Thiền làm cho con người đạt trí siêu việt


Thiền định được nói đến ở tất cả các tôn giáo cổ xưa nhất với khái niệm định tâm. Những người có định tâm (sức tập trung của tâm) có thể “ru ngủ” các hoạt động của lục phủ ngũ tạng, có thể bắt trái tim làm việc theo ý muốn, có thể nhịn thở lâu ngày, lệnh cho máu ngưng tụ, có thể sinh tử tự tại, có thể bay lên hư không, có thể biết rõ quá khứ vị lai của mỗi người, có thể hiểu rõ tâm ý của người mới gặp lần đầu và đọc được suy nghĩ của người ấy. Thiền mang đến cho con người chân lí sống đẹp tuyệt vời, sống vì người khác nên các tôn giáo cổ nói về thiền như phương pháp sống cao đẹp. Thiếu thiền như thiếu tất cả. Vì con người thiếu nếp sống thiền sẽ không có được năng lực tâm linh để vượt qua khổ ải của “sinh, lão, bệnh, tử” kèm theo hàng trăm nghìn nỗi khổ khác trong đời.
alt

Các nhà triết học cổ điển Trung Quốc cũng như ở nước ta từ xa xưa đều dạy: “Phải quên chân đi cho hợp với giầy, quên lưng đi cho hợp với dây nịt (thắt lưng), quên phải trái để hợp với tâm, quên mình để hợp với đạo”. Hồi giáo cũng ca ngợi thiền định. Giáo phái Xô-phi đi sâu vào thần thông bùa chú hô phong hoán vũ (gọi gió gọi mưa). Bồ đề Lạt ma sư tổ thì dạy khí công phi thân, hoá giải độc dược. Thiền và khí công giống nhau ở chỗ tịnh tâm, điều hoà hơi thở. Những người có khả năng đặc biệt như nhìn thấu được từ trong ra ngoài cơ thể, nhìn vào lòng đất, nhìn xuyên núi xuyên sông, nhìn được bệnh tật, khối u đều lấy định tâm làm tôn chỉ.

Có lẽ văn minh trí tuệ nhân loại trong tương lai sẽ lấy thiền làm cơ sở khai trí khai tuệ. Có những sách còn nói đến mục đích khác của thiền như:

Thiền để tìm sự bí ẩn của thần linh. Vũ trụ có bao nhiêu cõi: Thiên đường, địa ngục, có linh hồn (ma lành: Thần thánh; quỷ dữ; Ngại quỷ).

Thiền để tìm sự giao cảm với các đấng thánh thần, tìm những phép lạ trường sinh, khả năng tiên tri, sức chịu đựng phi thường: Đi trên lửa, dẫm lên dao bén, vùi trong tuyết, nhịn thở, đóng đinh vào người, nuốt kim chỉ vào bụng, chôn sâu xuống đất một thời gian nhất định v.v...

Khổng Tử dạy: “Con người đến với đạo đức bằng con đường thiền định”. Người tu thiền thấy lợi không ham (vì nghĩ đến điều nghĩa), thấy nguy nhưng để cứu người thì vẫn xông vào gánh vác, một lời hứa dù lâu cũng không được quên, thấy điều thiện cố làm như sợ không theo kịp, thấy điều ác cố tránh như thò tay vào nước sôi.

Người tu thiền sống điềm đạm, lễ phép (thô tục cục cằn, nham hiểm ti tiện là thú tính, đời sống càng văn minh bao nhiêu thì lễ phép, khiêm tốn khoan dung càng được đề cao bấy nhiêu). Có thể ví người tu thiền như một võ sĩ đạo bị một cái tát mà tim không đập mạnh và không đỏ mặt tía tai hùng hổ oán giận. Vì người ấy biết rằng lời nói ta giữ được thì ta là chủ (lời nói gói vàng), ta không giữ được thì ta là đầy tớ (lời nói là đọi máu). Người tu thiền biết sống cho ra sống, sống vui sống khoẻ, sống có ích tối đa cho gia đình, xã hội, không bao giờ phiền lụy ai và biết chết không hổ thẹn với đời. Người tu thiền biết quy luật vận hành của tạo hoá: Có sinh thì có tử, có lợi thì có hại, có vinh thì có nhục, có tốt thì có xấu, có giàu ắt có nghèo v.v... Không có gì một chiều và trường cửu bất biến nên được không vui, mất không buồn, sinh không mừng, chết không sợ, thản nhiên đến, thản nhiên đi như mặt trời đứng bóng thì tròn, về chiều thì xế bóng, như trăng qua rằm thì khuyết, cực thịnh thì suy, già thì bệnh rồi chết. Tất cả đều là quy luật muôn đời không ai chống đỡ được nên khẩn cầu than vãn khóc lóc đều không phải là nhân cách người tu thiền. Và nhờ thiền định con người mới đạt được trí tuệ siêu việt, đồng thời khi có trí tuệ siêu việt con người tự biết mình phải sống có đạo đức, nên Kinh Dịch nói “Cái trí là gốc của cái đức” là vậy.

 

Trong lịch sử Phật giáo người ta kể câu chuyện sau đây về đại sư Cưu Ma La Thập – người dịch kinh Pháp Hoa ra tiếng Hán.

“Vua Dao Tần rất kính trọng nhân cách và tài năng của Cưu Ma La Thập, muốn ngài có một người con nối dõi. Bởi vậy, vua thúc ép ngài lấy vợ. Khi sắp viên tịch ngài trăng trối: Ta bị ép buộc phải phá giới lấy vợ, nhưng ta tin rằng những gì ta đã khẳng định bằng lời về kinh Pháp Hoa không bao giờ phản lại ý định của Đức Phật. Nếu thật đúng như những gì ta nói thì riêng cái lưỡi của ta sẽ không bị cháy khi thân thể ta bị thiêu huỷ”. Sự thật, khi gia đình ngài thiêu nhục thân ngài, chỉ riêng cái lưỡi vẫn còn nguyên và phát quang sáng rực.

Cũng vậy ở Việt Nam, năm 1963, Bồ tát Thích Quảng Đức tẩm xăng châm lửa vào người tự thiêu phản đối Mỹ ngụy đàn áp đạo Phật mà không hề giật mình. Khi thân thể ngài đã cháy thành tro, quả tim vẫn còn đỏ tươi nguyên dạng. Thế mới biết sức mạnh của định lực và sự siêu diệu của quyền năng tâm linh


Tuệ đạt -Đào Quang Tiến