Tháng Tư này


altMẹ yêu của con,

Con ước gì mẹ về vào cuối tháng Tư này. Ngày cuối tháng Tư con mở mắt chào đời, để rồi nghe kể lại trong tiếng khóc con có tiếng khóc đau thương của người mẹ trẻ hòa theo.

Vòng tay ấm, tình thương của người mẹ ấy ngỡ sẽ bù đắp cho con thật nhiều bởi lúc sinh ra không có mặt cha. Người cha một ngày rã ngũ, tan hàng vội vã bước lên chuyến tàu sau cuối trong đoàn người di tản. Con lớn từng ngày, ngơ ngác hỏi bà nội vì sao con không có mẹ cha? Có phải con là đứa nhỏ mồ côi được ông bà thương xót dưỡng nuôi? Bà nội ôm con vào lòng, trả lời trong màn nước mắt nhạt nhòa. không! Con không phải là trẻ mồ côi. Con có đủ mẹ cha, và một người anh nữa đang ở bên kia bờ đại dương xa thẳm. Nơi đó, không thấy bóng dáng của nỗi nhọc nhằn, đau thương, khốn khổ giống quê mình. Càng lớn, nỗi buồn âm thầm trong con càng ngấm sâu nhiều. Mẹ nơi đâu và cha ở nơi đâu? Con cảm nghe bơ vơ, sợ hãi mỗi khi điền vào tờ lý lịch: Cha là sĩ quan chế độ cũ, mẹ vượt biển ra đi. Mẹ ơi! "Bà mẹ Gio Linh" là nội, sau những năm chinh chiến buồn đau, vẫn tiếp tục sống đời hiu quạnh ở nơi có đất cày lên sỏi đá, nuôi đứa cháu lạc loài ở lại quê nhà.

Con lớn lên như loài cỏ dại, cúi rạp mình theo cơn gió lắt lay. Tuy không chịu cảnh đói ăn, thiếu mặc nhưng khoảng cách giữa ba thế hệ, là nỗi cô đơn kéo dài suốt những năm tháng tuổi thơ. Con hay khóc và rất dễ giận hờn. Thiếu tự tin, thừa tự ti, con biến thành con ốc cuộn mình trong chiếc vỏ. Để che giấu nỗi sợ hãi vì thành kiến, vì bị phân chia đối xử, đôi khi con cũng là con nhím, bung ra những chiếc lông cứng nhọn để tự bảo vệ mình, mẹ có biết không?

Bà nội dạy con đừng oán than nghịch cảnh. Khi không có cách gì thay đổi được, hãy chấp nhận nó và thay đổi chính mình là điều con có thể làm, tuy không dễ chút nào. Hãy nhìn chung quanh để thấy có bao người bất hạnh hơn con. Nếu như cha ở lại, biết có sống sót trở về sau những năm tháng tù đày. Nếu mẹ là vợ người tù cải tạo, biết có vượt qua nỗi những cơ cực, đau thương cùng hai đứa con thơ? Vừa làm mẹ, vừa làm cha thêm lặn lội nuôi người tù nơi núi thẳm, rừng sâu không biết đến ngày nào thoát cảnh đọa đày... Con chợt nhận ra lòng vị kỹ của mình. Chỉ vì nghĩ tới mình nhiều quá cho nên con khổ. Không bằng lòng hiện tại, thèm kéo lôi quá khứ trở về, con còn lo sẽ bị mẹ cha lãng quên ở mai sau. Con hoang mang, sợ hãi giống như người bước chân vào cuộc hành trình đơn độc, không định hướng, không có hành trang cần thiết mang theo, chỉ vì con giống như đứa trẻ mồ côi.

Phải qua mười mấy năm sau con mới gặp lại người mẹ sinh thành. Niềm vui òa vỡ nhưng nỗi buồn không tan biến. Mẹ con trở về, con nhận vào đời thêm một người cha, và những đứa em gái chưa từng gặp mặt, bởi người mẹ ấy đã làm lại cuộc đời sau lần đi ra biển. Con là đứa bé chưa đầy một tuổi, nằm ngủ say bên cạnh lá thư và chiếc áo còn đầy ắp mùi hương để lại, mong con đừng khóc trong đêm mẹ bồng anh bỏ ra đi với ước mơ tìm gặp lại cha. Sau này lớn lên con chợt hiểu, đất nước mình không có chỗ dung thân cho vợ và con của những người tham gia cuộc chiến ngày xưa. Mẹ con đã đến, đã tìm và gặp nhưng cùng đi chung với mẹ là nguời đồng hành đã cho mẹ ân huệ bước lên chuyến tàu vưọt biên không điều kiện. Thêm một đứa bé sắp chào đời ngày mẹ gặp cha ở bên kia. Như quyển sách lật sang chương mới. Chỉ mình con mòn mỏi ngóng chờ ngày xum họp, đã cắt chia thành từng mảnh rời nhau.

Được mẹ trở về chăm lo bảo bọc, con vẫn không thấy mình hạnh phúc hơn xưa. Giờ đây con mới hiểu, hạnh phúc không là thứ ở bên ngoài, thì làm sao có thể kiếm tìm, nắm bắt được trong tay? Từ chối làm thủ tục lên đường xum họp, bởi con không mấy thiết tha khi nghĩ cả cha và mẹ đều có cuộc đời riêng, không có chỗ cho con. Con là kẻ mê mãi đi tìm hạnh phúc, mong lấp cho đầy khoảng trống bơ vơ. Ngỡ gặp rồi nên con bỏ lớp, bỏ truờng. Đâu ngờ hạnh phúc mong manh tựa bóng mây. Đám mây làm khuất lấp mặt trời, chỉ cho con chút bóng mát thoáng qua. Càng mơ ước, trông mong nhiều bao nhiêu thì nỗi thất vọng, buồn phiền trong con càng lớn bấy nhiêu. Đã có lúc con giận con lầm lỡ. Con giận hờn nghịch cảnh trong đời. Con giận ngày xưa cha mẹ bỏ con đi.

Có nhiều khi con nghĩ, dường như những đổi thay to lớn của đời con thường xãy ra trong thời điểm tháng Tư. Mẹ còn nhớ không? Hai mươi năm sau ngày biến động, cha trở về quê nội lần đầu cũng dạo tháng Tư. Hôm đó con về thăm bà nội bệnh, chợt nghe tiếng xe dừng lại trước sân nhà, lòng xao động lạ kỳ. Con chạy nhanh ra, không hỏi, không chào người khách bất ngờ, mà nhào đến ôm chầm người con hằng thuơng tưởng ngày đêm, khi nhận ra khuôn mặt dù đậm vẽ phong trần, vẫn là khuôn mặt thứ hai của chính con. Từ nhỏ con đã thường nghe bà nội nói với con rằng. Con là con gái giống cha. "Con gái giống cha, giàu ba họ". Giàu đâu con không thấy, chỉ biết rằng con giàu nước mắt hơn bất cứ người nào hay khóc trên đời.

Chắc bây giờ thì mẹ hiểu, vì sao trong những năm tháng tuổi thơ con dù rất khát khao tình của mẹ cha, nhưng vẫn im lặng trước những câu hỏi ân cần từ mẹ. Con thèm tình mẫu tử hơn bao giờ, bởi cho đến lúc đó, mẹ con chưa về lại. Là đứa trẻ không có mẹ cha bên cạnh, cho nên con luôn cảm thấy hoang mang. Ở trường học, không ai dạy cho con bài học yêu thương, mà được dạy cho oán thù, kết tội những người ngã ngựa sau cuộc chiến, trong số đó có cha. Con sống triền miên trong sợ hãi, lo âu. Sợ nghe bất cứ câu hỏi nào về người cha bỏ nước ra đi lúc con chưa được sinh ra. Con sợ chế độ luôn tìm mọi cách, kết tội luôn cả suy nghĩ bên trong. Ngoài nỗi sợ uy quyền, đe doạ của người ngoài, con còn ráng tập giấu kín tình thương và cảm xúc riêng. Biết bao lần, con muốn vươn cánh tay bé nhỏ thật xa, để chạm vào tình phụ tử mà con hằng khao khát.

Con thật sự không thất vọng, khi được ôm gọn trong vòng tay ấm áp, thương yêu của người cha bỗng sừng sững hiện ra như một giấc mơ. Hai mươi năm. Thời gian như chớp mắt mẹ ơi! Con đã biết thế nào là hạnh phúc khi sống cho phút giây đang hiện hữu. Những cơ cực, tủi buồn, ước mơ và tuyệt vọng... phút chốc loãng tan như cơn gió nhẹ trước sân nhà ngày con gặp được cha. Tất cả trôi theo giòng nước mắt tuôn hoài như suối không ngừng. Con không kể ra, mẹ cũng đoán phần nào. Khi lau khô nước mắt, câu đầu tiên con hỏi chính là câu hỏi dành cho mẹ, bởi có muôn vàn nghi ngại và thắc mắc ngập đầy ở trong lòng.

Cánh cửa ngăn chia đã mở toang. Con biết rõ điều con cảm nhận ngay trong phút đầu tiên gọi mẹ. Đêm đó, con nói câu gì mẹ còn nhớ hay quên? Con cầm điện thoại. Tay con run và giọng nói cũng run run. Mẹ ơi! Con là con gái của mẹ ba. Đứa con gái sống với ông bà nội mà mẹ thường băn khoăn hỏi. Mẹ ơi! Mẹ có buồn không? Con nghe tiếng khóc nghẹn ngào của mẹ và chợt khóc theo qua câu nói đầu tiên. "Con chính là người nhận chịu thiệt thòi. Nghĩ cũng là nỗi bất hạnh chung của bao sinh linh trên đất nước mình thôi. Quá khứ đã qua. Con đừng buồn nữa. Không phải bắt đầu kể từ bây giờ. Thật ra con đã là con của mẹ từ lâu". Con dụi mắt như vừa đi ra từ giấc chiêm bao. Hạnh phúc ngay trong tầm tay với, vậy mà nỗi lo âu, sợ hãi, hoài nghi đã ngăn chia tình thương vốn sẵn tràn đầy trong những tháng năm buồn thảm của đời con. Lá thư sau đó mẹ gởi về cho nội. Ông cười mãn nguyện, nói con là người hạnh phúc vì có hai người mẹ trong đời. Cả hai ra đi, mang theo tấm lòng của bà mẹ VN.

Mẹ kính yêu,

Mẹ có buồn không, có trách con không? Nghĩ mình thiếu tình thương cho nên con hay đòi hỏi, tự cho mình là người bất hạnh nhất trên đời. Con đã sống mà như quên hơi thở. Đã nhìn nhưng không thấy được bao nhiêu. Đã nghe nhưng không cảm nhận, bởi dường như con chỉ biết thương con. Con ghi vào lòng lời mẹ nói đêm nào, khi con gọi tìm mẹ để khóc như con thường hay khóc. "Tất cả những gì xãy ra trong cuộc đời mình đều không phải ngẫu nhiên. Thay vì trách than, đối kháng, giận buồn, nếu con có thể nhìn sâu hơn để khám phá ra, luôn luôn có một bài học nào đó dành cho con học. Những khổ đau phải chịu, nào chỉ riêng một mình con. Có mất mát chia lìa người thân yêu nhất của mình, con mới thực sự biết chia sẻ, cảm thông với nỗi đau chung". Giờ đây con đã hiểu ra. Nghịch cảnh không hẳn là điều tệ, vì gíup cho con có thêm ý chí, lòng nhẫn nại, biết bao dung với chính mình và cả mọi người, mỗi khi cố gắng vượt qua. Như lời mẹ nhắc hôm nào, con nghĩ phải chăng quả khổ đau bất hạnh hôm nay, là nhân đã gieo trồng trong vô thức thuở nào. Con sẽ không còn hỏi vì sao mình khổ, mà sẽ gắng chọn hạt giống lành, và học thuộc lòng bài học cảm thông để dưỡng nuôi,làm lớn rộng tình thương mà đã từ lâu con thích nhận, quên cho.

Mẹ ơi! Con tự biết mình may mắn thật nhiều, vì con gái của mẹ không có mặt trong số hàng vạn người con gái đi lấy chồng như bán cuộc đời, để có vài trăm để lại cho gia đình, rồi theo người xa lạ lưu lạc tha phương không biết về đâu? Bên cạnh đó, mẹ có biết rằng khoảng cách giữa nỗi khó nghèo cơ cực và những người quyền thế sang giàu, đã thôi thúc từng bầy thiếu nữ nơi thành phố, lao vào vũng lầy để có được cuộc sống xa hoa, phù phiếm hay không?. Là người ở lại nên con thấu rõ, cả triệu tấm lòng của người ra đi vẫn không ngừng hướng về người ở quê nhà. Có cả triệu bàn tay cùng nhau băng bó lại vết thương xưa, dựng lại ngôi nhà mục nát tang thương qua năm tháng. Lo từ người đang sống, cho đến những mộ phần hoang lạnh tiêu điều. Lo từ cháu con cho đến trẻ mồ côi. Từ con đường nhỏ, cây cầu bắt qua con lạch cho đến mái nhà che mưa nắng người nghèo và những ngôi chùa mục nát, rêu phong. Trường học cho trẻ thơ, học bỗng dành cho người hiếu học và đem lại ánh sáng cho nhiều người sống cảnh mù lòa bởi quá nghèo nàn. Những cơn nước lũ đổ về không dứt, lụt lội lan tràn khi rừng bị tàn phá không ngừng do đói nghèo và do cả lòng tham. Những tấm lòng luôn hướng về đất mẹ, đã vượt đại dương để cưu mang, xoa dịu bao nỗi khổ niềm đau.

Những người ra đi thuở đó, dường như ai cũng mang theo một quê hương và ra sức bồi đắp, dựng xây không ngừng trong suốt mấy mươi năm, mong người ở lại sớm thoát ra cảnh khổ. Nhưng mẹ ơi! Mẹ phải về để thấy nhiều hơn những gì con kể mẹ nghe. Theo thời gian, vết thương ngày cũ đã lành, nhưng chiếc áo lành lặn, thơm tho người ta đã vứt bỏ đi, để khoát lên mình manh áo đủ màu được dệt bằng vị kỹ, tham lam mù quáng. Sự trong sạch, chân thành không dễ kiếm tìm. Vết thương ngoài da lành hẳn, nhưng sau chiếc áo phù phiếm, xa hoa là một thân thể dung chứa nhiều căn bệnh trầm kha. Con bỗng cảm thương nhiều những tấm lòng, dù xa vạn dặm vẫn ra sức vá lại quê hương rách nát, trong khi người khổ đau vẫn không ngừng đau khổ từng ngày.

Mẹ bảo con đừng bi quan nữa. Dù không thể vá lành manh áo tả tơi, thì những người luôn sống với tình thương vẫn không bao giờ bỏ cuộc, nản lòng. Mẹ ơi, có phải mẹ muốn nói với con rằng một ngày nào khi đã đủ nhân duyên, mọi người sẽ chung sức dệt ra áo mới. Chiếc áo được kết bằng những sợi yêu thương, để ai mặc vào cũng biết thương người như thể thương thân và trong nỗi khổ người có nỗi khổ mình, cho nên bớt tham lam, sân hận, si mê. Ba mươi hai năm, con trãi qua đoạn đời vui ít, buồn nhiều ở nơi này. Chợt nhận ra rằng, dù khổ, dù vui mọi thứ đều tuần tự đổi thay theo với thời gian. Cũng theo cách ấy, con tin rằng bóng tối sẽ qua đi. Con biết ơn những tấm lòng của biển- của những bà mẹ VN dù ở nơi nào vẫn mãi ấm nồng. Con cảm ơn tình mẹ cho con. Con cũng biết ơn hàng triệu người thuở ấy ra đi, dù trở lại hay không, mãi mãi vẫn còn nặng lòng với quê nhà.

Mẹ ơi! Tháng Tư này, mẹ về với con nghe!

Quỳnh My