Tìm Về Nơi Nương Tựa Vững Chãi

altChánh niệm khơi nguồn giác tính

Trong bài tụng Ba sự quay về có đoạn: “Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính sớm mở lòng bồ đề”. Từ giác tính trong đoạn này chính là phật tính – tức là khả năng giác ngộ nơi mỗi người. “Về nương Bụt trong con” có nghĩa là quay về nương tựa vào giác tính sẵn có nơi mỗi người. Điều này cũng cụ thể như việc ta có lá phổi, trái tim, đôi chân,…  và ta quay về nương vào chúng để sinh tồn vậy. Có nhiều người trong chúng ta có cảm giác bấp bênh, không vững chãi, chông chênh giống như là một chiếc thuyền không có neo, thành ra không buông neo được, không đứng yên được. Mỗi người đều có nhu yếu được nương tựa vào một nơi nào đó để có thể vững chãi hơn trong cuộc sống. Và ta đang kiếm tìm nó. Đạo Bụt không chủ trương nương tựa vào một đấng thần linh ở ngoài mà hướng dẫn ta quay về nương tựa nơi giác tính có sẵn trong ta – giác tính là khả năng tỉnh thức, khả năng nhận biết những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Chánh niệm là đầu giây mối nhợ của sự tỉnh thức; chánh niệm giúp ta biết được chuyện gì đang xảy ra.

Khi thở vào mà biết được ta đang thở vào thì ta đang có chánh niệm. Có chánh niệm là có giác tính. Chánh niệm với giác tính là một thứ. Bởi vì nếu mê mờ thì đâu biết cái gì đang xảy ra. Sự ý thức rõ ràng về hơi thở vào ra của chính mình là một năng lượng giác, và nó đích thực là Bụt. Bụt chính là hơi thở có chánh niệm. Khi thở, Bụt biết mình đang thở. Bụt thở rất khỏe, rất nhẹ nhàng, rất dễ chịu. Nếu thở vào, mình cũng thở có phẩm chất như Bụt thì lúc ấy mình đang có Bụt. Bởi vì Bụt cũng là một con người; nhưng Bụt có ý thức rõ ràng về từng hành động của chính mình, Bụt an trú được trong phút giây hiện tại, có mặt cho sự sống trong phút giây hiện tại, và không bị kéo theo những thói quen. Là học trò Bụt, mình phải có mong muốn làm được như Bụt: thở như Bụt, đi như Bụt, ngồi như Bụt… Sở dĩ, bước đi của Bụt có phẩm chất là vì có giác tính. Và cái thở, cái ngồi của Ngài cũng vậy. Mình có thể học cách thở, cách đi, cách ngồi… như Ngài. Nếu mình đi, thở, ngồi… được như Bụt thì lúc ấy, giác tính của mình đang biểu hiện. Nương tựa vào giác tính nghĩa là nương tựa vào hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm, thế ngồi chánh niệm… Những điều này rất cụ thể, rất thực tế, không mơ hồ chút nào. Nếu thực tập giỏi, mình sẽ có được chỗ nương tựa trong hai mươi bốn giờ một ngày. Nhưng nên nhớ, hơi thở, bước chân, thế ngồi… phải thực sự có phẩm chất, có giác tính thì chúng mới trở thành nơi nương tựa của chúng ta.

Đến Làng Mai, mình thấy xung quanh mình ai cũng hết lòng thực tập, chính phẩm chất tu tập của tập thể đã tạo cho mình niềm tin là chính mình cũng có thể làm được. Nếu người khác ngồi có phẩm chất, có hạnh phúc, không lý nào mình lại không làm được như họ? Thực tập chung với tăng thân rất có lợi, sự thực tập của người này nâng đỡ sự thực tập của người kia, mình phải tận dụng cơ hội mỗi khi được tu chung với tăng thân để nâng cao phẩm chất tu tập của mình, để trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi thế ngồi đều có giác tính. Hai mươi bốn giờ mỗi ngày là tặng phẩm rất lớn, ta phải biết dùng nó cho đúng đắn, cho thích hợp, đừng để thời gian quý báu phí hoài trôi qua. Ta phải sử dụng thời gian thật khéo léo như một nghệ sĩ thì mới không đánh mất sự sống một cách oan uổng. Như vậy, rõ ràng, giác tính không nằm ở ngoài; nó nằm trong năm uẩn của mình. Muốn tìm Bụt chỉ cần tìm nơi hơi thở, bước chân, thế ngồi… có chánh niệm. Nương vào hơi thở có chánh niệm là nương tựa Bụt, là quy y Bụt. Bụt không phải là một đấng thần linh ở bên ngoài. Đến Làng Mai là cơ hội để chúng ta học thở, học đi, học ngồi… để tiếp xúc được với giác tính làm chỗ nương tựa cho chính mình.

Tăng Thân trong trái tim

Chúng ta đã đi lang bạt quá nhiều rồi. Chúng ta ước muốn có một nơi để quay về, để nương tựa, để có được sự bình an trong thân tâm. Chúng ta không nên tìm nơi nương tựa đó ở ngoài; hãy tìm nó ngay trong giây phút hiện tại, trong năm uẩn của mình. Các bậc hiền nhân đều biết được điều này: trở về và hiểu biết chính mình. Nhưng phần lớn chúng ta không thấy được như vậy nên đã thường xuyên hướng ngoại. Ở phương Tây, Giáng sinh là ngày mà người ta có khuynh hướng tìm về xum họp với gia đình; ở châu Á thì trong ngày tết Nguyên Đán dù đi đâu xa ai ai cũng phải thu xếp công việc để về đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, vì gia đình cũng là một nơi nương tựa. Nhưng nhiều người trong chúng ta không có may mắn có một gia đình toàn vẹn, hạnh phúc nên không muốn trở về nơi ấy. Những người này rất khao khát có một nơi để trở về mỗi khi có sự cô đơn, hờn tủi. Có thể họ đi tìm nơi nương tựa ở những người khác – một người đàn ông hay một người đàn bà khác.

Có rất ít người nghĩ được rằng, mình đã có sẵn chỗ nương tựa trong chính mình. Khi tìm được chỗ nương tựa nơi giác tính thì mình sẽ có được bình an, vững chãi thật sự. Khi ấy mình có thể làm nơi nương tựa cho những người khác. Nếu những người đã tìm được chỗ nương tựa nơi giác tính của chính mình mà đến sống cùng nhau thì sẽ tạo nên một nơi nương tựa khá vững chắc cho nhiều người khác. Tập hợp những người biết nương tựa vào tự thân, và nương tựa vào nhau được gọi là tăng thân. Làng Mai là một Tăng Thân như vậy. Tăng Thân rất vững chãi; vì nó được tạo nên từ những người có chất liệu ổn định và vững chãi. Do vậy, Bụt mới dạy, mình phải biết nương tựa vào tăng. Nhưng tăng thật sự được hình thành khi các thành phần của tăng thân biết thực tập nương tựa vào hải đảo của tự thân, vào giác tính của chính mình. Tăng có ở trong mình và có ở chung quanh mình. “Về nương Tăng trong con” có nghĩa là không chỉ quay về nương tựa Tăng ở xung quanh mình mà quan trọng là quay về nương tựa Tăng ở trong mình. Dù đi bất kỳ nơi đâu, mình cũng mang theo Tăng Thân trong trái tim. Nếu mình thành công trong việc nương tựa vào Tăng Thân khi ở Làng Mai thì mình cũng có thể làm được điều này khi trở về trú xứ.

Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn nghĩ ngay đến việc xây dựng Tăng Thân. Mặc dù Ngài đã thành đạo, đã tìm được nơi nương tựa nhưng Ngài vẫn xây dựng một Tăng Thân để làm nơi cho những người khác đến nương tựa. Ngài biết rằng, Tăng Thân rất cần cho cuộc đời, và Ngài dành nhiều thời gian cho việc xây dựng Tăng Thân. Ngài là người dựng Tăng rất giỏi, rất nhiều kinh nghiệm, rất kiên nhẫn. Việc dựng Tăng không dễ; bởi Tăng Thân cũng có những cá nhân còn lên xuống, còn bất ổn. Do đó, người làm công tác dựng Tăng phải thật sự kiên nhẫn và từ bi.

Trong Tăng Thân của đức Thế Tôn, đôi khi cũng có những rạn nứt, nhưng đức Thế Tôn không mất hy vọng, không nản chí, và quan trọng là không mất đi tình thương. Cuối cùng, những rạn nứt ấy đã được hàn gắn. Đừng bao giờ nghĩ, Tăng Thân phải hoàn hảo, phải không có bất kỳ những khó khăn nào, hạn chế nào. Đức Thế Tôn đã xây dựng Tăng Thân hết sức thành công, và Tăng Thân đã giúp đỡ ngài rất nhiều. Một vị Bụt không có Tăng Thân giống như một nhạc công không có nhạc khí, chẳng làm ăn gì được. Nhạc sĩ phải đi tìm một nhạc khí, và Bụt phải dựng Tăng.

Sau khi thành đạo, Ngài đi tìm năm anh em ông Kiều Trần Như để giáo hóa họ, và Tăng Thân đầu tiên được hình thành gồm năm người. Tăng Thân của đức Thế Tôn đã tiếp tục được phát triển cho đến ngày hôm nay. Ngày xưa, Tăng Thân của Bụt chỉ trong phạm vi nước Ấn, nhưng hôm nay Tăng Thân ấy đã lan rộng khắp thế giới. Ngày xưa, đức Ki –Tô  cũng xây dựng Tăng Thân. Tăng thân của Ngài ban đầu chỉ mười hai người – phần lớn là những người đánh cá. Ngài nói với họ: "Theo tôi đi; mình sẽ đi cứu người; thay vì mình tung lưới bắt cá thì hãy tung lưới giáo pháp để giúp đỡ người khác." Tăng Thân của đức Ki – Tô sau này được gọi là tông đồ. Khi Tăng Thân của Ngài lên đến con số sáu mươi, Ngài căn dặn các đệ tử của Ngài nên đi độ đời. Mục sư Martin Luther – một nhà vận động nhân quyền người Mỹ - rất ao ước xây dựng một Tăng Thân. Ngài biết rõ, nếu không có tăng thân thì không có hạnh phúc lớn, không đủ sức mạnh để tranh đấu được cho nhân quyền. Ngài gọi Tăng Thân ấy là Tăng Thân yêu quý. Nhưng rất tiếc, ngài đã bị ám sát năm 34 tuổi. Do vậy, công việc xây dựng Tăng Thân của ngài chưa được hoàn tất. Các bậc vĩ nhân đều thấy rằng, xây dựng Tăng Thân là một việc rất quan trọng; bởi vì chúng ta không những biết nương vào chính mình mà còn phải nương vào nhau. Nếu có thể nương vào giác tính của chính mình thì cũng có thể quay về nương tựa nơi Tăng Thân. Khi xây dựng Tăng Thân thành công, ta sẽ có được sự vững chãi, có được sự ổn định, và cùng với Tăng Thân, ta có thể thực hiện được hoài bão của đời mình. Đánh mất Tăng Thân là đánh mất đi cái quý báu nhất. Người nào có Tăng Thân trong trái tim thì người đó có hạnh phúc.

Năm 1966, tôi đã một mình rời quê hương để kêu gọi hoà bình cho Việt Nam. Đi một mình mà không có Tăng Thân rất là nguy hiểm. Điều này giống như một con ong xa lìa tổ, nó có thể bị tai nạn bất cứ lúc nào. Nhưng thầy không chết; bởi vì thầy đã đem theo Tăng Thân trong tim mình. Do vậy, tôi được Tăng Thân bảo hộ; tôi làm gì, nói gì cũng là làm cho Tăng Thân. Chúng ta nên thực tập để tìm một Tăng Thân tu tập nghiêm chỉnh để làm nơi nương tựa cho mình, và nơi nương tựa vững chãi nhất là ở chính mình. Mình thực tập nương tựa vào người khác trong Tăng Thân là nhằm mục đích hướng đến việc tìm nơi nương tựa trong chính bản thân mình. Mình thực tập hiến mình cho Tăng Thân, trở thành một phần tử của Tăng Thân, và mình sẽ được thừa hưởng những thành phần khác của Tăng Thân. Khi rời Làng Mai, nếu mình đem theo được Tăng Thân trong trái tim tức là đã thành công. Tăng Thân không phải chỉ có xung quanh mình mà còn có ở trong trái tim mình. Trong sự thực tập, một mặt mình cần quán sát mỗi thành phần của Tăng Thân thực tập như thế nào trong cách đi, đứng, nằm, ngồi, thở… cách tìm nơi nương tựa, mặt khác mình thực tập trở về tìm nơi nương tựa nơi chính mình trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày. Thực tập như thế nào để khi đi, đứng, nằm, ngồi… mình đều có nơi nương tựa. Mình không đi tìm hạnh phúc trong tương lai nữa mà tìm nó ngay trong phút giây hiện tại.

Thân thể là đền thờ tâm linh

Việc hiện đại hóa năm giới nhằm đóng góp cho nền đạo đức toàn cầu. Giới thứ nhất liên hệ đến sự đối trị tham, sân, si. Con người kỳ thị, bạo động, giết hại, xâm lược, tạo ra chiến tranh cũng vì lòng tham, sự sân hận và sự si mê. Thực ra, tham và sân cũng đều xuất phát từ si. Si là cái thấy kỳ thị, cái thấy phân biệt. Điển hình như là sự kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc. Chỉ có chánh kiến – cái thấy tương tức, cái thấy bất nhị – mới đối trị được với tà kiến – sự si mê. Giới thứ hai cũng có mục đích đối trị với cái tham. Vì tham nên mới muốn ăn cướp, ăn trộm, muốn chiếm hữu. Vì tham nên mới gây ra những tệ hại cho môi trường như gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí,…Họ bị mờ mắt bởi những lợi ích mà không thấy được rằng, làm nhiễm ô bầu khí quyển, làm nhiễm ô nguồn nước chính là đang tự làm nhiễm ô mình. Đó là cái thấy lưỡng nguyên. Mỗi người phải ý thức được cái tà kiến – si mê – của mình. Có ý thức được điều này, mình mới biết cách sống như thế nào để người khác cũng có cơ hội được sinh sống và môi trường cũng có cơ hội được bảo tồn.

Giới thứ ba đối trị với thói tà dâm. Bản tiếng Việt của giới này rất rõ ràng, trong đó có đoạn: “Nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của mình”. Còn trong bản tiếng Anh dịch ra thì có mở hơn một chút là “Không nên ăn nằm với những người mà mình không có sự cam kết lâu dài, không có tình yêu chân thật”. Bởi vì chế độ gia đình của xã hội Tây phương không được tốt. Trong xã hội này, những người trẻ sống gá tạm với nhau, họ có thể tới chung sống với nhau mà không cần kết hôn. Một số người trẻ Á châu bắt đầu chạy theo lối sống này. Do vậy, khi nghiên cứu và tu chỉnh giới thứ ba, mình cần nắm vững vấn đề này.

Ngày xưa, việc cưới vợ lấy chồng là vấn đề của đại gia đình. Nhưng bây giờ, người trẻ nghĩ đó là vấn đề của riêng họ. Đứng về phương diện tâm lý, gia đình nhỏ ngày nay không còn được vững chãi như ngày xưa nữa; nguy cơ tan vỡ của nó rất lớn. Nếu sống trong mạng lưới đại gia đình ngày xưa, mình sẽ được bảo vệ nhiều hơn. Bởi nếu mình có những quyết định bồng bột, sai đường thì sẽ được những thành viên trong gia đình kể cả những em nhỏ của mình giúp định hướng lại. Bây giờ thì ngược lại, mình muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, mình không muốn nghe theo ai hết. Trong thập niên 60 đã xảy ra một cuộc cách mạng về tình dục với sự xuất hiện của thuốc ngừa thai. Nó đã làm thay đổi xã hội rất nhiều. Phong trào này bắt đầu từ các trường đại học tại Mỹ, tại Pháp. Những cô thiếu nữ cũng đòi có tự do về tình dục. Họ nghĩ rằng, đàn ông có tự do về tình dục, tại sao họ lại không được? Trước đây, người phụ nữ phải gánh chịu phần lớn hậu quả của chuyện phóng túng tình dục, còn đàn ông, sau khi xong chuyện thì phủi tay trốn chạy. Nhưng với sự xuất hiện của thuốc ngừa thai đã làm đảo lộn quan điểm của rất nhiều người về tình dục. Ban đầu, bác sĩ chỉ áp dụng thuốc ngừa thai đối với những cặp vợ chống không muốn có con. Nhưng sau đó thì được sử dụng tràn lan, không còn mục đích rõ ràng. Cuộc cách mạng tình dục đã tạo phản ứng rất mạnh từ giới bảo thủ. Nhưng đối với những người phụ nữ trẻ thì họ thấy đây là cơ hội cho họ được giải phóng. Trong truyền thống, nếu người phụ nữ không có chồng mà có mang thì chịu sự trừng phạt rất nặng, có thể bị ném đá cho tới chết, có thể bị bỏ bè trôi sông. Trong khi đó, người đàn ông không bị truy cứu hoặc có thể trốn chạy. Đây là một sự bất công lớn.

Năm 1962, Mỹ có 1.200.000 người dùng thuốc ngừa thai. Nhà chức trách ngăn cản phong trào này bằng cách: bác sĩ sẽ không cấp thuốc ngừa thai cho những phụ nữ không chồng. Nhưng làm vậy cũng không ngăn cản nổi phong trào này. Nhiều gia đình tan nát, vợ chồng thù hận nhau vì chuyện ngoại tình, vì chuyện không chung thủy. Những đứa con trong những gia đình ấy rất khổ đau. Chúng ta phải nghiên cứu giới thứ ba cho kỹ, và tân tu lại cho phù hợp với hiện trạng của thời đại.

Theo tuệ giác của đạo Bụt, thân và tâm không tách biệt. Nếu thân bị ô nhiễm thì tâm cũng trở nên chán chường, ô nhiễm và thương tích. Nếu thân được nguyên vẹn thì tâm cũng được nguyên vẹn. Trong giới tiếp hiện, có đề cập đến thân như đền thờ tâm linh. Thân cũng linh thiêng như tâm vậy. Nếu thân không còn linh thiêng thì tâm cũng không còn linh thiêng nữa. Mình cần gìn giữ thân như việc gìn giữ tâm và ngược lại. Có lẽ trong quá khứ, quan niệm về sự gìn giữ thân và tâm giữa Tây phương và Đông phương không khác biệt là bao nhiêu. Thông thường, mình chỉ chia sẻ những gì sâu kín nhất trong tâm mình với người mà mình tin tưởng, với người tri kỷ. Đối với thân thể của mình cũng vậy. Nếu không có tình yêu sâu sắc với một người thì mình không bao giờ phó thác cái thân này cho người ấy. Do vậy, tình yêu trở thành rất thiêng liêng. Nó nuôi dưỡng được cả hai phía yêu nhau. Nếu coi xác thân người kia là dụng cụ phục vụ cho sự khoái lạc của mình thì tình yêu bị đánh mất đi yếu tố linh thiêng. Người Đông phương rất coi trọng việc giữ gìn thân thể của mình. Khi bị lạm dụng trong chuyện tình dục, họ có cảm tưởng như bị đánh mất đi những gì rất quý giá của đời mình. Đối với những em bé gái, bé trai khi bị lạm dụng, các em đau khổ rất nhiều, và niềm đau ấy có thể đeo đuổi suốt cuộc đời của các em. Cơ thể của mình có những vùng linh thiêng mà không có ai được quyền chạm tới. Sự toàn vẹn của cơ thể có liên hệ tới sự toàn vẹn của tâm hồn. Cái thấy thân tâm nhất như rất quan trọng. Thân nằm trong tâm và tâm nằm trong thân. Nếu không kính trọng thân thể thì không thể nào kính trọng được tâm hồn. Thân thể không thể là một món đồ chơi của chính mình và người khác. Điều này có liên hệ đến hạnh phúc của mình và con cháu của mình. Giữ gìn thân thể không phải chỉ để cho riêng mình mà còn cho con cháu và cho Tăng Thân của mình.

Giới thứ ba có liên hệ đến tình yêu, và sự liên hệ giữa hai người đứng về phương diện tình dục. Đức Thế Tôn dạy về tình yêu rất là sâu sắc và đầy đủ. Tình yêu chân thật có chứa những yếu tố: từ, bi, hỷ và xả. Phải thấy mình và người kia là một. Những khổ đau của người kia là những khổ đau của mình, và khổ đau của mình cũng là khổ đau của người kia. Mình không loại trừ người kia ra khỏi hạnh phúc và khổ đau của mình. Muốn xây dựng tình yêu chân thật thì phải thực tập giới thứ ba. Đi tìm thú vui trong tình dục mà phá đổ những yếu tố của tình thương đích thực là phạm giới. Phải thấy rằng, sự an ninh và toàn vẹn của người kia là sự an ninh và toàn vẹn của chính mình. Phải thấy rằng, cái thân và cái tâm của người kia là nơi linh thiêng, và cần phải tôn trọng thì lúc đó tình thương chân thật mới thật sự có mặt. Sự toàn vẹn của cơ thể nó có liên hệ tới sự toàn vẹn của tâm hồn. Với nền văn hoá xưa thì mình chỉ giao phó thân tâm cho người kia khi người ấy trở thành bạn tri kỷ của đời mình.

Tuy hai người đã cưới nhau, nhưng vẫn phải luôn luôn kính trọng lẫn nhau, không được có những cử chỉ, hành động thô lỗ với người hôn phối của mình. Phải thấy, thân thể của mình cũng linh thiêng như của người kia, và mình vẫn tiếp tục khám phá ra những cái hay cái đẹp ở nơi người kia thì lúc đó tình yêu mới kéo dài được. Tình yêu là một quá trình của sự khám phá. Trong giới thứ ba này, mình cần trình bày như thế nào để người ta thấy rằng, đi tìm khoái lạc trong tình dục sẽ làm phá vỡ hạnh phúc, phá vỡ tình thương. Tuổi trẻ bây giờ không được hướng dẫn về tình thương. Nhà trường chỉ dạy về sinh học thôi, không dạy gì về tình yêu. Các nhà giáo dục cần xét lại điều này. Nếu chỉ dạy cho học trò về sinh học mà không dạy về tình thương thì e rằng, cái đẹp, cái linh thiêng nơi họ sẽ bị đánh mất. Trong giới thứ ba, mình có thể thêm vào ý: con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục của con. Người nào cũng có năng lượng tình dục, và chính đức Thế Tôn cũng có năng lượng tình dục. Ngài thành đạo hồi 35 tuổi, và dĩ nhiên Ngài vẫn còn những năng lượng tình dục; nhưng Ngài biết cách chăm sóc năng lượng ấy nên nó không gây hại đến Ngài. Ngài đã biết hướng toàn bộ năng lượng của Ngài về phía độ đời, thương người.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta cần chăm sóc năng lượng tình dục ấy thế nào? Chuyện ăn uống cũng có liên quan đến năng lượng tình dục. Khi xuất gia, mình không còn làm chuyện dâm dục, nhưng làm thế nào để quản lý chúng? Bụt có dạy, người xuất gia không ăn mặn, không uống rượu. Đây là một phương pháp rất hay để hỗ trợ cho việc quản lý năng lượng ấy. Bên đạo Bụt nguyên thủy, mỗi ngày các thầy, các sư cô chỉ ăn một bữa vào buổi trưa, đây cũng là phương pháp hay. Trước khi ăn, mình luôn nhớ, ăn như thế nào cho có chừng mực và điều độ. Mỗi thầy, mỗi sư cô đều có chiếc bình bát để làm ứng lượng khí. Khi lấy thức ăn phải chừng mực, phải nhận diện được tâm hành tham ăn của mình. Chuyện ăn uống có ảnh hưởng rất quan trọng đến năng lượng tình dục. Trong đạo Bụt còn có phương pháp đệ nhị thân, tức là không được đi ra ngoài một mình, không chuyện trò với người khác phái một mình, mà phải luôn có một người cùng giới bên cạnh để bảo hộ. Đây cũng là một phương pháp hay để quản lý năng lượng tình dục khi đi ra ngoài. Ngoài ra, thực tập sám pháp và thực tập khí công cũng là những phương pháp quản lý, chăm sóc những năng lượng tình dục. Không phải chỉ người xuất gia mới học hỏi phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục của mình mà người tại gia cũng phải học. Bởi những người tại gia trong cuộc sống hằng ngày tiếp xúc quá nhiều với những yếu tố kích thích tình dục như phim ảnh, sách báo, âm thanh… Do vậy, người tại gia thực tập vấn đề chăm sóc năng lượng tình dục khó hơn nhiều so với người xuất gia. Giới tà dâm đôi khi lại khó thực hiện hơn giới bất dâm. Bất dâm là hoàn toàn không có dâm dục, còn giới tà dâm là chỉ có liên hệ với vợ hay chồng của mình thôi. Người cư sĩ cũng phải ăn uống như thế nào để không chế tác quá nhiều năng lượng tình dục. Trong giới thứ ba này cũng phải đề cập đến những phương pháp quản lý năng lượng tình dục rất cụ thể như vậy.

Thực tập giới là giúp bảo hộ cho mình, và đem lại cho mình bình an và hạnh phúc. Chúng ta sẽ bổ xung thêm vào giới thứ ba như sau: “Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục của con, để thấy được tính bất nhị của thân và của tâm – thân và tâm là một". Nếu không kính trọng thân là cũng không kính trọng tâm. Những điều này phải học hỏi và thực tập mới thấy được, chứ không phải chỉ đọc là hiểu được. Sau khi thọ giới, người hành trì giới phải pháp đàm và học hỏi một tháng hai lần. Tu tập để chế tác thêm các chất liệu như từ bi hỷ xả - bốn yếu tố căn bản của tình yêu chân thật có công năng làm lớn lên hạnh phúc của mình và của người khác. Trong nội dung của giới phải đề cập được những phương pháp hành trì cụ thể để người người khác dễ thực tập. Xã hội ngày nay, tình yêu thì ít mà tình dục thì nhiều. Do vậy mà khổ đau trong gia đình, xã hội rất lớn. Mỗi người cần phải tập chế tác tình yêu chân thật, và làm giảm thiểu tình dục. Giới thứ ba phải thể hiện được điều này để mỗi người trong xã hội ý thức được mức độ quan trọng của vấn đề.

Phiên tả pháp thoại của Sư Ông ngày 18.12.2008

phiên tả: Thầy Pháp Thiên