Cái Biết Thấu Suốt

http://www.nvhb.net/uploads/images/1211826996_ngon%20nen%20don.jpgTôi thực sự quan trọng cho mọi người Đề tài chúng tôi nói chuyện hôm nay có tính cách chuyên sâu trong nhà thiền, đó là Cái biết thấu suốt. Các Thiền sư thường nói: “Gặp tay kiếm khách nên trình kiếm, chẳng phải nhà thơ chớ hiến thơ”. Nghĩa là người tu hành gặp được thiện hữu tri thức đồng tu đồng hạnh với mình mới nên trao đổi bàn luận. Giống như kiếm khách gặp kiếm khách thì trình kiếm thuật, thi sĩ gặp thi sĩ mới nói thơ. Ngoài ra không phải đồng chí đồng hướng chớ nên luận bàn với nhau.

Người tu phải có mắt sáng, không thể lẫn lộn được. Nếu lẫn lộn người kia không thể đem những sở trường chuyên môn của họ trao đổi với mình, và bản thân chúng ta cũng không thể tiếp thu được những gì hay quý của người. Chúng ta tu tập cần phải có cái biết chính chắn, thấu suốt. Có thế đường tu mới không thoái chuyển, công phu không sai lạc, không bị lay chuyển bởi các tác động chung quanh.

Trước tiên, chúng tôi muốn nêu lên “cái biết” thông thường trong đạo Phật là biết thân này huyễn mộng không thật. Nếu chia chẻ thân tứ đại giả hợp này ra, chúng ta thấy từng tế bào,  máu mủ, da thịt, gân xương… không có thứ nào tự nó có thể tồn tại được. Thế mà chúng ta cho nó là thật, là đẹp rồi sanh đắm mến yêu thích. Cho nên chủ đích Phật dạy chúng ta nhận ra được lẽ thật nơi thân tâm hư vọng này. Thấy rõ bản chất không thật của nó công phu mới tăng tiến, nếu không chúng ta cứ khư khư ôm giữ bảo vệ nó thì làm sao nhận ra được cái chân thật của chính mình.

Phật dạy thân này không thật, nhưng nếu chúng ta không mở mắt tuệ ra nhìn thì nó thật đấy. Miệng nói không thật nhưng đụng chuyện thì thật hết, nên phát sinh vấn đề. Vì vậy nếu công phu không khéo, chúng ta sẽ khó buông bỏ, khó khắc phục được những nghiệp tập lâu đời của mình. Nếu không có tầm nhìn xa, thấy rõ con đường luân hồi sanh tử khó dừng dứt, thì chúng ta sẽ bị nó xoay chuyển mãi không có ngày cùng. Người thật tâm tu hành phải khẳng định không chạy theo những thứ hư giả đó, chỉ một bề chuyên nhất vào thiền định để phát sinh trí tuệ.

Trong đời sống chúng ta, bao nhiêu việc chi phối khiến cho tâm phải tán loạn, dong ruổi theo ngoại cảnh. Như sáng ra sửa soạn ăn uống, đi chợ, làm việc… loay hoay tới trưa chiều tối, thế là qua một ngày. Năm tháng chồng chất, già chết đến nơi vẫn chưa tu tập được gì. Sự việc cứ xoay vần như vậy khác nào bánh xe lăn tới lăn tới với vận tốc không có lực gì cản được. Nhà Phật gọi đó là bánh xe luân hồi. Thế mà ta vẫn chưa lo được việc của chính mình, quả thực là đáng thương!


Bài pháp đầu tiên Phật giảng cho năm anh em ngài Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển là bài pháp Tứ Đế. Đây là Khổ, đây là Tập nhân của khổ, đây là Diệt, đây là Đạo diệt khổ. Những vị đệ tử được nghe bài pháp đầu tiên này, chẳng bao lâu đều chứng đạo. Phật nói không nhiều, nhưng chư đại đệ tử lại mau chứng quả, là vì các Ngài nhận ra được lẽ thực rõ ràng như vậy, do niềm tin chắc thực và trí tuệ phát sinh nên việc thành tựu đạo quả không khó. Đến phút lâm chung, Phật nhắc lại: “Các Tỳ-Kheo, các ông có vấn đề gì đối với pháp chưa thông, hãy đem ra thưa hỏi, ta sẽ chỉ cho. Mai kia không còn ta nữa, chẳng có ai chỉ cho các ông”. Phật hỏi đôi ba lần như vậy, nhưng các thầy trả lời rằng: “Giả như mặt trăng có thể nóng, mặt trời có lạnh, nhưng pháp của Phật dạy, chúng con đã thấu suốt, không có sự thay đổi”. Nếu chúng ta có được sự nhận biết sâu chắc như vậy thì công phu nhất định sẽ thành tựu, không nghi. Giản dị thế thôi.

Điều thứ hai, tôi muốn nói “cái biết” đối với các trần cảnh tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Những trần cảnh này không là gì hết nhưng nó quấy rầy chúng ta chẳng thua gì thân tứ đại đã nói ở trên. Hương vị, âm thanh, màu sắc… ta biết nó là giả đó, nhưng buông thì buông không được, quí vị có thấy điểm này không? Cho nên đối với người học Phật, chủ yếu phải làm sao thể nghiệm, nếm trải chứ không thể nói suông. Giống như người đói bụng nói ăn mà không chịu ăn thì không bao giờ no được. Lời Phật như vậy, các bậc thiện hữu tri thức đã hướng dẫn, phần chúng ta là thực tập, thể nghiệm, thực chứng, thực thấy đúng như vậy, niềm tin mới không lay chuyển. Được thế, nguyên ủy của mọi vấn đề sẽ bật tung, tức khắc ta bình yên thôi.

Ví như nhà mình bị ăn trộm, nhưng ta biết rõ những kẻ ăn trộm này là ai, vô nhà lúc nào, đường đi nước bước ra sao thì đâu còn sợ nữa. Chỉ cần bày một cái bẫy là tóm được cả bọn. Nếu ăn trộm vào nhà mình không biết mới đáng sợ. Đã không biết thì dù trong nhà có một chục người, cũng lo ngại tên ăn trộm mười hai, mười ba tuổi như thường. Cho nên biết được ăn trộm là ai, nó vô bằng cách nào, đường đi nước bước ra sao, ta nắm hết thì không sợ. Việc tu cũng vậy, ta biết rõ mặt mũi thật của lục trần là hư giả thì chúng không làm gì được ta. Chỉ sợ nó giả mà ta vẫn cho là thật thì bị nó nắm mũi lôi đi thôi. Chúng ta tu là phải chủ động đối với các pháp. Chủ động như thế nào?

Phật tổ đã dạy ta dùng trí tuệ quán chiếu thấy rõ các pháp không thật, không bền chắc, vô thường sanh diệt không ngừng. Như vậy có gì phải buồn khổ trước sự được mất của nó. Công phu lâu ngày như thế, mình thể nhận bản tánh của các pháp rồi gọi là chứng đạt, mà thật ra không có chứng đạt gì hết. Do đó ta không bị chi phối bởi được mất, hơn thua, phải quấy… không phải giải thoát là gì? Buổi sáng nào bất thần nổi sân lên ta liền ngồi lại xem sự kiện nào khiến cho mình như thế? Trời, mây, cây, gió, chim, người, xe, âm thanh những thứ này có tay có chân kéo lôi chọc ghẹo cho mình sân không? Xét mặt này mặt nọ cuối cùng té ra sân gốc từ mình. Cái u nhọt nằm sẵn đó, ta không trị nó nên gặp duyên bên ngoài tác động nó liền vỡ ra. Khi tự thấy mình vô lý nổi sân thì tự nhiên sân đã giảm đi, dần dần nó lặng hết. Vì vậy nuôi dưỡng những u nhọt bên trong là làm hỏng đi tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình. Biết rõ như vậy ta sẽ có phương thức hóa giải các thứ phiền não và được an lạc ngay trong hiện tại.

Tất cả những vướng mắc trở ngại trên đường tu hành của chúng ta đều do sự tỉnh giác không liên tục, công phu bị gián đoạn nên ta không đủ đạo lực vượt qua phiền não nghiệp tập,  có khi dẫn đến thoái tâm Bồ-đề. Cho nên đối với trần cảnh, các duyên bên ngoài, những niệm lăng xăng trong tâm, chúng ta phải luôn nhớ tỉnh táo, nghiêm khắc với chính mình mới không bị lung lay. Chúng ta học lời của Phật, áp dụng vào đời sống tu tập của mình thì sự hiểu biết đó mới thấu đáo. Còn ba hoa bên ngoài thì đụng việc là té quỵ ngay. Đó là “cái biết” thứ hai.

Điều thứ ba là nhận ra mình có “cái biết” chân thật hiện hữu không bao giờ vắng thiếu, đó là tâm Phật của chính mình vậy. Hòa thượng thường dạy chúng ta phải nhận, phải biết, phải sống được với tánh giác của mình. Chúng ta tụng kinh niệm Phật hay tọa thiềnv.v… tựu trung để nhận lại khả năng thành Phật của chính mình mà thôi, chứ đâu phải tụng đọc cho Phật nghe. Thành ra “cái biết” này là biết mình có tâm Phật, có tánh giác. Làm sao trong mọi công phu, mọi sinh hoạt ăn nghỉ, tiếp xúc, làm việc, tụng kinh, ngồi thiền, tiếp khách, tất cả mọi thi vi động tác của mình, ta đều tập trung phát huy “cái biết” đó, duy nhất một việc này thôi, không có việc khác.

Tu tập nếu không có ý chí phấn phát thì khó phát huy được tánh Phật nơi mình. Cho nên chúng ta phải phấn chấn trong từng công phu, từng phút giây. Mỗi ngày một chút, liên tục như vậy, lâu dần công phu tích lũy chúng ta có đầy đủ đạo lực phát huy được Phật tánh của mình. Nói đến đây tôi nhớ Phật dạy về giới học. Giới là biệt giải thoát, tức ta giữ giới nào thì được một phần giải thoát, một công đức của giới đó. Mỗi một giới, mỗi một phút giây mình giữ được, làm chủ được là có một phần năng lực. Năng lực đó điều động được toàn bộ thân tâm của chúng ta trong mọi vận động thi vi, nó thể hiện thành diệu dụng của tâm nhưng vẫn bất động trên thể tánh. Đây là kết quả từ công phu tu tập ba môn học giải thoát giới định huệ mà ra. Người thế gian không tu theo phương pháp Phật dạy thì không làm sao có năng lực đó.

Như câu chuyện tiền thân của Phật, Ngài tu hạnh nhẫn nhục trong rừng già. Hôm ấy, nhà vua cùng một đoàn thể nữ vào rừng dạo chơi. Khi thấy vị tiên tu khổ hạnh diện mạo phi thường, các cô cùng nhau cúng dường. Vua rất bực bội, sau khi đoàn thể nữ đã về cung, nhà vua xách gươm tới hỏi tiên nhân: “Nhà ngươi làm gì ở đây?” Vị tiên đáp: “Tôi tu hạnh nhẫn nhục”. Vua liền chém vào một cánh tay của tiên nhân rồi hỏi: “Ông làm gì ở đây?” - “Tôi tu hạnh nhẫn nhục”. Vua chém tiếp cánh tay còn lại rồi cũng hỏi như thế. Tiên nhân vẫn bình thản đáp: “Tôi tu hạnh nhẫn nhục”. Vua lại chém tới chân, tới thân, hết thân phần này đến thân phần khác, nhưng tiên nhân vẫn không hề thay đổi sắc diện, bình thản và nhu hòa. Cuối cùng nhà vua sảng sốt, hỏi: “Ông có giận tôi không?” Tiên nhân đáp: “Tôi tu hạnh nhẫn nhục, làm gì có chuyện giận”. Nhà vua không tin, hỏi: “Lấy gì làm bằng chứng là ông không giận?” Tiên nhân liền nói “Nếu lời của tôi hôm nay là thật thì cho tất cả những thân phần bị chém của tôi hoàn lại như cũ”. Tiên nhân vừa dứt lời, tức thì những thân phần bị chặt hoàn lại nguyên hình. Nhà vua sảng sốt quỳ lạy sám hối không thôi.

Đức Phật nhờ tu hạnh nhẫn nhục ba la mật viên mãn mà độ được người đầu tiên chính là người hại Ngài. Năng lực của các Ngài to lớn dường ấy là nhờ an trụ trong tánh giác mới có thể hành nhẫn lực một cách rốt ráo như vậy. Nhờ ở trong thể bất động, vị tiên tu hạnh nhẫn nhục không biết sợ sệt. Ngài thấy rõ thân này không thật, nên tay không thật, chân không thật, đầu mình cho đến tủy não gân xương… tất cả đều không thật hết nên bị chém bị chặt mà Ngài vẫn bình thản an nhiên. Việc này quả là khó chứ không phải dễ, nhưng với người quyết tâm tu hành, không sớm thì muộn chắc chắn sẽ thực hiện được. Muốn thành Phật thì phải trải qua những khó khăn thử thách như vậy, chứ chỉ đi chùa thường thường mỗi tháng, nghe kinh rồi về nhà để đó, làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, thì mộng thấy Phật còn chưa được, nói gì đến thành Phật.

Khi chúng ta đã tin tâm mình rồi, bắt đầu công phu từng giai đoạn, dần dần sẽ nhận được những diệu dụng phi thường của tâm. Chừng đó ta thấy tất cả các việc bên ngoài không là gì. Như người trong nhà có bạc muôn bạc triệu thì việc xuất ra năm ba trăm ngàn không thành vấn đề. Trái lại người xin năm đồng mà ta chỉ có hai đồng hoặc không có đồng nào hết thì thật là khó. Ở đây người con Phật nếu vững niềm tin vào tánh giác của mình trùm khắp, sáng suốt, diệu dụng phi thường thì lập tức ta trở thành trưởng giả giàu có vô lượng. Dù hiện tại chúng ta không có địa vị, không có tiền của gì hết, nhưng hạnh phúc vẫn tràn đầy vì kho báu mình có không phải được tính bằng của cải vật chất thế gian. Giả dụ chiều nay thiếu cơm, mình hơi đói bụng một chút nhưng cũng đâu có chết. Và nếu như có chết, chỉ là thân giả này chết thôi, chứ tâm bất sanh bất diệt ấy đâu có chết. Công phu tu hành đến được như vậy thì sẽ thống khoái, bình an, tự tại biết mấy!

Vì vậy người quyết tâm tu thì phải đầy đủ niềm tin vào công phu mới có thể nhận ra tâm thật của mình, chứ không thể cầu nguyện hay ỷ lại vào sự trợ giúp của Phật, Bồ-tát. Nếu tu hành mà không nhận và sống được với tánh giác thì còn đau khổ lắm. Ai nói gì mình cũng bị động, thấy mất mát, bức xúc, giận hờn, khổ sở… Trong Duy Thức Học diễn tả hai mươi mấy thứ: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siễm, hại, kiêu… đủ thứ chuyện. Tu hành thế nào để hóa giải tất cả những thứ phiền não ấy, khiến cho nó lặng xuống hết thì chúng ta mới được yên.

Trong nhà Phật, trí tuệ là điều kiện tiên quyết nhất để đột phá mọi vô minh tăm tối, cản trở bước tiến đạo của hành giả. Cho nên người tu không thể thiếu trí tuệ. Mở cửa trí tuệ mới có thể tiến vào ngôi nhà thật của chính mình. Nhờ có trí tuệ chúng ta mới nhận ra và sống được với ông chủ. Lâu nay chúng ta ở ngoài căn nhà, từ cửa này nhìn vào, từ cửa kia nhìn vào… nhưng chưa vô nhà. Chỉ khi nào vào bên trong, bỏ tất cả bụi bặm bên ngoài, nhận lại ngôi vị chủ nhân rồi, ta mới thật sự ấm no hạnh phúc, chấm dứt kiếp cùng tử lang thang đói rách. Tuy nhiên, việc nỗ lực tu tập của chúng ta còn tùy thuộc vào nhiều nhân duyên, tùy theo nghiệp tập, tùy thuộc thiện hữu tri thức, tùy túc duyên của mỗi người và nhất là tùy thuộc vào sự quyết tâm của mình mà chúng ta có những bước dài ngắn khác nhau. Song nếu đã lên đường thì chắc chắn sẽ về đến nhà không sớm thì muộn vậy thôi.

Phật kể câu chuyện một con chồn hoang thế này. Nó ở giữa rừng, nương theo các loài hổ báo để ăn thức ăn thừa, vì không tự kiếm mồi được. Con chồn hoang này ham ngủ, hôm đó nó ngủ quên trong góc nhà nó chui vào để kiếm ăn. Sáng ra chủ nhà phát hiện được, nó thấy cái chết nắm chắc trong tay, không biết tính sao,  bèn giả chết. Mọi người trong nhà đổ tới xem, trong đó có người nói cần lỗ tai của con chồn, liền lấy dao cắt lỗ tai. Chồn ta đau quá nhưng lỡ chết nên không dám nhúc nhích. Cứ thế có người cần cái đuôi, cái răng… con chồn bị mất dần mất dần những bộ phận trong thân thể của mình. Nó tự nghĩ nếu thế này liệu mình có chịu nổi không, cuối cùng nó quyết định không thể nằm đây giả chết nữa. Nó gom hết năng lực còn lại, nhảy một phát vọt ra cửa chạy tuốt. Nhờ thế nó thoát chết.

Chúng ta cầu thoát khổ cũng lại như thế, già đến vẫn cho là thong thả, không chịu quyết đoán tinh tấn. Không khéo chúng ta cũng giống tình huống của con chồn kia. Già, bệnh rồi chết sẽ không tha cho ai hết, đừng nói người lớn tuổi, ngay người nhỏ tuổi bị bệnh ngặt cũng qua đời ngay bây giờ như thường. Nhưng chúng ta thường quên điều đó, hồi đau thì tỉnh nhớ phần nào mạng sống mong manh, nhưng khi hết đau ta lại bình thường, không còn nhớ đến tử thần nữa.

Ngày xưa tôi có một người huynh đệ vui tính. Anh rất yêu đời, không chọc giận ai nhưng ít chịu tụng kinh, tự cho sống như vậy là được rồi. Sau khi thi tú tài xong, anh bị bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy. Vì mới tu nên không có bổn đạo, gia đình cũng chẳng thấy ai đến thăm, hẩm hiu lắm. Nhìn cảnh người bệnh đau đớn khổ sở, anh ngán quá nên đến giờ mọi người ngủ, anh rán dậy ngồi thiền. Hôm chúng tôi vô thăm, anh vui vẻ nói nhờ bệnh phen này tu khá lắm. Cảnh bệnh nhân rên la đau đớn quoằn quại, cảnh người chết… diễn ra hằng giờ hằng phút làm anh chợt nhớ đến thân phận mình, nên lo tu dữ. Đến khi khỏe mạnh được xuất viện, chúng tôi hỏi: “Lúc này còn ngồi thiền không?” Anh đáp tỉnh “mạnh rồi thôi”.

Tôi kể câu chuyện này để thấy khi đối diện với những hiểm nguy hay gần kề cái chết, con người ta mới rán tu. Nhưng sau đó, trở lại đời sống bình thường người ta dễ duôi, thả lỏng mặc tình tới đâu hay tới đó. Thói quen của con người là như vậy. Cho nên Phật cảnh tỉnh chúng ta trong từng phút giây, chư Tổ cũng thường dạy cần tu như cứu lửa cháy đầu, không nên xem thường để ngày tháng trôi qua, quỷ dữ vô thường đến thì không xoay sở kịp.

Giống như con chồn bị cắt lỗ tai là hiện tượng già đến, ai cũng trải qua. Lẽ ra thấy vậy ta lo tu, nhưng mình lại nghĩ chưa sao, sống theo thói quen phóng túng. Đến lúc con chồn bị cắt cái đuôi là như ta đối diện với bệnh tật đau đớn, cũng chợt tỉnh nhưng sau đó bớt bệnh lại nguôi ngoai, không chịu tu. Đến giai đoạn con chồn bị bẻ răng là già bệnh chết chập chờn trong cuộc sống, ta hoảng sợ mới lo tu gấp thì có khi kịp nhưng lắm lúc cũng muộn mất rồi. Nếu chúng ta là người thức tỉnh thì chỉ cần một sự đổi thay nhỏ cũng đủ lực cho mình phấn chấn, quyết tâm thực hiện việc tu hành tới nơi tới chốn, đợi tử thần lảng vảng trước mặt mới chạy thì đâu còn kịp nữa.

Nói lên điều này để trở lại vấn đề làm sao chúng ta tin được tâm mình. Chỉ khi nào thấy tất cả mọi sự chung quanh là không thật, buông được vọng tưởng trong tâm thì mới nhận ta tánh giác của mình. Từ những sự kiện hằng ngày, những điều bất an, những trắc trở trong đời sống thường nhật, chúng ta tu được mới thể hiện năng lực làm chủ của mình như thế nào.

Trong kinh A-hàm kể lại thời đức Phật còn tại thế. Có một phụ nữ ôm xác đứa con trai duy nhất của bà vừa mới chết đến cầu Phật cứu sống. Nhìn thấy bà đau đớn quá, Phật không nỡ từ chối nên bảo: “Nếu tìm được một chút tro của nhà nào từ xưa đến nay chưa có người chết đem về thì ta sẽ cứu được con ngươi”. Thế là người phụ nữ ấy rảo chạy cùng khắp từ phố thị tới thôn quê, khi đã kiệt sức bà quay trở về thưa với đức Thế Tôn: “Con tìm không ra chút tro của nhà từ xưa đến nay chưa có người chết”. Bấy giờ đức Phật mới nói: “Như vậy trên thế gian này đâu phải chỉ một mình con mới có người thân chết. Ai cũng phải thế, có ai thoát được luật vô thường đâu, con không nên đau lòng đến thế”. Bà ta nghe đến đây chợt hiểu được ý Phật nên thức tỉnh đem xác con trai chôn cất tử tế rồi quy y Phật, phát tâm tu hành.

Nếu chúng ta không nhận ra điều này thì vẫn cứ vui sướng trong ngọn lửa vô thường đang từng phút thiêu đốt mình. Cứ mặc tình ngược xuôi chạy đuổi theo ngũ dục, chưa thấy thân này là giả, cảnh này không thật, tâm vô thường sanh diệt không dừng, nên chưa nhận ra được ông chủ của mình. Bây giờ nếu chịu phản tỉnh dừng lại, soi xét cho kỹ những sự kiện đó thì chúng ta mới có thể tự cứu lấy mình khi các khổ đến bức bách ép ngặt.

Một là ta thường quán niệm tại sao con người không tránh khỏi sự già nua? Quán niệm như thế, tự nhiên chúng ta phấn phát trong việc tu hành để hóa giải cái khổ của già. Thân tứ đại này già nhưng tâm không hề già, do đó ta không bị khổ vì già. Cho nên người tu Phật là người rất tích cực, phấn đấu vươn lên chứ không phải bất đắc chí, đầu hàng. Nên biết chỉ có trí tuệ mới vào được cửa này.

Hai là thường quán niệm tại sao con người ai cũng phải chịu tật bệnh ốm đau? Chính những điểm này là động lực thúc đẩy mạnh Thái tử Sĩ Đạt Đa quyết tâm xuất gia tìm đạo. Ngài thấy những sự kiện đó rồi nghĩ đến thân phận mình cũng sẽ như vậy nên mau chóng tìm lối thoát. Khi biết rõ thân này do bốn chất nghịch nhau hòa hợp mà thành thì gốc của nó là mâu thuẫn, nên bệnh tật phát sinh là chuyện bình thường. Biết rõ như vậy ta không còn gì phải lo sợ nữa. Bệnh thì uống thuốc, còn duyên thì thân mạnh khỏe, hết duyên thì thân tan hoại, việc ấy vốn như vậy từ xưa đến nay. Đó là ta đã được tự tại trước cái khổ của bệnh.

Ba là thường quán niệm con người không ai không tránh khỏi cái chết. Bởi những gì do duyên hợp cũng phải ly tán. Sống chết là sự chuyển đổi liên tục trong vòng nhân duyên quả báo mà thôi. Nhờ quán như thế ta không sợ chết, mà chỉ sợ không chuyển được các nghiệp xấu, do đó nỗ lực tu hành để chuẩn bị cho chặng kế tiếp tốt hơn. Nếu được tốt hơn nữa, chúng ta nỗ lực tu dứt nghiệp, nhận ra được tánh giác của mình, chấm dứt dòng sanh tử, vĩnh viễn không còn bị các thứ khổ sanh già bệnh chết bức bách quấy nhiễu nữa. Đó là chúng ta thành tựu được sở nguyện duy nhất của mình.

Ngoài ra chúng ta còn phải quán niệm về các nỗi khổ như thương mến mà bị sự chia lìa, thù ghét vẫn cứ gặp gỡ, mong muốn nhưng không được toại nguyện, thân năm uẩn này luôn luôn thay đổi lấn át nhau không dừng. Nhờ những quán niệm ấy chúng ta không còn đắm luyến hay lo sợ về thân, về cảnh và mọi sự thay đổi chung quanh ta. Phật dạy chúng sanh có mặt ở đây là do quả báo, nợ nần từ nhiều kiếp. Bây giờ đền trả cho xong, rồi mỗi người tự lo giải thoát cho mình. Đức Phật cũng thế, Ngài sống trong đau khổ nên tìm đường thoát ra, cuối cùng được tự tại và chỉ dẫn lại cho chúng ta.

Bao giờ chúng ta chịu tu, chịu soi xét quán chiếu như thế sẽ thấy diệu dụng của sự tu. Tuy ta chưa sống được hoàn toàn như lời Phật dạy nhưng thấy biết được phần nào thì sáng ra phần đó. Công đức sâu dày là ở chỗ tu hành, chứ không phải năm tháng chúng ta vào đạo lâu hay mau. Trong khi tu hành, tùy theo căn nghiệp của mỗi người mà ta có cách áp dụng pháp Phật vào đời sống tu tập của mình. Về điểm này không ai giống ai, nhưng trí tuệ đạt được phải sáng suốt, đúng như pháp thì công phu mới không bị sai lạc. Từ trí tuệ mà nhìn, chúng ta thấy biết thấu suốt tánh thật của muôn pháp. Nhận rõ thân này không thật, tâm vọng tưởng không thật, ta dễ dàng hóa giải mọi nghiệp tập trong hiện đời cũng như quá khứ. Cho đến sự chi phối của vô thường cũng không làm gì nổi chân tánh ta.

Hôm nay tôi tạm nêu dẫn về “cái biết” thấu suốt có sẵn nơi mỗi chúng ta, nhằm nhắc nhở huynh đệ mình cùng nhau sách tấn tiến tu. Hãy giữ vững niềm tin, ý chí và nghị lực chắc chắn chúng ta sẽ thành tựu được sở nguyện không khó. Bởi vì kho báu nhà mình nằm sẵn đây rồi, chỉ cần chúng ta khéo nhận ra thì hết kiếp đói rách lang thang.

Chúc tất cả có được trí tuệ sáng suốt khi dụng công tu hành để nhận ra “cái biết” thấu suốt sẵn có nơi mình.

Hòa Thượng Thích Nhật Quang