SỰ KHÁC NHAU CỦA YÊU THƯƠNG

http://images.family.channelvn.net/Images/Uploaded/lananh/2009/01/hoa%20dep.jpgMa Ca là bút danh của Pháp Sư Tinh Vân. Sư người Giang Đô, Tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Phật Học Viện Tiêu Sơn, học viện Luật Thê Hà, từng trụ trì các Tự Viện, làm Hiệu Trưởng các trường học và đảm nhiệm các chức vụ: Hội Trưởng Hội Niệm Phật, Tổng Sự Trưởng Trường Mầm Non. Có trước tác “ Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện’’, “Ngọc Lâm Quốc Sư”, “Vô Thanh Tức Đích Ca Xướng’’, “Bát Đại Nhân Giác Kinh Thập Giảng’’, “Thập Đại Đệ Tử Truyện”v.v…

Lúc tôi ghi lại câu chuyện dưới đây, trong đầu tôi bỗng nhớ về hai cô gái sinh đôi uống thuốc độc tự sát trong Thị Trấn hồi năm ngoái.

Con người đang lúc tuổi còn thanh xuân mà xem nhẹ sự sống, giống như đóa hoa đang nở rộ lại bẻ cành vất bỏ, điều này khiến cho mọi người đều thương tiếc. Thế giới bao la như vậy, vẫn có nơi cho chúng ta vươn lên, bất cứ nơi nào cũng đều có chỗ đón chúng ta. Thật không hiểu nỗi, con người vì sao nở đem sinh mạng do cha mẹ sanh thành lại kết thúc giữa chừng ? Điều này không hẳn là bị sự bức bách hoặc hoàn cảnh của xã hội tạo ra, mà là một vụ tự sát vì tình.

Năm ngoái, khi tôi ở Thị Trấn hẻo lánh này, cuộc sống rất an nhàn tự tại. Mỗi ngày sau khi ăn cơm tối xong, tôi thường đi tản bộ một mình ở ngoại ô.

Cách Thị Trấn không xa, có một con sông chảy quanh năm, vì sợ nước tràn bờ có hại đến mùa màng và súc vật, cho nên họ đã đắp con đê ở ven hai bên bờ. Thật là tiện lợi cho tôi, ngoài những lúc phải rời Thị Trấn trong thời gian ngắn ngủi để đi đến nơi khác, thì trong những ngày mưa tầm tã, hoặc những buổi hoàng hôn đều thấp thoáng bước chân của tôi đi lại trên con đê này.

Vào mùa Xuân, Hạ, khi ăn cơm chiều xong, tôi thường bách bộ, đứng trên bờ đê cao cao đều có thể nhìn thấy ánh tịch dương chếch ngã về Tây, nhưng đến mùa Thu, Đông thì ngày lại ngắn hơn, ăn cơm tối vừa xong thì cả thành phố đều khoác lên một màu đen ảm đạm. Có những đêm trời tối như mực, tôi vẫn đến bờ đê này lưu lại trong chốc lát, vì khung cảnh ở đây rất tĩnh mịch, nhất là những buổi hoàng hôn hoặc đêm về. Lúc này những người làm nông tưới nước cho vườn rau và những cô gái nhổ cỏ cũng đã về nhà, trên bờ đê không còn ai cả, khiến tôi có thể một mình suy nghĩ một vài vấn đề, hoặc hoạt động thân thể một tí, nơi đây đối với tôi rất thú vị, cho nên tôi rất lưu luyến không thể rời xa.

Đứng trên bờ đê, tôi có thể nghe tiếng nước chảy rì rào hòa theo âm thanh của loài côn trùng giống như bản nhạc giao hưởng, khiến rung động lòng người. Nơi đây, tôi có thể xoay người nhìn về Thị Trấn sầm uất, nhiều ánh đèn rực rỡ trong thành. Thấy cảnh này, lòng tôi lại khởi ý nghĩ, trong bóng tối của ban đêm, không biết đã diễn ra bao nhiêu tội ác trong thành phố này, cho dù tôi nghĩ như thế nào, cũng không có ai đến để cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Người trong Thị Trấn này tôi quen biết khá nhiều, nhưng không có người bạn nào cùng đi tản bộ với tôi. Thêm vào đó, hoàng hôn của mùa hạ còn có người, nhưng một khi đến mùa thu tối trời thì tôi chưa từng thấy một bóng người đi dạo trên bờ đê này.

Vào một đêm tối, đã xảy ra một việc lạ. Lúc tôi định ngồi tĩnh toạ trên bờ đê, thì có một bóng đen đang từ từ đi về phía tôi. Khi bóng đen ấy đến gần, dưới ánh trăng đêm mờ ảo tôi nhìn không rõ diện mạo của anh ta, nhưng tôi có thể suy đoán anh ta khoảng từ  20 đến 30 tuổi. Khi anh ta đến gần, tôi ho khẻ một tiếng cho anh ta biết tôi không phải ma, cũng không phải là người xấu, xin đừng sợ hãi. Anh ta dừng lại phía sau tôi khoảng vài giây và nhìn tôi một cách chăm chú, dường như có ý hoài nghi, nhưng ngay lập tức, anh ta đã đi ngang qua tôi. Vì bờ đê này không có dài bao nhiêu, khi anh ta đi cách tôi không xa mấy thì tôi thấy anh ta cứ lững thững, đi qua đi lại, đi tới đi lui, nhưng tôi không hề để tâm suy đoán vì sao anh ta lại đến đây trong màn đêm như thế này. Sau đó tôi lại nghe tiếng thở dài u uất, tiếng bước chân nặng nề, dường như có việc gì đó mà anh ta không thể giải quyết được. Tuy suy nghĩ như thế, nhưng tôi không hề gạn hỏi, bởi vì cuộc sống thường ngày của con người trên thế gian này luôn có những điều không như ý.

Ngồi một lát, tôi đứng lên, đưa tay phủi nhẹ quần áo, ngụ ý cho anh ta biết, tôi đi về bạn ở lại nhé. Nhưng đây cũng là một điều kỳ quái, lúc tôi về giữa đường, thấy một số nam nữ đi qua đi lại trên đường, dường như họ đi chơi hoặc xem phim. Nhìn họ, bỗng nhiên tôi quan tâm đến người thanh niên nọ, tôi nghĩ tuy trời tối không bao lâu, nhưng người thanh niên thở dài đó còn lưu lại bên bờ sông, chắc là đã xảy ra chuyện gì rồi, tôi phải trở lại xem sao. Thậm chí lúc đó tôi muốn đến hỏi tên họ của anh ta là gì và hiện đang ở đâu, tại sao lại có nhã hứng đi tản bộ vào đêm tối như vậy, vì người xuất gia chúng tôi luôn có trách nhiệm quan tâm đối với nhân loại.

Quay lại, đi về phía bờ đê, tôi bước nhanh hơn, lúc này bỗng nhiên có tiếng động lớn, ý thức tôi cho biết sẽ có một biến cố xảy ra, tim tôi bắt đầu đập liên hồi. Lúc đến  gần tôi hoảng hốt kêu to lên : “A ! tiếng vang ấy là của anh thanh niên !” Trong ánh trăng mờ ảo, tôi thấy thấp thoáng có một vật đen ngòm đang chìm nghỉm trong nước, tôi không còn nghĩ ngợi gì nữa, hô hoán lên :

–   Cứu người, cứu người !

Tôi la lên như người khùng, lúc đó không biết vì sao tiếng của tôi lại to đến thế, một số người đi ngang qua cũng vội vã chạy đến. Tôi nói như ra lệnh :

–   Xuống sông cứu anh ta nhanh lên, anh ta sắp chết đuối rồi.

Mọi người có vẻ đồng tình với tôi, vừa nghe tôi nói, họ không cần hỏi nguyên nhân vì sao và có mấy người đang chìm dưới nước, lập tức lội nhanh ra để cứu anh ta. Tôi tự trách mình sao không học bơi, sự việc xảy ra đâu cần phải hô hoán lên nhờ người khác đến cứu giúp.Vài phút trôi qua, anh được cứu lên bờ nhưng hơi thở quá yếu, tôi nói với những người đang vây quanh :

–  Xin  các anh vui lòng nhanh chóng đưa người bất hạnh này đến bệnh viện gần đây để cấp cứu, tôi xin trả mọi chi phí.

Rất nhiều cảnh sát nghe tin cũng đã đến, họ không cho phép tôi nói gì nữa, liền đưa tôi về đồn. Cục trưởng của đồn cảnh sát quen với tôi, ông ta biết thân phận của tôi, tôi liền giải thích qua loa vài câu, ông ta mời tôi uống nước trà một cách khách sáo.

Khi tôi trở ra, có nhiều người quen nghe tin cũng vội đến thăm. Họ  thấy tôi, vừa sợ vừa vui, tôi nói ngắn gọn sự việc vừa xảy ra, họ giống như buông được gánh nặng. Tôi yên tâm đi nhanh đến bệnh viện đang cấp cứu nguời bất hạnh để thăm anh ta, xem anh ta đã qua cơn  nguy hiểm chưa, vì mạng sống đâu phải là trò đùa.

Tôi vừa vào bệnh viện thì có người nói, anh ta đã tỉnh rồi, chỉ là lúc nhảy xuống nước bị trặc chân cần phải điều trị, tôi nộp trước một phần tiền thuốc cho Bác sĩ, Bác sĩ nói với tôi:

–   Tốt nhứt hôm nay thầy đừng nên thăm, vì tinh thần và tâm tư của anh ta chưa ổn, hay là sáng mai thầy hãy đến .

Trên đường về, màn đêm đã bao phủ, người đi đường đã dần dần thưa thớt, tôi cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh, mạng sống con người thật ngắn ngủi biết bao ! Đêm nay bất luận thế nào tôi cũng không ngủ được, cứ trằn trọc mãi trên giường, dòng suy nghĩ như những gợn sóng lăn tăn trên đại dương, tiếp nối không dừng lại phút giây nào. Nghĩ đến mạng sống là quý báu vô giá, bất kể tiền bạc hay tình cảm, cũng không thể so sánh với sinh mạng. Vậy mà lại có một số người đem sinh mạng của mình dùng để đánh cược với ái tình và tiền bạc, thật không xứng đáng tí nào !

Có thể nói người bất hạnh này tự mình kết liễu mạng sống của mình, nếu không phải vì ái tình thì chắc hẳn là tiền bạc ! Tiền bạc có thể kiếm được bằng năng lực và sức lao động, còn ái tình có thể mua bán bằng tiền bạc, nhưng có tiền nhiều đi chăng nữa cũng không mua được sinh mạng và linh hồn.

Tần Thủy Hoàng có thể gồm thâu sáu nước, giàu nhất thiên hạ, nhưng ông ta muốn tìm thuốc trường sanh bất lão thì không thể được ; Dương Quý Phi không thể nói là không yêu Đường Minh Hoàng, kết quả là chính Đường Minh Hoàng đã hạ lịnh cho bà ta phải tự vận. Có thể đem sinh mạng hy sinh cho ái tình và tiền bạc, nhưng dùng tiền bạc và ái tình để mua mạng sống thì không thể nào được. “Than ôi ! Nhân loại ngu si biết bao luôn đem sinh mạng vô giá chôn vùi trong tiền bạc và ái tình”. Đêm nay tôi mãi trăn trở  như thế.

Cuối cùng không biết lúc nào tôi nhắm mắt thiếp đi, rồi thức dậy, ăn vội bữa điểm tâm sáng. Xong mua một ít bánh, đi thăm người bất hạnh kia, tôi không có dụng ý gì đặc biệt, chỉ cảm thấy cần phải an ủi và động viên đối với một người buồn chán. Đồng thời cũng có một chút tò mò, muốn biết vì sao anh ta lại tự sát. Từ xưa cho đến nay, vào những năm biến loạn, phong tục xã hội bị bại hoại, thì việc tự sát hoàn toàn không phải mới lạ, mà là việc thường xảy ra. Điều mà tôi ghét nhất là trên báo chí thường đăng tải những tin này, nhưng tôi không thích xem, bởi vì những tin tức sa đọa và tự vận chiếm quá nhiều. Có một lần tôi viết thư kiến nghị đến nhật báo Trung Ương, xin họ ít đăng tải những việc đen tối của xã hội, nhưng người tự sát này tôi đã kéo anh ta ra khỏi thần chết, vả lại tinh thần cứu người và cứu đời của Đức Phật là tấm gương của chúng tôi, trong phạm vi mà khả năng của tôi có thể làm được, nên tận lực giải quyết những khó khăn cho người khác, tôi không hy vọng người khác sẽ báo đáp, thành thật mà nói đó chẳng qua là trách nhiệm của một người tu sĩ Phật Giáo.

Lạ thay, khi tôi mới vào cửa bệnh viện, Bác sĩ đến tiếp tôi và nói rằng:

– Người nhảy xuống sông tự vận ngày hôm qua, không hiểu sao khi hỏi Cảnh Sát  vài câu, thì sáng hôm nay anh ta đã dặn dò ngoại trừ người con gái mà anh ta yêu đến thăm, người khác anh ta không muốn gặp.

Tôi không thể nói thêm lời nào nữa, móc ra một tấm danh thiếp và những món ăn đem đến giao cho Bác Sĩ nhờ ông ta chuyển lời an ủi. Tôi vội vàng trở về nhưng trong lòng   không khỏi bất bình:

– Con gái ! con gái ! Trên thế gian này, ngoài con gái ra không còn người nào nữa sao ?”.

Ngày thứ hai và ngày thứ  ba tôi cũng đến thăm nhưng không được vào phòng bệnh, vì bác sĩ chận tôi lại, cho dù tôi muốn vào đó để an ủi anh ta, cũng không có cách gì khuyên giải. Ngày thứ tư, ngày thứ năm tôi đều theo lệ để lại tấm danh thiếp và một gói quà, ngụ ý của tôi là muốn anh ta hiểu rằng, ngoại trừ phụ nữ ra trên thế gian này còn có đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Vào ngày thứ  tám Bác Sĩ nói với tôi : “Thật là lạ, chỗ bị thương của anh ta chúng tôi đã trị khỏi rồi, nhưng anh ta lại không muốn xuất viện, mỗi ngày chỉ có khóc lóc và đập giường không chịu nói một lời nào cả, thầy là người đã trả những chi phí nằm viện cho anh ta, tôi không biết thầy và anh ta có quan hệ như thế nào ? Anh ta thì nói không hề quen biết thầy”.

- Bác sĩ, đúng là anh ta không quen tôi và tôi cũng không quen với anh ta nhưng nếu để tôi vào gặp mặt, chúng tôi sẽ quen nhau thôi.

Bác sĩ suy nghĩ giây lâu nói :

- Phiền thầy chờ một chút, để tôi vào hỏi một lần nữa thử xem, anh ta là một người tánh khí rất là kỳ quái !

Lần này anh chàng kia không kỳ quái nữa, không bao lâu bác sĩ lại gọi tôi. Tôi vào phòng bệnh, nhìn trên gương mặt của anh ta hãy còn say ngủ, tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường rồi nhìn trên bàn. Tôi nói :

-  Anh bạn, trên bàn của anh có tám danh thiếp của tôi !

Anh ta chẳng trả lời, tôi nhẫn nại:

-   Tôi thường ở trước Phật và Bồ Tát cầu phúc cho anh, hy vọng chư Phật gia bị cho anh thân tâm sớm bình phục !

-         Thầy hại tôi khổ ! Xin thầy đừng nói gì nữa !

Anh xoay mặt qua nói với tôi một cách tàn nhẫn, tôi mà hại anh ta khổ ư, trong lòng tôi hết sức kinh ngạc tự hỏi bản thân mình đã làm gì và tự nghĩ tôi có một tấm lòng yêu thương và rất quan tâm mọi người, có đâu lại hại người khác chịu khổ ? Vả lại với anh ta vốn không quen biết thì làm sao có thể nói tôi hại anh ta khổ.

-  Anh bạn à! Hình như chúng ta chỉ mới gặp nhau lần đầu trên bờ đê.

Tôi nói không ra lời, chỉ có giải thích như thế mới khiến cho anh ta đừng hiểu lầm.

-  Chính vì ngày hôm đó có thầy trên bờ đê tôi mới càng thêm thống khổ đến hôm nay, nếu không thì tôi sớm siêu thoát rồi.

Hiểu ý của anh ta tôi nói chậm lại:

–  Thật tình xin lỗi !Tôi cứ ngỡ rằng cứu được anh nhưng tôi không ngờ làm anh thêm đau khổ, chẳng qua trên thế gian này không có khổ vui tuyệt đối, không có cái vừa ý hay không vừa ý tuyệt đối, chỉ chẳng qua là thử xem chúng ta xử lý như thế nào mà thôi. Anh nếu có vấn đề gì khó khăn tôi sẽ vì anh mà nghĩ cách giải quyết.

–  Thầy  còn nói là cứu tôi ư ! Thầy hãy nhìn sự thống khổ của tôi đi, tôi có thể chịu nổi không.

Anh ta vừa nói vừa rút một phong thơ dưới gối đưa cho tôi, tôi nhìn phong thơ rồi hỏi:

–  Anh là Trần Tân Dân có phải không ?

–  Vâng ! Đây là bức thư  tôi nhận được bốn ngày trước, thầy có thể mở ra để xem.

Tôi rút ra một mảnh giấy, phong thư viết rất đơn giản, trong đó có một đoạn như thế này :“Anh muốn dùng cái chết để bảo tôi hồi tâm chuyển ý ư ! Nhưng trên thế giới này, có hàng trăm, hàng vạn người chết chứ đâu phải mình anh, tôi không có một tí nào lo lắng.” Bên dưới phong thư có đề một chữ  “Mai”. Sau khi tôi xem xong liền hỏi :

-         Mai có phải là cô gái mặc áo xanh kia không ?

Anh ta gật đầu. Bỗng nhiên oà khóc ! Khoảnh khắc này tôi cảm thấy buồn bã, nghĩ rằng đây mới chính là ái tình của thế gian. Và tôi cho rằng Trần Tân Dân đa tình này ngoài sự ngu si ra còn rất đáng thương, bất giác tôi lại đồng tình với anh ta. Nguyên nhân anh ta tự sát tôi đã biết rồi, với tính khí cổ quái, anh ta không muốn nhìn tôi, là bởi vì trong lòng của anh ta ngoài chữ “Mai” ra, hầu như đã quên hết những người khác còn có trên thế gian này. Lúc này, tôi vốn có thể đưa ra hàng loạt biện pháp để giảng, dùng Phật Pháp để trị tâm linh bệnh hoạn, nhưng tôi nghĩ anh ta chưa chắc đã tiếp thu, bởi vì một người khi đã rơi vào ngu si mê muội, dù bạn có nói thật tình như thế nào đi nữa cũng chỉ khiến cho anh ta càng thêm chấp trước.

Tôi vừa nghĩ như thế, bỗng nhiên hỏi anh ta :

– Này anh bạn ! Anh đã đọc qua rất nhiều sách rồi chứ, tôi muốn đọc cho anh nghe một bài thơ mới.

– Bài thơ có hay như thế nào, bây giờ đã không thể cứu tôi, giúp tôi tìm lại ái tình đã đánh mất.

Lúc anh ta nói, tôi nhìn vào đôi mắt anh ta từ từ đỏ lên dường như muốn khóc. Tôi không còn lý lẽ nữa, nói :

–  Mấy câu thơ này tôi nhớ không rõ là đã đọc trong tờ báo nào, chỉ nhớ bốn câu đầu viết như thế này :

“Có hàng vạn ngôi sao trên trời, Vằng vặc nghìn sao treo trên không Nguời dưới đất nhiều hơn các vì sao,                   Trần gian lắm kẻ tự hỏi lòng

Oâi đứa trẻ khù khờ lại nghĩ rằng, Vì sao khờ dại tìm cái chết

Vì sao tự sát chỉ vì một người ?” Chỉ

Sau khi anh ta nghe tôi đọc mấy câu thơ này rồi, dường như hơiõ tỉnh ngộ, tôi thừa cơ  nói tiếp:

-   Anh biết không, người trên thế giới đều lầm tưởng ái tình là khoái lạc, nhưng cội nguồn đau khổ của con người đều là do ái tình. Thành thật mà nói nếu đem ái tình làm sự khoái lạc, ngày sau sẽ bị ái tình ích kỷ kia trói buộc và giam hãm, đây chẳng qua là ngu si vọng chấp mà thôi ! Anh cho rằng lời của tôi như thế nào ?

-  Cách nói của thầy quá thiên lệch, con người sống trên thế giới này, nếu không có người yêu thì cuộc sống còn ý nghĩa gì chứ .

Anh ta dường như rất cao hứng khi nghiên cứu vấn đề này . Tôi hỏi ngược lại :

-   Hình như anh có một người yêu tên là Mai, cuộc sống có thể tăng thêm ý nghĩa ?

-   Con người có lẽ vì yêu mà hy sinh, nhưng không thể thiếu ái tình.

Anh chàng này đã vì tình mà tự sát, đến giờ cũng chưa tỉnh ngộ, thật là quá ngoan cố.

-   Anh nói đúng đấy, con người ta có thể vì yêu mà hy sinh, nhưng không thể sống thiếu ái tình .

Sau khi tạm thời chấp nhận ý của anh ta, tôi lại nhanh chóng chuyển lời :

-   Đúng vậy, con người hy sinh cho sự yêu đương ích kỷ, bất luận như thế nào đều không đáng. Con người sống không thể thiếu ái tình, không sai. Vì con người là động vật có tình cảm, yêu quốc gia, yêu toàn thể nhân loại. Loại tình cảm này quả thật không thể thiếu, nhưng chủ yếu có một người, hy sinh vì một người, loại tình cảm này có thiếu đi cũng chả sao.

Anh ta vẫn nói một cách ngoan cố:

-         Thầy không hiểu Mai là người đáng yêu như thế nào đâu.

-         Thế thì, vì sao cô ta không yêu anh ?

-    Bởi vì bây giờ có một chàng không quân, có tiền, có địa vị hơn tôi đang đeo đuổi cô ta.

Tôi không có nhã hứng nghe anh ta nói tiếp, bèn ngắt lời :

-         Cho nên cô ta không yêu anh nữa chứ gì.

Anh ta trả lời một cách chán nản và buồn bã.

-         Đúng vậy.

-    Một người con gái mà sống bằng tiền bạc và địa vị để rồi thay lòng đổi dạ cũng đáng được anh yêu hay sao ?  Cũng đáng để cho anh vì nàng mà hy sinh hay sao ?

Tôi không biết Mai là người như thế nào, tôi cũng không phải có ý phê bình cô Mai, tôi chỉ muốn làm thế nào để cho Trần Tân Dân thoát khỏi lưới say mê của ái tình.

Anh ta nghe tôi nói như thế, gương mặt hơi đỏ lên, dường như đã biết mình sai lầm. Tôi lại tiếp tục nói

–    Làm người cũng nên mở rộng tấm lòng, phải gạt đi những tình yêu vị kỷ, căn cứ vào đạo lý luân hồi nhân quả trong vạn pháp. Chúng sanh từ vô thỉ đến nay, lên xuống qua lại trong sáu đường ( lục đạo ), sống rồi chết, chết rồi sống. Trên thế giới hiện nay, bất cứ một người nào đó cũng có thể là cha mẹ, anh chị em, hoặc người yêu của ta trong đời quá khứ, tại sao chúng ta không khởi lên niềm yêu thương đối với họ? Tại sao chúng ta không đem thời gian của tuổi hoa niên đẹp đẽ nhất để phục vụ cho anh chị em và người yêu của chúng ta ? Tại sao chúng ta không nghĩ cách nào đó để cứu giúp những nỗi thống khổ và ngu si của họ, mà chúng ta cứ lẩn quẩn trong vòng ái tình hạn hẹp, sống dở, chết dở vì một người, phiền não bất an cũng chỉ vì một người, không phải là ngu si ư !

Đến giờ phút này anh ta mới thật sự nghĩ thông suốt :

-    Thầy nói đúng lắm, tôi quả thật là hồ đồ, tại sao trước đây tôi không hiểu được đạo lý mà Thầy vừa nói.

Tôi lại hỏi anh ta :

-         Anh còn có cha mẹ anh chị em hay không  ?

-         Họ đều ở Đại Lục Trung Quốc.

-         Họ có thương yêu anh không ?

-         Trong tình cốt nhục đương nhiên không cần phải nói.

-   Thế thì, nếu anh tự sát, anh sẽ có lỗi với cha mẹ đã sanh thành dưỡng dục hay không ? Anh có lỗi với quốc gia đã giáo hoá anh hay không ? Quả thật, con người không thể sống mà không có tình yêu thương, trước tiên chúng ta nên rút ra toàn bộ sự yêu thương của chúng ta mà yêu cha mẹ, yêu quốc gia, yêu tất cả những nhân loại bệnh tật.

Khi anh ta nghe đến đây, từ trên giường ngồi dậy, tôi vẫn phải nói với anh ta :

-   Giết người là phạm tội, tự giết mình cũng phạm tội như nhau. Những sự việc mà con người nỗ lực tiếp đãi chúng ta quá nhiều, sự hé mở của một đoá hoa, cũng phải để cho nó kết thành trái, để cho người khác thưởng thức vị ngon, tại sao hoa mới vừa nở anh laị ngắt đi ? Anh không để cho nó cống hiến một chút gì đó cho nhân loại, há không phải là thiếu đức hoặc ích kỷ ư ?

-    Bây giờ tôi đã hoàn toàn hiểu được lời của Thầy, trong khoảnh khắc này tôi cảm thấy nhẹ đi rất nhiều, trong lòng cảm ơn thầy, chẳng những cứu sinh mạng của tôi mà còn cứu rỗi tâm hồn của tôi.

-    Đâu dám, đây chẳng qua là người xuất gia trong Phật giáo của chúng tôi có trách nhiệm mà thôi !

-         Đây là trách  nhiệm của người xuất gia ư ?

-         Đúng vậy, chẳng lẽ anh không tin tấm lòng của tôi đối với anh ư .

Sau khi nói chuyện xong rồi, anh ta đã thông suốt và tiễn tôi ra khỏi cửa bệnh viện. Từ đó, trong đạo tràng của chúng tôi, có thêm một đạo hữu quên đi mọi sự nhọc nhằn ân oán hết lòng phục vụ chúng sanh.

 

Nguyên tác : Ma Ca

Người dịch: Triêu Dương