hạnh phúc nhưng mình biết hạnh phúc không được làm bằng chất liệu của sự giàu sang. Thi sĩ Nguyễn Bính có câu:

Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ lo toàn chuyện viễn vông

Đi tu không phải là một chuyện viễn vông. Mình không đi tìm một niết bàn hay một thiên đường viễn vông mà mình tìm hạnh phúc có thật trong giây phút hiện tại. Trong kinh Tuổi trẻ và hạnh phúc (Samidhi) có một cô thiên nữ hiện ra nói với thầy Samidhi:
- Tại sao thầy còn trẻ, tóc còn xanh, mắt còn sáng, mà thầy lại cạo đầu, xoay lưng với thế tục? Tại sao thầy không hưởng hạnh phúc trong hiện tại mà lại đi tìm một hạnh phúc viễn vông trong tương lai?
Đi tu có phải là đi tìm một hạnh phúc viễn vông trong tương lai không? Thầy Samidhi trả lời:
- Không phải như vậy! Tôi không đi tìm chuyện viễn vông. Chính chuyện chạy theo năm dục mới là viễn vông. Pháp môn của tôi là hiện pháp lạc trú, tôi tìm hạnh phúc chân thật có ngay trong giây phút hiện tại.
Khi đi xuất gia mình đã có lập trường rất rạch ròi. Mình biết đối tượng mình tìm cầu không phải là sự giàu sang.

Đối tượng thứ hai là sắc dục (sex). Tài có vị ngọt của tiền bạc, sắc có vị ngọt của sắc dục. Nhưng sắc dục có thể làm tiêu tan cuộc đời của mình, làm hao mòn con người mình, làm  hư hại thân thể và tâm hồn  mình. Nó làm cho mình bệ rạc, mất hết sự sống, mất hết niềm vui. Đi tìm hạnh phúc về phía sắc dục rất nguy hiểm. Mình có tuệ nên không bị vị ngọt của sắc dục lôi kéo. Trong hành động quỳ xuống, xin thầy cạo đầu để được xuất gia, các sư cô, sư chú có tuệ giác đó. Nếu không thì tại sao mình làm như vậy?

Vị ngọt thứ ba là danh. Người ta rất ham danh, nghĩ rằng có danh thì sẽ có hạnh phúc. Nhưng có những người có danh lớn mà cũng rất đau khổ. Chạy theo danh thì mình có thể bị vấp ngã, phồng da, sưng trán. Vị ngọt của danh có thể kéo mình đi. Một người tu, một vị mâu ni thì không bị vị  ngọt của danh kéo theo.

Thực là muốn ăn ngon, thực cũng có vị ngọt của nó. Thụy là ham ngủ, ham ngủ cũng là một vị ngọt.

Còn có một vị ngọt nữa là quyền lực. Ai cũng ham quyền hành, tưởng rằng có quyền thì sẽ có hạnh phúc. Nhưng dù quyền lực có lớn đến mấy đi nữa cũng không đem lại cho mình được hạnh phúc mà mình ao ước. Có một chút quyền, mình nghĩ rằng mình có hạnh phúc. Nhưng hễ có một chút quyền rồi thì mình thấy cái quyền đó còn nhỏ quá, ước gì mình quyền cao hơn. Nếu mình may mắn có quyền lớn hơn thì mình lại thấy nó vẫn chưa đủ. Làm tổng tư lệnh của quân đội lớn nhất thế giới như tổng thống Hoa Kỳ là có một quyền hành khá lớn. Nhưng chỉ cần quán chiếu vài ba phút thì mình thấy rõ: Một vị tổng thống Hoa Kỳ có quyền hạn rất ít, muốn làm nhiều điều mà làm không được. Ngay trong đất nước của mình, với một quân đội hùng mạnh và một ngân sách khổng lồ mà cũng vẫn còn nhiều lúng túng. Vấn đề Afghanistan rất khó giải quyết. Vì  vậy không bao giờ có cái gọi là “có đủ quyền”, luôn luôn mình thích có quyền lớn hơn cũng như khi khát nước mà mình ăn muối, càng ăn thì càng khát thêm. Đã có quyền rồi thì muốn có thêm nữa, đã là trung tướng thì muốn thành đại tướng.


Bài kệ 8

Bất tự cao ngã vô đẳng                                  不自高我無等
Đắc đối hủy hoạnh thủ kính                            得對毀橫取敬
Đương hành quán chỉ ý niệm                          當行觀止意念
Kiến thiện ác phi thứ vọng                              見善惡非次望

Không tự cao, thấy được tự tánh bình đẳng và vô ngã, không có mặc cảm thua người hay bằng người, biết quán chiếu, biết đình chỉ tâm ý, người ấy thấy được cái gì là thiện cái gì là ác và buông bỏ được những vọng cầu về tương lai.

Bất tự cao: Không cho mình là hơn người. Không có mặc cảm tự tôn.
Ngã vô đẳng: Đạt tới cái thấy vô ngã, thấy được tính bình đẳng của tất cả các pháp. Đẳng là samata, là tính bình đẳng của vạn pháp. Câu này nói về mặc cảm hươn người.
Đắc đối hủy hoành thủ kính: Không có mặc cảm tự ti. Câu này nói đến hai loại mặc cảm: mặc cảm bằng người và mặc cảm thua người. Đắc đối hủy có nghĩa là “tôi không dám công nhận tôi được ngang hang với anh” đó là mặc cảm thua người. hoành thủ kính có nghĩa là “tôi ngang hang với anh, anh phải kính trọng tôi đúng mức”. Đó là mặc cảm bằng người.
Đương hành quán chỉ ý niệm: Nên thực tập quán chiếu và làm ngưng lại mọi ý niệm của tâm ý. Quán là vipaśyana, chỉ là samatha. Mình phải thực tập quán và chỉ.
Kiến thiện ác: Phân biệt được cái gì có lợi và cái gì có hại cho sự thực tập của mình.
Phi thứ vọng: Vọng là trông cầu. Phi thứ vọng là không đeo đuổi, không trông cầu gì trong tương lai, không trông ngóng cái gì sắp tới, buông bỏ được sự mong cầu

(Phụ Tử Cọng Hội)
Nghĩa Túc Kinh, 15, Đại Tạng Đại Chánh Tân Tu 198
(Purābheda Sutta- Sutta Nipāta, Attakavagga 10)

(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 7.1.2010 tại Xóm Mới – chùa Từ Nghiêm)

phiên tả: Chân Giác Lưu