Tri Ân

Biết ơn là điều kiện có hạnh phúc

“Thanksgiving Day” là ngày lễ tạ ơn theo truyền thống của người Mỹ (27/11).  Tại Làng Mai, hàng năm, chúng ta đều tổ chức lễ tạ ơn, nhưng với một tinh thần khác. Tinh thần của sự đi sâu vào thực tập làm lớn lên lòng biết ơn để nuôi dưỡng niềm hạnh phúc trong đời sống nơi mỗi chúng ta. Bởi khi nào lòng biết ơn còn có mặt thì hạnh phúc vẫn còn. Và người đã cạn kiệt lòng biết ơn, hạnh phúc không thể còn có được.

Theo truyền thống Cơ Đốc Giáo, biết ơn được hiểu là biết ơn Thượng Đế, biết ơn Chúa. Bởi theo truyền thống Cơ Đốc Giáo thì Thượng Đế đã sinh ra mình, sinh ra vạn vật, và tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Còn trong truyền thống đạo Bụt, sự biết ơn được hiểu như tứ ân: cha mẹ, thầy tổ, bạn bè và mọi loài. Vì cha mẹ cho ta hình hài này, thầy tổ cho ta đời sống tâm linh, bạn bè là những người đồng hành, và nâng đỡ ta trong những lúc khó khăn, các loài hữu tình và vô tình khác mang lại cho ta những điều kiện cần thiết cho cuộc sống. Ta biết rằng, tổ tiên của mình không chỉ là loài người. Chúng ta có chung nguồn gốc với các loài động vật, thực vật và cả những loài khoáng vật. Bởi con người xuất hiện rất muộn trong lịch sử hình thành sự sống. Do vậy, lòng biết ơn không chỉ hướng đến loài người, mà cả mọi loài. Đối tượng của lòng biết ơn trong đạo Bụt rất lớn.

Người Phương Đông có quan niệm phú tải tri ơn –Trời che đất chở. Bầu trời ôm lấy mình, che chở mình. Còn mặt đất chuyên chở mình, là nơi cư trú của mình. Trên thì che, mà dưới thì chở -Thiên địa phú tải tri ơn. Đó là ý niệm về lòng biết ơn của người Đông phương. Nếu có tuệ giác, mình thấy được mọi thứ hiện hữu xung quanh đều có ơn đối với mình. Khi nhìn nước chảy từ vòi ra, mình ý thức rõ: “Nước từ nguồn suối cao. Nước từ lòng đất sâu. Nước mầu nhiệm tuôn chảy. Ơn nước luôn tràng đầy.” Trong mình sẽ dâng lên niềm biết ơn, nếu mình biết quán chiếu như vậy. Rồi mình nhìn sâu để biết ơn không khí, lửa,…Niềm biết ơn của mình sẽ bao trùm vạn hữu vũ trụ.

Trong ngày tạ ơn, người Mỹ thường có truyền thống trang hoàng những trái bí rợ rất lớn, những trái dưa, những trái bắp. Đây là những quà tặng của đất trời. Quà tặng ấy ta được tiếp nhận mỗi ngày. Ta cần thể hiện lòng biết ơn 24 giờ mỗi ngày. Ngày tạ ơn chỉ là biểu trưng cho lòng biết ơn ấy. Cần thực tập để lòng biết ơn trãi rộng trên khắp mọi loài. Lòng biết ơn còn bị giới hạn, chưa phải là lòng biết ơn đích thực. Chúng ta thường nghĩ, cha mẹ là người nuôi dưỡng ta nên vóc nên hình. Nhưng nhìn sâu hơn, ta có thể thấy, góp công vào sự dưỡng dục ấy còn có rất nhiều yếu tố như đất, trời,…Nếu không có đất, có mặt trời sao có được lúa gạo, sao có được bông để dệt vải,…Do vậy, ta cũng có thể gọi, mặt trời là cha chung của muôn loài, trái đất là mẹ chung của muôn loài.

Người trao truyền, vật trao tryền và người tiếp nhận

Trong triết lý của Phật giáo, chuyện cho và nhận được nhận thức rất sâu sắc. Khi quán chiếu sâu sắc, ta thấy rằng, trong quan hệ cho nhận, người cho với người nhận không phải là hai thực tại riêng biệt –Người cho cũng là người nhận, và người nhận cũng là người cho. Thực tế là vậy, nhưng ít khi thấy được điều này. Ví dụ, tuy mình biết, cha mẹ là người trao truyền cho mình hình hài này, nhưng mình vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng, mình và cha mẹ là hai thực thể riêng biệt. Cha mẹ là một thực thể khác, con là một thực thể khác. Thấy như thế thì chưa đúng với tinh thần đạo Bụt. Nhìn kỹ, hình hài này chứa đựng cả cha mẹ. Cha mẹ có mặt trong từng tế bào cơ thể của con. “Con có cha có mẹ. Cha mẹ có trong con”. Con mang đầy đủ những hạt giống, nhiễm sắc thể của cha mẹ.  Người trao truyền và vật trao truyền là một. Đây gọi là cái nhìn bất nhị -Một giáo l‎ý rất thâm sâu trong đạo Bụt.

alt

Nếu đem cái nhìn bất nhị này áp dụng vào trường hợp của những người bạn Cơ Đốc Giáo và Do Thái Giáo, mình sẽ có được những cái thấy rất hữu ích. Các bạn Cơ Đốc Giáo và Do Thái Giáo nếu quán chiếu thật kỹ, sẽ thấy được, mình và thượng đế không phải là hai thực thể riêng biệt. Mình ở trong thượng đế, và thượng đế ở trong mình. Đối với vấn đề tạo hóa và tạo vật cũng vậy. Mình hay quan niệm rằng, tạo hóa và tạo vật là khác nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ tạo hóa sẽ thấy được tạo vật ở trong, và ngược lại. Nếu không có liên hệ, làm sao tạo hoá làm ra tạo vật được?  Nếu không có liên hệ, làm sao có sự trao truyền? Trong truyền thống Cơ Đốc, nhiều vị tu sĩ đã thấy được điều này là nhờ có cái nhìn bất nhị. Nên họ không đi tìm Thượng Đế và Chúa bên ngoài họ, bởi họ đã thấy Thượng Đế và Chúa ngay bên trong họ. Kinh Phúc Âm có dạy rằng, Chúa, Thượng Đế nằm ở trong trái tim của mình chứ không phải là một thực thể bên ngoài mình.  Do vậy, người trao truyền chính là vật trao truyền, vì người trao truyền đã trao truyền chính mình cho người tiếp nhận. Đứng về phía người tiếp nhận vật trao truyền, họ cũng chính là vật trao truyền. Tuy nói rằng, sự trao truyền có ba yếu tố: người trao truyền, người tiếp nhận, và vật trao truyền, nhưng kỳ thực, ba yếu tố đó chỉ là một. Cái này được gọi là tam luân không tịch.Tức là ba cái không có sự riêng biệt. Người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận nương nhau mà có. Một trong ba yếu tố vắng mặt thì hai yếu tố còn lại không thể được hình thành.

Ngày tạ ơn là cơ hội để thể hiện lòng biết ơn. Nhưng lòng biết ơn ấy có sâu sắc hay không, còn tùy thuộc vào cái thấy về lòng biết ơn có sâu sắc hay không? Cái thấy sâu sắc nhất chính là cái thấy bất nhị -Người mình mang ơn và mình là một. Trong ngày biết ơn, không phải chỉ ý thức đến sự  may mắn của mình, mà cần phải quán chiếu cho sâu sắc vấn đề này để đạt đến tuệ giác bất nhị.

Trong truyền thống đạo Bụt, có dùng danh từ pháp –Chỉ sự vật –Như đối tượng của tâm thức. Pháp đây không có nghĩa là giáo pháp. Ví dụ, cây bút được gọi là một pháp, con mắt là một pháp, trái bí ngô là một pháp. Cơ thể ta có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Và đối tượng của sáu căn là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Sắc là đối tượng của mắt,  thanh là đối tượng của tai, hương là đối tượng của mũi, vị là đối tượng của lưỡi, xúc là đối tượng của thân, và pháp là đối tượng của ý. Do vậy, chữ pháp có nghĩa là những cái ta nhận thức được. 

Khi mình có tri giác, cái tri giác đó có hai phần: chủ thể và đối tượng. Chủ thể và đối tượng phát hiện cùng một lúc. Khi nói thấy, luôn luôn phải có đối tượng của cái thấy ấy –Thấy cái gì? Tương tự với nghe, ngửi, vị, xúc, ý. Đây là vấn đề rất khó trong đạo Bụt, nhưng hết sức căn bản. Vì khi hiểu được điều này, mới có thể hiểu được các giáo lý của Bụt. Ví dụ, khi nhìn trái bí –Là một pháp, ta cần tập nhận biết, trái bí là đối tượng của ý. Pháp là đối tượng của ý, và không tách rời khỏi tâm. Đây cũng là vấn đề bất nhị -Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức không độc lập, gắn liền với nhau. Thực tập điều này hơi khó, nhưng mình có thể đạt được. Ngành khoa học lượng tử đã bắt đầu hé mở được vấn đề này. Các nhà khoa học thấy được, đối tượng nghiên cứu của mình ở đâu, tâm mình ở đó. Tuy nhiên, họ vẫn còn bị kẹt vào ý niệm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức độc lập nhau. Đó là cái thấy nhị nguyên, một cái thấy rất thông thường của con người. Phá vỡ được cái thấy nhị nguyên chỉ có thể nhờ vào công phu quán chiếu. Hiện nay, các nhà khoa học đang chật vật để vượt qua điều này. Và khả năng giải thoát sanh tử của các hành giả cũng đều tùy thuộc vào việc có vượt qua được hàng rào của kiến chấp nhị thủ. Trong kinh bốn lĩnh vực quán niệm có đề cập đến bốn đối tượng để quán chiếu: thân, thọ, tâm và pháp. Quán thân nơi thân, quán thọ nơi thọ, quán tâm nơi tâm, quán đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Lĩnh vực quán chiếu thứ tư là pháp. Pháp là đối tượng của tâm, không tách rời khỏi tâm, không ở ngoài tâm.

Căn nguyên từ nội tại

Chúng ta đã có nói, căng thẳng như là yếu tố luôn góp mặt trong nguyên nhân gây ra những khổ đau như lo lắng, sợ hãi, bạo động, gia đình tan vở, gia đình lứa đôi tan vở, ly dị, tự tử, chiến tranh, sung đột, khủng bố, môi trường phá hoại, địa cầu hâm nóng…Còn rất nhiều nỗi khổ đau trong lòng mỗi người, mà chúng ta không thể kể hết ở đây. Theo nhận thức của những nhà chính trị, các nhà kinh tế, các nhà cách mạng, khổ là nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp, bất công xả hội, nô lệ, kỳ thị,…Nhưng nếu quán chiếu cho sâu, họ cũng thấy được rằng, những cái mà họ cho là khổ không nằm ngoài mối quan hệ với những nỗi khổ trong tự thân. Giả sử, dù không có nghèo đói, không có bịnh tật, không có thất nghiệp, không có bất công xã hội, nhưng vẫn có những căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bạo động, chiến tranh nhưng thường.  Khổ vẫn có như thường. Nếu chúng ta không có căng thẳng, không lo lắng, không sợ hãi, không bạo động, tự nhiên nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp sẽ được giảm bớt.  Chúng ta cần phải nhìn nhận một cách sâu sắc để biết được cái nào đích thực là khổ. Ví dụ, một người tranh đấu chống nạn thất nghiệp để có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đấu tranh để có tự do, vì theo họ: thất nghiệp, không có cơm ăn, áo mặc, nhà ở,…là khổ. Nhưng có thể trong họ vẫn có sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, giận hờn, và họ vẫn khổ, cho dù họ có đấu tranh thành công để có được việc làm, để có được tự do. Cho nên, cái khổ có nhiều mặt. Và khi đề cập đến tập đế, chúng ta có thể nói, nó là con đường bát tà –Tức là con đường không có mặt của chánh kiến, chánh tư duy. Nó là nguyên nhân đưa đến khổ đau. Nhờ biết được nguyên nhân khổ đau, mình chuyển hóa được khổ đau –Diệt đế. Diệt đế là sự vắng mặt của khổ đau, sự vắng mặt của bóng tối. Khổ đau vắng mặt thì hạnh phúc có mặt. Bóng tối vắng mặt thì ánh sáng có mặt. Hạnh phúc là ngược lại với căng thẳng –Thư giãn. Hạnh phúc là ngược lại với lo lắng –Vô ưu. Hạnh phúc là ngược lại với sợ hãi –Vô úy. Hạnh phúc không thể có mặt của yếu tố bạo động, yếu tố tan vỡ. Diệt đế là hạnh phúc, nhưng khổ đau cũng có thể đang có mặt một phần nào đó. Công nhận khổ đế không có nghĩa là không có hạnh phúc. Công nhận có bùn không có nghĩa là không sen trong bùn.

Trong đời sống, rất nhiều người không có sự thư giãn. Khi tới Làng Mai, mình cần học thư giãn. Ví dụ, tập đi thiền hành là cơ hội để tập thư giãn. Sự căng thẳng và thư giản đi đôi với nhau, và có mặt cùng một lúc. Vấn đề là cái nào nhiều, cái nào ít mà thôi. Trong chúng ta có sự căng thẳng, nhưng cũng có thể có sự thư giản. Tuỳ cách sống của mình mà ta có nhiều sự căng thẳng hay nhiều sự thư giản. Trong giây phút hiện tại, trong ta vừa có bùn, vừa có sen; vừa có rác, vừa có hoa. Nếu nói khổ đế là một sự thật thì diệt đế cũng là một sự thật. Cuộc đời có những khổ đau, nhưng cuộc đời cũng đang có những hạnh phúc.

Khi nói đến tứ diệu đế như chỉ toàn là khổ đau thì chưa đúng. Tứ diệu đế nói, có khổ đau, nhưng cũng có hạnh phúc. Vấn đề là làm thế nào để bớt khổ đau thêm hạnh phúc trong cuộc sống. Nhìn cho kỹ, khổ đau cũng đóng một vai trò nào đó để tạo dựng hạnh phúc.

Sáng nay ngồi thiền, Thầy cảm thấy rất hạnh phúc và hạnh phúc là một chuyện có thật. Khi nói tới đến tứ diệu, nếu nghĩ rằng tứ diệu đế chỉ có khổ đau thôi thì không đúng. Tứ diệu đế nói rằng có khổ đau nhưng đồng thời hạnh phúc cũng đang có mặt. Nhìn cho kỹ thì khổ đau cũng đóng một vai trò nào đó để tạo dựng hạnh phúc. Vấn đề là làm thế nào để vơi bớt khổ đau và tăng trưởng hạnh phúc. Luân lý đạo đức là những nguyên tắc, những phương pháp hành động để giảm thiểu khổ đau và nuôi lớn đạo đức, cho nên không hẳn là  tiêu diệt khổ đau mới có hạnh phúc.

Vào khoảng 6 giờ sáng trên bầu trời có cả mảng sáng và mảng tối, sáng tối đan xen vào nhau. Khổ đau và hạnh phúc cũng vậy, nó nương vào nhau. Trong tuệ giác tương tức thì cái này được làm bằng cái kia và cái kia được làm bằng cái này thử hữu tức bỉ hữu thử vô tức bỉ vô. Giống như sen với bùn, nếu không bùn thì không có sen. Cho rằng tất cả chỉ là khổ là một ý niệm sai lầm. Bụt nói rằng: “Con ơi, có những khổ đau và con phải quán chiếu để chặt đứt khổ đau”. Chứ Bụt không hề nói tất tần tật đều khổ.  Nếu là nhà thần học, vì thương Bụt quá nên khi nghe Bụt nói đời là khổ nên mình tìm đủ mọi cách để chứng mình đời là khổ, để cho Bụt đúng, ai dè làm như vậy là hại Bụt chỉ vì mình không hiểu được lời Bụt.

Công nhận khổ đau đang có mặt và cho rằng tất cả đều là khổ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Sai lầm đầu tiên là cho rằng mọi thứ là khổ. Sai lầm thứ hai là tưởng rằng chỉ khi nào khổ đau vắng mặt hoàn toàn thì khi ấy mới thực sự có hạnh phúc.

Tuy cuộc đời có khổ đau nhưng nhờ tu tập ta tìm được những giây phút rất hạnh phúc. Cho dù đang trong hoàn cảnh khốn khó tới mấy thì vẫn luôn còn đó những điều kiện hạnh phúc, tuy ít ỏi nhưng nó có đó. Ngược lại nếu cho rằng đời toàn niềm vui cũng không đúng. Đời có khổ có vui, cái khổ đang đóng một vai trò nào đó để làm ra cái vui. Nếu không đói thì mình ăn sẽ không ngon. Nhờ có cái đói ta mới cảm thấy hạnh phúc khi được ăn.

Trong kinh có nói năm uẩn là khổ. Người xưa diễn tả khổ là: Sinh, già, bệnh, chết. Sinh ra là khổ, già là khổ, bệnh tật là khổ, chết là khổ. Ham muốn mà không được là khổ, ghét bỏ mà bị gần gũi là khổ và năm thủ uẩn là khổ. Thủ có nghĩa là bị kẹt, bị vướng mắc vào và uẩn là năm yếu tố tạo nên con người gồm có: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Nếu bị kẹt vào năm uẩn, bị dính mắc vào cho nó là của mình thì lúc đó mới khổ. Năm uẩn không khổ nhưng năm thủ uẩn mới khổ. Đức Thế Tôn nhờ có năm uẩn mà ngày hôm nay chúng ta mới có giáo pháp để hành trì. Ngài cũng có năm uẩn nhưng Ngài không khổ bởi vì Ngài không bị kẹt, không cho rằng năm uẩn là vật sở hữu của mình, nhờ đó nên ngài được tự do. Uẩn của ngài không phải là thủ uẩn. Các pháp không phải là khổ nhưng vì kẹt vào các pháp nên mới khổ.

Thư giãn là hạnh phúc có mặt

Phát triển sự thư giãn, buông bỏ những lo lắng, sợ hãi và bạo động là hạnh phúc đang có mặt. Mỗi người đều có khả năng chế tác ra sự thư giãn với tư cách cá nhân và năng lượng đó sẽ ảnh hưởng tới tập thể. Thí dụ một người giáo viên nếu có ý thức nuôi dưỡng sự thư giãn trong mình và chế tác sự thư giãn đó cho học sinh thì việc dạy và học sẽ thành công hơn. Giữa giáo viên và học sinh có sự nhẹ nhàng mà không phải căng thẳng mệt mỏi. 

alt


Đạo đế là con đường mà trong đó có những phương pháp đưa tới sự thư giãn. Yếu tố đầu tiên của hạnh phúc là biết thư giãn để chấm dứt sự lo lắng, sợ hãi. Đứng về phương diện sinh học thì chính sự căng thẳng tạo ra lo lắng, sợ hãi, bạo động và bệnh tật. Trong mình có tuyến yên, khi cảm thấy có tình trạng nguy hiểm thì tự nhiên tuyến yên tiết ra một chất hoá học trong máu, nội trong mấy giây sau chất hoá học đó đụng tới tuyến thường thận và nhả ra chất adrenalin, chất này vào trong máu thì sẽ khiến trái tim đập mạnh hơn để dồn máu tới hai chân hai tay và đôi mắt để đối phó với tình trạng nguy hiểm. Đó là phản ứng một là chống cự hai là bỏ chạy. Muốn chống cự hay bỏ chạy thì đều cần dùng tới rất nhiều năng lượng và cái các cơ năng khác phải dừng lại hết. Chất đó cũng khóa bộ máy tiêu hoá lại và không cho làm việc nữa. Lúc này cơ thể bị tạo ra sự căng thẳng. Nếu sự căng thẳng kéo dài thì nó sẽ làm hỏng bao tử và bộ phận tiêu hóa. Cho nên những người nào hay lo sợ rất có hại cho bao tử. Một thí dụ khác là trong lúc chạy đua thi đấu, trước khi người phát lệnh thổi còi cho bắt đầu cuộc thi thì đó chính là giây phút trong cơ thể các vận động viên tiết ra chất adrenalin. Nếu giây phút đó kéo dài quá lâu thì đương sự sẽ chết.

Đôi khi trong đời sống hằng ngày khi nghe tiếng điện thoại reo mình cũng lo. Có khi nhìn những tờ báo mình cũng thấy lo vì không biết cổ phần đang lên hay đang xuống. Tuy không có những lo lắng lớn hay nguy hiểm lớn xảy ra nhưng những lo lắng nhỏ trong đời sống hằng ngày cũng làm cho chất adrenalin tiếp tục được tiết ra và  nó cũng khoá bộ máy tiêu hoá lại khiến mình bị căng thẳng. Những căng thẳng ấy cứ dồn chứa mỗi ngày sẽ sinh ra đủ thứ bệnh. Mỗi khi căng thẳng thì hành động trở nên thô tháo và lời nói cục cằn sẽ làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình, làm hư hoại tổ chức, bè bạn của mình. Do đó phải nắm cho được phương pháp thư giãn để giải tỏa những  căng thẳng.

Những lúc ngồi thiền, thiền hành hay buông thư thì chất adrenalin không tiết ra. Buông thư toàn thân và nương vào hơi thở có ý thức thì trong mình bắt đầu có sự thư giản. Thở vào tôi ý thức đây là hơi thở vào, thở vào tôi sung sướng được thở vào. Thở vào tôi ý thức về thân thể tôi, thở ra tôi làm cho thân thể tôi thư giãn. Là một người thực tập, chúng ta phải biết nuôi dưỡng sự thư giãn trong mỗi giây phút. Khi làm việc với máy vi tính cũng có thư giãn mà đọc sách cũng thư giãn, lúc nào cũng thư giãn hết. Khi đi, phải đi sao cho  bình an mà không vội vàng như bị ma đuổi, khi ngồi thì phải ngồi như đang ngồi trên một đóa sen. Trong lúc thư giãn thì nhịp đập của trái tim sẽ chậm lại và hệ miễn dịch được tăng cường. Thư giản không phải chỉ là vấn đề thể chất và hình hài. Nếu trong tâm có điều bất an thì sự thư giản rất khó thực hiện, Do đó phải tổ chức lại đời sống hàng ngày để đừng bị áp lực quá nhiều, đừng để lo lắng, buồn khổ, muốn vậy thì phải quán chiếu cho sâu.

Khi có bạo động thì tức là trong thân thể không có sự buôn thư, cho nên phải tập thở, tập đi để nhận diện và ôm ấp những bạo động, giận hờn, bực bội trong mình. Nếu những tâm hành đó được ôm ấp thì tự thiên nó sẽ lắng dịu. Nền văn minh mới của chúng ta tạo ra rất nhiều căng thẳng, cho nên sự thực tập của mình là làm lắng dịu thân tâm. Mà muốn thư giãn thì phải có thực hành những pháp môn cụ thể như buông thư, thiền hành, ngồi thiền…, Cho nên phải là đạo đức ứng dụng chư không phải là đạo đức lý thuyết. Phải biết rõ rằng muốn có thư giản thì mình không nên làm gì và nên làm gì. Đạo đế được viết ra trong con đường bát chánh thì có chánh kiến và tà kiến. Các vị tổ sư giải thích chánh kiến là một cái thấy sâu sắc về bốn sự thật. Nhưng trí óc con người thường hay đi kiếm tìm sự thật của chân lý vạn hữu. Mình có ý muốn đi vào siêu hình học, thực thể học. Khuynh hướng hay phóng tâm ra vũ trụ và đăt những câu hỏi như, vũ trụ này từ đâu mà có? Những nguyên lý cai quản vũ trụ là những nguyên lý nào. Do những lý do này mà mình có siêu hình học và bản thể luận. Đức Thế Tôn rất thực tế, Ngài nói đừng phóng tâm ra vũ trụ bên ngoài, hãy đưa cái tâm về với tình trạng đích thực trong đó mình đang sống, phải nhận diện nỗi khổ đang có mặt, tìm ra nguồn gốc của khổ và phải tìm ra con đường thoát khổ. Rất là thực tế, hai chân chấm đất. Chánh kiến ở đây Đức Thế Tôn nói không phải là kiến thức về vũ trụ vạn hữu mà là về bốn sự thật. Mình phải có cái thấy khá vững chãi về bốn sự thật. Khi mới học về tứ diệu đế nghe nói về bốn sự thật, mình nói nó quá dễ nhưng thật sự thì mình chưa hiểu rõ về nó. Cách đây một năm có người hỏi Thầy là: “Thầy có hiểu hết về tứ diệu đế chưa?” Thầy trả lời rằng: “Chưa, tôi chưa hiểu hết, tôi vẫn đang trên con đường tìm hiểu”.

Muốn có được cái thấy sâu sắc đòi hỏi phải bỏ ra rất nhiều công phu tu tập. Phần lớn chúng ta chỉ nắm được ý niệm về bốn sự thật chứ chưa nắm được bốn sự thật, chúng ta không nắm được bản chất của một sự thật. Bốn sự thật tương tức, sự thật này nằm trong sự thật khác. Không hiểu được Khổ Đế thì không hiểu được Diệt Đế, ngược lại nếu không thấy được Diệt Đế thì không hiểu được Khổ Đế. Chánh kiến trước hết là cái thấy sâu sắc về bốn sự thật. Bốn sự thật tương tức với nhau, chúng không thể có mặt độc lập, chúng dính với nhau cho đến nỗi không thấy được cái này thì không thấy được cái kia. Khi nói tới chuyện trao truyền, khi không thấy được mình thì sẽ không thấy được cha mình. Chưa thấy được cha mình là ai thì không thấy được mình là ai. Khi thấy được sự tương tức của bốn sự thật thì tự nhiên mình cũng sẽ thấy được sự tương tức của các pháp. Tương tức là cái này chính là cái kia, cái này nằm trong cái kia, không có cái này thì không có cái kia. Không có sự thật nào có mặt riêng rẽ, cái này cũng gọi là “không”. Thí dụ như bông hoa, bông hoa do mặt trời, ánh nắng, đám mây…, cho nên bông hoa không có mặt riêng biệt, bông hoa đầy hết tất cả vũ trụ. Bông hoa là vũ trụ không có mặt riêng biệt. Bốn sự thật không có mặt một mình được, nêu không có bùn thì sẽ không có sen. Nếu như nhận bốn sự thật là riêng biệt thì mình rất sai lầm.

Trong Kinh Bát Nhã nói “không khổ, không tập, không diệt, không đạo”, bốn sự thật là không, bản chất của bốn sự thật này là bản chất của bốn sự thật kia. Sự thật thứ nhât được làm bằng sự thật thứ thứ hai thứ ba và thứ tư. Lấy sự thật thứ hai thứ ba thứ tư ra thì không có sự thật thứ nhất. Đó là tính tương tức của sự thật thứ nhất. Nếu thấy đựơc bố sự thật có liên hẹ với nhau thì mới đích thực là bốn sự thật

(Phiên tả pháp thoại của Sư Ông ngày 27.11
Người phiên tả: Sư cô Trí Nghiêm)