Tìm Hiểu Tính Nết


altXây dựng hòa bình sâu sắc nhất, hòa giải hữu hiệu nhất vẫn là tình thương.  Tình thương là nước trong rửa sạch tất cả vết thương và phiền não trong lòng.  Tình thương là thuốc trị hết tất cả chứng bệnh như tham lam, sân hận, si mê...  Tình thương hóa giải hận thù, làm bom đạn im tiếng, làm vơi đi nỗi khổ trong lòng người, đem lại nụ cười, đem lại tỉnh thức.

Tỉnh thức là sống dậy để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm có khả năng nuôi dưỡng tình thương trong mỗi ly nước, mỗi bát cơm, trời đất, thiên nhiên, mọi người, mọi loài.  Nhờ vậy, ta biết thương yêu, mới học được bài học thương yêu.  Tình thương là dinh dưỡng của con người giống như nhựa sống của cây.  Thiếu nhựa sống, cây sẽ không lớn lên mạnh khỏe để đơm hoa kết trái.  Cũng như thế, thiếu tình thương con người sẽ trở nên cằn cỗi, héo mòn và cô độc.  Bông hoa hạnh phúc, tươi vui và giải thoát đều nở trên cây tình thương.

Con người của ta có nhiều khuôn mặt nên tình thương cũng có nhiều khuôn mặt.  Vì vậy cho nên có lúc tình thương đem lại hạnh phúc, nhưng cũng có lúc tình thương đem lại khổ đau.  Ta hãy dùng con mắt chánh niệm để chiếu vào thực tại thương yêu ở trong lòng.   Hiện giờ thương yêu trong ta là gì?  Tình thương ấy có bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu vướng mắc, bao nhiêu đam mê, bao nhiều buồn tủi, bao nhiêu đòi hỏi?  Ta hãy nhận diện cho rõ mặt mũi của nó để đưa tình thương càng ngày càng trong sáng hơn, thiêng liêng hơn và thanh thoát hơn.

Thương yêu là một nghệ thuật cần được tu luyện như đánh đàn, thổi sáo...  Càng học thương yêu, càng nuôi tình thương, ta càng có khả năng thương yêu.  Đi tu là để học thương yêu, để tập thương yêu.  Đại từ đại bi là danh hiệu để xưng tán đức Thế Tôn.  Là học trò của Ngài tại sao tình thương của ta lại khổ đau đến thế?  Tại sao ta không dám thương yêu?  Tại sao càng ngày ta càng co rút, côi cút và lẻ loi một mình?  Bởi vì cây tình thương trong ta đang chết dần chết mòn.  Ta sợ hãi con người.  Ta sợ hãi thương yêu.  Cuộc đời đã làm cho ta đau khổ, tình thương đã tạo ra những vết thương rướm máu trong tâm hồn của ta.  Đúng như thế!  Nhưng thương yêu không phải là nguồn gốc của khổ đau, bởi Thế Tôn là gốc của đại từ, đại bi tức là tình thương lớn.  Khổ đau là vô minh, là chiếm hữu, là độc tài, là si mê.

Ta hãy bình tâm nhìn lại tình thương trong ta.  Nếu không hiểu được bản chất tình thương thì suốt đời ta vẫn chưa biết thương yêu cho dù ta là mẹ, là cha, là thầy, là sư chị, là sư em...

Muốn trồng một chậu hoa lan thì ta phải hiểu được bản chất, chân như của nó.  Hoa lan cần ánh sáng nhưng không chịu nhiều nắng.  Hoa lan đưa ra nắng mạnh thì nó sẽ mau tàn, mau chết.  Rễ của nó không thể ngâm lâu trong nước mà chỉ cần nước vừa đủ như thấm sương.

Ở tu viện Rừng Phong, có một cây hoa lan thiếu sự săn sóc nên những ngọn lá nhăn nheo, tàn úa.  Anh em xa tu viện gần ba tháng nên nó không được săn sóc, vun tưới và thương yêu.  Thấy vẻ tàn tạ của nó, Lang cảm thấy xót thương quá, tội nghiệp quá!  Lang chăm sóc cho nó mỗi ngày.  Ngày nào Lang cũng xịt nước, săn sóc và chú ý tới nó.  Mầu nhiệm thay! Chỉ trong một tuần sau những chiếc lá bắt đầu căng ra, xanh tươi và mạnh khỏe.  Suốt mùa thu ấy, Lang tiếp tục để nhiều thì giờ săn sóc và thương yêu cho nó nên cây lan đâm ra được vài ngọn lá xanh non trông thật là dễ thương.  Sự sống thật là mầu nhiệm. Chỉ cần thương yêu có mặt thì sự sống được hồi sinh.  Mùa xuân năm sau, cây lan ấy cho ra một cành bảy bông màu hồng thật là xinh đẹp.  Lang cũng có nuôi thêm ba cây hoa lan khác để cho chúng có bạn.  Cây nào cũng nở hoa xinh đẹp.  Hoa lan tiếp tục nở xinh tươi trong suốt mùa xuân cho đến hết mùa hè đã đem lại cho Lang thật nhiều hạnh phúc.

Tới tháng Bảy, Lang bay qua Pháp để tham dự khóa tu mùa hè nên Lang cẩn thận giao lại cho một sư em săn sóc những chậu hoa lan ấy.  Hai tuần sau, Lang gọi về thì tất cả bông hoa lan mỹ miều, xinh đẹp kia đều héo tàn.  Nghe sư em nói mà Lang cảm thấy đau lòng!  Sư em bảo là những bông hoa lan nhớ Lang nên chúng nó héo nhưng Lang biết hoa lan cần sự săn sóc tận tình.  Nó cần xịt một ít nước mỗi ngày, cần ánh sáng nhẹ và cần nhất là tình thương. Trong khi đó, cây xương rồng không cần nhiều nước nhưng cần nhiều nắng.

Cho nên muốn nuôi cây để cho cây đơm hoa kết trái thì phải hiểu được bản chất, tính nết của mỗi loài cây, chứ không phải cây nào cũng tưới nước như nhau, không phải cây nào cũng dang ngoài nắng như nhau.  Có cây chỉ ưa dim hoặc nắng nhẹ do đó nắng mạnh sẽ thiêu cháy nó.  Không hiểu chân như của cây, ta sẽ không biết thương cây.

 

Thạch Lang