Bắc Ninh với Vương triều Lý

alt
10 linh vật bằng đá trong chùa Phật Tích.
Đây cũng là tiêu đề cuộc hội thảo ngày 8 tháng 4 năm 2010 tại Bắc Ninh. Đã có nhiều phát hiện mới và nhận thức mới về mảnh đất cội nguồn của một Vương triều thịnh trị, vốn được coi là “địa linh nhân kiệt”.

Thêm một lần nữa, các tham luận đã khẳng định Bắc Ninh với quê hương của 8 vị Vua nhà Lý, có đền thờ “Lý Bát Đế”, có nhiều thư tịch và truyền thuyết dân gian về nơi sinh thành của Lý Công Uẩn, vị Vua đầu triều. Bắc Ninh quả là đất gốc triều Lý, cận kề Thăng Long, là chỗ dựa tinh thần và cả vật chất cho sự hưng thịnh của Kinh đô Thăng Long qua nhiều thế kỷ.

Những phát hiện mới trong lòng đất Bắc Ninh

Đáng lưu ý là gần đây có nhiều phát hiện khoa học, nhất là khảo cổ học đã góp phần làm sáng tỏ nhiều điều mà thư tịch chưa nói đến.

Đã có cuộc khai quật khảo cổ học cuối năm 2009 ở khu đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Với diện tích 30m2, kết quả khai quật cho thấy đó là một khu vực trung tâm dân cư, kinh tế lớn từ cách đây khoảng 2000 năm, đã phát hiện một khúc rồng đá thời Lý, các mảnh sấu đá, sấu đất nung, rồng đất nung thời Hậu Lê… Những hiện vật mới được phát hiện ít nhiều đều có liên quan đến vị trạng nguyên đầu tiên nước ta và được phong làm thái sư.

Chùa Dạm, ngôi chùa thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, là một ngôi chùa nổi tiếng thời Lý cũng được khai quật vào cuối năm 2009 đã phát hiện một số hiện vật thời Lý, Trần, Lê. Phát hiện này cho thấy chùa Dạm là một trong vài chùa là trung tâm Phật giáo của cả một vùng trong nhiều đời.

Nhưng mảnh đất Bắc Ninh không chỉ đến thời Lý mới toả sáng, mà từ nhiều ngàn năm trước, nơi đây đã là một trong những địa phương có nền văn minh Việt cổ đậm đặc, đã lý giải được từ những cơ tầng thẳm sâu văn hoá đó  kết tinh lại mà làm nên một Lý Công Uẩn và một vương triều.

Bắc Ninh có tới 33 làng cổ dưới thời Tiền Hùng Vương, Hùng Vương  và An Dương Vương, mà dấu vết vật chất còn để lại.

alt
Tượng Adiđà bằng đá.

Từ cách đây khoảng gần 4.000 năm, cũng như nhiều vùng khác ở châu thổ Bắc Bộ, biển vừa lùi xa để lại một khoảng đất đai mênh mông giàu phù sa, thích ứng với nông nghiệp trồng lúa nước. Người Việt cổ từ trung du chọn Bắc Ninh là một nơi tụ cư lập làng xóm đông đúc, vì thế, đây là nơi tìm được nhiều làng xóm cổ nhất thời đại này… Mảnh đất này cũng tìm được trống đồng, một biểu tượng của quyền lực thủ lĩnh như trống đồng ở Quế Tân (Quế Võ) ở Lãng Ngâm, Gia Lương.

Cũng còn phải kể đến mảnh khuôn đúc trống đồng bằng đất nung duy nhất tìm được ở VN được nhà khảo cổ Nhật Bản Nishimura đào được ở Luy Lâu, vốn là một trung tâm kinh tế xã hội lớn trong thời Bắc thuộc.

Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Ninh lại có nhiều làng xóm thời Hùng Vương đến vậy, mà chính nhờ cái địa lợi của một khu vực được “tụ thuỷ” của dòng sông Cầu và dòng sông Đuống. Khi đó, theo như thư tịch ghi lại thì Bắc Ninh thuộc địa phận của bộ Vũ Ninh, một bộ lớn trong 15 bộ của nước Văn Lang xưa.

Bắc Ninh còn nổi lên như một trung tâm Phật giáo lớn nhất vùng trong thời Bắc thuộc với hệ thống chùa Tứ Pháp, với trung tâm Phật giáo Luy Lâu.

Vài bí ẩn về chùa Phật Tích được sáng tỏ

Phát hiện khảo cổ học tháng 11 năm 2008 khá ngẫu nhiên, do việc tôn tạo chùa Phật Tích đem lại. Trong khi đào móng khu vực Tam Bảo, đã xuất lộ nền tháp cổ hình vuông. Móng tháp bề thế, có 3 tầng và tầng dưới cùng có kích thước mặt bằng khá lớn với mỗi chiều dài xấp xỉ 10 mét.

Hiện nay chùa còn có tấm bia đá “Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi” (bia của chùa Vạn Phúc) được khắc năm Chính Hoà thứ 7, tức năm 1686 dưới triều Vua Lê Hy Tông, ghi lại: Vua thứ ba nhà Lý, năm Long Thuỵ Thái Bình thứ tư (1057) cất lên cây tháp quý cao ngàn trượng, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 thước, cấp hơn 100 mẫu ruộng, xây chùa chẵn 100 toà…trên thềm bậc đằng trước có bày 10 con thú…

alt
Hội thảo khoa học “Bắc Ninh với Vương triều Lý”.

Trong cuốn “Tang Thương Ngẫu Lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án thì lại ghi niên đại khác với bia chùa: Chùa Phật Tích ở núi Lạn Kha, do Vua Anh Tông thời Lý (1138-1175) dựng nên. Niên đại dựng chùa trong sách không trùng với niên đại mà tấm bia trong chùa nói đến mà chênh lệch đến hơn 80 năm?

Lần giở quyển sử cổ nhất ở ta là “Đại Việt sử ký toàn thư”, thì thấy trong năm 1057, Vua Lý Thánh Tông cho xây chùa Sùng Khánh Báo Thiên và xây tháp Báo Thiên 12 tầng cao vài chục trượng (vị trí ở nhà thờ Lớn (Hà Nội) hiện nay, đã bị phá), mà không thấy nói đến chùa Phật Tích. Có lẽ năm 1057 thì chùa Phật Tích chưa được xây. Vì thế, có thể chùa có niên đại muộn hơn.

Niên đại xây chùa Phật Tích và tháp cũng là một điều thú vị. Cả hai quyển sử cổ nhất nước ta là “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Đại Việt sử lược” đều chép rằng: Vào mùa thu tháng 9 năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066), Vua Lý Thánh Tông sai Quách Mãn xây tháp ở núi Tiên Du. Có thể chính nền tháp vừa được phát hiện là nền tháp này. Niên đại này cũng trùng khớp với niên đại một số viên gạch đào tìm được trong lúc đào nền tháp là gạch “Lý Gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (1057) và “Lý Gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo” (1065). Cũng tức là nền tháp hiện nay không sớm hơn niên đại gạch và nhiều khả năng xây năm 1066 như sử cũ chép.

Vậy là, với những tài liệu mới, có thể đính chính lại niên đại tháp và chùa Phật Tích nói đến trong tấm bia chùa và cuốn “Tang thương ngẫu lục”.

Chùa Phật Tích còn lưu giữ nhiều dấu ấn giao lưu văn hoá giữa người Việt và người Chăm khi đó thể hiện ở cách xây tháp bằng gạch không có vôi vữa giống cách xây tháp Chăm, ở các hình tượng nghệ thuật trang trí ảnh hưởng Chăm như tượng chim thần Garuda, Kinari…

Ngoài chùa Phật Tích là ngôi chùa còn giữ lại dấu tích nhà Lý nhiều nhất nước, Bắc Ninh hiện còn có tới 131 di tích liên quan đến triều Lý đã đưa Bắc Ninh lên vị trí dẫn đầu các di tích nhà Lý ở mật độ dày đặc. Đó cũng là một di sản văn hoá vật thể quý giá. Nhưng đó cũng là một gánh nặng cho việc bảo tồn vì các di tích đã bị phá huỷ nhiều qua các cuộc chống ngoại xâm.

Bắc Ninh đã làm được nhiều khi tu bổ di tích thời Lý và biến những nơi đó thành điểm hành hương và tham quan du lịch như chùa Phật Tích, đền Đô... Nhưng cũng còn khá nhiều việc phải làm khi mà khối tư liệu thực sự có niên đại Lý còn nằm trong lòng đất khá lớn, mà với đà đô thị hoá mạnh mẽ như hiện nay, nếu như không có một tầm nhìn thì kho di sản lớn sẽ nhanh chóng thành nhà cao tầng và khu đô thị mới trong nay mai.
PGS.TS Trịnh Sinh (LĐ)