Sự sống vẫn mãi mới tinh


altLàm mới là làm lành lặn thân tâm, làm đẹp đẽ tình thương trong lòng và xây dựng tình yêu lứa đôi, gia đình và xã hội. Làm mới là hóa giải những khó khăn, mâu thuẫn trong tâm và trị liệu khổ đau, thương tích quá khứ để có thể có liên hệ tốt đẹp với những người thân thương.

Là người tu, tôi có niềm tin vững vàng nơi phương pháp thực tập hằng ngày. Mỗi khi khát, tôi biết rất rõ uống nước vào sẽ đã khát. Tôi có thể hồi phục được con người toàn vẹn của thân tâm nhất như bằng một vài hơi thở ý thức và những bước chân thiền hành. Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt nơi sự gia hộ của chư Bụt và Bồ Tát. Tôi luôn luôn tin rằng chư Bụt và Bồ Tát đang có mặt khắp nơi trong mười phương thế giới. Họ là những bà mẹ hiền từ, làm bằng năng lượng bình an, tha thứ, thương yêu và hiểu biết. Mỗi khi nhớ tới mẹ, tôi đều cảm nhận được nguồn năng lượng ấy. Tôi tin bằng kinh nghiệm, bởi vì mỗi khi tôi cầu cứu với Thầy tôi thì Người luôn luôn có mặt trên mỗi bước chân để giúp cho tôi an trú trở lại mà không bị đánh mất trong lo âu, bất an và tuyệt vọng.

Năm 1997, tôi được Thầy và tăng thân cho phép về Mỹ để chữa bệnh. Sau khi tu tập một thời gian, sức khỏe tôi trở nên sa sút trầm trọng. Tôi thường hay bị bệnh như cảm lạnh, sốt nóng, đau nhức, mệt mỏi, đã tạo ra khó khăn trong công phu tu tập hằng ngày. Tôi về ở với mẹ trong ngôi chùa Tịnh Độ. Thượng tọa trú trì là bổn sư năm giới của tôi. Mỗi ngày tôi theo bổn sư và đại chúng tu tập theo công phu của chùa. Ngoài ra tôi thực tập lạy kinh Vạn Phật. Thời gian này, tôi đang đối diện với một lực lượng khó khăn trong nội tâm. Sức tu tập của tôi không thể ôm ấp và chuyển hóa được chúng nên tôi cầu cứu với chư Bụt. Tôi lạy từng vị Bụt với tất cả lòng thành khẩn. Mỗi ngày tôi lạy hai trăm lạy. Tôi hoàn toàn giao sinh mạng của tôi cho chư Bụt và Bồ Tát. Tôi không muốn giải quyết những phiền muộn như giận hờn, trách móc, buồn tủi… bằng cách suy tư, quán sát một mình, bởi vì mỗi khi tôi suy tư, quán sát thì chúng lại càng mạnh hơn. Lạy xuống tôi duy trì hơi thở vào, hơi thở ra và giữ tâm lắng yên với ý thức sáng tỏ rằng chư Bụt đang đưa bàn tay xoa dịu thân tâm tôi. Quán tưởng như thế, tâm tôi trở nên an ổn vô cùng. Tôi thật sự phủ phục và giao phó sinh mạng trên trái đất này. Bao nhiêu phiền tủi, đau buồn đều từ từ vơi nhẹ. Những phiền muộn, buồn đau, thất vọng trong trái tim được chữa lành và những gánh nặng của ưu tư, đòi hỏi và mặc cảm đều được buông xuống từ trên hai vai. Chỉ trong hai tháng thôi, tôi hồi phục lại được sức khỏe.

Ngồi thiền, tụng kinh, cầu nguyện là phép tu thiền định và trí tuệ, sẽ chế tác được ánh sáng chánh niệm để nhận diện lỗi lầm, vụng dại, thương đau mà chuyển hóa. Ánh sáng này cũng giúp ta không tái phạm lỗi lầm xưa và không tạo thêm lỗi lầm mới. Thấy được cơn giận thì nó không có sức mạnh để khống chế ba nghiệp của ta nên ta tránh được lỗi lầm. Như thế, sám hối là phép tu niềm tin và trí tuệ. Nó có sự cầu nguyện, yểm trợ, hộ niệm của tha lực nhưng chủ chốt vẫn là tự lực, tức là sự sáng suốt của nội tâm. Cho dù, sám hối thực hiện theo nghi thức nào đi nữa thì phải có một buổi sám hối trước ngày tụng giới để cho mỗi người trong đại chúng có cơ hội thanh lọc thân tâm. Dựa trên tinh thần ấy, Sư Ông Làng Mai đã sáng chế ra phương pháp 'Làm Mới' rất thích nghi với căn cơ, tâm lý và hoàn cảnh của con người trong thời đại hiện tại.

Bản chất sự sống luôn luôn mới mẻ và tinh khôi nhưng tâm ý con người không có khả năng tiếp xúc với sự sống mà cứ mãi trôi lăn trong sự nuối tiếc về quá khứ hay lo lắng, hồi hộp về tương lai cho nên ta đã làm tàn tạ, héo mòn sự sống trong ta. Bên cạnh ấy, con người ưa sống theo bản năng, tập khí, ham muốn nên thường hay đánh mất mình trong buồn vui, giận ghét, danh lợi. Vui thì cười, buồn thì khóc. Thương thì che chở, ôm ấp; ghét thì trách móc, xa lìa. Ra vào, lên xuống tìm cầu những món ngon vật lạ, chứa chất của cải, tiền bạc và củng cố địa vị trong xã hội. Cảm xúc, tâm tư và tập khí chi phối toàn diện đời sống con người nên có lúc ta thật là dễ thương nhưng có lúc ta thật là dễ ghét. Có lúc ta hiền như Bụt nhưng có lúc ta dữ như ác thú. Từ đó ta đã gây ra nhiều khổ đau cho bản thân và những người chung quanh. Tuy nhiên, sự sống vẫn mãi mãi là mới mẻ, linh động và mầu nhiệm trong từng giây từng phút, chứa đựng đầy đủ chất liệu lành mạnh, tươi mát và thương yêu có khả năng nuôi dưỡng đời sống và làm đẹp làm lành thân thể, cảm thọ và tâm tư. Cho nên ta hãy nhớ trở về có mặt trong giây phút ấy để tiếp xúc với sự sống. Có mặt là có sự tiếp xúc, và mỗi lần tiếp xúc là mỗi lần mới. Cho nên Vua Trần Nhân Tông có nói: ‘‘Nhất hồi niên xuất nhất hồi tân.’’ Trong Hán Việt chữ ‘‘niên’’ gồm có bộ thủ và chữ nhiên nghĩa là cầm. Nghĩa là mỗi lần cầm đến là mỗi lần mới tinh. Nắng luôn luôn ấm áp, ta chỉ cần tiếp xúc với nắng ấm. Ly trà nóng đang tỏa hương thơm ngon, ta chỉ cần đưa tâm rong ruổi trở về trong hiện tại thì ta sẽ nếm được hương vị ấy. Không khí trong lành, ta chỉ cần thở cho sâu thì ta sẽ cảm thấy khỏe khoắn liền... Không có mặt thì không có sự tiếp xúc do đó sự sống có cũng như không. Trong thi ca tình yêu có những câu như:

‘‘..Tình có cũng như không.

Cho thật nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu..’’

Ý nghĩa hai câu thơ ấy nói lên tình trạng vắng mặt, thờ ơ, tuyệt vọng nên tình yêu có cũng như không nghĩa là không có sự tiếp xúc và tiếp nhận giữa hai người yêu. Mỗi khi máu đến nơi đâu trong cơ thể thì nơi ấy có sự làm mới. Những tế bào được tiếp nhận dinh dưỡng và năng lượng của máu để có thể sinh sôi, nảy nở và khỏe mạnh. Có mặt là chánh niệm, là tỉnh thức, là sự sống. Ta có thể làm mới sự sống bằng một nụ cười thương yêu, một hơi thở ý thức, một bước chân thiền hành... Ta có thể làm mới thân tâm bằng một cái nhìn trìu mến, một ý tưởng trong lành, một suy tư độ lượng, một lời nói tin yêu... Thế thì mỗi giây phút tỉnh thức, một cơ hội trở về trong hiện tại để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm đều có công năng làm mới thân tâm. Có khi sự thay đổi xảy ra một cách kỳ diệu và bất ngờ nên tự nhiên con gái của ta trở nên lớn hẳn, bố ta trở nên hiền lương, chị của ta trở nên dễ thương, chồng ta thay tâm đổi tánh... Sau một cơn đau khổ cùng cực như mất mẹ, bạo bệnh.. có một sự thay đổi lạ kỳ xảy ra trong đời sống ta. Ta trở nên trầm tĩnh, sâu sắc và khôn ngoan. Ta lớn hẳn ra. Ta thấy cuộc đời mong manh, đáng quý nên ta trở thành con người biết thương biết cảm những gì mầu nhiệm đang xảy ra, biết lo lắng cho những người trong gia đình, biết tha thứ bao dung. Vì vậy, làm mới không hẳn chỉ xảy ra trong lúc hạnh phúc, an vui mà còn có thể xảy ra trong một tai nạn hay khổ đau cùng cực.

Tóm lại, làm mới là nghệ thuật sống đẹp, có khả năng nuôi dưỡng thân tâm, nâng cao nếp sống tâm linh, chữa lành những thương tích trong lòng, hóa giải được mâu thuẫn giữa hai người và làm tốt làm lành lại liên hệ với những người thân thương.


Chân Pháp Đăng