QUỐC LỄ PHẬT ĐẢN Ở THỜI LÝ

http://phatgiaovnn.com/upload1/uploads/News/pic/1272486798.phatgiaovnn.com.jpgSách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2 viết: “Từ đời Lý, mỗi năm hội Phật đản đã được tổ chức thật lớn lao rồi. Vua Lý Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên đã làm cho lễ Phật đản trở thành quốc lễ lớn. Lễ tắm Phật bằng nước Ngũ vị hương được cử hành sang mồng tám tháng tư tại chùa Diên Hựu. Vua, hoàng hậu, các hoàng tử và công chúa cùng triều thần bách quan đều có mặt. Dân chúng các nơi tụ về rất đông để dự lễ. Sau khi chư tăng tụng kinh Phật thuyết dục tướng công đức, thì nước thơm được dội lên tượng Phật. Trong khi đó, vua, quan và quần chúng chắp tay hướng về niệm Phật”.

 

Sau lễ tắm Phật là lễ Phóng sinh. Vua bước lên kim đài dựng ở trước chùa. Chư tăng tụng kinh Kim Quang minh trong khi một lồng chim được dâng lên. Kinh vừa dứt, vua đưa tay vào lồng bắt một con chim thả cho bay lên. Dân chúng hô lên “Vạn tuế” rồi đều cùng thả chim rợp trời. Đời các vua sau đều làm theo vua Thánh Tông trong ngày Phật đản. Vua Thánh Tông băng hà vào tháng giêng âm lịch năm 1072; vua Nhân Tông làm lễ nối ngôi ở trước linh cửu. Nhưng vua đợi cho đến sau ngày Phật đản (mồng tám tháng tư) hành lễ Tắm Phật và phóng sinh xong mới ngự ra điện Thiên An thiết triều lần thứ nhất.

Lễ Tắm Phật và Phóng sinh được tổ chức vào buổi sang, tối có lễ phóng đăng, thả hang nghìn đèn trôi trên song hồ…”

Xem ra, không phải ngẫu nhiên ngày kỷ niệm lễ Phật đản sinh hằng năm kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến triều đại nhà Lý thì trở thành ngày Quốc lễ Phật đản. Từ một nền Phật giáo chức năng trước đó, đến khi Lý Thái Tổ lên ngôi, khai sáng ra vương triều nhà Lý, tồn tại hơn 200 năm thì đã chuyển sang nền Phật giáo thế sự để đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển của đất nước qua một thời kỳ mới. Một thời kỳ cả dân tộc mở ra trang sử độc lập, tự chủ không chỉ trên biên giới cương thổ mà độc lập tự chủ trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo.

Cũng dễ hiểu, bởi vì Phật giáo Đại Việt luôn tự đặt sự tồn vong, phát triển của đất nước trong sự tồn vong và phát triển đạo pháp của nước nhà. Hay nói cách khác khi Phật giáo nước nhà được phát triển hưng thịnh thì sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đất nước giàu mạnh, nhân dân được hạnh phúc an lạc. Cho nên, công việc đầu tiên mà Lý Thái Tổ đặt trọng tâm hàng đầu là dời đồ về Thăng Long vào mùa thu tháng 7 năm Canh Tuất (1010) với mục đích “để mưu toan nghiệp lớn, tính kế cho con cháu ức muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh” mà Quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư từng ghi. Hẳn nhiên, việc làm trọng đại mang tính quyết định lịch sử này không thể không có sự đề xuất của thiền sư Vạn Hạnh khi mà việc lên ngôi này có sự tham mưu của thiền sư và giới quần chúng Phật tử cả nước ủng hộ. Nhưng điều đáng nói từ sự kiện lịch sử này mà diện mạo và đặc trưng của nền Phật giáo thế sự được minh chứng sống động đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước, trong đó có Phật giáo Đại Việt thời đó. Nghĩa là khi quyết định dời đô, Lý Thái Tổ đã tiến hành xây dựng hệ thống chùa chiền, độ tăng chúng trước khi thực hiện sửa sang tông miếu, xã tắc như các vương triều trước đó từng làm như Đại Việt sử ký toàn thư 2, tờ 3b6-7 từng ghi: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đó đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ hơn nghìn người ở kinh sư”.

Rõ ràng, việc xây dựng chùa chiền, độ tăng chúng với số lượng đông như thế là nhằm thực hiện mục đích mà nền Phật giáo thế sự đặt ra, tức là Phật giáo phải nhập thế vào đời (thế sự), không thể tách rời cuộc đời mà Phật giáo tồn tại mà phát triển được một cách thuận lợi. Xây chùa là xây dựng môi trường tâm thức con người Đại Việt sống có văn hoá, được giáo dục theo tinh thần dân tộc và nếp sống đạo đức tâm linh an lạc trong hiện thực cuộc đời này mà từ thời Bắc thuộc nhà chùa đã đóng vai trò nhà trường. Cũng thể nói rộng ra, vào thời điểm đó, nhà chùa không chỉ là cơ sở đào tạo giáo dục mà còn là những trung tâm văn hoá, biểu tượng sự phồn vinh của cả dân tộc. Nó vừa là trường học dạy con em, thiết lập đội ngũ trí thức nhân tài phục vụ đất nước, vừa là nơi diễn ra lễ hội quần chúng tạo ra sức mạnh đoàn kết dân tộc mà không phân biệt bất cứ tầng lớp nào trong xã hội. Cho nên, việc thiết lập thêm chùa và độ tăng là quy luật tất yếu của một giai đoạn lịch sử cả dân tộc chuyển mình qua một thời đại mới.

Vì vậy, trong 18 năm cầm quyền, Lý Thái Tổ đã ra sắc lệnh, chiếu chỉ tạo dựng chùa chiền nhiều lần. Ngay năm mới lên ngôi đã ra chiếu chỉ “Phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm tám sở chùa ở phú Thiên Đức, đều dựng bia ghi công” và ra lệnh “cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa sang lại”. Rồi khi xây dựng cung điện tại Thăng Long thì trong nội thành dựng chùa Ngự Hưng Thiên, còn ngoại thành thì làm chùa Thắng Nghiêm. Năm sau, 1011 lại dựng chùa Vạn Tuế, Tứ Đại Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng và Thánh Thọ. Năm 1016, lại dựng 2 chùa Thiên Quang và Thiên Đức. Năm 1024, dựng chùa Chân Giáo như Đại Việt sử ký toàn thư 2 tờ 3a3-4, 3b3-4, 4a 6-7, 5a1-3, 7b3-4, 9b6-7 đã ghi.

Cũng trong thời gian này, nhà Lý đã độ tăng nhiều lần độ tăng vào năm 1010, bốn năm sau (1014) “Hữu Nhai tăng thống Thẩm Văn Uyển tâu xin lập giới đàn ở chùa Vạn Tuế cho tăng đồ thụ giới, vua chuẩn y”. Hai năm sau 1016, Lý Thái Tổ “cấp độ điệp cho hơn 1000 người ở kinh sư làm tăng đạo”. Ba năm sau 1019, xuống chiếu cấp độ điệp cho nhân trong nước làm tăng như Đại Việt sử ký toàn thư 2, tờ 7a2-3, 7b3 và 8b4-5 ghi.

Vậy là việc xây chùa, độ tăng là nhằm chuẩn bị cho cơ sở và nhân lực để phục vụ cho việc biểu dương sức mạnh và thành quả đạt được của dân tộc Đại Việt trong thời đại mới mà nhà chùa là nơi diễn ra các Quốc lễ. Trong đó lễ kỷ niệm ngày Phật đản trở thành ngày Quốc lễ Phật đản diễn ra song hành cùng với thời điểm các ngày lễ hội dân gian, dân tộc được diễn ra trong chùa. Ba ngày lễ lớn của thời Lý là lễ hội Khám, hội Dâu và hội Gióng đều được diễn bày xoay xung quanh đại lễ Phật đản, tức mồng 8 tháng tư, như ca dao thường nói:

“Mồng bảy hội Khám,

Mồng tám hội Dâu,

Mồng chín đâu đâu,

Kéo về hội Gióng.”

Như vậy, vào thời Lý ngày Phật đản trở thành ngày Quốc lễ cho cả nước. Theo các tài liệu Quốc sử chép, mỗi năm hội Phật đản đã được tổ chức thật hoành tráng nhằm biểu trưng sức mạnh cả dận tộc không chỉ biểu dương thành đạt được của đất nước Đại Việt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, tín ngưỡng tôn giáo cho dân chúng xem và thưởng thức mà còn có sự chứng kiến của cả các vua quan, hoàng hậu, đại thần trong nước, cùng với sứ thần các nước lân bang thân hữu, chư hầu quanh ta tham dự. Trên hết, là tạo ra các giá trị tâm linh mà người dân Đại Việt phải cần nhận thức và thực thi trong sự kết nối yêu thương và đoàn kết tạo ra sức mạnh cả dân tộc đang vươn lên sánh vai các cường quốc.

Đại Việt sử ký toàn thư 2 ghi cứ mỗi năm, trước khi Đại lễ Phật đản diễn ra thì các công trình quốc gia chuẩn bị đón mừng Phật đản được hoàn thành để cúng dường Tam bảo. Chẳng hạn dưới triều vua Lý Thái Tổ trị vì thì xây dựng chùa chiền, thỉnh Phật tôn trí như đã nói trên. Đến thời Lý Thái Tông, vào mùa xuân, tháng 2, năm 1035, vua xuống chiếu “Phát 6 nghìn cân đồng để đúc chuông đặt ở chùa Trùng Quang. Chuông đúc xong, sai người kéo đến chùa. Nhưng chuông đó không đợi sức người, tự chuyển đi được, chỉ khoảnh khắc đã đến chùa”. Mùa xuân năm sau, 1036 khánh thành pho tượng Phật Đại Nguyện và ân xá thiên hạ. Tháng 10, 1049, vua ra chiếu chỉ dựng chùa Diên Hựu mà nơi đây từ đó về sau trở thành địa điểm tổ chức Quốc lễ Phật đản hằng năm.

Nhưng Quốc lễ Phật đản được tổ chức quy mô và hoành tráng nhất trong lịch sử nước ta phải đợi đến thời vua Lý Nhân Tông trị vì mà sau này Đại Việt sử ký toàn thư 2 ghi, nhưng cụ thể và rõ nét khiến ta dễ hình dung là qua tài liệu thư tịch cổ còn bảo lưu là Đại Việt Quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh (Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư nhà Lý đương làm chủ nước Đại Việt. Nhưng trước đó, dấu ấn của Quốc lễ Phật đản diễn ra hằng năm dưới thời vua Lý Thánh Tông trị vị cũng được ghi vào tâm khảm người dân, và có giá trị tác động vào đời sống văn hoá và giáo dục, thúc đẩy sự phát triển đất nước và hoằng dương Phật pháp khiến cho các nước lân bang trọng nể, đánh giá cao. Tháng tư, năm 1055 tạo dựng chùa Sùng Khánh, phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông, vua đích than làm bài minh ca ngợi. Vào năm 1057 dựng chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ, đúc 2 pho tượng Phạn Vương và Đế Thích bằng vàng để đón mừng Phật đản. Vào năm 1071, mùa xuân, tháng giêng vua viết bia chữ “dài 1 trượng 6 thước đặt ở chùa Tiên Du đạt kỷ lục lớn nhất từ trước giờ đến thời điểm đó. Và vào ngày 8 tháng tư, nhân dịp Quốc lễ Phật đản vua đích thân tắm Phật dưới sự chứng minh của chư Tăng và hoàng hậu, đại thần, sứ thần, dân chúng tham dự buổi lễ.

Trong ngày Quốc Lễ Phật đản năm 1071 này, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi vắn tắt ngoài sự kiện vua tham dự lễ tắm Phật, còn có ghi thêm đôi dòng “Cho các sư đi nhiễu xung quanh tụng kinh cầu nguyện cho vua sống lâu”. Tuy nhiên, Đại Việt quốc đương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi viết một cách chi tiết hơn: “Để mồng một hàng tháng, để mùa xuân hằng năm, nhà vua ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay, bày hương án làm lễ cầu an , đặt bồn chậu để làm phép tắm Phật, tạo dáng tin thành cho dân chúng, hở vai tiến thoái nhịp nhàng, gầy đội thiên vương khắp bốn phương, hay nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa…hằng năm làm lệ thường”.

Rõ ràng, Quốc lễ Phật đản được tổ chức hoành tráng qua các nghi thức lễ tắm Phật, phóng sinh, phóng đăng, cầu an, chẩn tế, bạt độ, cầu quốc thái dân an đã làm cho một nền Phật giáo thế sự được hiện thực hoá ở đời. Nó làm cho Phật giáo luôn ở vị thế và có vai trò quan trọng tác động tích cực trong việc xây dựng đất nước, cũng như giữ nước dài lâu trong xu hướng thịnh vượng. Thực tế, bất cứ một nền độc lập, tự chủ của một quốc gia nào phát triển phồn thịnh đều được thiết lập từ cơ sở “dân có giàu, nước mới mạnh”, mà ngày nay trở thành tiêu chí cho mọi quốc gia hướng đến, nhưng đó cũng là cách nói của cha ông ta ngày xưa “dân có an, quốc gia mới thái bình” (Quốc thái dân an).

Do đó, thông qua ngày Quốc lễ Phật đản này mà xác lập mục tiêu hướng đến của cả dân tộc trong việc xây dựng một nước Đại Việt phồn vinh. Trong đó, các giá trị tâm linh, văn hoá, giáo dục cần được duy trì và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó chính là sự kết nối truyền thông tình yêu thương trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với môi trường sống, giữa gia đình và xã hội, giữa người dân và vua quan, đại thần lãnh đạo đất nước nhằm tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân thực thi một đời sống hạnh phúc thật sự. Điều này được nhân dân Đại Việt thời đó đúc kết và hát ca trong ngày Quốc Lễ Phật Đản và lễ hội dân tộc:

“Vào chùa thắp một nén nhang,

Khói lên nghi ngút bốn phương nhà chùa”

Như vậy, ngày Quốc lễ Phật đản trở thành ngày lễ hội cả dân tộc, tất cả mọi người dân đều được sống trong cảnh giới Phật quốc ngay giữa cõi đời khi mà bốn phương tám hướng đều trở thành nhà chùa. Điều này càng càng có ý nghĩa hơn khi mỗi người dân đồng tâm thực thi sứ mệnh mà dân tộc và đạo pháp giao phó. Cụ thể là mỗi cá thể dù xuất gia hay tại gia đều phải tạo cho một định tuệ cho chính bản thân mình, sau đó phải có công tham gia phò tá đất nước mà vua Lý Nhân Tông với tư cách là một Phật tử thuần thành trong vai trò là một nhà lãnh đạo tối cao của đất nước đề xuất. Kết quả, việc tổ chức Quốc lễ Phật đản không chỉ là ngày làm cho các giá trị tâm linh “Phật tính” hiển lộ mà còn là ngày tổng kết các thành tựu của đất nước ta trên các lĩnh vực từ văn hoá cho đến kinh tế, chính trị, … để dân chúng và các nước lân bang ghi nhận. Chúng ta có thể thấu hiểu điều đó qua các dữ liệu sử sách, nhất là Đại Việt Quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh ghi lại về việc thiết kế lễ đài Phật Đản thật hoành tráng và rất quy mô:

“Dựng đài cao Quảng Chiếu, nhắm sân trước Đoan Môn. Trong nêu một cột; ngoài đặt bảy tầng. Uốn hình cung nâng lấy sen vàng; may lồng nhiễu che cho ngọn lạp. Dấu cơ vi ở dưới đất, như bánh xe xoay chuyển; rực ánh sáng giữa trời, như bóng ác chói chang. Lại có bảo thánh rực rỡ trang nghiêm; điện vàng viện báu. Do ý thánh dựng nên; đặt tượng vàng hai dãy. Dáng tỏ linh văn, hình phô kỳ lệ. Lại có hai toà lầu hoa, trong treo chuông vàng, khắc chú tiểu mình mặc áo nâu sồng; vặn máy ngầm giơ vồ chuông lên đánh. Nghe vỗ bao gươm mà đứng nghiêm quay mặt; nhìn thấy thánh minh mà khom cật cúi đầu. Những việc này đều nảy sinh từ ý nhà vua, muốn sao được vậy.

Lại có đài cao thất bảo, xếp thành một dãy, chính giữa có một ngọn núi vàng. Đặt tượng đẹp Như Lai Đa Bảo; bày chân hình xe phép mấy tầng. mái hiên lấp lánh ánh mặt trời buổi sang; màu ngói huy hoàng vẻ mây biếc ban chiều. Thứ đến, hai toà bạch ngân: bên tả đặt chân dung A Di Đà, bên hữu để xá lợi của sắac thân mầu nhiệm. Chiều cao mở ra thế khoẻ; vẻ đẹp phô ra mái cong. Long lanh ngỡ tuyết trắng đang tan; rực rỡ ánh trăng thu vằng vặc. Thứ nữa lại có hai toà Điểu văn: Bên tả đặt từ nhan của chính giác; bên hữu đặt diệu tướng của Bồ đề. Đã hoàn thành gác lớn; lại xây dựng lầu cao. Nóc che ngói quí, vách chạm hình rồng. Lại thứ nữa có hai toà ngà voi: bên tả chạm hình dung Phật Cam lồ; bên hữu đặt diệu tướng Phật Bảo Thắng. Gọt mài chất quý; cao dựng cột hiên. Các cạnh nạp ngọc quý; các khe khảm sừng tê. Lại soạn kỹ những lời ghi đẹp đẽ, đều khắc vào bên cạnh toà sen. Mở tấm long trong trắng; soi sang mãi đời sau.

Lại tả chín phương bằng năm sắc; khắc bốn cột bằng song huyền. hai bên nghìn đèn nhấp nháy; bốn mặt rực rỡ vàng son. Có thể gọi là: hơn xa chế độ xưa nay; vượt hẳn sinh thành tạo hoá. Dồn hoà vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày; thoả tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại. Đó là công lao khéo xây dựng thắng duyên của bệ hạ”.

Sức mạnh Đại Việt thời đó, được phô diễn và phát huy cao độ qua việc tổ chức Quốc lễ Phật đản hết sức kỳ công, trầm hùng. Mọi người dân từ những cương vị khác nhau và tuỳ theo khả năng từng người mà đóng góp cho đất nước từ tâm lực cho đến tài lực. Nó cũng minh chứng cho chúng ta thấy, thời đó, trình độ văn hoá, kỹ thuật công nghệ cơ học, kiến trúc xây dựng và điêu khắc, chạm trổ cực kỳ tinh xảo, mỹ thuật pha màu trong vật liệu xây dựng thật kỳ độc đáo, nhất là sự phối màu thật huyền ảo, lung linh sống động … tất cả đã tạo ra một diện mạo của một nước Đại Việt thật hùng cường và tráng lệ khiến cho nhân ta thật tự hào và các nước lân bang thán phục mà bài văn bia Sùng Thiện Diên Linh ghi nhận: “Nhân dân hoà hợp; trăm họ yên vui. …Họp các nước chư hầu mà yến thưởng.., làm chân chủ của đất trời….”

Vậy là việc xây chùa, độ tăng vào thời Lý là công việc không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực tôn giáo nữa mà thông qua con đường này mà làm cho mọi tiềm lực của quốc gia được bộc lộ và hiển bày cụ thể qua các thành tựu mà chúng ta đạt được trên các lĩnh vực như Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt Quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh ghi nhận. Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì khi Chu Văn Thường khẳng định điều này trong bài văn bia “An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký khoảng vào năm 1100: “Người dựng chùa là để mãi mãi giữ lấy nước nhà” (mộ tu tượng pháp, vĩnh bảo bang gia). Hệ quả tất yếu là Phật đản được trở thành ngày Quốc lễ hằng năm vào thời Lý./.

Thích Phước Đạt